Thư gửi cô giáo môn xác suất

Hết cấp ba, bước chân vào cổng trường đại học, hết năm nhất tiếp nối năm hai và hết xác suất thống kê chúng em hì hục với tối ưu hóa. Người ta nói gặp được nhau đã là cái duyên to, vậy mà chỉ trong mấy tháng học đại cương, chúng ta còn có thể “tái ngộ”. Thế là, có thêm cả “nợ” lớn, cô nhỉ? Cô “nợ” chữ “giảng”, còn chúng em “nợ” chữ “sinh”.

Ngày ngày, cô đứng trên bục giảng bài, mấy đứa sinh viên lười học như em tranh nhau ngồi bàn chót. Cái giảng đường rộng thênh thang nhưng không có khoảng cách nào. Những khoảng trống giữa người khác bàn, giữa người cuối lớp với trên bục được lấp đầy bởi tiếng cười tràn ngập. Cô đưa cả lớp đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những bài toán bớt khô khan hơn và các công thức “khó nhằn” cũng trở nên ngoan ngoãn hơn.

Ngày bắt đầu môn xác suất, giảng đường đầy tiếng thở dài: “xác chết thống kê”. Với thành tích không mấy khả quan từ đại số tuyến tính với cả giải tích, đứa nào cũng đinh ninh mình sẽ trở thành một chiến bình bại trận tiếp theo, nối gót không ít anh chị đi trước. Rồi cô bước vào lớp trong trăm ánh mắt  mong mỏi và cả lo sợ. Mong, là vì cả học kì đầu, chúng em chỉ được gặp giảng viên nam thôi. Nay được học giáo viên nữ, lại còn rất trẻ, đứa nào cũng háo hức chờ đợi. Sợ, là bởi, nhìn cuốn sách chi chít công thức và bài tập, cả bọn học hành chểnh mảng nhìn nhau mà lắc đầu than thở.  Ấn tượng ban đầu về cô là cô giáo xinh xắn và nghiêm túc trong chiếc váy trẻ trung. Cô  nhỏ nhắn, không cao hơn chúng em là mấy và cũng không hơn chúng em bao nhiêu tuổi. Sau khi chia sẻ tuốt tuồn tuột về môn học, về cách thi, điểm số, về mail, cô còn cho chúng em cả facebook. Cô cởi mở, dễ thương nhưng khi vào bài giảng thì nghiêm túc vô cùng.

Ở cấp 3, thầy cô với chúng em như người cha, người mẹ thứ hai. Lên đại học, em cảm thấy thầy cô giống anh chị của mình hơn : gần gũi, sẽ chia và cực kỳ tâm lí.

Em nhận ra mình yêu môn xác suất thống kê và cả tối ưu hóa. Mặc dù lúc nào em cũng đinh ninh rằng bản thân hợp với những môn nhẹ nhàng, không tính toán hơn. Mà có lẽ không chỉ mình em đâu, là cả giảng đường, chẳng ai biết mình say sưa hai môn học ấy từ lúc nào. Các buổi học diễn ra từng tuần với tranh luận sôi nổi, không áp lực về điểm số, không nặng nề tâm lý. Cứ như thế mà tình yêu toán học trỗi dậy mạnh mẽ. Chẳng trách người ta nói toán học là môn khoa học nữ hoàng, riêng chúng em thấy rằng, toán học, đơn giản là một chiếc vòng gắn kết mọi người hơn. Những con số vô hình mà ma lực hấp dẫn con người và cũng khiến con người hấp dẫn lẫn nhau. Cô biết không? Giảng đường trở nên thân thiết hơn rất nhiều sau mỗi lần cùng giải bài tập. Có khi nhóm bạn đang giận nhau, tự nhủ sẽ làm “mặt nặng mày nhẹ” , ấy vậy mà cô cho bài tập khó về nhà, lại níu áo nhau tranh luận. Có khi chúng em tranh cãi nảy lữa, chẳng ai nghe ai, cũng chỉ vì một bài toán ấy. Cả giảng đường cứ như thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nhưng cuối cùng, đáp án bài tập chỉ có một thôi, cũng như tình bạn cũng chỉ có một cái kết: đó là càng thân lại càng thân hơn.

