Đối với Út, Sài Gòn dường như chỉ gồm hai mùa. Nắng, và rất nắng. Thế mà gần nửa đêm, Sài Gòn lại đổ mưa. Buổi gặp mặt với đối tác Út không dám uống rượu nên vẫn tỉnh táo mà chạy dưới làn mưa màu vàng như trút ra từ dãy đèn dọc hai bên đường. Chiếc xe máy của nó chầm chậm hòa vào dòng người ngược xuôi trở về nhà. Trong mưa, chỉ thấy cái bóng Út lăn ngang rồi mất hút vào con hẻm đầu xóm trọ. Cái bóng một mình.
Khi chiều, Hai gọi điện lên nhắc Út thu xếp về thăm ba, dạo này ba hơi yếu. Nó ậm ừ rồi gác điện thoại xuống. Tháng này về, cuối năm có khi lại mất thưởng. Nhưng hình như Út quên mất là đã lâu lắm rồi nó chưa về nhà.
Lần gần đây nhất có lẽ là lúc cái Na – con chị Hai được bốn tuổi. Đợt đó Út mua cho nó cái đầm – loại trắng trắng, hồng hồng như công chúa. Về có mấy ngày mà con nhỏ quấn riết lấy Út như con mèo con. Ngày vô lại Sài Gòn, con mèo con khều khều ống quần của nó.
Khi nào cậu Út về lại với con?
– Tết năm sau cậu về với Na, còn một năm nữa chứ mấy! – Út ôm nó vào lòng.
– Một năm là mười hai tháng hả cậu?
– Rồi nó xòe bàn tay ra mà mếu máo
– Nhiều quá con đếm hổng có hết…
Hai chạy ra bồng nó, muốn nói gì với em mình nhưng lại thôi. Ba chạy chiếc xe máy cũ ra đầu ngõ chờ chở nó ra ga tàu. Nó chỉ kịp nhìn Hai, ánh mắt như nói Hai ở lại mạnh khỏe rồi chạy nhanh ra ngõ cho kịp giờ.
Nha Trang tiễn Út đi bằng một cơn mưa áp thấp nhiệt đới trắng trời, trắng đất. Tiếng túc tắc quen thuộc phát ra từ cái bô xe át cả tiếng mưa rơi lộp độp.
Ngày còn bé, mỗi khi mưa ba lại cho Út ngồi ở đằng trước rồi trùm áo mưa lại. Trong thế giới của nó lúc này, chỉ có tiếng mưa gõ đều đặn vào lớp áo mưa nghe lành lạnh. Thế nào rồi Út cũng ghé mắt qua cái lỗ nhỏ bị thủng từ trước trên áo mưa. Cái lỗ thủng xuất hiện một cách tình – cờ – đầy – cố – ý ngay tầm mắt của nó.
– Con biết ba đang chạy đến nhà bà Tư rồi nè!
– Út bị trùm áo mưa mà nhìn được ba chạy xe hay ha? – Tiếng ba cười giòn giòn
Rồi xe của ba dừng lại trước quán cô Lý. Chưa cần ba nói, Út đã nhảy tót xuống xe chìa hai tay ra sẵn. Ba chỉ kịp dúi vào tay Út dăm đồng bạc lẻ, để nó kịp chạy vào hiên trước khi ướt đầu. Mỗi chiều, ba đều mua cho Út một hũ ca-cao pha với sữa đặc hình vuông vuông, nhỏ bằng ba ngón tay, khi về chỉ cần pha nước nóng ra là uống được.
