Chương trình KHOA HỌC ĐỒNG TÂM (Concentric Science) – sự kiện cuối cùng của chuỗi chiến dịch Vietnam Innovation Summit với chủ đề Active Self do TeamX HCMC tổ chức sắp tới. Sự kiện Khoa học đồng tâm diễn ra vào tháng 7 năm 2017. Với thông điệp: “Khoa học là một khối thống nhất và không có ngành khoa học nào đứng độc lập với nhau. Chúng bổ sung, hỗ trợ để hướng đến mục đích cuối cùng là phục vụ con người”, chương trình mong muốn các bạn học sinh – sinh viên nhận thức được rằng khi nối kết khoa học với mục đích cốt lõi là phục vụ con người, khoa học sẽ trở nên gần gũi và thực tế chứ không chỉ là những công thức, con số “khó nhằn”. Bởi chúng mình không biết, khoa học còn nhiều hơn thế.
Đó chính là lí do TeamX Ho Chi Minh City hợp tác cùng Make Science Make Sense Project trong vai trò đồng tổ chức để mang đến sự kiện KHOA HỌC ĐỒNG TÂM – CONCENTRIC SCIENCE.
- SCIENCE BOOTH – KHOA HỌC LIÊN NGÀNH TRONG MÔI TRƯỜNG VÀ NGHỆ THUẬT
Đến với booth đầu tiên của Science Fair, người tham dự đã có một khoảng thời gian “vui chơi” cùng khoa học. Với game mô phỏng cháy rừng thông qua sự kết hợp của khoa học máy tính, vấn đề thường gặp của môi trường – cháy rừng đã trở nên dễ hiểu và hứng thú hơn. Bên cạnh đó, chúng mình còn được tự tay vẽ một bức tranh nghệ thuật bằng công nghệ “con lắc cát” hoàn toàn mới đến từ Make Science Make Sense.
- ENVIRONMENT BOOTH – KHOA HỌC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG
Qua việc tìm hiểu câu chuyện cá chết Minamata ở Nhật Bản, người tham dự đã có một cái nhìn toàn diện hơn trong cách áp dụng khoa học để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
Tại Environment Booth, một loạt các hoạt động thú vị như thí nghiệm tràn dầu đại dương hay tách chiết DNA từ chính cơ thể mình dường như đã trở thành một “trò chơi” gây hứng thú cho rất nhiều người tham dự.
- ENGINEERING BOOTH – KHOA HỌC ỨNG DỤNG
Flappy Bird, Snake là những trò chơi kinh điển mà chúng ta đã được chơi hàng nghìn lần. Và bây giờ, tại Engineering Booth, mọi người đã có cơ hội được tự tạo ra một trò chơi cho riêng mình.
- HAPTIC BOOTH – TƯƠNG TÁC GIỮA NGƯỜI VÀ MÁY
Với một cỗ máy hoàn toàn hiện đại và thu hút, người tham dự đã có cơ hội được tương tác trực tiếp với thiết bị hiển thị hình ảnh và thị lực trong không gian.
- PHARMACY BOOTH – Y HỌC TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY
Tại Pharmacy Booth, người tham dự được tự mình “cân, đong, đo, đếm’’ theo công thức hướng dẫn để làm ra sản phẩm dầu gió của riêng mình với những hương liệu từ bạc hà, quế, tràm…, đồng thời biết thêm các kiến thức về thành phần, hóa chất có trong đó. Ngoài ra, các bạn còn được mình thử sức ghi nhớ và đoán tên các loại thảo dược để nhận được các phần quà thú vị từ ban tổ chức.
1.1. ANH BÙI HẢI AN – “ĐỜI ĐƯA ĐẨY ANH ĐẾN VỚI KHOA HỌC”
Tự nhận bản thân không giỏi truyền cảm hứng ngay từ đầu bài Talk, anh Hải An đã chia sẻ với người tham dự bằng hình thức Q&A (Questions and Answers). Chắc vì lẽ đó mà không khí trong hội trường trở nên gần gũi và cởi mở hơn. Anh khuyên các bạn trẻ nên thật sự trân trọng những cơ hội phát triển của bản thân ngay cả ở trong nước và nước ngoài.
Công việc hiện tại của anh là về marketing technology. Công ty của anh phát triển hệ thống IT và marketing technology cho chuỗi cửa hàng 7Eleven khi công ty này gia nhập thị trường Việt Nam.