Ngày kết thúc môn học nhiều cảm xúc. Lớp chúng ta vẫn sôi nổi, vẫn ồn ào, vẫn quậy lắm. Nhưng trong mắt mỗi đứa ít nhiều có chút buồn. Sau một hồi tạo dáng chụp ảnh, chúng em năn nỉ cô đi uống trà sữa. Cô gật đầu đồng ý thật! Chắc cô không biết đâu, cô là giảng viên đầu tiên gần gũi với chúng em như vậy đấy. Em còn nhớ lúc cô loay hoay mãi chiếc váy với cả giày cao gót để ngồi lên thành Hồ Con Rùa cùng mọi người. Cô cười và cả lũ chúng em cũng cười theo. Mọi chuyện trên trời dưới đất được đem ra làm đề tài cho đến khi trời ngược nắng. Ra về, cô tạm biệt và chúc tụi em thi thật tốt.

Và nói như thế nào đây, đặc biệt vô cùng, chúng em lại được học cô thêm một kỳ nữa. Cả nhóm vì sắp xếp lịch làm thêm mà đổi giảng đường môn tối ưu hóa, vòng vèo thế nào gặp lại cô. Vẫn cách dạy dễ hiểu, vẫn phong cách thân mật nhưng đầy nghiêm khắc ấy, chúng em yêu cô nhiều hơn.

Cũng từ dòng địa chỉ facebook trên bảng ngày học đầu tiên mà dẫn đến sự thể như thế này. Trong những ngày gần đợt thi cuối kì của k38, người ta nhìn thấy facebook của cô giáo trẻ sáng đến tận khuya, và những đứa sinh viên thì hì hục nhắn tin hỏi bài. Cô kiên nhẫn trả lời từng câu một, còn dặn dò chúng em ngủ sớm. Sinh viên cứng đầu, có khi làm sai rành rành mà không nhận thấy, cứ khăng khăng đòi cô giải thích mãi. Đa số cũng chỉ vì không chú ý trong những giờ học, đầu óc lơ mơ, không nghe rõ lời cô nên đôi lúc viết nhầm công thức, viết nhầm chứng minh. Báo hại cô phải online mãi để giải thích cho mỗi đứa cặn kẽ. Thương cô!

   20-11 năm nay sắp đến rồi! Trong lúc ngồi gõ những dòng này em lại nhớ khoảng thời gian này năm trước. Cô đang nhận bài hát chúc mừng từ giảng đường bạn thì giảng đường chúng em cũng ùa vào hát theo. Mỗi đứa móc trong balo ra mấy cây kẹo mút để tặng cô . Mặc dù không còn ở tuổi thiếu nhi, chúng em quyết định “cưa sừng”, hát bài hát được dạy lúc nhỏ “cô giáo em, người xinh xinh. Cô hay cười mắt cô long lanh. Cô rất yêu dòng kênh xanh…”   Yêu cô, không vì lý do nào cả mà cũng bởi có vô vàn lý do.

Em muốn nói xin lỗi cô, vì trong giờ học vẫn có khi mắt nhắm mắt mở. Đôi lúc cả lớp  đã hiểu bài mà vẫn nói chưa để cô phải giảng lại nhiều lần. Những khi thi xong chúng em liên tục nhắn tin hỏi đáp án mà chẳng bao giờ hỏi cô rằng: “Cô chấm bài có mệt không?”. Nhưng cô sẽ chẳng buồn chuyện ấy đâu, phải không cô?

 Chúng ta tung một đồng xúc xắc đồng chất lên cao, xác suất nhận được một mặt bất kỳ, chỉ xấp xỉ 1/6. Nhưng với triệu người thầy hanh hao trên bục giảng, xác suất tình cảm mà họ mang, luôn luôn bằng 1. Đó là điểm tối ưu mà nếu được hỏi, nhất định Bayes với cả Poisson cũng sẽ bắt tay nhau.

Cảm ơn cô nhiều lắm, vì cách cô dạy dỗ và thương yêu.

 

Học trò của cô
Việt Trinh

uehenter.vn
S Communications