Má là ai Út cũng không biết nữa, chỉ nghe chị Hai kể lại hồi nhỏ nó thiếu sữa mẹ nên kén ăn. Có hôm Út khóc đến lả người, ba bồng đút sữa mà nó cứ nhè ra. Cực dữ lắm. Nuôi Út ba khổ mà Hai cũng khổ. Sau này Út uống được cái sữa ca-cao kia nên ba hay mua về pha cho nó. Thiếu hơi của má, nhưng rồi Út cũng lớn dần dần lên dưới vòng tay của ba và Hai. Từng ngày cứ trôi qua bằng những hộp ca-cao sữa đặc vuông vức, nho nhỏ bằng ba ngón tay. Cho đến một ngày, trong trí nhớ của nó, vị của thứ đồ uống nóng quen thuộc đó bỗng mơ hồ như lớp hơi nước đằng sau cửa kính. Càng cố làm cho rõ, lại càng ảm đạm, mịt mờ.
Lúc này còn nửa đường nữa là tới nhà ga. Ba bỗng hỏi Út – ba vẫn luôn gọi con trai của mình như thế, suốt những năm tháng qua.
– Ra trường Út tính đi làm ở đâu? Vô Sài Gòn nhớ giữ sức khỏe. Nếu thấy mệt mỏi quá thì trở về quê con nhé!
– Dạ, con hiểu rồi ba.
Nó ngồi sau ba, cao hơi cả một cái đầu nên không trùm áo mưa phủ qua như ngày xưa được nữa. Mưa quất ran rát mặt, nước mưa chảy dài hai bên má. Có lẽ là nước mưa.
***
Đợt đó, Út vừa vào Sài Gòn mấy ngày thì Hai cũng vào theo, con Na để ông ngoại giữ. Sáng sớm Út ra bến xe đón Hai. Bây giờ nó mới để ý là nhìn Hai xanh xao thấy rõ.
– Hai nói với em là Hai vô đây khám bệnh. Vậy sao lúc em còn ở quê Hai không nói sớm để vô Sài Gòn chung với em luôn?
– Tại Hai sợ Út lo, với Hai chỉ bị tức ngực thôi. Vô sớm một ngày là tốn thêm mớ tiền đó nghen! – Hai cười, mà như khóc.
Út chỉ im lặng rồi dẫn chị đi khám bệnh, nó biết không đơn giản là tức ngực như lời Hai nói. Buổi chiều, còn chờ lấy kết quả nên nó dẫn Hai đi siêu thị mua đồ. Lúc đi thang cuốn lên tầng, nó quay sang bỗng không thấy chị đâu. Nhìn lại thì Hai còn đứng tần ngần tại chỗ, Út phải xuống tận nơi cầm tay Hai dắt lên. Chị nhìn nó cười.
– Ở dưới quê hổng có cái cầu thang chạy chạy như này. Hai không biết đi, sợ té. Mà Út đi nhanh quá kêu không có kịp.
Nó cứ thế cầm tay chị mình đi khắp siêu thị. Hóa ra từ bé đến giờ, lúc nào Hai cũng sẵn sàng nắm lấy tay Út mỗi khi nó cần. Vậy còn Hai, ai cho Hai một bàn tay?
Ngày đó, hai chị em nằm trên võng ngoài hiên chờ ba đi soi ếch về. Hai đưa tay vuốt vuốt tóc Út rồi thủ thỉ.
– Út nè, sau này Hai cũng muốn mặc cái váy màu trắng trắng có cái đuôi thiệt dài giống trên vô tuyến vậy đó. Có chồng rồi là Hai không có lo cho Út được nữa nghen!
Út ngái ngủ quay sang ôm Hai, giọng mơ hồ.
– Em còn nhỏ, Hai phải thương em!
– Bộ muốn tui ở vậy nuôi mấy người suốt đời hả? – Hai nhéo cái mặt nó rồi lấy chân hẩy cái võng ru em ngủ.
Út ngủ yên bình trong nhịp võng của chị và bài ca rả rích của loài côn trùng ăn đêm. Yên bình trong khúc hát xẩm không tiền của con dế mèn nghèo xác xơ dưới ba lớp đất ẩm.
Thế mà, Hai lại lo cho nó cả đời. Học hết cấp hai, chị xin ba cho nghỉ học để đi làm ở nhà máy sợi trong làng.
