Có những vẻ đẹp ta mãi mãi không nhận ra
cho đến khi nó chìm vào quên lãng
Chiều buông…
Nắng tắt…
Thuốc tàn… Y chang như cái cuộc đời của lão, cũng tàn quách.
Lão thầm nghĩ vậy, và luôn nghĩ như vậy. Người ngoài nhìn vào chả biết lão đang nghĩ cái gì, mà lão cũng hơi sức đâu mà quan tâm miệng mồm thiên hạ. Gần 70 rồi, da đã nhăn và mắt cũng đã đục, người ta nói chi thì kệ người ta, lão chỉ quan tâm đến những người lão yêu thương, mà người lão yêu thương thì chẳng còn ai bên cạnh lão. Phải, lão sống một mình, và sẽ sống một mình cho đến cuối đời với ngôi nhà lá nát bươm mái vách. Lão đã nhiều lần vòng tay tự an ủi rằng họ sẽ về, nhưng những lần về đó đều đã định trước ngày ra đi nên cuối cùng lão vẫn chỉ là lão già một mình lui cui góc xó. Buổi tối, lão luôn mở đèn, kể cả khi đi ngủ. Có thể lão sợ bóng đêm do ảnh hưởng từ nghề nghiệp, hoặc cũng có thể lão để đèn để ai đó phương xa còn biết đường mà lần về.
Lão làm nghề khâm liệm – cái nghề mà ai cũng biết nó cần thiết nhưng không ai dám làm. Lão cũng không hiểu vì sao lão lại làm cái nghề ấy. Lão thường trách mình có phải vì cái nghề này mà vợ con lão bỏ lão đi. Vợ lão là một người rất tốt, nhưng khi cái nghĩa không thắng nổi những vật chất tầm thường, mụ cũng đành bỏ lão. Vợ lão trước kia đẹp cũng có tiếng trong vùng, không nhất cũng thuộc dạng nhì, trai theo như điếu đổ. Con nhà dân, nhà quan đều có nhưng cuối cùng vợ lão chọn lão, chắc có thể là do lão hiền quá, khù khờ quá nên mới dễ mến, dễ thương. Vợ lão về làm dâu, ngoan hiền, thục nữ. Lão thì ngày ngày đi theo phụ hồ, phụ làm nhà, ngày ba bọc ba đồng nhưng gia đình đầm ấm yên vui. Hai năm sau, họ có một đứa con gái, suốt ngày bi bô bi ba vui vẻ trong ngoài. Lão cũng nuôi nhiều dự định cho tương lai, này thì lên thợ chính, gáng để giành tiền xây lại ngôi nhà, rồi cho con ra tỉnh học. Nhưng cuộc đời vốn ai ngờ, trong một lần đi phụ xây nhà, dàn giáo nơi lão đi ngang dựng không chặt và bị sập toàn bộ, đè lên người lão. Cơ thể lão quặng đau suốt mấy tháng liền, mà đau hơn là công việc chính nuôi gia đình nay không còn nữa. Tổn thương cơ thể từ tại nạn lần trước khiến chân lão di chuyển chậm hơn, đôi tay chỉ có thể mang những vật nhẹ. Thế là lão phải ở nhà, lo việc bếp núc trong khi vợ lão đi làm thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Lòng tự trọng của thằng đàn ông không cho phép lão chấp nhận điều đó. Đêm đến, khi đã tắt đèn, lão mới nhỏ nhẹ thủ thỉ với vợ “Hay mình cho tui làm tiếp nghề của ba hen”. Vợ lão đang lim dim bỗng dưng tỉnh người, mở mắt ra nhìn lão. Mụ nhõm người dậy, không hiểu vì sao một phút sau lại nằm xuống, thở dài, không nói không rằng. Lão hỏi là hỏi vậy thôi chứ lòng lão đã quyết. Ngày đầu