Với câu hỏi những kiến thức học ở đại học hay đi làm rồi thì có giá trị hơn. Anh Hải An cho biết, trong 4 năm điều hành công ty thì các kiến thức ở trường đại học có lợi hơn, nhất là kĩ năng giải quyết vấn đề (problem solving). Vì ở trường thầy cô hay ra bài tập buộc các bạn tìm ra đáp án, câu trả lời. Cho nên, khi đi làm anh có kĩ năng tìm giải pháp cho những bài toán khó từ công ty.
Một bạn sinh viên từ trường ĐH Kinh tế hỏi: “Trăn trở của anh về giới trẻ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học? Công ty của anh lập ra nhằm giải quyết vấn đề nào của xã hội?” Anh Hải An chia sẻ, trăn trở lớn nhất chính là sự nghiên cứu, tìm tòi ở mảng khoa học lý thuyết của các bạn trẻ. Ở xã hội Việt Nam không khuyến khích mọi người đi theo nghiên cứu vì cho rằng, thứ nhất là làm nghiên cứu không giàu như kĩ sư, thứ hai là không còn gì để chọn thì mới chọn nghiên cứu, cuối cùng là chưa được đầu tư đúng mức.
Về công ty của mình, anh tự hào rằng đó là nơi đào tạo con người ở Tp.HCM. Khi vào Silicon Straits Saigon sẽ được học hỏi và làm việc với các bạn bên ngoài giỏi hơn và giỏi trong việc tạo ra sản phẩm. Anh nhấn mạnh rằng nếu chỉ dừng lại ở mức coder hay programmer mà không tạo ra những sản phẩm thật sự phục vụ khách hàng thì cũng giống như ngành may mặc.
1.2. ANH ĐOÀN THIÊN PHÚC – TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA LÀ CẢ MỘT QUÁ TRÌNH
Bắt đầu với hình ảnh “chiếc xe máy thân thương” từ năm 3 Đại học, anh Phúc đã tiết lộ lí do mình nên duyên với phát minh “chống trộm dành cho xe máy”. Sau sự kiện mất xe máy, anh đã nảy ra ý tưởng chế tạo sản phẩm chống trộm và đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo S-ideas của Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Tp.HCM. Tuy nhiên, trong một năm cố gắng tạo ra sản phẩm thật, anh hoàn toàn thất bại vì đây không phải chuyên ngành đang học. Trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, làm rồi sửa thì chiếc máy chống trộm đã thành công ra đời.
Với những câu nói hết sức bá đạo như “thích thì nhích”, anh đã khiến cả hội trường cười vang với những chia sẻ vừa hài hước sâu sắc của mình.
Anh kết thúc bài chia sẻ bằng câu chuyện trở thành nhà nghiên cứu khoa học với nút thắt là những từ khóa quan trọng: tự tin, hiểu bản thân, nhìn khác, nghĩ khác, xác định giá trị cốt lõi, làm đi làm lại, trở thành chuyên gia.
1.3. ANH NGUYỄN BÁ HẢI – HẠT GIỐNG KHOA HỌC LUÔN NẢY MẦM TỪ CUỘC SỐNG
Tiếp cận khoa học bằng một tấm lòng mở, với Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, những vấn đề xung quanh mới chính là cảm hứng lớn nhất để các giải pháp khoa học ra đời. Đó cũng là lí do vì sao ta luôn cần quan sát, học hỏi, hay thậm chí “giết chết” ý tưởng của mình. Có ý tưởng là điều đáng quý, nhưng ta cần một ý tưởng thực tế hơn là một ý tưởng hay nhưng không mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Anh Bá Hải chia sẻ: “Không quan trọng bạn thiếu cái gì, đăng kí học ở đâu mà hãy quay lại mức bạn đang đứng. Khoa học chỉ phù hợp khi nó phù hợp với bạn. Tìm lại tâm hồn của mình để tưới cho nó tươi tốt mỗi ngày.”
2. PANEL DISCUSSION- HÃY HẾT MÌNH VỚI Ý TƯỞNG KHOA HỌC CỦA BẠN
Khép lại sự kiện qua buổi thảo luận, 4 diễn giả cho rằng nghiên cứu khoa học không chỉ là trau dồi kiến thức, mà còn là thực hành và trải nghiệm thường xuyên. Bên cạnh đó, tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin, là một “ghi chú” khác mà các anh gửi đến khán giả. Hãy lắng nghe người khác nhưng đừng quên lắng nghe và tin tưởng chính mình. Quan trọng nhất, hãy dũng cảm biến ý tưởng thành hiện thực nếu có niềm tin vào chúng.