– Con học hết chữ rồi, giờ đi làm phụ ba. Để dành tiền cho Út đi học lên cao – Hai tỉnh rụi
– Là ba không tốt – Ba buồn buồn vuốt mái tóc cháy nắng của Hai bằng bàn tay thô sạn.
Ngoài kia, thằng Út – là nó còn mải mê bắt chuồn chuồn giữa trưa đứng bóng mà quên cả giờ cơm.
***
Kết quả xét nghiệm bác sĩ bảo Hai chỉ bị u lành tính, nhưng nếu không phẫu thuật khối u sẽ chèn ép gây đau tức ngực. Nghe số tiền phẫu thuật, Hai chỉ nhẹ nhàng kéo tay Út ra hiệu đi về.
– Hai không có bệnh gì hết, mừng ghê Út hen! – Hai cười cười
– Bộ Hai không tính làm phẫu thuật sao?
– Út đi làm đi rồi để dành tiền đặng mua nhà cho Hai là được hà. Chứ cái này đâu có chết được đâu mà lo chi – Hai vỗ vỗ vai nó
Ngày tiễn chị ra ga, nó nhét vào tay chị cái thẻ ngân hàng.
– Mỗi tháng em sẽ gửi tiền vào thẻ này phụ Hai lo cho ba nha! Dạo này Út đi làm thêm cũng có tiền tiết kiệm mà.
– Em lo học đi, Hai với ba không gửi thêm tiền cho em thì thôi chứ…
– Út gần ra trường rồi. Sau này Út cũng phải phụ Hai lo cho ba mà, không sớm thì muộn.
Thế là từ đó, mỗi tháng Út đều đặn gửi tiền cho chị, không ít thì nhiều. Rồi nó như con thiêu thân bị cuốn vào cái vòng xoáy đó lúc nào không hay. Út không còn là cậu học trò tỉnh lẻ háo hức lên Sài Gòn ngày nào nữa. Đối với nó bây giờ, chỉ có kiếm được thật nhiều tiền mới là quan trọng nhất. Những cuộc gọi điện của nó với Hai cũng thưa dần, thậm chí Tết Út cũng chẳng về nhà. Ba gọi vào.
– Tết này Út không về được hả? Mỗi năm có một lần có gì cũng phải ráng thu xếp chứ con.
– Dạo này công ty con nhiều việc lắm. Công ty của nước ngoài, người ta không có lễ như bên mình, mà làm Tết tiền lương lại cao – Giọng Út đều đều.
Ba chỉ lặng lẽ dặn Út phải ráng giữ sức khỏe rồi gác máy. Lúc nào cũng thế, ba luôn hiền. Hiền đến mức không giữ được người đàn bà của mình?!
Ngày xưa nhà có nuôi vịt. Thấy Hai toàn cho gà ấp trứng. Hỏi ra thì Hai nói với nó là vịt vụng lắm, không có biết ấp trứng. Trứng nở. Gà mẹ đi trước dẫn đàn vịt con theo sau. Trời mưa. Gà mẹ chạy vội vàng hiên tránh, miệng vẫn không quên rối rít gọi con. Thế mà đàn vịt con ức nước, nhảy tòm hết xuống ao. Bấm bụng gà mẹ chạy ra, mà không dám nhảy xuống, đội mưa chạy trên bờ la quang quác. Hỏi chị, chị cười bảo "Mẹ gà con vịt".
– Không phải con nó mà nó còn thương. Sao má không thương tụi mình vậy chị Hai?
Hai ôm nó vào lòng, xoa đầu nó rồi nói:
– Vì vịt không biết ấp trứng nên trứng nhiều, người ta phải ấp bằng máy. Rồi món trứng vịt lộn ra đời, chứ hổng phải trứng gà lộn. Con vịt mẹ vụng về kia, đến cùng, vẫn tội nhiều hơn trách!
Ngoài kia, hai con vịt con lạc đàn hoảng loạn bơ vơ dạt vào mép ao. Chúng dáo dát tìm mẹ – dù chỉ là mẹ hờ giữ bốn bờ sóng nước đẩy đưa.
