Không Cần Đi Du Lịch, Ở Nhà Mở Sách Vẫn Thấy Mùa Hè!

Còn gì thích bằng những ngày hè rảnh rỗi mình cùng tìm một không gian yên tĩnh, nhâm nhi tách cafe rồi thả hồn vào những trang sách còn thơm mùi giấy thì thật tuyệt vời! Tụi mình sẽ lại rong rủi trong những con chữ, trở về những miền ký ức tuổi thơ, đưa mắt khám phá những vùng đất mới để nạp năng lượng thật tốt, “lên dây cót” chuẩn bị cho một năm học mới sắp bắt đầu.

Totto-Chan: Cô Bé Bên Cửa Sổ

Dựa vào những dòng kí ức tuổi thơ ở trường tiểu học Tomoe Gakuen trước thế chiến thứ 2, nữ diễn viên người Nhật Tetsuko Kuroyanagi đã viết nên cuốn hồi ký “Totto-Chan: Cô Gái Bên Cửa Sổ”. Totto-Chan được sinh ra trong một gia đình đầm ấm, tuy nhiên 6 tuổi bé đã bị đuổi khỏi trường vì gây rối trong lớp. Lo cho con, người mẹ tìm một môi trường giáo dục khác cho con bà – trường Tomoe.

Totto-Chan Bên Cửa Sổ – Trần Thảo

Đứa bé nào cũng thích đi học mà không có thời khóa biểu, thích môn nào thì học môn đó trước, được tự do phát huy khả năng, tham gia những buổi cắm trại… và thầy hiệu trưởng ở trường Tomoe đã thấu hiểu và áp dụng điều đó làm phương pháp dạy học. Bạn sẽ bị ấn tượng bởi câu nói của thầy hiệu trưởng: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của thầy cô nữa”. Mặc dù ngôi trường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng nơi đây đã là nơi đào tạo ra các nhà khoa học, nghệ sĩ hay nhà giáo dục.

Đóng lại những trang sách, bạn sẽ thấy trường học và trường đời là 2 thế giới hoàn toàn khác nhau. Trong xã hội luôn có những điều đã trở thành quy ước, không thể thay đổi được, nhưng dù phải tuân theo những quy tắc đó, sâu trong trái tim mỗi người vẫn mong muốn làm những gì tự do và thực sự đúng với đam mê.

Gửi vẻ đẹp nước Pháp trong “Lá Thư Hè”

Lá Thư Hè mang đầy hoài niệm của Alphonse Daudet. Với ngôi kể thứ nhất, tác giả đã mơ tưởng rời bỏ Paris hoa lệ tìm về với xứ Provense để được ngồi trong chiếc cối xay gió cũ “thơm tho, ấm áp” để viết về những điều êm đềm, bình dị, không lo âu về tình yêu con người và xứ sở.

Lá Thư Hè – Chi Na Chan

20 câu chuyện là 20 mảnh ghép khác nhau kể về một Cô gái thành Arles, Con la của Giáo Hoàng, Chuyện kể đêm Giáng sinh, Những vì sao hay Chiếc ví của lão Bixiou… đã tạo nên những nét dung dị, chân thật về cảnh sắc và con người xứ Provence ở Thế kỷ 19.

Với nhịp điệu đều đều, bạn sẽ chợt nhận ra mình đã vô tình lãng quên những điều giản đơn mà chính những cái giản đơn ấy lại là những thứ tồn tại vĩnh cửu.

“Bảy Bước Tới Mùa Hè” – Mang bạn đến gần hơn với mùa hè năm 15 tuổi

Hỏi nhỏ nè: “Hồi 14,15 tuổi bạn đã từng rung động vì một ai đó chưa?”. Dù có hay không, hãy sống lại một lần nữa cái thời niên thiếu ấy cùng chú Ánh trong “Bảy Bước Tới Mùa Hè” nhé!

Đến hè, Khoa lại có dịp về với vùng quê yên bình, có hương thơm của lúa, có những cánh đồng chạy xa tít chân trời. Mấy bọn con trai hồi đó rất thích làm cho bọn con gái khóc, nó còn bảo nhau: “Đứa nào chơi với con gái là đồ bỏ”. Vậy mà năm nay nó lại thấy nhỏ Trang đẹp đến lạ thường.

