Những Con Ốc Câm

Có những buổi chiều, tôi và cái Gái vẫn lang thang dọc rẻo cát ven biển dẫn vào làng chài để nhặt những con ốc trắng hếu vỏ – vì phơi xác ngoài gió Lào thổi rát qua miền Trung đã độ hơn tháng nay. Bất chợt, tôi nhặt vội cái vỏ ốc to gần bằng bàn tay đang ẩn ẩn dưới lớp cát rồi chạy tới trước mặt cái Gái mà reo lên:

– Con ốc câm

Mắt cái Gái sáng bừng, miệng ú ớ gì không rõ rồi nở nụ cười khùng khục rung cả vai khi nhận lấy con ốc từ tay tôi. Nó áp cái vỏ ốc vào tai, đăm chiêu dữ thần lắm, nhưng con ốc vẫn câm – như cái Gái. Chỉ đến khi nhận cái vỏ từ tay nó và áp vào tai mình, tôi mới lại nghe thấy những tiếng khóc trong lòng con ốc ấy.

Nhà cái Gái nằm ở cuối làng chài, nó ở với má. Kể cũng lạ, người đàn bà đan lưới ấy đẹp mặn mòi hơn cả hột muối tháng Bảy vậy mà vẫn mình ên trong căn nhà thiếu hơi đàn ông. Má tôi kể, bà ta dạt về làng chài trong một đêm mưa gió với cái bụng đã lum lúp, nhiều ngày sau đó người đàn bà ấy vất vưởng ở góc chợ sống nhờ chút rau khoai sứt sẹo mà người ta bỏ lại. Rồi lại nhiều ngày sau nữa, cái Gái đã ra đời – một cách câm lặng trong căn chòi xiêu vẹo dựng nơi cuối xóm. Nó bị câm điếc bẩm sinh. Mỗi khi kể tới đó, giọng má tôi thường đanh lại. Theo cách nói của bà thì đây là nghiệp chướng mà cái Gái phải nhận vì má nó chửa hoang. Trong cái tâm trí vừa tồn tại được bảy năm trên đời của tôi thì hẳn “chửa hoang” là chứng bệnh gì đó ghê gớm lắm, ghê gớm tới mức má tôi lạc cả giọng đi khi nhắc tới, ghê gớm tới mức khiến cho cái Gái không thể nghe và nói được.

Ấy vậy mà tôi vẫn chơi với nó. Chúng tôi lớn lên từng ngày dưới cái nắng gắt của miền Trung như những cây xương rồng bàn chải. Cái Gái đẹp, đẹp đến nhức nhối. Nhưng có lẽ đẹp đối với nó cũng là một cái tội, mà còn là tội lớn. Các bà mẹ dặn bọn con trai phải tránh xa nó ra, má nó đã như thế thì nó còn đến thế nào nữa. Má tôi không chịu được những gì người ta nói về con trai bà nên cấm tiệt tôi chơi với nó. Tất nhiên là má thất bại. Thế là má chuyển tôi lên tỉnh ở nhà cậu để học tiếp cấp ba.

Ngày đi, khi chiếc xe đò đã bắt đầu lăn trên con đường lớn đất đỏ tôi vẫn có thể thấy cái Gái đứng lặng trên đồi cát cạnh mấy cụm xương rồng bàn chải ở phía xa. Nó vẫy tay liên tục về phía tôi trong khi đang ôm chặt những con ốc câm vào lòng mình. Tôi cố nhoài người ra cửa xe để chào tạm biệt, chỉ là, không biết nó có nhìn thấy không. Chiếc xe lắc lư rồi dấn thân vào con đường đất đỏ, bỏ lại cồn cát trắng sau lưng, bỏ lại cái Gái.

***

Bỗng nhiên cái Gái trở điên khiến làng chài này như chệch đi một nhịp khỏi cuộc sống thường nhật. Nhưng rồi những lời rì rầm mỗi khi người đàn bà đan lưới ấy bày sạp hàng ở chợ cũng chìm nghỉm như hòn đá ném xuống nước. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn như chính nó phải thế ở làng chài nghèo ven biển này. Còn cái Gái thì vẫn điên.

Ngày tôi về thăm nhà, má tôi kể bằng cái giọng đanh mặn hơi muối bể của bà và vẫn không quên câu “nghiệp chướng” quen thuộc. Thay vội đồ còn nồng mùi bụi đường, tôi chạy đi tìm nó bỏ lại sau lưng tiếng hời ơi của má.

Tôi tìm thấy cái Gái thơ thẩn ở rặng trâm bầu cuối xóm, đang hát khúc hát của những con ốc câm. Trong đôi mắt của nó, chỉ còn trong veo bầu trời màu xanh trứng sáo ở phía xa, không có tôi. Cái Gái chỉ còn trơ lại cái vỏ. Bỗng. Tôi ôm chầm lấy nó, như cố lấp đầy khoảng trời kia bằng ký ức của hai đứa. Đó là những sáng bình minh ra đón những con cá liệt vảy bạc búng nước tanh tách trong chiếc ghe câu đêm. Đó là những buổi trưa trốn ngủ chạy trên đồi cát rượt đuổi mấy bông cỏ lông chông theo gió trôi về phía xa. Đó những chiều tà tôi và nó ngồi trên ghềnh đá nghe tiếng biển trở mình ôm mặt trời vào lòng…

Chợt cái Gái đẩy tôi ra, bầu trời trong mắt nó vỡ vụn ra từng mảnh. Nó hét lên bằng những tiếng ú ớ chôn chặt nơi cổ họng, tay cố giữ chặt vạt áo rách nát. Tôi luống cuống nhìn cái bụng đã lum lúp của nó rồi bật khóc. Giọt nước mắt lăn nghiêng, tôi đưa ngón tay sửa lại cho nó lăn đứng, giọt nước mắt lăn vào môi. Hóa ra nước mắt có vị mặn?!

