Trong những năm ngồi trên giảng đường đại học, tôi thường ngồi quan sát đám đông xung quanh. Một căn phòng với hơn trăm khuôn mặt, tiếng nói cười cộng hưởng thành một thứ âm thanh nhao nhao. Đến một độ nào đấy những âm thanh trộn vào thành một đám đậm đặc, văng vẳng không vật biệt được giọng ai với ai, và tôi cũng không phân biệt được ai với ai nữa.
Họ quá giống nhau.
Điều này cũng tương tự trên mạng xã hội, khi những tin tức được đăng lên thì một lượng lớn những ô vuông kèm tên vào bắn chữ xối xả. Những quan điểm, yêu, ghét, giận, chửi,… chạy dài trên thanh bình luận. Họ mạnh mẽ thể hiện quan điểm của mình. Họ mạnh bạo bảo vệ quan điểm của mình. Và cũng giống như những âm thanh nhao nhao kia, tất cả tạo thành một dòng bão dư luận đậm đặc. Ở trong đó, không ai quan tâm đến ai, chỉ có những người muốn thể hiện bản thân và tìm kiếm những người có cùng quan điểm với mình. Những biểu tượng hai-chấm-cười-nhếch-mép được dùng. Những lời rao rảng kiến thức được thể hiện. Những bình luận ăn theo. Tất cả, tạo nên dư luận.
Dẫu có những ý kiến đầy lí tính, khánh quan và lịch sự, nhưng hầu hết bị chìm trong dòng chảy bình luận kia. Dù sao thì, trong một đám người đang cãi nhau, bạn chẳng thể nào nói năng nhỏ nhẹ, lí trí.
Rốt cuộc thì tại sao nhiều người trẻ Việt Nam thích ẩn trong dòng dư luận và thể hiện quan điểm đến vậy. Theo tôi có 3 lí do, bắt nguồn từ giáo dục, tâm lí đám đông, “…”.
Từ thủa nhỏ khi đi học, ta đã được dậy là thầy cô luôn đúng. “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.”, “Trứng mà đòi khôn hơn vịt.”. Tôi biết điều này, vì có giáo viên đã nói thẳng vào mặt lớp bọn tôi như thế. Dần dần, bọn tôi học được phản kháng là không khôn ngoan, và học cách “dựa cột” trong ấm ức. Nếu điều này phổ biến, thì tất cả học sinh đều ở trong tâm thái nhẫn nhịn. Có một thứ ngấm ngầm được ẩn sau tâm thái ấy, đó là khao khát được nói ra. Khao khát được thể hiện rằng mình cũng có quan điểm, dù có sai đi nữa, đó cũng là ý kiến của mình. Khao khát được đứng lên và tồn tại như một cá thể riêng biệt, không bị bao quanh bởi những thứ đã tồn tại sẵn. Nhưng khao khát đó bị dập tắt ngay khi chúng ta đi học, đặc biệt là học văn để kiểm tra. Chúng ta sớm học được rằng không có gì là cảm nghĩ cá nhân cả. Chỉ cần theo những tư tưởng mẫu có sẵn, là bạn sẽ được điểm ở mức an toàn.
Rồi chúng ta quên đi cách thể hiện quan điểm của mình, cho đến khi facebook nhắc lại điều đó. Như đám trẻ con tìm được mớ đồ chơi lạ. Ta vồ vào. Thật đơn giản, thật dễ dàng để có chỗ nơi mà người khác không biết ta là ai, tranh luận với những người ta không biết là ai.
Điều thứ hai tạo nên bão dư luận, là tâm lí đám đông. Trong đám đông, con người cảm thấy an toàn. Giả sử bạn đi học, phạm lỗi và bị giáo viên mắng trên lớp, bạn sẽ thấy buồn. Nhưng nếu cả lớp thông đồng với nhau mắc cùng một lỗi đó và bị giáo viên mắng, mọi người cũng buồn thôi, nhưng mà là buồn cười. Dù sao khi về bảo với mẹ: “Hôm nay con bị phạt và hôm nay cả lớp con bị phạt” thì nghe cũng đã khác nhau. Dường như, khi nhiều người cùng sai một lỗi lớn, thì đó không còn là một thứ gì nghiêm trọng nữa. Đó, là một sự bình thường. Ở trong đám đông, người ta không quan tâm đến những chuẩn mực đạo đức thông thường, người ta quan tâm đến việc mình có cư xử giống mọi người trong đó không. Bởi lẽ, đám đông chính là đạo đức.
