Những tips không thể bỏ lỡ dành cho K38

Ngày 24 tháng 9 năm 2012, cánh cổng trường Đại học Kinh tế lại thêm một lần rộng mở, đón chào các tân sinh viên khóa mới đến với ngôi trường UEH. Một chút háo hức, một chút sợ hãi xen lẫn nét hãnh diện tự hào… đó có lẽ là cảm xúc chung của các bạn bây giờ nhỉ? Ông bà ta có câu “Nhập gia tùy tục”, liệu những gì bạn nghe về trường Kinh tế trước và sau khi bước chân vào trường có khác nhau lắm không? Chúng ta nên quan tâm đến những gì  khi học tại UEH?

Và như một lời làm quen gửi đến các tân sinh viên khóa 38, hãy cùng Scoms khám phá những điều chưa biết về ngôi trường “đứng hai không ai đứng nhất” này nhé!

Anh văn: Là môn học đầu tiên giúp nhà trường “phân loại” sinh viên vào các giảng đường, và là môn cuối cùng “chào tạm biệt” các bạn sau 4 năm đại học, được mệnh danh là môn học “tử thần” của sinh viên Kinh tế. Với kết cấu đề thi vừa dài, vừa khó, lại là môn học 3 tín chỉ nên đây thường là nguyên nhân chính làm điểm trung bình của sinh viên “tuột dốc không phanh”. Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy đầu tư thời gian cho việc nâng cao trình độ Anh văn của mình các bạn nhé!

Ăn uống: Trường ĐH Kinh tế tp HCM có 6 cơ sở, trong đó 2 cơ sở chính (A và B) là nơi mà các tân sinh viên sẽ được học trong năm đầu tiên. Điều đặc biệt là, chỉ có cơ sở B là nơi có căn tin (đẹp và lớn nhất luôn đấy nhé) bán nước uống, thức ăn vặt, và không bán cơm; nên khi đi ăn bên ngoài, các sinh viên nên chú ý tới vấn đề vệ sinh và giá cả nhé. Xung quanh trường có khá nhiều quán cơm sinh viên nằm trên đường Nguyễn Tiểu La, Hòa Hảo, Đào Duy Từ…,giá khá rẻ và ngon (dao động từ 15-20k/phần). Lưu ý, nếu bạn mua thức ăn bên ngoài vào căn tin trường ngồi ăn thì cũng dễ bị các cô phục vụ căn tin…“ngó ngàng” lắm đấy nhé. Đối với những lớp học bên cơ sở A, bạn có thể ghé thăm căn tin của trường Đại học Kiến Trúc (ngay bên cạnh), rẻ, ngon, nhưng rất đông vào buổi trưa (sv Kinh Tế+ sv Kiến Trúc = “cháy” bàn, “cháy” cơm). Bên cạnh đó, các tiệm cơm văn phòng cũng là một sự lựa chọn thông minh, tuy giá có hơi mắc đối với túi tiền sinh viên tụi mình (17-35k /phần).

Bạn bè: Với cơ chế xét chuyên ngành “không đụng hàng” của trường thì chúng ta có thể làm quen với số lượng lớn bạn bè mà ngày thường ta không nhận ra đấy! Bạn bè học chung đại cương, bạn bè chung lớp chuyên ngành sau này. Đó là còn chưa kể đến bạn bè chung lớp tín chỉ, sinh hoạt chung câu lạc bộ,…Vì thế, cơ hội để các bạn giao lưu, kết bạn là rất nhiều nên đừng nghĩ rằng, học đại học chỉ là những chuỗi ngày cô đơn, chán ngắt. Hãy cười nhiều và tự tin hơn nhé!

Câu lạc bộ: Có thể nói đây là một trong số những đặc điểm nổi bật nhất của trường Đại học Kinh tế tp HCM. Với hơn 30 câu lạc bộ đội/ nhóm (Truyền Thông Sinh Viên, Cộng Tác Viên,..) trực thuộc trường và trực thuộc các LCH, khoa…., hiếm khi nào sảnh B, hội trường B223, hay hội trường A116 được các bạn sinh viên cho “nghỉ ngơi”. CLB cũng là một môi trường lý tưởng để tân sinh viên rèn luyện kĩ năng mềm, nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng UEH. Tùy vào mỗi câu lạc bộ mà họ có những tiêu chí và kim chỉ nam riêng, hoạt động phù hợp với khả năng và sở thích đa dạng của mỗi người. Không chỉ làm quen thêm nhiều bạn mới, nâng cao khả năng team-work, “luồng gió mới” K38 cũng sẽ được các anh chị nhiệt tình hướng dẫn tổ chức các sự kiện, hội thảo đấy. Những sinh viên UEH năng động hầu hết đều là những thành viên hoạt động trong các câu lạc bộ này.

