ôi sẽ mở đầu câu chuyện của mình theo cách hành văn của một cô bé tiểu học: “Sài Gòn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà thơ, là chủ đề muôn thuở để tạo nên những con người đã, đang và sẽ lan truyền sức trẻ, lan truyền nhiệt huyết. Vẻ đẹp của thành phố mang tên Bác khiến bất kỳ ai ghé thăm vùng đất sầm uất này cũng sẽ nhớ mãi không quên…”
Nhưng tôi lại hơi tham lam nhỉ? Bởi tôi muốn thân bài và cái kết trong câu chuyện của mình sẽ mang đến giá trị đắt nhất – một giá trị được nhìn từ con mắt của những con người khát ước mơ, khát hoài bão, khát đánh đổi tuổi trẻ để làm nên thành công đáng tự hào nơi diện tích chật ních chuyện đời, chuyện người được tích hợp từ hàng triệu mảnh đất 3 mét vuông nhỏ bé.
Nơi này lạ quá phải không?
Ờ… Sài Gòn thì nắng mưa thất thường, nắng thì khiến cơn buồn ngủ do gồng mình với đống deadline của bạn cũng phải chạy xa hàng cây số, mưa thì khiến bạn đói đến cào ruột cũng phải yên phận đổ nước sôi vào thứ sợi dài dài cong cong khó nuốt,
Ừa… Sài Gòn thì người đông đến nỗi khiến người ta ngạt thở, giờ cao điểm chạy hết một con đường mà không chống chân xuống thì quả thực là một kỳ tích,
Ừm… Sài Gòn thì ô nhiễm cực kì, lũ chuột, gián và đủ loại côn trùng nhiều chân mà “nổi dậy làm loạn” cùng lúc thì sẽ là một cơn ác mộng khủng khiếp,
Và nó cũng chất chứa biết bao vẻ đẹp mà bạn không cần là người tinh tế vẫn có thể cảm nhận được, Sài Gòn đã “thả thính” chúng ta bởi những giá trị đang dần bị lãng quên trong từng cái 3 mét vuông chật hẹp địa lý nhưng rộng rãi yêu thương, bởi những câu chuyện mưu sinh sờn màu áo nhưng sáng màu nồng hậu, lạc quan.
ài Gòn là gì nhỉ? Có thể là nơi chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục trong cuộc đời một người hoặc cũng có thể là nơi chôn vùi hy vọng của kẻ tha hương ngờ nghệch tin rằng nơi đây sẽ thương hại và cứu lấy cuộc đời của bất kỳ người mưu sinh tội nghiệp nào. Những “3 mét vuông” – những bức tranh về một Sài Gòn thật khác đang dần trôi vào lãng quên – một Sài Gòn công nghiệp, hiện đại và mất đi nửa là chính mình.
Những bảng hiệu thủ công được thay thế bằng thứ hộp vuông có chữ “chớp tắt” với đủ loại màu sắc và hiệu ứng động, những tiệm video cũ kĩ dường như đã hoàn toàn biến mất bởi giờ đây smartphone mới là công cụ thể hiện đẳng cấp, và còn có cả những khoảng sân nhỏ là chiến trường “đạn và súng” đầy máu lửa của lũ nhóc con thích trốn tìm hơn trò chơi điện tử, thích chạy nhảy hơn là ngồi trên sofa xem tivi hàng giờ cũng dần bị thay thế bởi những cửa hàng tiện lợi mọc lên chi chít. Sài Gòn tự nó đang thay đổi hay chính con người nơi đây đang thay đổi?
uộc sống mưu sinh khó khăn không phải chỉ dùng vài ngôn từ ngắn ngủi mà có thể cân đo đong đếm được, nó khắc nghiệt như cái cách xã hội đang dần đào thải đi những giá trị cốt lõi nhất mà họ đang giữ gìn và khắc khổ như cái nghèo vẫn mãi đeo bám cuộc sống bần cùng của những con người cứ quẩn quanh, sương gió với miếng cơm manh áo. Hình ảnh bác sửa xe cần mẫn với cái “nghiệp” của mình ròng rã mấy chục năm trời, hình ảnh ổ bánh mì pa-tê, chả lụa với nụ cười hiền của bà lão còng lưng, hay là bác xe ôm với tấm áo ướt đẫm mồ hôi nằm nghỉ trưa trên chiếc honda cũ ngược xuôi dòng thành phố. Và liệu hình ảnh những gánh hàng rong với những câu chuyện của riêng Sài Gòn đến một ngày nào đó sẽ chỉ còn lại trong ký ức và trong câu chữ? Tôi từ nghe ở đâu đó rằng thời gian chính là kẻ trộm kiên trì và tàn nhẫn, liệu có phải thời gian đang cướp dần đi cái vẻ đẹp mà Sài Gòn ngày xưa đã từng có?
Sài Gòn đã từng như thế, đã từng yên bình như căn nhà cổ có mẹ và có tiếng cười đùa rộn rã, đã từng nhộn nhịp như khu phố người hoa tấp nập những gian hàng và đèn lồng, và cũng đã từng rôm rã câu chuyện trên báo, cùng tán gẫu về anh bạn đó, cô bạn kia. Đúng rồi, Sài Gòn đã từng như thế!
ếu một ngày nào đó bạn phát hiện ra rằng dường như bản thân đã quên mất một dáng vẻ nào đó của Sài Gòn, liệu bây giờ bạn có còn kịp ấn nút “save” hay sẽ là “shift + delete” một cách hờ hững, liệu bạn có muốn lưu giữ những hình ảnh ấy hay để mặc nó chìm vào quên lãng theo thời gian?
Mà cũng có thể Sài Gòn rất thương những con người nơi đây, bởi nó để cho họ vô tình hay cố ý làm mất đi một khía cạnh riêng của chính mình. “Mỗi người sẽ đều có ‘3 mét vuông’ của riêng mình. Đã từng có thời, rất nhiều ‘3 mét vuông’ được xem là ‘đặc sản’ của vùng đất Sài Gòn. Thế nhưng theo thời gian cái ‘đặc sản’ ấy đã lui vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những điều mới mẻ hiện đại hơn. Đó là điều tất yếu vì cuộc sống không ngừng xoay chuyển” – Anh Maxk Nguyễn.
Sài Gòn bình dị và đơn giản như cách chính nó thu mình trong những câu chuyện mở đầu và kết thúc bởi không gian được gói gọn trong 3 mét vuông, như cách nó hạ đo ván rồi lại vực dậy những con người cả cuộc đời đã ròng rã để gồng mình hai chữ “mưu sinh”.