Mùa Oscar 2023 vừa qua, bộ phim Everything Everywhere All At Once đã thực sự “ăn nên làm ra” khi giành chiến thắng tại 7 hạng mục trong số 11 đề cử, trong đó bao gồm giải Phim Hay Nhất và Kịch Bản Gốc Xuất Sắc. Chính việc lồng ghép các thông điệp tinh tế, đặc biệt là sự xuất hiện xuyên suốt của những dạng tròn – đại diện cho thông điệp về cách sống – đã góp phần làm nên thành tựu của bộ phim.
Tròn – không là vẹn.
Nhắc đến “tròn”, bạn nghĩ về điều gì?
“Loại hình học kín không góc cạnh”, “Một kết cục hoàn hảo”, “Biểu tượng cho sự hoàn thiện”,… Hay khác lạ như ý tưởng của Everything Everywhere All At Once: “Một vòng tròn với phần giữa khuyết”? Phải, khai thác từ hình ảnh ít ai nghĩ tới, lấy vòng tròn làm tiền đề, bộ phim đã dần khơi mạch chảy dẫn đến những rắc rối đặt quanh nhân vật chính Evelyn Wang.
Cuộc sống của Evelyn rơi vào vòng luẩn quẩn khi công việc tại tiệm giặt là cứ ảm đạm qua năm tháng. Cuộc sống gia đình cũng chẳng khá hơn, cô như trung tâm của vòng bộn bề bao quanh bởi 3 người thân: Bố Gong Gong già yếu cần chăm sóc, chồng Waymond sống quá vô tư khiến cô phải bận tâm, con gái Joy tính tình không như cô muốn, lại trái ý cô khi cứ muốn công khai tình yêu đồng giới với Becky, thêm cả vấn đề giấy tờ thuế của gia đình cô bị thanh tra thuế khoanh đen, vặn vẹo hỏi vì Evelyn kê khai mãi chẳng đầy đủ, rõ ràng.
Hiển nhiên, tròn đâu chỉ mỗi dạng đầy, nó có thể là một vòng vấn đề bủa vây lấy bạn, xoay bạn chạy bên trong. Và thực tế ngoài kia, đã không ít người kể cả bạn từng đứng giữa vòng tròn nào đấy. Bạn có từng bị cuốn vào vòng học tập – thi cử mà quên chăm sóc bản thân? Từng đau đầu cân bằng, xoay sở giữa công việc – gia đình? Hay cảm thấy chơi vơi trước những lựa chọn trong đời?
Thế rồi, bạn phản ứng theo dạng tròn gì?
Lạc lõng tựa chiếc Bánh Vòng…
Nhìn thấy cuộc sống không hoàn hảo, nếu bạn thay thế niềm tin, ý chí sống bằng những phủ nhận hay hoài nghi về mục đích bản thân tồn tại thì đồng nghĩa rằng bạn đang dần trao quyền cho một hố đen mang tên Vô Định hút sạch mọi ý chí. Và cứ thế, một Jobu Tupaki trỗi dậy.
Trong Everything everywhere All At Once, Bánh Vòng tượng trưng cho sự tuyệt vọng khi phát hiện ra bản chất rỗng tuếch của cuộc sống. Phần vòng bánh màu đen chứa đựng tất cả suy nghĩ mà Jobu Tupaki có thể nghĩ, mọi sự vật ở mọi vũ trụ mà cô biết đến, chính giữa bánh là một cái lỗ rỗng, cũng là góc nhìn mà Jobu Tupaki áp đặt cho thế giới – trống rỗng và vô nghĩa.
Đối với Jobu Tupaki, thế giới chẳng nghĩa lý gì. Luân thường, phải trái ư? Phù du! Bởi cô quan niệm: “Nếu mọi thứ vô nghĩa, tất thảy khổ đau và tội lỗi đời ta sẽ tan biến”. Bên trong cô tựa như chiếc hộp dành riêng cho tiêu cực và buồn chán, thế rồi Bánh Vòng ra đời, chiếc bánh vốn được cho là để Jobu Tupaki đảo lộn thế giới, thực chất là lối thoát cô dành cho mình: “Tôi muốn biết liệu khi bước vào nó, tôi có thể giải thoát không?” Lời tự vấn của cô thực sự là cú ngoặt ngược dòng, đây không đơn thuần chỉ là tình tiết mang tính bất ngờ, mà còn đóng vai trò chứng minh cho “thực lực” của phim trong việc đồng cảm, thấu hiểu chính xác nội tâm những người mang cảm xúc lạc lõng, ngờ vực ý nghĩa của mọi sự tồn tại, hay nói cách khác là những người sống theo Chủ nghĩa hư vô.