tiên, lão đem tiền về cho vợ, mưa thêm miếng thịt thay thế cho phần cơm rau ở nhà. Vợ lão cũng vui nhưng ánh mắt nặng trĩu. Đêm ngủ, lão xoay người, vòng cánh tay sang ôm vợ, mụ nhẹ nhàng gỡ ra, rồi lăn qua một bên ngủ tiếp. Lão không chắc vợ lão lúc đó đã ngủ hay chưa nhưng lão thì thức mãi, mắt chong chong nhìn trần nhà tới sáng. Cuộc đời ba lão đã gắn với nghề “hầu ma” thì đến đời lão, cũng vẫn nối tiếp cái nghề đó, có tránh cũng không được. Làm đẹp thì có gì sai, ờ thì có ai bảo lão sai, chỉ là lão làm đẹp không phải cho người sống mà là cho người chết. Người ta sống trên đời, đã từng xinh đẹp, thanh lịch, chỉnh chu thì khi từ giã cuộc đời, họ cũng phải được như thế, chí ít là cơ thể vẹn toàn. Lão đã gặp nhiều trường hợp, đơn giản thì là làm sạch, mặc áo quan, đánh chút phấn cho da mặt bớt xanh xao, còn phức tạp thì những người bị tai nạn, bị rách thịt rách da thì phải dùng kim chỉ mà khâu lại. Lão không chủ đích theo nghề nhưng đã quyết định theo, thì phải gáng tìm hiểu cho trót, chứ nếu làm sơ sài, gia đình chủ sẽ la, mà nếu không la thì lương tâm mình cũng sẽ bị cắn rứt. Cái nghề này coi như là tích đức bản thân, cho con cháu sau này được nhờ. Chưa biết có sung sướng gì không nhưng thấy trước mắt vợ lão đã bỏ lão mà đi. Lão ngây thơ nghĩ rằng cuộc sống ba cọc ba đồng có thể xây dựng một mái nhà hạnh phúc. Ngày vợ lão đi theo thằng trai làng khác, ngày con lão mới lên bảy, lão còn đang ở nhà người ta mà khâm liệm, ma chay. Tới khi về, cửa nhà mở toang, lão chạy xộc vào trong khi nghe tiếng con nít khóc hoảng loạn. Lão dáo dác nhìn quanh, gọi to “Mình, mình ơi” nhưng không ai trả lời. Lão ôm con dáo dác tìm, rồi cũng dừng lại ở cái bàn gỗ cũ kĩ mà gia đình lão hay ngồi ăn. Có một bức thư, dòng chữ nguệch ngoạc trên tờ giấy đã nhiều lần nhàu nát. Lão run run ôm con, miệng cắn chặt môi để ngăn tiếng khóc tuôn trào. Ừ thì vợ lão sợ đói, sợ nghèo và đau đớn là sợ mùi người chết. Nhiều đêm vợ lão sợ phải đi ngủ, sợ bị ám ảnh cái mùi rợn người, có thật hay tưởng tưởng thì nó cũng thế. Mụ biết công việc của lão có ý nghĩa nhưng nó có ý nghĩa với ai kia, còn mụ, mụ được cái gì? Cái ý nghĩ đó cứ ám ảnh mụ suốt. Phải, mụ phải vứt nó ra khỏi đầu mình bằng cách dứt áo ra đi. Mụ không thương gã kia, nhưng gã kia sẽ cho mụ thoát khỏi cuộc sống khốn cùng hiện tại. Nói cho cùng người ta có no cái bụng thì người ta mới đủ sức mà yêu, mà thương và nghĩ đến những việc khác. Lão vò nát bức thư, ôm chặt đứa con đang khóc vào lòng mà nghe tim mình cũng đang từng hồi rên rỉ, như ai xé vụn từng mảnh nhỏ. Từ đó không ai nhắc đến vợ lão, lão cũng lủi thủi một mình gà trống nuôi con. Lão thương con gái lão lắm, niềm tự hào duy nhất của lão, minh chứng cho tình