Không chỉ trên facebook, tâm lí đám đông có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Một khu du lịch đầy rác cũng bởi có những người nghĩ nó đầy rác rồi và tiện tay vứt thêm tí nữa cũng không sao. Một giờ học trong lớp im lìm, không ai dám phát biểu vì sợ bạn bè nghĩ mình thể hiện. Một xã hội – sợ khác biệt – thích bình yên và mong được đồng loại quí mến.
Để rồi đám đông đó như đàn cừu trắng, bị dắt mũi bởi những kẻ phía sau. Có những kẻ lập facebook ảo, lấy ảnh người khác, phát ngôn gây sốc câu like, vấn có những người chửi lấy chửi để, dù cho họ chỉ đang tương tác một thứ gì đó được dựng nên và không có thực. Có những thông tin được đưa lên, chưa rõ thực hư, đã có những đám đông ào ạt vào thể hiện đạo đức xã hội. Dường như khi ở trong đám đông đấy, người ta có một chút gì đó liên quan đến khoái cảm, được chìm giữa dòng người, thể hiện mình là ai, không phải chịu trách nhiệm về hành động mình đang làm, được bao bọc bởi những người không quen biết, được tận hưởng cảm giác sống cùng đồng loại – trong đàn cừu trắng.
Giữa đàn cừu trắng đó, xuất hiện những con cừu đen.
Cừu đen vốn là biểu tượng cho sự nổi loạn và không may mắn. Thật vậy, cừu đen làm cho đám đông cảm thấy không may mắn. Họ – những con cừu đen, là những con người có tư duy độc lập, biết phản biện, và tránh xa sự tầm thường. Họ là những người theo đuổi sự thật (chứ không chỉ cái đúng) nằm sau sự hỗn loạn ồn ào ấy. Họ làm đám đông cảm thấy vừa bực tức, vừa sợ sệt. Vì đám đông dựa vào đám đông, còn họ dựa vào tri thức và chân lí. Cộng đồng những người hay xả rác ra đường nghĩ một anh cặm cụi nhặt chỗ rác ấy lên và bỏ vào thùng, là một người rỗi hơi. Khi một nhân viên đứng lên và nói chuyện trực tiếp với sếp về điều mà sếp làm không đúng, mọi người bảo tại sao anh ta dại thế. Những con cừu đen đó có thể ở bất cứ đâu. Là một người nông dân trồng rau sạch giữa một rừng rau độc. Là một quán ăn dùng thực phẩm sạch vì lo cho sức khỏe cộng đồng. Là một người không bị cuốn vào dòng thông tin và tranh luận đa chiều trên facebook. Là bạn và tôi, những người đang đọc bài viết này.
Điều tôi muốn nói ở bài viết này, là chúng ta không cần cố để tỏ ra khác biệt. Sẽ chẳng hay ho gì nếu lúc nào cũng đi ngược lại quan điểm của mọi người. Điều chúng ta thực sự cần làm, đơn giản chỉ là: là chính bản thân mình. Là có quan điểm của riêng mình. Là có một thứ tĩnh bên trong, để có cái nhìn rộng và khách quan hơn với cuộc sống. Và cuối cùng, điều thứ ba giải thích tại sao nhiều người lại thích chìm mình vào trong dòng dư luận như vậy, bạn thấy dấu “…” phía trên chứ? Đó là những khoảng lặng. Giữa những dòng dư luận ồn ào ấy, nhiều người vẫn lặng lẽ, kiên định, vững vàng, không bị cuốn trôi đi. Để làm được điều đó, chúng ta cần có đủ hiểu biết để nhìn bao quát sự việc, đủ trầm tư để kiên nhẫn nhìn ra sự thật phía sau, và cuối cùng là có một tư duy phản biện. Chúng ta sẽ học cách đặt câu hỏi, có chắc điều này là đúng, tại sao lại thế và tại sao không phải như thế? Chúng ta sẽ học cách vượt qua áp lực của số đông, của những ánh mắt nhìn ta như thể nhìn những kẻ kì dị, để tìm đến cái đúng, cái thật. Chúng ta sẽ lặng lẽ nhận những lời góp ý, và mỉm cười với những sự lăng mạ, bởi lẽ, khi không còn lí lẽ để nói, người ta chỉ có thể chuyển sang công kích cá nhân.
Hãy cứ tự do khi sống là chính mình, “cuộc đời sinh mỗi người ra đã là một bản thể, đừng sống rồi chết như một bản sao”.
Và khi đó, ta sẽ đến gần hơn với Sự Thật.
Phan Quốc Việt
S Communications
www.UEHenter.com