Đã 18 mùa phát sóng, Táo Quân không còn là chương trình giải trí đơn thuần mà trở thành một nét văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình dịp Tết đến. Đứng trước những thay đổi lớn về nhiều mặt, Táo Quân có còn là lựa chọn số một cho đêm giao thừa trọn vẹn?
Thấy Táo Quân là thấy Tết
Người ta yêu cái se lạnh ngày Tết với mâm ngũ quả, nồi bánh chưng đỏ lửa tối ngày. Có người xem không khí tất bật hay những cuộc vui làm điều hấp dẫn nhất trong mỗi dịp xuân sang. Nhưng đâu đó vẫn có người ôm trọn ngày quan trọng nhất của năm bên chiếc tivi rộn ràng tiếng cười của những nghệ sĩ trong Gặp nhau cuối năm, hay còn được gọi với cái tên thân thương khác là “Táo Quân”.
Với nhiều người, Táo Quân là lý do để cả nhà quây quần với nhau trước màn hình. Người lớn vỗ đùi đanh đách rồi cười sảng khoái trước câu hài trí tuệ mà duyên dáng, còn lũ trẻ con lại bay nhảy theo bài nhạc chế của Táo Giao Thông, Táo Văn Hóa,… Và không biết bạn có để ý rằng, có những khi dọn nhà trễ, ăn cơm đúng lúc có Táo mà thấy ngon miệng lạ kỳ. Vẫn là cơm mẹ nấu nhưng có tiếng của Nam Tào, Bắc Đẩu lại trở thành mỹ vị nhân gian. Vài điều nhỏ bé thôi, với Táo Quân, thế là thành Tết!
Những lời chưa kể phía sau sân khấu
Tạm gác lại những hào nhoáng cùng tiếng cười rộn rã trên sân khấu, hậu trường của Táo Quân là bao nỗi niềm khó nói. Thời gian đếm đến Tết với chúng ta rất chậm nhưng với những con người chạy đua cùng thời gian như các nghệ sĩ thì một giây cũng quý giá.
Thật khó để kiếm ra bài phỏng vấn về khó khăn của họ, phần vì không muốn thể hiện quá nhiều những gì ở phía sau hậu trường, phần vì nghề vì người mà tiếp tục nghiệp diễn. Những nghệ sĩ, họ có sức mà đương đầu với khó khăn và duy trì suốt 18 năm phần lớn là nhờ tình cảm của khán giả. Với người yêu Táo Quân như tôi, đều có những lý do riêng để đem lòng nhớ nhung chương trình mỗi dịp xuân về, và sự hi sinh cùng tình yêu khán giả của họ là một trong số đó.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu một ngày không còn Táo Quân, điều gì sẽ đánh thức hương vị Tết đến trong ta? Như cái đêm 30 năm 2019, khi Táo Quân bất ngờ dừng lại sau nhiều năm phát sóng đã để lại bao nỗi hụt hẫng. Nhiều người đợi từng giây để được coi Táo lại luyến tiếc và phải tìm một thú vui khác lấp đầy. Táo Quân từ lâu đã chiếm một phần quan trọng và trở thành “điểm tựa văn hóa” trong tiềm thức của bao người dân Việt mỗi dịp Tết đến xuân sang. Sẽ rất khó để tìm một chương trình nào có thể thay thế được Táo Quân và cũng rất khó để người xem hài lòng về sự hoãn lại hay thay đổi quá lớn từ Ekip chương trình.
Sự hồi sinh đầy hy vọng và câu chuyện “tre già măng mọc”
Năm 2022, năm thứ hai Táo trở lại tại cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô đã xuất hiện các “tinh tú” mới như Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi,… đánh dấu mốc cho cuộc chuyển đổi lớn tại Thiên Đình. Người khen lấy khen để, kẻ chê bai đủ đường nhưng Táo Quân đêm 29 vừa qua đã chứng minh một điều rằng các nhân tố trẻ đã có khả năng để thay thế và phát triển hài kịch châm biếm nói chung và Táo Quân nói riêng. Thế hệ sau vẫn còn nhiều lắm nhân tài và hãy cho họ đất diễn để tài năng được tỏa sáng, được tiếp tục làm nghề, và tạo ra những sản phẩm cho ngày Tết chúng ta thêm vẹn tròn.
Có một quy luật không thể thay đổi: Tre già Măng mọc. Bất cứ lĩnh vực nào cũng có những đọt măng vươn mầm trỗi dậy, rất thẳng rất khỏe, để chống chịu cái trách nhiệm, kỳ vọng của đàn anh đàn chị và khán giả. Dù không hề phủ nhận rằng Táo Quân đã chiếm giữ một vị trí quan trọng trong dịp Tết đến xuân về, thế nhưng không có xu hướng nào tồn tại mãi mãi. Theo năm tháng, có lẽ chương trình nên lột xác và mặc một tấm áo mới để hợp thời hơn.
Sự thay đổi nào cũng tạo ra tranh luận nhưng có khi sự thay đổi sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, tạo nên một truyền thống mới trong nếp sống hiện đại của chúng ta. Hãy cứ nhận xét và tiếp tục làm mới, chẳng phải đó vẫn là việc các thiên tài hay làm trước khi tạo ra phát minh đột phá hay sao?
Bài viết: Lan Hương Đinh
Hình ảnh: Ngọc Yến
S Communications
UEHenter.com