Điểm rèn luyện: Điểm này cũng na ná như phần đánh giá đạo đức của các bạn khi học phổ thông vậy.Tùy theo số điểm rèn luyện được cập nhật trên thẻ sinh viên mà trường sẽ xếp loại rèn luyện. Trên thực tế, nhiều công ty khi phỏng vấn xin việc cũng dựa vào chi tiết này để đánh giá kĩ năng mềm của ứng viên. Vậy với tân sinh viên thì nên làm gì để có được điểm rèn luyện? Các bạn có thể tham gia vào các buổi hội thảo, các cuộc thi của trường hoặc của câu lạc bộ tổ chức. Đừng tưởng tượng ra cảnh sinh viên chen lấn để giành điểm rèn luyện nhé. Không hề! UEH là ngôi trường hoạt động suốt 4 mùa. Chính vì vậy, tích lũy điểm rèn luyện cũng là một cách rất hiệu quả để đưa sinh viên đến với những cuộc thi, những buổi hội thảo chuyên đề chất lượng và bổ ích.

Giáo trình: Hầu hết sinh viên đều nghĩ học giáo trình bằng sách phô tô sẽ rẻ hơn rất nhiều so với mua sách gốc. Tuy nhiên, nếu một lần ghé thăm Thư quán của trường Đại học Kinh tế tp HCM, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sách bán ở đây đều giảm từ 35-70% đối với sinh viên trong trường. Nếu so với sách phô tô thì giá chỉ mắc hơn vài nghìn đồng, đấy là chưa kể những lợi ích to lớn mà chúng mang lại . Dùng sách gốc cũng chính là một hành động ủng hộ cho trường đấy các bạn.

Học tập: Lời khuyên bổ ích và cần thiết nhất mà chúng tớ muốn dành cho các tân sinh viên là: “Ngay bây giờ hãy bước ra khỏi cảm giác lâng lâng vui sướng, hãy chăm chỉ học tập đi các bạn ơi!”. Không tới mức “chiến đấu” ác liệt để dành tấm vé vào đại học như năm cấp 3, chỉ cần bạn giữ vững phong độ là được.

Kĩ năng mềm: Nếu kĩ năng cứng là điều kiện cần để sinh viên được tốt nghiệp thì kĩ năng mềm lại là điều kiện đủ để sinh viên xin được việc làm sau khi ra trường. Các bạn có thể đăng kí các khóa học kĩ năng mềm của trung tâm đào tạo, làm part-time hoặc cách đơn giản và hiệu quả nhất, chính là tham gia các câu lạc bộ trong trường. Chúng ta còn tới 4 năm đại học phía trước, cho nên cũng đừng nôn nóng và học tập theo kiểu “mì ăn liền” nhé.

Lừa đảo:Đây có lẽ là vấn đề khá nhạy cảm và ít người muốn bàn tới, bởi nhiều lý do: vì sĩ diện, vì danh dự bạn bè, hay vì muốn quên đi sự thất vọng một ai đó… Nhưng không thể không nhắc các bạn tân sinh viên khóa 38-những đối tượng mà bọn lừa đảo đang nhăm nhe để mắt tới. Đa số sinh viên ai cũng bị dụ dỗ, ít nhất là một lần trong đời. Và hình thức phổ biến nhất hiện nay có lẽ là bán hàng đa cấp, đang ngày càng biến tướng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Các bạn nên chú ý: “Đừng vội vàng tin một ai đó và cũng đừng đánh giá người khác qua vẻ ngoài của họ!” 

Mùa hè xanh: Là chiến dịch sinh viên tình nguyện diễn ra không chỉ riêng tại trường Đại học Kinh tế tp HCM mà còn ở tất cả các trường đại học trên toàn quốc. Đây luôn là khoảng thời gian chứa đựng những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời mỗi chiến sĩ tình nguyện. Tại sao nó lại có ma lực hấp dẫn như vậy? Điều đó có đúng với bạn không? Hãy tự trải nghiệm và tìm câu trả lời cho chính mình nhé!