***
Từ ngày trở thành kẻ có tiền, Út sợ phải về quê. Nó phát chán cái vùng đất miền Trung chỉ có nắng và gió. Nó sợ người ta gọi nó là đứa không có má. “Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi má lót lá mà nằm”. Dù ba có cố gắng thế nào, vẫn không thể chăm lo chu đáo được cho hai chị em. Lần đầu Hai có kinh nguyệt, nó tưởng chị sắp chết. Hai đứa ôm nhau khóc rấm rứt. Ba về, lúng túng ôm hai đứa con, vừa thương vừa tủi.
Nó sợ phải nhớ lại những ngày trưa nắng cháy đầu phải lội bộ cùng Hai đi bắt ốc. Nhà nghèo, ba hay xin quần áo cũ cho nó mặc. Trong ý nghĩ trẻ con của Út, nó luôn tự hỏi tại sao nó không được chơi đồ chơi mới, mặc quần áo đẹp. Có những chiều, nó lầm lũi theo bước chân Hai mang rổ ốc về nhà trong tiếng cười của đám trẻ cùng xóm: “Thằng Út mặc đồ bính, quần dài cũng thành quần cụt”. Cái nghèo theo người như chiếc bóng, người thì không trốn bóng được bao giờ.
Ngày Hai lấy chồng, Út về nhìn chị hạnh phúc trong tà áo dài đỏ. Không có cái váy trắng có cái đuôi dài mà hai chị em tỉ tê với nhau ngày xưa, chỉ có hàng rào lá dừa được ba tỉ mỉ dựng quanh nhà. Đám cưới quê nghèo không có ồn ào như người ta, nhưng chị hạnh phúc lắm. Út thấy mắt chị lấp lánh che đi những nhọc nhằn của quá khứ, hóa ra ngày cưới là ngày mà đàn bà đẹp nhất.
Tiệc tàn. Hai dúi cho nó cái bánh ít lá dừa.
– Út thích ăn cái này nhất hen?! Hai để dành cho Út, ráng ăn đi rồi vô đó học ra đi làm phụ chồng Hai nuôi Hai nghen.
Hai hành chồng chưa đủ ha sao còn hành em. Lấy chồng rồi là dâu nhà người ta nha. Chắc em kêu ba để hết đất cho em quá! – Út vừa ăn bánh vừa nheo nheo mắt cười
Chứ bộ hồi nhỏ tới giờ tui lo cho mấy người riết mà tui sắp già mới có người thèm lấy tui nè – Hai đánh đánh vai nó
Út nhìn chị, câu hỏi ngày xưa nó đã có câu trả lời. Hai lấy chồng rồi có còn thương em nữa không? Hai mãi là chị của Út, chứ không phải của người ta.
Đầy tháng con Na, ba gọi vào nói với nó anh rể bỏ chị đi theo người ta, vì nhà mình nghèo, anh chịu cực không quen. Cái lí do đơn giản đến buồn cười, cười ra nước mắt. Ngày về nhà, nó thấy chị ôm con Na ru nó ngủ. “Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái. Mà con gái chưa có chồng…”
Bỗng dưng Út hiểu, có lẽ đã đến lúc nó phải lo cho chị. Nhờ tiền của Út sau này đi làm mà Hai đã phẫu thuật được khối u ở ngực, sửa lại cái nhà cho ba. Nhưng những cuộc gọi điện của Út với chị cứ thưa dần dù nó vẫn đều đặn gửi tiền về. Cũng phải. Nó còn lo kiếm tiền cho gia đình mình.
Cuộc sống nhộn nhịp ở Sài Gòn có lẽ hợp với Út hơn. Nha Trang buồn, buồn đến lạ lùng. Chỉ cần trời hơi khuya là ngoài đường đã vắng tanh. Không như Sài Gòn, ở đó Út có những người bạn, những cuộc la cà thâu đêm, những chuyến đi phượt dài ngày. Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ, không như đèn ở quê ngọn tỏ, ngọn mờ.
