Khác hẳn với cái không khí náo nhiệt, năng động vốn có hay nỗi lo lắng, căng thẳng của những ngày thi cử cân não đến ngạt thở, UEH của những ngày cận Tết lại khoác lên mình cái vẻ dịu dàng, đằm thắm lạ thường. Một chút rạo rực nơi nỗi lòng bạn trẻ nhớ nhà, một chút bịn rịn trong tâm trí sinh viên sắp xa ngôi trường này hay một chút vấn vương nơi những dự định còn dang dở, chỉ một chút thôi nhưng đủ để làm nơi đây trở nên thật khác trong sự giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Điều đó đã được thể hiện rõ nét qua các thước hình, các mảng màu mà chỉ có UEH những ngày cận Tết mới có thể mang lại.
“Bạn ơi, có thể dành cho mình chút thời gian…”, “Bạn ơi, mua vé dùm mình với…” là một combo câu nói quen thuộc của những bạn thành viên, cộng tác viên khi bạn dạo bước trên “con đường tơ lụa”. Thế nhưng bạn có thể thử tưởng tượng một ngày không nghe những âm thanh, câu nói quen thuộc ấy, cùng với dãy hành lang vắng lặng là cảm giác trống trải như thế nào không? Ắt hẳn là thiếu thốn dư vị của tiếng cười nói và cả lòng nhiệt thành của họ, bởi vì cái “Tết” của UEH đang bận hưởng thụ cái Tết sum vầy bên gia đình.
Là nơi chứng kiến sự nỗ lực hết mình của những bạn trẻ để giành lấy từng con điểm tốt, nơi chứng kiến sự chăm chỉ, cũng là nhân chứng cho những khó khăn mà các bạn đã trải qua. Lúc nào phòng tự học dù những ngày ôn thi tất bật hay ngày học bình thường, luôn không khó để bắt gặp cảnh mọi người miệt mài bên quyển sách của mình. Thế nhưng những ngày cận Tết thì căn phòng ấy lại được phủ lên bởi phông màu lạnh đến lạ – dù là những ánh đèn bật xuyên suốt, là chiếc máy điều hòa lạnh đến co ro, song không còn là tiếng sột soạt hai mươi đề-xi-ben của trang sách lật vội và cũng không là ánh mắt trao nhau, tiếng xì xào to nhỏ lén lút. “Cô hay la rầy vậy thôi, chứ thiếu tiếng của chúng nó cũng buồn lắm” – cô thủ thư nói với ánh mắt cười sau cặp kính dày cộm.
“Đã nói phải để xe bên đây”, “nhanh lên, còn cho người khác vào nữa chứ” hay “gạt chân chống mau lên” – là những câu nói cộc lốc, răn đe của các bác bảo vệ giữ xe ở UEH. Thay vì “con nên để xe ở đây”, “tranh thủ lên con” hoặc “cẩn thận chân chống kìa con” thì những câu cụt ngủn như trên lại trở thành câu cửa miệng của các bác. Những lời nói cứ ngỡ là thô lỗ, tầm thường nhưng lại chất đầy vẻ mộc mạc, chân thành nơi những con người yêu lắm cái nghề của chính họ.
Bãi giữ xe những ngày cận Tết vắng tanh thật khiến người ta cảm thấy không chân thực, quen rồi với mùi khói xe, với tiếng còi inh ỏi sau lưng, hay tiếng nhắc nhở càm ràm của mấy bác, nó thân thuộc như một phần của việc đến trường. “Buồn chứ, la chúng bây riết rồi thành thói quen, Tết chúng bây về hết cũng buồn miệng lắm” – bác vừa cười vừa trả lời khi tôi hỏi về cảm nhận về những ngày Tết ở UEH.
Sau giờ học tập căng thẳng thì chắc hẳn phải có những địa điểm “bồi bổ” tinh thần. Là một tín đồ của ẩm thực, các UEH-ers rõ ràng không thể bỏ lỡ con hẻm trà sữa hay ministop rồi cả những món ăn vỉa hè đặc sắc nằm trên đường Đào Duy Từ. Nơi đây chính là phiên chợ thu nhỏ của biết bao câu chuyện phiếm, nào là món này ngon hơn, nào là môn này “thầy tao cho điểm khó quá mày ạ”, nào là nụ cười tỏa nắng của cậu bạn lớp kế bên, tất thảy điều ấy dệt nên bức tranh sinh động của những con người kinh tế – biết cách học và biết cách chơi. Thiếu vắng những “liều thuốc tinh thần” này quả thực rất khó để diễn tả thành lời. UEH của ngày cận Tết thiếu đi tuổi trẻ của những con người làm nên thanh xuân của chính nó. Cảnh hàng ghế trống không trên hàng quán, âm thanh chuông cửa của “chỗ dừng chân nhỏ” hay đơn giản là mùi giấy mới trong những cửa hàng photocopy, từng sự thay đổi ấy làm nên một UEH thật khác của ngày xuân đang trải sắc…
Phông màu sáng của mùa xuân – phông màu ấm của sum vầy hạnh phúc, song lại chất chứa nỗi hụt hẫng khó kìm nén. Mùa xuân của tôi, mùa xuân của các bạn và là mùa lặng lẽ của ngôi trường này. Chúng ta không níu kéo nhau, xách lên chiếc balo nặng, viết vội dòng chữ: “Đợi chúng mình nhé UEH, sẽ nhanh thôi, chúng mình sẽ trở lại, rồi chúng ta sẽ cùng nhau làm nên những điều tuyệt vời trong năm mới”.