Ngay khi thời đại thay đổi, từng thước phim bom tấn như Avengers, Joker hay The New Mutants,… mới chính là tâm điểm chú ý của lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nhưng với tôi – một “kẻ già” chập chững 20 lại chọn cho mình một góc giải trí riêng biệt là Anime.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe câu nói “Bạn phải chịu trách nhiệm với mỗi lựa chọn của mình”. Đối với bản thân tôi, trách nhiệm đó có lẽ là tình nguyện nghe 7749 loại phàn nàn như: “Từng ấy tuổi rồi còn xem Anime, có còn là trẻ con nữa đâu?” hay “Chỉ những đứa ngây thơ, nhàm chán mới coi cái đó”. Anime đúng là dành cho con nít, cho độ tuổi vẫn “chưa biết mùi đời”, ấy thế mà đối với những người già như tôi, nó vẫn cuốn hút đến lạ…
“Khi cậu từ trên trời rơi xuống, trái tim tớ đã đập rộn lên”
Tôi như hãy còn nghe bên tai lời thoại ngọt ngào của Pazu nói với cô bé Sheeta khi 2 người chia nhau mẩu bánh mì xé nhỏ trong góc hang tối. Chúng khiến tôi bần thần suy nghĩ: “Ơ, đúng thế nhỉ? Anime đối với tôi cũng như món quà từ trời vậy.” Một ngày cũ, tôi được tặng đĩa phim hoạt hình bằng nhựa, khoảnh khắc ấy với tôi ngọt ngào giống khi ai đó thưởng kẹo vậy.
Bạn cảm thấy tim mình đập rộn, mơ tưởng về những món quà mới lạ chứa đựng bên trong chiếc hộp Pandora bí ẩn. Ngày ấy, không biết bản thân đã mân mê xem lại đĩa phim cũ ấy gần mấy chục hay tưởng chừng trăm lần mãi cho đến khi chúng cũ nát, xước hỏng.
Và cứ thế Anime đối với tôi và chắc chắn cả ngàn đứa trẻ khác – cũng như tôi – yêu thích và nghiễm nhiên “kết nạp” một phần tuổi thơ vào những chuyến phiêu lưu hoạt hình ấy. Rồi đến một ngày ngoảnh lại Anime đã bỗng dưng trở thành ước mơ, lý tưởng và cả niềm tin ngây dại của bọn trẻ chúng tôi mà không ai có thể mảy may nhận ra.
Có ai chưa một lần mơ ước được hoá thân thành Satoshi bởi mê muội sự quá sức đáng yêu của người bạn đồng hành Pikachu? Có ai không khao khát cùng Luffy chinh phục từng vùng đất mới, phiêu lưu khám phá kho báu cất giữ ngàn năm? Hay đôi lúc ngưỡng mộ “mối tình” Naruto với Sasuke oan gia ngõ hẹp, nhưng sâu trong nội tâm, họ lại là những con người hết mình vì lý tưởng.
Hay cả những nhân vật như Nishimiya trong A Silent Voice đã cho ta bài học về lòng vị tha và mạnh mẽ bởi sự bao dung trước những lỗi lầm của người khác cũng chính là cách giúp bản thân trưởng thành. Đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói nghe được từ nhân vật Songoku trong bộ phim Dragon Ball xưa cũ (mà ắt hẳn thế hệ 9X không thể nào quên): “Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được nhận điều đó mà là bạn xứng đáng được hưởng bình yên”.
“Biến kẻ thù thành bạn” – mô típ không còn gì quen thuộc hơn trong hầu hết các bộ Anime kinh điển. Bởi lẽ, Anime đã, đang, và vẫn luôn dạy ta một bài học – mà có khi đến quá nửa cuộc đời mỗi người cũng khó nhận ra: “Gặp được một người cũng là có duyên, thế sao thay vì hằn học ghen ghét, ta lại không cho nhau một cơ hội được làm bạn, được đồng hành đến cuối đoạn đường?”.