Từ trống rỗng, chán nản, người ta có xu hướng tổn thương mình và gây tổn thương cho những người xung quanh. Đó là lý do Jobu Tupaki vẫn bước vào Bánh Vòng dẫu biết bước vào đấy đồng nghĩa với việc kết thúc đời mình, hay thậm chí là việc Evelyn gây nên những hành động khiến bạn bè, người thân ở các vũ trụ đau buồn sau khi cô bị Bánh Vòng ảnh hưởng.
Thực tế, không ít người mỗi ngày trôi qua trong đầu đều luôn âm ỉ nỗi hoài nghi về sự tồn tại của mình, hoài nghi cuộc đời mà bản thân đang sống, để rồi Bánh Vòng ngự trị bên trong cứ ngày một quyền năng hơn. Cuộc đời không suôn sẻ thật, nhưng sao ta không thử thay đổi vị trí khoảng rỗng?
Hay như Mắt Googly, luôn nhìn về phía trước.
Hoàn toàn trái ngược với Bánh Vòng, Mắt Googly tồn tại mang theo ý nghĩa rằng: Thế giới lắm lúc vô nghĩa hay có những thứ ta chẳng thể giải thích, nhưng có sao chứ, ta vẫn tìm thấy niềm vui và sẽ tìm ra ý nghĩa. Tròng đen chính là phần bản chất cốt lõi ấy, được bao quanh bởi tròng trắng “vô nghĩa” ở ngoài.
Waymond – nhân vật mang năng lượng tích cực nhất phim – khiến người ta không khỏi xúc động vào khoảnh khắc anh tâm tình với Evelyn: “Khi anh quyết định nhìn vào khía cạnh tươi sáng của mọi thứ, không phải anh ngây thơ, đó là chiến lược và là điều cần thiết. Đó là cách anh học sống sót qua mọi thứ.”, “Đó là cách anh chiến đấu”. Chính anh đã sống theo “lý tưởng” của Mắt Googly, dán Mắt Googly khắp nơi nhằm khuyến khích lối sống vui vẻ, tích cực. Có lẽ anh hiểu rằng tinh thần lạc quan sẽ cùng lúc mang đến động lực đối mặt với khó khăn, vậy nên tại một vũ trụ nơi anh và Evelyn không đến với nhau, Waymond vẫn một mực bày tỏ: “Nếu có cuộc sống khác, anh muốn làm công việc giặt là và lo thuế vụ cùng em.”
Tích cực tạo nên tích cực, đây là lý do vì sao Waymond luôn kiên định giữ thái độ vui vẻ trong mọi hoàn cảnh. Kể cả khi thanh tra thuế cùng cảnh sát đến nhà, anh chẳng nghiêm trọng hóa vấn đề, còn đầy thiện ý trò chuyện cùng thanh tra để xử lý vấn đề giúp vợ mình – người đang chìm trong rối rắm cùng mệt mỏi. Kỳ diệu thay (hoặc đúng như quy luật), vụ thuế tạm thời được giải quyết.
Cùng một cuộc sống không như ý, thiếu hoàn hảo, nhưng nhìn nhận khác đi đã đưa đến kết quả đối lập. Đúng như lời của nhà Triết học Friedrich Nietzsche: “Người có lí do để sống sẽ chịu được hầu như mọi cách sống”, kim chỉ nam dẫn đường cho cuộc đời bạn không đâu ngoài thái độ tích cực, ý nghĩa cá nhân do bạn tạo dựng. Vậy nên tròn hay không, câu trả lời nằm ở chính mình.
Đến cuối cùng, vẫn là bộ phim tròn vẹn.
Không hoàn hảo, khó nắm bắt – cuộc sống vốn như vậy. Cách bạn nhìn nhận và thấu cảm sẽ trả lời cho câu hỏi: “Cuộc đời ngoài kia có đáng sống không?”. Mọi vật luôn tồn tại nhiều khía cạnh, đến bản thân cái “tròn” cũng chẳng nằm ngoài quy luật ấy, thế nên tròn và khuyết ở đâu sẽ do chính ta lựa chọn chấp nhận. Thay vì dày vò bản thân mỗi khi nhìn thấy nó, sao ta không đối mặt và khống chế bằng chính tâm hồn “đầy”?
Thành công đã thực sự gọi tên bộ phim từ những tầng thông điệp được ý nhị gắm gửi qua hình tượng tròn, chẳng hạn chiếc gương tròn phản chiếu gia đình Wang những phút đầu phim, khung cửa tròn của chiếc máy giặt xoay không ngừng, vệt khoanh đen trên giấy tờ qua chiếc bút của thanh tra thuế, kiểu tóc quấn vòng ở đỉnh của Jobu Tupaki,… đến “bộ đôi âm dương” Bánh Vòng – Mắt Googly. Có thể nói, những yếu tố ấn tượng ấy đã tạo nên một Everything Everywhere All At Once “danh xứng với thực”, một Everything Everywhere All At Once thật sự “cứu cánh” cho những ai đang cảm thấy ngột ngạt, loay hoay đi tìm ý nghĩa cuộc sống, đi tìm giá trị của chính mình.