“Con à, mày đừng có đam mê cái gì. Đam mê học thì được, còn lại là hư người hết đó nghe không?”
Năm An 18 tuổi, lần đầu tiên nó kiên quyết với mẹ:
– Mẹ! Con học 12 năm rồi, đam mê học cũng 12 năm rồi. Người ta nói phải có đam mê, theo đuổi đam mê thì mới thành công được.
Cầm tấm giấy khen, nụ cười trên môi bà sững lại. Bà nhìn con gái. Hôm nay, trong mắt con bé, bà thấy nó như lo lắng nhưng cũng vô cùng kiên quyết. Tự dưng bà chột dạ.
– Con sẽ thi vào Học viện An ninh Nhân dân. Con quyết định rồi, dù mẹ có nói gì thì cũng vậy thôi… Con nhất định sẽ làm, vì cha con.
Nói xong, An lầm lũi đi vào phòng. Nó cố không khóc. Nó không muốn mẹ buồn chút nào, nhưng phải vậy thôi.
Từ nhỏ, An đã sớm thể hiện tài năng hội họa. Mỗi lần đi theo xe bán rau của mẹ, hễ mẹ dừng xe lại bán hàng là nó lại nhảy phóc xuống, lượm cục đá mà hí hoáy khắc khắc lên thành xe. Đến khi được cô Hoa cho hộp chì màu thì nó nhất quyết muốn ở nhà, không đi với mẹ nữa. Ừ, không thì thôi, bà còn đỡ phải chăm nó dọc đường! Từ đó tường nhà thành nơi nó thỏa sức sáng tạo.
Sau này, hễ ai tới nhà An cũng đều phải trầm trồ. Nét vẽ của An dù thế nào cũng đều khiến người ta thấy thích thú. Các bức vẽ khác biệt nhưng vẫn rất liên kết với nhau. Còn độ tả thực thì khỏi nói, có lần thằng Tùng đã phải tròn mắt kêu lên: “Ơ An! sao mày bắt con mèo nhà tao treo lên thế kia” làm mọi người được trận cười nắc nẻ.
Nhưng nhà An lại không muốn nó theo nghiệp vẽ. Cha An nói: “Vẽ vời chỉ là sở thích thôi con. Chứ cha thấy tính con là hợp làm công an nhứt”. Còn mẹ An, từ lúc An mới đi học, bà đã dặn: “Bây giờ con phải chú tâm học thiệt giỏi biết chưa? Con à, mày đừng có đam mê cái gì. Đam mê học thì được, còn lại là hư người hết đó nghe không?”
An cố gắng học thật giỏi, nó cố làm vui lòng cha mẹ. Thỉnh thoảng khi rảnh nó cũng vẽ, nhưng những lần như thế mẹ nó lại thở dài. Nó phải dẹp đi rồi lôi bài ra học…
Xong lớp 9, đậu trường chuyên ở tỉnh nhưng để được ở gần mẹ, An học ở huyện. Nó cố được gần mẹ những lúc mẹ con ở nhà. Thế nhưng, nó bất ngờ khi mẹ khuyên nó từ bỏ ý định làm công an. Bà nói đủ lí do để khuyên nó. Ậm ừ cho qua, nhưng An không nghĩ sẽ làm theo. Đâu phải mẹ không biết, mong muốn đó đâu chỉ cho riêng nó.
Vừa về tới nhà, An đã chạy ù vào khoe: “Mẹ ơi con không có giải, nhưng mà có một thầy…”. Nó đang nói thì có tiếng ngoài sân, mẹ và nó nhìn ra. Cha nó gục xuống, chiếc xe đạp ngã chỏng chơ bên cạnh. Mẹ An hốt hoảng chạy ra đỡ ông, còn nó hớt hải chạy qua nhà hàng xóm: “Bác Công ơi, bác chở cha con đi cấp cứu với”. Bác Công lấy xe máy chở cha, mẹ và An đạp xe chạy sau. Lúc mẹ và nó tới, cha nó đã được cấp cứu… Nhưng khi gặp bác sĩ, mẹ nó sững người, nó ôm mẹ bật khóc nức nở…
Cha An được chuyển về nhà. Mỗi ngày nhìn cha, nó đều thấp thỏm. Vào những lúc cha tỉnh, An cố nén đau lòng, tíu ta tíu tít nói chuyện với ông.