yêu thủy chung của lão với một người đã phản bội. Con gái lớn lên càng xinh, càng giống vợ lão, nhất là đôi mắt. Đôi mắt tròn, sáng trong và sâu thăm thẳm mà chưa bao giờ lão dám nhìn vào. Lão sợ lão lại nhớ con người kia, kẻ phụ bạc mà lão không bao giờ mở miệng oán trách. Lão sợ phải trải qua thêm lần nữa cái cảm giác tan nát, đau nhói từng hồi. Con gái càng lớn, lão càng trầm ngâm, tình yêu thương cất sâu vào trong im lặng, chỉ có mỗi khi buồn lại gãy đàn tình tịch mà ngân nga đôi ba câu vọng cổ. Người dân quê lão nghèo lắm, cái ăn cái mặc lo còn chưa xong nên không dám mơ cho con học cao, chỉ cần nó có vài miếng chữ bỏ bụng để biết đọc, biết viết là mừng rồi. Cũng biết là thế nhưng lão không ngừng nuôi giấc mơ cho con mình thoát khỏi cái kiếp nghèo, mơ con mình sẽ được làm bà này bà kia để lão cũng được nở mày nở mặt, để cũng được xưng danh, vừa oách, vừa sang chứ không phải như cái tên mà người ta thường gọi “ông Tư hầu ma”. Ừ thì có ai cấm mơ, bởi vậy người ta thường mơ những điều mà không thực hiện được. Con gái lão thi xong 12, không đậu tốt nghiệp nên nghe lời bạn bè rủ, nó khăn gói lên thành phố, nghe nói là đi bán phụ bán quán cà phê. Ừ thôi thì việc học lỡ dở, lão cũng ngậm ngùi cho con bé đi với hi vọng cho con bé ra đời sớm sẽ mau chóng trưởng thành. 18 tuổi rồi, quấn mãi chân lão cũng không tốt, huống hồ lão lại làm cái nghề này, sợ tụi trai làng nó kì thị rồi con gái lão lại không có ai theo, thôi thì cho nó đi coi chừng cũng tìm được người tốt. Ngày con gái đi, lão dúi cho nó 500 ngàn, số tiền ông gáng vay mượn, cũng không nói gì, lão chở nó ra bến xe, rồi đứng chờ cho đến khi xe chạy khuất tầm mắt. Ngày con lão về, đưa hẳn cho ông một triệu, ông cầm tiền vừa mừng vừa tủi. Mừng là nó đã có thể tự kiếm ra tiền, tủi vì nhìn chả giống con mình mà cứ giống con người ta. Bộ đứa nào lên thành phố xong về cũng như thế hết hả? Lão ngồi so sánh, nào là tóc thì vàng hoe, tay chân sơn lòe loẹt, mặt lúc nào cũng phải trang điểm phấn son. Hồi trước con gái lão đẹp, nhưng giờ nó đẹp đến mức xa lạ, chẳng dám ngờ. Nhưng mà thôi, có trách thì trách mình, đã không lo tốt cho con, nó đi kiếm tiền mấy tháng trời đem vào cho mình, không thương mà còn quay ra trách ngược lại nó. Lão cầm tiền mà không nói gì, tự nhủ sẽ để giành để làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Có tí tiền thôi, thế mà lão vui lắm, đi đâu cũng nói, đi đâu cũng khoe. Nào là con lão ngoan hiền, thương cha, gáng làm lụm chăm chỉ không dám xài mà gửi cho cha nó. Có mấy bà ác mồm ác miệng, nhếch môi khẩy cười, hay hớm gì cái loại làm gái đi bán quán cà phê. Ban đầu lão không chấp mấy người không hiểu chuyện, sau chừng người ta đồn nhiều, mà toàn đồn ác