Anime và Radio – những bản ngã hoàn hảo tái hiện cuộc sống
Chuyển kênh đến đài phát Radio số 3, chiều chiều coi một bộ phim rồi lại thả hồn vào những câu chuyện phiếm xa vời trên Radio là sở thích riêng của tôi. Ấy vậy mà hôm nay tôi không tài nào tập trung nổi, trong đầu lại hiện lên câu hỏi không biết đã ám ảnh tâm tưởng tôi bao lần: “Tại sao mình lại thích Anime nhỉ? Thích từ nhỏ, đến giờ vẫn thích”. “Cứ như bị ám vậy” – tôi cười xòa. Loáng thoáng nghe những câu chuyện đời thường lọt vào tai mà trí tưởng tượng cứ thế tăng vọt. À nhỉ, chẳng phải Radio và Anime thật giống nhau?
Với tôi, Anime và cả Radio đều thi thoảng mang trong mình vài “nét” buồn u ám, chấm thêm chút niềm vui tươi tắn và cả sự tiếc nuối cũng như bất cứ nỗi niềm nào còn đọng lại. Để rồi ta dùng chúng để vẽ nên một mảng trời ký ức của những ngày đã từng. Nơi đó cất chứa câu chuyện đời thường hay về từng mảnh đời bất hạnh trong xã hội được tái hiện qua mỗi gam màu trầm bổng nơi góc phố xa, lấp lánh món ăn đậm vị hương của vùng đất ấy cùng những thanh âm trong trẻo nhất phát ra từ “cảnh vật”.
Chỉ khác đôi chút là tất cả cảnh vật ấy trong Radio đều do ta tưởng tượng. Chúng là những câu chuyện cũ được thu âm và phát đi qua chất giọng ngọt ngào của chị MC. Còn với Anime, “giọng nói” của nó lại cuốn hút cả tầm mắt, trí óc và tâm hồn ta, thôi miên ta bởi vẻ tinh tế lồng ghép giữa sự giản dị và thế giới huyền bí của nội tâm nhân vật.
Chắc hẳn ai cũng từng ám ảnh với những phân đoạn trong “Mộ đom đóm” – bộ phim mà tôi không dám xem lại lần thứ hai, bởi lẽ sự chân thực của nó đối với người xem quá gồ ghề, méo mó đến tàn khốc. Và lí do tôi nghĩ nó có đôi phần lập dị và khó chấp nhận bởi lẽ từng thước phim như vết dao xé toạc tâm trí còn quá đỗi ngây thơ của tôi về một thế giới tươi đẹp, về sự sống ngập tràn, về sự yêu thương của con người bất kể hoàn cảnh.
Nhưng xuyên suốt bộ phim khi mà hai nhân vật chính không nói quá nhiều, ta lại cảm nhận được từng mảng tối của chiến tranh, những góc khuất của chế độ phân cấp xã hội tàn bạo đến vẻ tuyệt vọng chân thực. Chúng toát ra từ cảnh đói khổ mà đáng buồn thay kẻ gây ra nó lại chính là sự bất lực của một thế hệ tham lam, hiếu chiến và cực đoan.
Anime – bộ hoàng bào thuộc về thế giới lý tưởng
Anime là một thế giới lý tưởng nơi chất chứa hoài niệm, niềm tin và ước mơ. Là toà tháp ngà giam giữ tâm hồn ta với những triết phạm và lý lẽ của riêng nó mà ta cũng rất tự nhiên nguyện ý lấy đó làm nền tảng để lớn lên, để trưởng thành. Có thể vì thế mà ta nhận thấy những nhà làm phim hoạt hình có những nguyên tắc khắt khe hơn.
Họ cân nhắc kỹ càng từng ý nghĩa truyền đạt và ngày đêm thao thức, xem xét tạo hình nhân vật sao cho phù hợp nhất với thế hệ trẻ. Bởi lẽ ngoài cha mẹ, phim hoạt hình là người thầy đạo đức, là bậc thầy ảnh hưởng trực tiếp đến tam quan của trẻ nhỏ. Phải biết rằng cả thế giới quan, giá trị quan và nhân sinh quan sẽ bị bóp méo nếu ngay từ môi trường đầu tiên ta được dạy sai cách.