– Con sẽ là một chiến sĩ công an tốt.
An sẽ theo mong muốn của cha mà quyết học làm công an. Nói ra điều đó, nó mong cha vui lòng. Nhưng ông im lặng…
Có lúc, An thấy cha cầm bút viết gì đó, nhưng thấy nó liền cất đi. Nó cũng không để tâm lắm. Với nó, bây giờ ở bên cạnh cha mới là quan trọng nhất.
Sớm hôm đó, An nghe có tiếng rầm rập bên phòng cha mẹ. Mơ màng một lúc rồi như bừng tỉnh, nó hốt hoảng chạy qua. An thấy cha nằm đó run rẩy, hơi thở khó nhọc, mẹ nó đứng sững cạnh ông. Ông giơ tay về phía nó, nó liền chạy lại.
– An… con nhớ… cố… nghe lời… mẹ, nghe con…
Mặt trời vừa nhú lên ngoài kia, mặt trời của mẹ và An cũng vừa lặn mất…
Giờ nó đã nói rõ ràng với mẹ. An hiểu mẹ, bà thương nó nên chỉ sợ nó khổ. Nên An nghĩ mình càng phải chứng minh cho mẹ thấy.
Vậy mà, nó rớt.
An là con gái, nên điểm nó dù cao vẫn không đủ. Lúc biết tin, An buồn lắm. Xung quanh, người tặc lưỡi tiếc cho nó, người bóng gió chê bai, nói nó trèo cao. Thằng Tùng kêu nó: “Trường tao tuyển nguyện vọng 2 nè, nộp đi rồi học chung với tao, điểm đó của mày thì tha hồ”. An đang thiểu não, nghe nói vậy, nó giật mình nhìn thằng Tùng: “Tao thì vào trường mày làm gì?”
Thằng Tùng nó không để ý vẻ mặt ngơ ngác của An nên nghĩ An khinh nó, khinh trường nó học. Nó về nhà hậm hực nói với mẹ: “Con sẽ cho An sáng mắt ra, đâu chỉ có mỗi nó là giỏi”. Cô Hoa ngạc nhiên, đem chuyện hỏi mẹ An, nhưng bà lắc đầu nói không biết, chắc hai đứa có hiểu nhầm. Con bà buồn, bà cũng buồn. Nó không đậu, bà đã tìm đủ cách khuyên nó, hết la rầy rồi lại xuống nước nói nhỏ nhẹ, vậy mà nó vẫn nhất mực không chịu nghe bà. Bà chỉ còn biết thở dài nhìn lên di ảnh cha nó trên bàn thờ: “Ông coi đó, tôi nói đủ hết mà nó vẫn không nghe. Giờ ông kêu tôi phải làm sao?”
Mấy nay mẹ bệnh, An thay mẹ đẩy xe rau đi bán. Lúc An đang cân đồ, một bác hỏi nó: “Vậy con chọn trường mới nào rồi?”. “Dạ, con chỉ muốn học làm công an thôi ạ” – An nói. “Ừ thì giờ không được phải chọn cái khác chớ. Không thì đi học nghề đi con, con gái cũng cần mấy thứ đó lắm”. Mọi người hùa theo: “Ừ thôi ở nhà học nữ công gia chánh cũng hay”, “Đâu, nó học giỏi vậy thì phải học cao lên chứ”, “Ôi tôi có học đâu mà vẫn phây phây, ham làm gì cho cực”, “Cả đống người học làm công an kia mà có tốt lành gì đâu”, “…”
An chỉ biết cười trừ. Thế nhưng, những ngày sau vẫn thế. Ai cũng hỏi An, cũng cho An lời khuyên, bảo An đừng vì quá cứng nhắc mà bỏ lỡ tương lai mình.
Nhưng, không một ai hỏi An sao nó lại kiên quyết như vậy, hỏi nó cố gắng nhiều thế vì lẽ gì… Càng không một ai hỏi về cảm giác của nó…
“Em là Trần Vĩ An phải không?”
An quay đầu lại, thầy này, hình như trong ban giám khảo.
“Dạ đúng ạ. Em chào thầy.”
“Thầy thấy tranh em vẽ, rất đẹp, nhưng nó không hợp với chủ đề lắm: Mặt tối của xã hội. Sao em lại vẽ một con mèo nằm phè phỡn trên mây vậy?”