miệng. Lão tức mình la lại thì y như một cái bạt tay giáng trời. “Bán cà phê thì làm quái gì có nhiều tiền, chỉ có nước đi làm gái, ngủ với trai”. Chẳng thể tin được, lão đỏ mặt nổi sùng, xém tí nhảy vào đánh nhau. Người người nhảy vào can còn mụ lắm mồm kia thì được nước làm tới. “Tui nói cho mà biết, con Thúy con ông Hai hổng có tốt lành gì đâu hen, con nhỏ đó tui biết từ lâu rồi, nổi tiếng đi làm gái đèn mờ. Tốt lành gì mà cho con mình đi theo, à mà chắc cũng muốn kiếm tiền để cũng ăn sung mặc sướng, không thèm làm chứ gì? Mẹ nào thì con nấy. Có ngày nó về, nó mang về cho ông một thằng cu, đẹp mặt cả họ nhé”. Lão nghe mà không kiềm được tức giận, đứa con gái của lão, niềm tự hào của lão, người ta ghen tị với lão, lão không tin, lão không muốn tin. Người còn nồng nặc mùi rượu, lão xông vào nhà. Đứa con gái đang ngồi trên cái chõng tre trước cửa, thấy lão đang say loạng choạng bước vào, bèn chạy ra đỡ, lão vung mạnh tay hất con bé ra, chỉ thằng vào rổ trái cây trên chõng mà gào lên “Mày, mày nói cho tao biết trên thành phố mày làm cái gì?”. Con bé nhìn lão trân trối, vẫn không nói gì, nó lặng lặng bước tới dìu lão vào cửa. Cơn giận bốc lên, lão không kiềm lòng được tán nó một bạt tay. Nó ôm mặt, đầu gục xuống chõng, nhưng không khóc, ánh mắt sôi lên, chăm chăm lại nhìn lão. Lần đầu tiên trong đời lão dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, lão không còn sợ mà thay vào đó là nỗi căm tức nghẹn ngào. Lòng lão muốn ngăn lại nhưng tay lão lại vung tay. “Ọe” lão chưa kịp đánh, con gái lão đã ôm miệng chạy ra đầu hè mà nôn thốc nôn tháo. Lão nhìn theo nó, tim rụng rời, tay buông thõng như cọng bún. Lão ước gì có ai đó đến tát vào mặt lão, chửi lão ngu, chửi lão khốn nạn, rồi cầm dao đâm lão chết quách cho rồi. Cả một đời, con dại cái mang, đã vậy còn huênh hoang cho người ta biết mình ngu dại. Ngu dại thì riêng mình cũng được, đằng này nó là con gái của ông, là niềm hi vọng cuối đời, là động lực để ông tồn tại. Lão ôm đầu, ngồi khóc rưng rức, nói trong tiếng nức nghẹn lời “Mày đi đi, đi ra khỏi nhà tao ngay”. Lão nhớ lại lúc con bé hồi xưa, nó ngoan lắm, hiền lắm. Lúc nó đầu tiên tới kì, chỉ đứng ở góc chuối đứng khóc một mình mà thấy thương. Giây phút đó, lão tự hứa với lòng là không bao giờ để con mình phải khóc thêm một lần nào nữa. Vậy mà lần này, nó đâu có khóc, mà chỉ có lão khóc…Khóc vì giận con sao mà dỡ dại, khóc giận mình không dạy dỗ con tới chốn tới nơi, khóc vì chữ nghèo có chạy khắp nơi nó cũng theo mình mãi. Lão giận con thì ít nhưng giận mình thì nhiều. Lão đuổi nó, nhưng nhìn cái dáng gầy guộc hao hao bước đi, lão chỉ muốn kêu “Con ơi ở lại đi con”, nhưng những tiếng mấp máp đã bị đè nghẹn không nói nên lời.