Tôi đưa cái Gái về nhà. Người đàn bà đan lưới đón nó, rệu rã. Tôi thấy màu thời gian như những vết chân chim in hằn nơi đáy mắt tục ấy đang co rúm lại, đớn đau.

Má tôi kể, cái Gái chợt mất tích vào một buổi chiều mấy tháng trước. Người đàn bà đan lưới tuyệt vọng đốt đuốc đi tìm con trong đêm, để rồi sáng hôm sau người ta nhìn thấy bà đang ôm lấy cái Gái – lõa lồ, chết lặng – như một con ốc câm nơi ghềnh đá.

Nó bị người ta hãm hiếp rồi bỏ lại như một miếng giẻ rách nơi bãi đá, nhàu nhĩ. Không ai quan tâm gã đàn ông nào đã gây ra cái tội ác đấy cả, chỉ có những bà vợ thỉnh thoảng lại nguýt dài chồng mình khi bắt gặp đang trộm nhìn cái Gái. Người đàn bà đan lưới lẫm lũi sống tiếp trong sự gièm pha “chửa hoang” “từ mẹ đến con” của người đời. Mẹ tôi vẫn tặc lưỡi, “nghiệp chướng”. Đôi khi người ta vẫn tìm cớ để chà đạp một ai đó chỉ để hả hê những nhọc nhằn cuộc sống ném vào họ. Còn tôi vẫn câm lặng – như con ốc ngày xưa.

***

Ngày tôi về thắp hương cho nó, bầu trời vẫn xanh một màu xanh như thế. Cái Gái chết rồi, ừ, cái Gái của tôi chết rồi. Nó mất vào một ngày nước lũ đổ về khuấy đục ngầu cửa biển. Người ta thấy nó đứng trên ghềnh đá rất lâu, với cái bụng đã vượt mặt. Mơ hồ, họ nghe ai đó hát. Trong mắt cái Gái chỉ còn lại bầu trời xanh ở phía xa, nó bước tới. Rồi không thấy nữa. Chỉ còn lại những con sóng đỏ đục phù sa.

Người đàn bà đan lưới đã bỏ xứ mà đi. Còn má tôi, bà dường như đã quên từ “nghiệp chướng”. Thay vào đó, bà thường vẩn vơ kể về những chuyện kiểu như: “Sáng trăng như này, cái Gái nó hay đi mò chem chép rồi thế nào cũng mang sang đây cả rổ. Cái con khờ trân khờ tráo, khổ đáo khổ để”. Để rồi bà lại thẩn thờ nhìn ra ngoài sân không biết cái Gái có còn sang đây như nó đã từng hay không?!

Cũng từ đó, chiều chiều người ta hay thấy Tư Râu trốn vợ ôm chai rượu ra ngồi ngẩn ngơ nhìn về phía ghềnh đá mặc cho vợ gã ơi hời về ăn cơm. Rồi gã cũng chẳng thèm về ăn cơm với vợ nữa. Một ngày gã đi biển rồi biền biệt. Vợ gã vẫn ráo hoảnh, như bao phụ nữ sống bám biển ở làng chài này cùng những ngôi mộ gió.

Những chuyện đó, có lẽ không còn quan trọng với tôi nữa. Tôi ôm cái vỏ ốc vào lòng nhìn về ngọn đồi cát ở phía xa. Tiếng ai đó khóc ngàn đời hóa hồn thành âm thanh vĩnh cửu trong lòng con ốc nhỏ. Có tiếng nào là của cái Gái, có tiếng nào của tôi?! Tôi chợt nhận ra rằng những nạn nhân bị xâm hại chưa bao giờ và cũng không bao giờ là người có lỗi. Những con ốc không câm, tôi cũng vậy. Tôi cất lên tiếng nói của mình, để không còn những con ốc câm, để không còn những cái Gái của ngày xưa.

***

Gã bỏ tay ra khỏi người cô gái nhỏ, ôm vội cái mũi mình. Thấy tôi trừng mắt, gã nhanh chóng xuống khỏi xe buýt dưới ánh mắt của mọi người. Tôi nhìn em, đôi mắt vẫn còn rớm nước mắt sợ hãi vì gã biến thái. Chợt tôi thấy trong đôi mắt ấy bầu trời màu xanh trứng sáo của ngày xưa. Khi em cảm ơn, tôi buột miệng hỏi em có nghe thấy không? Em ngơ ngác nhìn tôi.

Còn tôi?! Tôi vẫn mải lắng nghe tiếng hát của những con ốc.

Những con ốc đã không còn câm lặng nữa.

Huỳnh Đặng Minh Hân
S Communications
www.UEHenter.com