Đến với khách mời Anh Nguyễn Khắc Minh Trí, chúng ta biết được anh đi làm nông trong 2 năm để biết được công việc này đòi hỏi những gì. Anh phát triển các công nghệ hỗ trợ người nông dân sản xuất dựa trên thông tin, dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm,.. mà anh đã tìm hiểu và học hỏi được.
2.1. Điểm khác nhau giữa việc học khoa học trong nước và nước ngoài?
Khi được hỏi về câu hỏi này, các anh đều có cho mình những câu trả lời rất riêng, thể hiện được những suy nghĩ, trăn trở của các anh về sự khác nhau này. Anh An cho rằng: “Việt Nam đào tạo phần lý thuyết các môn khoa học rất tốt. Ở nước ngoài đòi hỏi sự liên hệ thực tế, phải tìm hiểu vấn đề ở bên để giải bài toán. Câu hỏi nào cũng nói đến những chuyên đang xảy ra ngoài ra”. Trong khi đó, với Anh Phúc thì trong nước được học nền tảng về khoa học tự nhiên rất nhiều, còn ở nước ngoài đề cao việc tự học. Để học tốt sinh viên nên biết tận dụng những kiến thức sẵn có để phát triển. Bên cạnh đó, Anh Hải còn bổ sung thêm: “Áp lực học tập ở Hàn Quốc gấp 10 lần so với Việt Nam. Họ tạo ra được bệ phóng cho người học. Danh dự trong các nhân người học rất lớn, ví dụ không một sinh viên nào quay cóp dù giáo sư ra đề xong bỏ ra ngoài. Sự học khác nhau nhưng các bạn có quyền lựa chọn, hiểu bản thân mình muốn gì, làm gì”. Không giống như ba anh, Anh Trí không đi học ở nước ngoài nhưng nhờ môi trường làm việc được cọ sát nhiều với các kĩ sư nước ngoài nên anh cũng có chia sẻ: “Người VN bản chất rất giỏi nhưng do cách suy nghĩ, mục tiêu khác nhau nên nhiều khi gặp khó khăn trong công việc. Chẳng hạn, khi anh đi học chuẩn bị thi lấy chứng nhận quốc tế (…hem nhớ tên) thì phát hiện các kĩ sư nước ngoài đi học để phục vụ cho công việc, còn mình thì tập trung nhiều vào bằng cấp. Trong lớp học, họ nói với anh hãy hỏi giảng viên nhiều hơn để họ được học thêm, vì các lĩnh vực đó họ chưa nghiên cứu đến”.
2.2. Đứng trước CMKH 4.0 thì các bạn học xã hội làm sao tiếp cận được?
Trong bối cảnh hiện nay, CMKH 4.0 là một vấn đề quan trọng và được các bạn trẻ quan tâm rất nhiều. “Công nghệ tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, phần công nghệ chỉ chiếm 40-50%, còn những mảng như nội dung, thiết kế, vận hành (operation) thì vẫn rất cần các bạn từ ngành xã hội” – Anh An chia sẻ. Đối với Anh Phúc, thật ra CMKH 4.0 đã được các nước khác nói đến từ lâu rồi chứ không phải mới bây giờ. Và thực tế thì các bạn ở Việt Nam bị dẫn dắt theo xu hướng của media quá nhiều. Cũng trong phần này, Anh Trí cũng có đôi lời trước khi kết thúc buổi chia sẻ: “Công nghệ hướng về con người nên rất cần những bạn nghiên cứu về con người. Tức là, để tạo ra một sản phẩm thì phải biết xem khách hàng có cần nó hay không. Việc này rất cần những bạn học những ngành xã hội đóng góp”.
TeamX Vietnam tự hào mang đến KHOA HỌC ĐỒNG TÂM – CONCENTRIC SCIENCE thuộc chuỗi sự kiện Vietnam Innovation Summit – chương trình đặt trong tâm thúc đẩy sự tự do khám phá, tiếp cận khoa học bằng ứng dụng thực. Để qua đó, nguồn cảm hứng có được từ sự kiện sẽ không ngừng lan tỏa, và tạo nên nguồn giá trị thiết thực cho cộng đồng. Cùng TeamX HCMC “chơi” cùng khoa học, bạn nhé!