“““““““““““““““““““““““““““““““““““““““““““““
Rồi một hôm, trời mưa giông đen đặc, con lão trở về, tay ôm một đứa bé đỏ hỏn. Lão biết chuyện gì xảy ra nên lẳng lặng mở cửa, pha nước đường cho bé con. Giận thì giận lắm mà không thường cũng chẳng đành. Nghĩ cũng tội mẹ con nó, lam lũ ở đất khách quê người, đã nghèo lại còn nghèo hơn nên cũng chẳng có sữa cho con nó bú. Mẹ con nó ở nhà lão sáu tháng. Suốt sáu tháng thị phị xóm làng, sáu tháng lão bịt kín tai nghe, chỉ lầm lũi đi đi về về mỗi khi có người kêu việc. Rồi sau sáu tháng, con gái lão cũng bỏ đi, để lại đứa con của mình. Lần đi này, lão không buồn như đợt trước vì lão còn có đứa cháu. Xóm làng dị nghị bảo con lão bất hiếu, để gánh nặng cho ông già. Còn lão thì ngược lại, cực thì cực nhưng lão một lần lại được yêu thương, lại được quan trọng. Lão hết lòng nuôi con bé từ sữa bình cho tới nước đường, ngày đêm chăm lo từng li từng tí, bởi thế con bé quý lão lắm, ít khi chịu rời lão, trừ những buổi lão phải đi làm. Những ngày như thế, con bé sẽ đứng ở đầu hè, kễnh chân lên đứng chờ. Khi thấy lão về, nó sẽ chạy thật nhanh, la thật to và ôm lão thật chặt, chẳng thèm để ý đến cái mùi người chết mà những người khác e ngại. Chưa bao giờ lão có cảm giác yên bình và hạnh phúc đến thế. Trẻ con luôn là một thiên thần và lão đang ước mong thiên thần đó mãi mãi ở nên lão nhưng một lần nữa, con người ta luôn ước những gì không thành hiện thực.
Đùng một cái, mẹ con bé đã lâu không về nay lại về bắt con bé đi. Lí lo nó đưa ra hết sức đơn giản:
“Ba lớn tuổi rồi, chăm con nít chi cho cực, con tụi con thì để tụi con nuôi, hổng dám phiền tới ba”
“Ba mày có phiền cái gì đâu chứ”
“Dạ, với lại chồng con…” Mẹ con bé ngập ngừng. “Chồng?” Lão trừng mắt, tụi bây cưới xin hồi nào. Tụi bây ở với nhau bao lâu rồi tự xưng chồng vợ, bộ coi ba mày chết rồi hả? Lão chưa kịp nói những ý trong đầu thì con lão vội nói thay.
“Dạ, ảnh là người yêu con, hiện giờ con với ảnh đang sống chung, cũng tính chừng nào ảnh rãnh xuống nói chuyện thưa gửi với ba”. Lão trầm ngầm, không nói gì, cục tức này chưa lên đã có cục tức khác chèn xuống.
“Với lại ảnh nói ở với ba, nhiều khi ba tiếp xúc với… Mẹ con bé ngập ngừng… Con sợ ảnh hưởng đến sức khỏe con nít bà à, tụi nhỏ sức đề kháng yếu lắm”
À thì ra là thế, mẹ con bé còn nói nhiều lắm nhưng lão không nghe, tai lão như ù đi vì giận, vì tức và vì tủi. Năm năm, năm năm trời nó về thăm ba, không một ngày ngủ lại, chỉ tạt qua rồi cho vài bịch kẹo, vài trăm ngàn. Năm năm, ông nuôi con nó không quản nhọc, từ một cục bé xíu đỏ hỏn, đến cao gần bằng cái hàng rào trước nhà. Năm năm khi con lão còn khó nhọc, nó có mở miệng ra là bệnh này bệnh kia, ảnh hưởng này ảnh hưởng nọ hay không, hay là mặc cho lão muốn nuôi con mình ra sao, như thế nào cũng được… Lão chết trân, cuối cùng nó cũng lấy cái lí là do cái nghề của lão. Phải, cái nghề ai cũng cần mà không ai làm, cái nghề ai cũng hiểu mà ai cũng sợ. Lão cứ nghĩ con lão sẽ thấu hiểu nỗi đau mà lão đã trải qua, cái nỗi đau chẳng khác gì nỗi nhục ê chề khi xóm làng chuyền tai nhau bị vợ bỏ. Lão đã nhầm, lão đành phải để mẹ nó bắt con bé đi. “Ừ thì nếu ba có thương cháu thì cho cháu nó lên thành phố. Ở đó môi trường sống tốt, chứ không như ở quê mình lạc hậu, nghèo nàn, còn cơ cực, vất vả….”. Cực à, ba mày chịu cực cả đời, chịu nhục cả đời vì mày mà mày cứ đi miết.