Dường như Út đã quên. Những ngày mưa ba đi soi ếch về, gia đình ba người quây quần bên mâm cơm có món ếch chiên đổi vị. Tiếng thằng Út cười ré lên khi giành của Hai chiếc đùi to, nụ cười lấm lem dầu mỡ. Có lẽ vị thịt ếch của ngày xưa, vị của thời gian, đã nhạt nhòa trong hương thơm của thịt đỏ đắt tiền. Rồi cả những ngày Tết, ba gói bánh tét rồi đốt một đống lửa thật to cho hai chị em canh nồi bánh. Út gối đầu lên đùi chị, nhìn ánh lửa ấm áp tỏa ra mùi thơm của gạo mới. Hai lấy ra mấy củ khoai hồi chiều cô Năm hàng xóm cho rồi vùi vào tro, chẳng mấy chốc mà khoai chín. Mùi khoai nướng thơm lừng, Út ăn sao mà mặt như con mèo con, Hai thấy thế còn quẹt thêm lọ nghẹ lên. Hai chị em nhìn nhau cười ngặt nghẽo. Ngày đó có lẽ nghèo, nhưng gia đình mình luôn bên nhau.
Từ trước tới nay, Út luôn sống trong cái vỏ bọc trách nhiệm kiếm tiền lo cho gia đình. Nhưng thật ra nó chỉ là một đứa ích kỷ, không hơn không kém. Nó sống cuộc sống mà nó mong muốn, trốn chạy quá khứ. Út luôn tự nhủ đã làm tròn bổn phận với gia đình, nó kiếm ra tiền, rất nhiều tiền. Nhưng Út quên rồi, có những thứ khoảng khắc mà tiền bạc cũng không mua được. Ngủ đi những tháng năm trẻ dại của em. Trời khiến mưa làm chi, em tôi có tội gì?
***
Nửa đêm Hai gọi vào cho nó, báo về nhà gấp, ba nhập viện rồi. Nó đang tính ậm ừ thì giọng Hai đanh lại.
– Mày không về thì đừng gọi tao là chị nữa!
Hai suốt bao năm qua chưa bao giờ nặng lời với nó. Rồi Hai khóc. Nó nghe như có cái gì nghèn nghẹn trong tim.
Nằm nhìn lên trần nhà, tự nhiên Út thấy sợ. Nỗi sợ mơ hồ về việc một người đột ngột biến mất khỏi thế giới này. Hóa ra nó luôn mặc định, ba sẽ không bao giờ bỏ rơi nó. Bỗng Út khóc. Giọt nước mắt lăn ngang, Út đưa ngón tay sửa cho nó lăn dọc, giọt nước mắt lăn vào môi. Con người ta đôi khi kỳ lạ như thế, luôn cố gắng làm đẹp lòng người dưng mà coi tình cảm gia đình như một sự hiển nhiên.
Bắt chuyến tàu sớm, Út trở về cái nơi mà nó từng muốn quên đi. Xuống ga Nha Trang, chút vị nồng của biển làm nó tỉnh táo đôi chút. Cái mùi vị mà đã lâu lắm rồi nó mới thỏa thích lấp đầy hai buồng phổi. Út bắt xe vào thẳng bệnh viện tỉnh dù trời đã tối. Chiếc xe chạy chầm chậm dưới ánh đèn cao áp dọc đường biển. Những con đường mà Út chưa bao giờ biết tên. Kể cũng ngộ, trong Sài Gòn nó có thể kể tên đường vanh vách, còn ở đây thì không cần, vì Nha Trang nhỏ lắm. Nhưng nó không chỉ là thành phố, đối với Út nó còn là quê hương.
Tới bệnh viện tỉnh, nó gọi cho Hai hỏi số phòng, nghe giọng chị khàn khàn. Út gặp lại chợt nhận ra Hai đã qua rồi cái thời con gái, màu thời gian như vết chân chim in hằn nơi mắt tục. Đứa con nít lớp ba lớp bốn kế bên dè dặt nhìn nó.
