Một Cú Click Nhỏ, Nhiều Câu Chuyện To

Ngay bây giờ, trong chính bài viết này, tôi sẽ hỏi bạn một vài điều. Tôi sẽ đưa ra hàng loạt các bài báo mạng và bạn hãy thành thật trả lời (trong tâm trí thôi cũng được!) rằng những bài viết nào khiến bạn muốn click vào nhất. Được chứ?

  • Câu chuyện xúc động phía sau cuộc trở về của người hùng Hoàng Xuân Vinh
  • Chàng trai gốc Việt can đảm cứu người trong cơn lũ ở Mỹ
  • Cái kết kinh hoàng cho cô gái phẫu thuật muốn có gương mặt hoàn hảo
  • Sở hữu những bí quyết này, bạn sẽ trở thành người giàu có nhất
  • Đoán tính cách, mức độ thành công và giàu có qua khuôn mặt
  • Hồ Ngọc Hà: mưu cầu hạnh phúc hay “đào mỏ” đại gia?
  • Hotgirl Fung La và Thùy Trâm: ai mới là giả tạo?
  • So sánh mức cát xê của 2 huấn luyện viên “lùm xùm” của The Face
  • Quốc hội Singapore vỗ tay chúc mừng vận động viên bơi lội

Thế nào? Những bài báo nào đã đập vào mắt bạn nhiều nhất và khiến bạn tò mò nhất?

Đấy là những gì đã xảy ra trên Facebook của tôi. Không hiểu từ bao giờ, newsfeed của tôi tràn ngập những bài báo giật tít gây sốc, nhưng khi nhấn vào link để tìm hiểu nội dung của nó, tôi hoàn toàn thất vọng. Chỉ là những bài viết mang tính chất giải trí “mì ăn liền” và nội dung trong ấy chẳng là gì cả ngoài những điều hiển nhiên ai cũng đã biết rồi. Tôi trách các kênh thông tin mạng tại sao lại có thể thiếu chăm chút trong những sản phẩm của mình như thế. Nhưng tôi tự ngẫm: lỗi thật sự là do ai?

Tôi không biết “cư dân mạng” là ai, nhan sắc ra sao, nhưng có lẽ sức khỏe và tâm lí của bạn ấy không được vững vàng, bởi một lẽ, mới sáng sớm tôi đã thấy “Cư dân mạng phát sốt…”, giữa trưa thì “Cư dân mạng hoang mang…”, khi chiều tà lại “Cư dân mạng điên đảo…” và tối đến thì “Cư dân mạng đứng ngồi không yên…”. Nhan nhản mỗi ngày trên trang các trang báo mạng là những bài viết “nghe là muốn bệnh” với những cụm từ chủ đạo như “gây sốc”, “hoang mang”, “phát hoảng”,… nhằm thu hút thị hiếu của độc giả, nhưng lỗi không chỉ nằm ở các cánh truyền thông. Bởi một lẽ, những việc bạn làm mỗi ngày lại vô tình trở thành những nguyên nhân khiến những bài báo giật tít không nội dung ấy xuất hiện tràn ngập khắp mọi nơi. Bạn đã bao giờ thử click vào những bài báo ấy chưa? Bản thân tôi thì đã từng như thế đấy!

CDM1234

Nhiệm vụ của các kênh thông tin mạng là đánh mạnh vào những quan tâm hàng đầu của độc giả (tôi gọi đó là đánh vào “thị hiếu”), và mỗi cái click của chúng ta, dù vô tình hay hữu ý, đã phần nào khiến họ nghĩ rằng ta đang đặt mối quan tâm hàng đầu đến những vấn đề ấy. Khi con số click đạt đến ngưỡng, họ sẽ tìm mọi cách để thúc đẩy các bài viết có nội dung liên quan nhằm thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận tin tức của độc giả. Và cứ như thế, dư luận sẽ trở nên bão hòa. Hay nói cách khác, những bài viết với nội dung nhàm nhạt, có khi vô lí đến mức không thể ngờ lại “lên ngôi” ngự trị mạng xã hội. Sẽ ra sao khi mỗi trang báo mạng ta đọc chỉ còn là những bài viết với mô típ “Cư dân mạng điên đảo…” và những bài viết có đầu tư về nội dung nhưng tít không hấp dẫn bằng chìm giữa đại dương dư luận?

Đương nhiên, tôi sẽ không phán xét bạn là người như thế nào khi chọn những bài viết nào để chọn click vào, vì dĩ nhiên tôi không có quyền phán xét sở thích và lựa chọn của người khác. Nhưng tôi muốn đặt một câu hỏi: sẽ như thế nào nếu như mỗi buổi sáng thức dậy, những gì bạn thấy được chỉ là những bài báo giật tít theo xu hướng “mì ăn liền” và hoàn toàn không đầu tư về mặt nội dung?

thật không may

Tôi không có bất kì lời khuyên nào dành cho bạn cả, bởi đơn giản tôi cũng chẳng có đủ trình độ chuyên môn và sức ảnh hưởng để thay đổi những quan niệm của bạn khi đọc báo mạng. Nhưng tôi muốn dấy lên trong tâm thức bạn một điều: Hãy thật sự cân nhắc kĩ càng trước khi click vào điều gì đó. Bởi một hành động nhỏ sẽ khiến những luồng thông tin bị chuyển hướng hỗn độn, chồng chéo lên nhau dẫn đến tình trạng “bão hòa” các bài báo khiến chúng trở nên loãng đến mức không thể dừng lại. Thường xuyên tự vấn bản thân rằng, mọi chuyện sẽ thay đổi thế nào nếu ta chọn tiếp nhận những thông tin có nội dung hơn là những bài viết nhàm nhạt với mục đích câu view là chính? Có thể bạn sẽ nghĩ “Đâu có gì mà phải làm quá như thế!”, nhưng tôi tin là có đấy!

_______


Chương trình được thực hiện bởi Nhóm Truyền thông Sinh viên (S Communications) – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và được đồng hành bởi nhãn hàng Snack Khoai Tây Poca – Công Ty TNHH Thực Phẩm PepsiCo Việt Nam.

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ CHIẾN LƯỢC:

Nhãn hàng Snack Khoai Tây Poca – Công Ty TNHH Thực Phẩm PepsiCo Việt Nam.

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ HỌC BỔNG:

Trường Đào tạo Mỹ Thuật Đa Phương tiện FPT-Arena Multimedia.

Viện Ngôn Ngữ – Quốc Tế Học (ILACS).

ĐƠN VỊ BẢO TRỢ TRUYỀN THÔNG:

Kenh14.vn, RGB.vn, Designs.vn, Barcode Magazine, YBOX.vn, FTUNEWS, KKC Channel.

ĐƠN VỊ HỖ TRỢ TRUYỀN THÔNG:

Brands Vietnam, STDT Communications, CLB Phóng viên trẻ – trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM), FTU Zone, Margroup, BK Media.

Gya Rados
S Communications
www.UEHenter,com