“Hay con lên chơi với má mấy bữa rồi con về chơi với ông ngoại hen, ông ngoại dẫn con đi bắt còng gió hen ông ngoại”. Con bé cười tít mắt, lão cũng gáng cười theo, nếp nhăn kéo xuống làm gương mặt ông chảy xệ già nua đáng tội.
“Hay là mày đi về rồi tháng sau kêu thằng người yêu mày xuống cho ba xem mắt, rồi có gì ở đây lập nghiệp luôn con, chứ mày như vầy, sao ba mày yên tâm nhắm mắt”.
“Ba nói xúi quẩy hông à” Mẹ con bé nói rồi khẽ cúi chào, ôm con bé đi. Con bé ngoái lại nhìn ông, vẫy vẫy tay. Tội con bé, nó ngoan hiền, mẹ nói sao thì nghe y vậy “Cà Na ngoan, Cà Na lên chơi với mẹ mấy ngày rồi mẹ rước ông ngoại lên ở chung luôn hen”.
“Ở chung”, lão hi vọng ngày đó không xa, lão khát khao điều đó thành hiện thực. Nhưng giờ đây, hai năm rồi, lão còn ngồi ở đây, trên cái chõng tre và dưới mái nhà lá rách nát, vẫn chờ nghe tiếng Cà Na trở về. Nhưng lão sợ lão đợi không nổi, bạn bè lão ngày một đi xa, có người ngay cả chính lão cũng đã khâm liệm cho họ. Thằng này ngày xưa ghét lão, thằng này ngày xưa trộm nhà lão hai ba con gà…lão nhớ hết, nhớ từng cái chân răng. Lão nắn nắn tay nó, mặc áo vào cho nó, nghĩ mà xót xa tới phiên mình, không biết ai sẽ “làm đẹp” cho lão hay lại là nằm chỏng vó quắt queo.
Mỗi khi lão nói như vậy, Năm Hơn đều chửi lão và bắt lão phải uống liền hết ba li rượu đế vì tội không coi trọng thằng bạn già này.
“Mày nghĩ tao là ai?” Lão Hơn lèn èn. “Thằng Hơn này sinh ra là đã không thua thằng khác nhé, chơi với bạn cũng vậy. Tao hứa sẽ mướn cho mày một ông thầy nhất trời thiên địa để đám của mày quậy tưng bừng haha”
“Dô, dô”. Hai chiến hữu già cụng li với nhau, chỉ có những phút giây như thế lão mới cảm thấy được đôi chút ấm lòng.
“Nè Hơn, tao còn bộ vest đen hồi trẻ, mà giờ “chậc” mất đất rồi. Mày cho tao mượn tí tiền may bộ mới để mặc đám cưới con Hường đi mày?”
“Trời ơi con Hường mà thằng nào còn chịu cưới nó nữa”, bà Hơn ngồi bên hè nghe được câu chuyện cũng rãnh miệng nói thêm vào. “Nó thì cặp với thằng này thằng kia chắc để lấy tiền thôi, mà cũng chắc được dăm bữa nửa tháng thôi mình hen?”.