Nếu bạn hay đọc quotes chắc hẳn sẽ từng nghe đến câu này: “Quá khứ khiến bạn day dứt vì hối tiếc, tương lai đưa bạn đến bộn bề bải hoải và âu lo. Vì thế, hãy chỉ tập trung vào hiện tại thôi, bởi nó chính là khoảng thời gian hạnh phúc nhất mà bạn có thể tận hưởng”.
Một câu nói tưởng chừng như bắt gặp trên một trang sách hay góc tạp chí Tâm lý – đời sống, nhưng thật ra xuất phát từ bộ Anime đình đám Yahari Ore của tác giả Wataru với đúng ý đồ của nhà sản xuất – truyền tải những thông điệp thực tế khách quan nhất.
Anime còn tái hiện vô vàn góc khuất ẩn sâu bên trong tâm hồn con người. Họ – không phải một nhân vật trong trí tưởng tượng, mà là một cá thể chân chính: biết ưu lo sầu khổ, biết vấn vương những đoạn tình cảm dở dang và biết nhìn nhận những mảng tối u uất nhất của cuộc sống đầy lẽ bất bình. Hơn hết, họ là hình mẫu những con người mạnh mẽ – biết đứng lên sau mỗi vấp ngã, biết sống cho lý trí và đam mê, biết “tận hưởng” thử thách và lấy đó làm động lực cho mọi mục tiêu cũng như ước mơ của bản thân.
Anime là lá thư gửi đến tương lai, chôn giấu niềm tin của quá khứ, và là động lực cho hiện tại
Chắc hẳn với các fan Anime thì hình ảnh “Chiếc hộp thời gian” hay “Lá thư đến từ tương lai” đã không còn mấy xa lạ. Gần đây, tôi có xem lại Orange, một bộ anime cũng khá cũ mà tôi đã từng mất năm năm ngóng trông bản truyện dịch hoàn thành. Ấy vậy mà khi từng thước phim chiếu lại trước mắt tôi – một phiên bản hoàn thiện khác không phải do tôi tưởng tượng từ những câu chữ, tôi lại thấy trùng khớp đến lạ.
Mấy ai không từng ngán ngẩm với những thước phim người đóng chỉ vì chúng không sát với cốt truyện, có sự khác biệt về cảnh vật trong tiềm thức hay đơn giản là hình tượng diễn viên không đúng,… Đó cũng chính là một trong những vấn đề gây “đau đầu” nhất cho bất kỳ nhà sản xuất hay đạo diễn nào.
Song, với Anime lại hoàn toàn khác, bởi lẽ Anime bản chất được vẽ từ chất liệu giả tưởng và truyền tải thứ năng lượng đẹp đẽ mang tên “ước mơ”. Kết hợp cùng cách nhìn đặc biệt của nhà làm phim thì dù từng phân cảnh có không hợp với mắt nhìn của vài người và có khác đi một chút, ta vẫn cảm nhận được trọn vẹn sức sống của nó.
Kể cả những yếu tố siêu nhiên qua chi tiết một vật được gửi đến từ tương lai trong Mirai hay Doraemon,… vẫn tạo cho ta cảm giác thật tự nhiên và cuốn hút. Bởi lẽ, Anime chính là cầu nối giữa hiện thực và viễn tưởng, mà đôi khi ta phải chấp nhận nó từ đầu, để bản thân thoải mái cảm nhận được hết ý nghĩa chân thực của nó.
Khép lại dòng cảm xúc còn đôi chút đứt đoạn giữa từng cột mốc thời gian, Anime đã đến với ta kỳ diệu như thế đấy. Có thể bạn còn trẻ, có thể 60 năm nữa bạn đã già, nhưng không sao cả, Anime với chính ta có thể là hoài niệm, là viễn tưởng về tương lai,…
Nhưng chắc chắn dù ở bất kì độ tuổi nào, ta vẫn cảm nhận được sức hấp dẫn ma thuật của nó. Bởi lẽ khi ta đã lớn, Anime vẫn có thể cuốn hút ta qua một lăng kính đặc biệt khác – đó là tri thức tồn tại muôn đời, là giọng nói không ngừng thôi thúc, nhắc nhở ta về niềm tin và ước mơ thuở ban đầu.
Bài viết: Thảo Trang
Hình ảnh: Lupin Phạm
S Communications
UEHenter.com