Nhà trọ: Với các bạn lần đầu sống ở Sài Gòn và cũng chưa có phương tiện (xe máy, xe đạp) thì nên tìm những nhà trọ ở gần cơ sở đang học cho tiện việc đi lại. Xung quanh cơ sở B có rất nhiều nhà trọ nằm ở đường 3/2, Nguyễn Tri Phương, Bà Hạt, Hòa Hảo,… Kinh nghiệm để có được một nhà trọ tốt không hẳn theo phương châm “mạnh vì gạo ,bạo vì tiền” đâu nhé bạn. Khi tìm phòng trọ, chúng ta nên chú ý trước tiên về vấn đề an ninh xung quanh, khu vực để xe, không gian nhà, nấu nướng… Hiện nay, có nhiều sinh viên chọn cách thuê nhà nguyên căn hoặc ở chung cư với nhiều người để tiết kiệm chi phí. Gía nhà còn tùy thuộc vào khu vực bạn ở, dao động từ khoảng 1trđ-3;4trđ. Tốt hơn hết là bạn nên nhờ người quen hoặc bạn bè tìm hộ, các trung tâm mô giới không hẳn lúc nào cũng là địa chỉ tin cậy dành cho sinh viên. Hoặc bạn nào gia đình có ít điều kiện thì kí túc xá cũng là một phương án tối ưu dành cho bạn đấy (khoảng tầm 185k/ tháng).

Phân ngành: Câu trả lời cho thắc mắc của hầu hết các tân sinh viên về điểm trúng tuyển của trường ĐH Kinh tế so với những trường đại học khác, đơn giản chỉ gói gọn trong 2 chữ: “Phân ngành”. Mặc dù ban đầu trên hồ sơ tuyển sinh, các bạn đăng kí vào nhiều ngành khác nhau, nhưng tất cả chỉ là con số 0 tròn trĩnh khi ta trúng tuyển và cùng học chung 3 kì đại cương. Cũng chính vì thế mà ngay từ những dòng đầu tiên, các bạn đã được khuyên nên cố gắng học tập khi mới vào trường. Ngành các bạn sẽ học sau này, phụ thuộc vào điểm trung bình của 3 học kì đầu tiên, một chút khả năng phán đoán, đi kèm theo sau là yếu tố may mắn. Đó là một cuộc chiến khốc liệt, một kì thi đại học lần hai “đau tim” đối với UEH-ers. Cho nên đừng ngủ quên trên chiến thắng nhé! Hãy cố gắng đạt được mức điểm an toàn để vào được chuyên ngành mà mình mơ ước.

Quân sự: Nơi tình yêu bắt đầu; nơi thằng/ con bạn lộ rõ bản chất thường ngày; là chất kết dính hoàn hảo dành cho hội ông tám, bà tám;… Còn nhiều, nhiều lắm những cái tên mà sinh viên dùng để gọi khoảng thời gian đẹp đẽ khi học tại khu quân sự. Nhưng các bạn cũng nên lưu ý, học kì 2 cũng là kì mà nhà trường có số “chiến sĩ” nằm la liệt trên mặt trận “Xác suất thống kê”, “ kinh tế vi mô”,…nhiều nhất đấy. Một tháng hứa hẹn ăn chơi nhưng cũng chớ lơ là việc học nhé.

Sinh viên: Có thể điều này hơi mang tính chủ quan, nhưng đặc trưng duy nhất của trường Kinh tế mà không trường nào có được lại nằm ở chính chúng ta- những sinh viên UEH. Tự tạo nên bản sắc riêng mang tên Kinh tế; năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm và.. dám chịu;… còn gì nữa không nhỉ? Hãy để cho bản thân các bạn- những sinh viên đã và đang là một phần của UEH- được trải nghiệm, khám phá và tự mình viết tiếp vào dấu ba chấm kia. Hy vọng với 4 năm đại học, các bạn sẽ tiếp bước các anh chị đi trước, làm rạng danh ngôi trường nằm trong top 14 trường đại học hàng đầu Việt Nam này nhé.

Một lần nữa, xin chào, các tân sinh khóa 38!

Vân Thảo
S Communications
uehenter.vn