Ông Hơn nghe thế hắng giọng, nạt vợ một cái rồi quay qua nhìn bạn mình ái ngại. Lão không nói gì, tuôn một hơi rượu dài. Lão đã quen với những gì người ta đàm tiếu, chỉ có điều khi nhắc tới, sống mũi lão cứ cay cay. Ừ chắc là rượu, mà rượu khi đã rã rồi, mũi lão còn cay hơn trước đó. Lão cứ nhìn trần nhà, mái lá rách, lão nhìn sao, lão nhìn xem ngôi sao của lão ở phương nào, của Cà Na, của con lão, và của vợ lão. Tối đêm đó, như mọi khi nhà lão vẫn sáng đèn chờ người phương xa trở về.
***
Cái chết của lão lan nhanh khắp xóm. Chẳng ai biết lão chết từ khi nào, chẳng ai biết lão chết ra sao. Chỉ biết rằng bữa đó ông Năm Hơn mang xị rượu đế qua nhà lão gầy sòng, vừa đến cửa đã ngửi mùi thịt rữa. Hỏi hàng xóm xung quanh, người ta nói không ai thấy lão cả tuần này rồi, mà tưởng lão đi đâu đó, nên cũng chẳng thèm quan tâm. Lão Hơn lục tung nhà, cố tìm số điện thoại liên lạc với con gái lão. Người quê sống nghĩa tình nên ai cũng giúp một tay, cũng dựng rạp, cũng kêu hòm, cũng lập đàn ma chay, chỉ tiếc có điều ông Năm Hơn chắc bận lo việc đám nên cũng quên khuấy lời ông đã hứa. Thôi thì một người biết việc cũng được, giúp lão “sạch sẽ” để còn mặt mũi gặp lại tổ tiên của mình. Lão được khoác lên mình tấm vest đen, tấm áo mà lão không mặc vừa khiến cơ thể trương phình của lão như bị túm lại, ôm chặt. Tội một con người, ra đi nhưng trong tâm vẫn chưa được giây phút bình yên, thanh thản.
Con gái lão về, trễ một ngày sau khi bà con dựng rạp đám tang. Cô về chung với Cà Na và một ông nước ngoài lạ lẫm, tầm năm mươi tuổi. Hắn ta bị hói nửa đầu, gương mặt dèn dẹt với cặp mắt ti hí, ai hỏi gì cũng lắc đầu không biết hoặc mở miệng nói xí xô xì xào, chẳng ai nghe ra. Nghe đâu là người Đài Loan cô Hường mới quen, hình như sắp làm đám cưới. Có người hỏi cái người đợt trước cô tính dẫn về, nay đâu. Cô cười trừ, chẳng trả lời, lẳng lặng đội khăn tang rồi đi vội vào bếp. Đám tang người ra người vô, cũng chẳng nhiều vì lão cũng ít giao du với ai, chủ yếu là mấy ông già bạn lão còn sống. Mấy đứa con nít, mấy mụ đàn bà cũng đến viếng tang. Mà thật ra là họ đến xem thằng con rể nước ngoài của người nằm trong quan tài là chủ yếu. Họ xét nét, bình phẩm xong rồi suy đoán. Họ dò hỏi này kia, rồi đưa ra kết luận này nọ đi đồn um khắp xóm. Bỗng dưng đề tài ba con Hường chết không ai hay lại trở thành chừng nào cô Hường đi xuất ngoại. Vài đứa lại lân dò hỏi chị Hường làm sao quen được ông kia, có người lại bỉ môi bảo chồng Đài Loan thời này làm gì còn giá. Thôi thì sao cũng được, kệ miệng lưỡi người đời, dao hai lưỡi cắt người ta thì cũng làm đau mình ngược lại. Hường cắn môi, thắp nén nhang lạy tạ ba, đốt cho ba vài bộ đồ tạ tội. “Ba ơi, tháng sau con sẽ qua Đài Loan với chồng, không mang theo Cà Na được, con sẽ gửi dì Năm Hơn, ba ở dưới nhớ phù hộ cho con và Cà Na nghe ba”. Nén nhang lóe lên, đằng sau là di ảnh lão đang cười, nụ cười hiền lành và phúc hậu./.
Ngô Thị Ngọc Hà
S Communications
www.UEHenter.com