“À cái đó ạ?” – An mỉm cười – “Nếu em nói em có thể với tay lên đụng nóc nhà, thầy có tin không?”
“Dĩ nhiên là không!” – Thầy bật cười. An liền nói: “Vậy thầy thấy đó, người ta nói gì mặc kệ, lời họ nói đâu phải lúc nào cũng đúng… Em không vẽ đúng chủ đề, nhưng cách người khác nhìn vào bức tranh của em chính là chủ đề. Chỉ có điều…”, An mím môi, “em không tin là thầy không nhìn ra được.”
“Em giỏi đó, vậy em có biết tại sao tranh em không đoạt giải không?”
“Cái này… Em không biết ạ.”
“Chính thầy kêu mọi người không trao giải cho em. Vì mới đầu nhìn thì thấy con mèo đó nằm rất thoải mái, nhưng để ý lại thấy nó rất sợ.”
Ngưng một chút, thầy nói tiếp: “Em có khả năng, sao em không phát triển nó?”
“Em sẽ làm công an.”
“À, vậy có lẽ thầy hiểu rồi.”
– An, con coi cái này đi
Mấy ngày nay, mẹ An thấy nó như có tâm sự. Bà ý tứ hỏi thăm, nhưng nó vẫn cố tỏ ra bình thản. Mãi đến hôm trở lại công việc bà mới biết. Người khác nghĩ con bà tham vọng, tự kiêu, cứng đầu, không để lọt tai lời người lớn. Nhưng con bé đâu có như vậy, nó chỉ muốn thực hiện ước nguyện của cha nó mà thôi…
– Đây là gì hở mẹ ?
– Là thư cha để lại cho con.
An tròn mắt ngạc nhiên.
– Cha con kêu mẹ lúc thấy cần hẵng đưa con. Có thể giúp ích được gì đó cho con, cũng có thể không. Ổng nói, ổng muốn xin lỗi con… Cả mẹ nữa… Mẹ cũng xin lỗi con.
Mẹ ra ngoài rồi, An mới mở tờ giấy ra. Nhìn những dòng chữ liêu xiêu run rẩy của cha, An bật khóc.
“Bé An. Cha rất vui khi ước mơ của con giống với mong muốn của cha. Cha biết có những chú công an rất tốt, nhờ các chú mà cha trở thành cha của ngày hôm nay, biết sống trách nhiệm và yêu thương. Nhưng trước đó, cha từng (…). Cũng vì vậy mà con không được làm công an nữa. Cha xin lỗi con lắm An ơi.
Nhưng cha mong con khoan thất vọng mà hãy nhìn lại thật sâu vào chính mình, coi những điều con thật sự khát khao, thật sự mong muốn là gì. Vì cha biết, đó không phải điều con đang cố, vì cha.
Vậy, con phải làm tất cả cho chính mình. Và cha muốn con biết cha mẹ mãi ủng hộ con, tin tưởng con. Dù lúc nào, ở đâu, cha cũng sẽ luôn ở cạnh con.”
An lau nước mắt. Nó thấy nhẹ nhõm hẳn. Hóa ra lâu nay nó đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lời người khác. Nhưng điều kì cục hơn là, chính nó lại đặt ra định kiến cho nó, ép nó phải đi theo hướng khác, ép nó không nhận ra mong muốn của mình là gì, và ép nó đổ lỗi cho người khác về những áp lực mà nó chịu.
Giờ nó không muốn như vậy nữa.
“An! Về thôi con!”
– Em xin lỗi thầy, em phải về rồi.
– Khoan đã, em cầm lấy. Đây là số danh thiếp của thầy, sau này bất kể lúc nào em cũng có thể gọi cho thầy. Có thể bây giờ em không nghĩ cần thầy, nhưng thầy sẽ có lúc đó.
Thầy cười thật tươi với An, vẫy tay chào nó. An chạy lại chỗ cha nó, vừa lém lỉnh ngoái lại nói: “Vậy nếu có lúc đó thật, thầy không được quên em đâu đó”. Nó thấy thầy lại cười.
An lục tìm trong hộc bàn, tờ danh thiếp vẫn nằm đó.
Ths. Nguyễn Thiên Phúc
Trưởng khoa Mỹ thuật
Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật
SĐT: 09xxxxxxxx
Cha ơi, không muộn đâu.
Con cảm ơn cha nhiều lắm…
Nguyễn Minh Tuấn
S Communications
www.UEHenter.com