Bảy Bước Tới Mùa Hè – Ha Dinh

Sau đó, Khoa và Mừng cùng mắc bệnh tương tư nhỏ Trang và Đào, rồi những màn “rắc thính” kinh điển như hối lộ bánh mì kẹp thịt, dàn dựng kịch bản vô rừng làm cướp… bày đủ trăm phương nghìn kế. Mang tâm hồn hiếu động ham chơi nhưng Khoa lỡ trót chạm chân vào thế giới tình yêu nhiều mộng mơ. Tuy vậy, nhưng trong Khoa và Mừng vẫn có nét tinh nghịch và trong trẻo của cái tuổi mới lớn.

Điều thú vị là phần cuối của sách còn có những bài thơ và hình vẽ đáng yêu như chỉ cần bước “Bảy bước tới mùa hè”, cho chúng ta thêm một lần được trẻ lại, thư thái và thật đáng yêu.

Bạn có muốn “Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ” Không?

Bắt đầu là khái niệm về sự sống trong suy nghĩ của cậu bé 10 tuổi. Bạn chợt nhận ra ngày mình ra đời là một sự may mắn và may mắn hơn khi có đứa bạn thân. Bạn sẽ biết mình chỉ được khóc một lần khi chào đời, một tiếng khóc dễ thương nhất.

Vừa Nhắm Mắt, Vừa Mở Cửa Sổ – Sưu tầm

Hồi bé, đứa nào cũng biết chơi “5 10” nhắm mắt rồi lại mở mắt đi tìm bạn chơi. Còn trong “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa”, cậu bé 10 tuổi chơi nhắm mắt để cảm nhận thế giới xung quanh bằng cách chạm vào từng bông hoa và đoán tên, đoán khoảng cách đến bông hoa và cảm nhận bông hoa từ mũi… Nhờ khả năng đặc biệt ấy đã dạy cậu biết cảm nhận cuộc sống, biết tự tin vào bản thân, cậu đã biến những khuyết điểm thành điểm mạnh của bản thân, cậu biết mở lòng ra để đồng cảm và sẻ chia với những người khiếm khuyết.

Trong tác phẩm này của Nguyễn Ngọc Thuần, ông đã mang đến thông điệp: “Đừng nhắm mắt để nhìn cuộc đời, mà hãy nhắm mắt để tâm hồn thư thái để hiểu bản thân muốn gì và cảm nhận giá trị của cuộc sống mà bạn đang có”.

Có một “Khu vườn mùa hạ” của Kazumi Yumoto

Được nhận định là quyển sách dành riêng cho mùa hè, “Khu vườn mùa hạ” sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện khám phá của ba cậu bé lớp 6: Wakabe, Yamashita, Kiyama. 3 con người, 3 tính cách và mơ ước khác nhau, chúng vô tình bị cuốn theo sự tò mò về cái chết và bắt tay vào phi vụ này. Kế hoạch thất bại nhưng lại cho chúng thêm một người bạn đồng hành đi hết mùa hè – đó là ông lão.

Khu Vuon Mua Ha – Hồ Trần Ngọc Trân

Chúng đã biết học cách cho đi và nhận lại, 3 đứa trẻ cùng ông lão dọn dẹp nhà cửa, ăn dưa hấu ngắm pháo hoa, học chữ Hán, biết như thế nào là già đi và đợi chờ cả khu vườn nở đầy hoa cúc với những cánh bướm chập chờn.

Một mùa hè thật ý nghĩa, cái mùa hè cuối cùng mà ông lão không phải sống trong sự cô đơn, dù sau đó mỗi người chia tay nhau nhưng ai cũng đã trưởng thành và hạnh phúc. Cái hạnh phúc đời thường mà một tâm hồn “buổi xế tà” gặp những “mặt trời bé con” để tạo nên một khu vườn hạnh phúc. Khu vườn ngày ấy nay đã là bãi giữ xe nhưng chắc chắn trong trái tim của ba cậu bé luôn khắc ghi những kỉ niệm họ đã cùng nhau trải qua.

Bài viết: Hạnh Duyên
Hình ảnh: Sưu tầm
S Communications
UEHenter.com