– Cậu út…
Ôm cái Na vào lòng, nó tới bên giường của ba. Có cái gì đó đâm vào tim nó. Ba hôn mê nằm đó với dây nhợ truyền dịch khắp người, tóc ba đã bạc trắng. Ngày còn bé Út vẫn nhổ tóc bạc cho ba, nó tíu tít huơ huơ tay:
– Nhổ một cọng, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng!
Giờ đây nó không cần trả cục vàng, không cần túi ba gang nữa. Nó chỉ muốn ba trở lại như xưa. Giá mà con đổi thời gian được…
Để cái Na lại bên ông ngoại, Hai kéo nó ra hành lang. Bác sĩ nói tình hình ba đã ổn, chỉ cần đợi ba tỉnh lại là được. Hai khuyên nó trở về đây đi, không cần giàu có cũng được chỉ cần chị em mình ở bên cạnh nhau. Nó nhớ tới quản lý của nó, cả đời chị em tranh giành tài sản đấu đá nhau, bỗng đùng một cái đổ bệnh nặng, chợt chua xót nhận ra thì đã muộn. Ừ thì không cần gì, chỉ cần chị em mình ở cạnh nhau.
Út nộp đơn xin nghỉ việc, cầm theo một quyển sổ tiết kiệm cũng kha khá trở về nhà. Ba đã khỏe lại. Hôm nay cái Na vào lớp bốn, Hai nói thế nào ba cũng giành chở nó đi học.
Chiếc xe ôm chở Út ra ngoại thành Nha Trang. Nó mô hồ ngửi được cái mùi bùn ruộng ngai ngái những trưa hè nó với Hai trốn ngủ đi vớt cá. Nhìn lũ trẻ dắt tay nhau đi tới trường làng trong sương sớm còn chưa tan, Út chợt nhớ lại những gì đẹp đẽ nhất của tuổi thơ mình. Những hoài niệm bị chôn chặt trong một góc nào đó của tâm hồn nay đã được đào lên. Giống như những mảnh giấy nó và Hai bỏ vào lon sữa bò chôn ở dưới gốc cây đào nhà ngoại. Trên đó ghi về những điều ước của hai chị em, về đồ chơi mới, về người má chưa bao giờ gặp mặt, về những con đom đóm lập lòe thắp lửa ma đêm hè. Có điều nào đã thành hiện thực hay chưa? Út không biết nữa, chỉ cần trở về nhà. Là đủ.
Chiếc xe rẽ vào cái ngõ có rặng trâm bầu, Út xuống đi bộ dưới bóng của hàng cau già. Hai đang cắt mấy bụi bạc hà trưa nấu canh chua. Nồi canh chua cá lóc kiểu miền Trung cay ơi là cay mà nó vừa ăn vừa hít hà, nước mắt nước mũi tèm lem mà vẫn lom com ngó coi nồi cơm gần hết chưa. Có tiếng túc tắc quen thuộc đằng sau, ba chở cái Na vừa làm lễ khai giảng về. Cái Na ngồi yên vị trên cái vị trí ngày xưa từng là của nó đưa mắt tò mò nhìn người cậu mà đã lâu thật lâu nó mới gặp. Trong ánh nắng đâm xiên ngang qua tán cau thủng lỗ chỗ, nó thấy nụ cười của ba.
– Con đã về!
Bao nhiêu năm qua, nó đối với ba vẫn là thằng bé con ham chơi trốn ngủ đi bắt cào cào dọc bờ ao. Chỉ là, lần này thằng bé con đó mải chơi quá. Nhưng ba vẫn chờ, chờ đến khi mái đầu bạc trắng. Vì ba biết rằng nó sẽ về. Út của ba sẽ về.
Ngoài kia, tiếng con ve nào gọi hè đến khô xác. Khắc khoải.
Như nhắn nhủ.
Ai ở xa xin hãy trở về nhà!
Huỳnh Đặng Minh Hân
S Communications
www.UEHenter.com