Chất Liệu Truyền Thống Trong Âm Nhạc Hiện Đại

“Lũy tre đầu làng bờ lao xanh xanh thắm giọt mưa” là câu hát đã tạo thành trend trong những ngày gần đây. Không ít người thắc mắc về sự khuấy động của nó trong thị trường nhạc trẻ. Có phải chúng ta đang hoài niệm quá khứ hay bằng cách thần kỳ nào đó âm nhạc truyền thống đã trẻ lại và đồng hành với thế hệ chúng ta?

Âm nhạc của ngày hôm nay

Những năm gần đây, Tiktok hay Facebook và các nền tảng xã hội khác, ngập tràn các bản nhạc mang giai điệu có sự ảnh hưởng từ các nền âm nhạc khác nhau. Thị trường giải trí ngày càng đa dạng khi xuất hiện nhiều thể loại nhạc, cũng nhờ đó mà âm nhạc hiện đại phát triển hơn.

Những bản nhạc Hoa, Hàn, US-UK, hay thể loại rap và rock cũng có bước ảnh hưởng sâu sắc, tiếp cận mạnh mẽ với giới trẻ. Không thể phủ nhận, đó là cơ hội để người trẻ tạo nên dấu ấn và khẳng định cá tính riêng biệt của mình, đồng thời làm giàu đẹp thêm văn hóa âm nhạc. Nhưng, khi đắm chìm trong những điều mới mẻ, liệu di sản âm nhạc truyền thống vô tình bị bỏ quên phía sau và dần phai mờ?

Công cuộc tìm về chất liệu dân gian, truyền thống, lịch sử

Dù sự hội nhập và các thể loại nhạc hiện đại đang rất phát triển, nhưng với tinh thần bản sắc văn hóa là linh hồn thì chúng ta đã có những định hướng mới. Người trẻ, trong thời gian gần đây, tích cực đưa nét văn hóa dân tộc đến gần hơn với cuộc sống hiện đại và mở ra một xu hướng mới trong âm nhạc. Người ta mê mẩn “Gieo quẻ” của Hoàng Thùy Linh, người ta bâng quơ đoạn hò cùng câu hát “Ra giêng em nên lấy chồng” của Nal trong “Rồi tới luôn”. Hay một ca khúc đã làm mưa làm gió trong những ngày gần đây là “Về nghe mẹ ru” cũng đã khai thác yếu tố truyền thống làm chất liệu cho sản phẩm.

Kết hợp khéo léo giữa truyền thống và hiện đại chính là sự lên ngôi của âm nhạc trẻ giàu bản sắc dân tộc, không chỉ mang đến sự mới mẻ mà còn tạo ra xu hướng. Chưa bao giờ cải lương hay các dấu ấn văn hóa được lên top trending và phổ biến như thế! Đó là bước ngoặt trong thị trường nhạc Việt, sáng tạo dựa trên những giá trị văn hóa đã đem lại một nền âm nhạc đa sắc màu và góp phần trẻ hóa bản sắc truyền thống.

Hướng đi ấy không những thành công trong đường đua âm nhạc mà còn mở ra cơ hội để người trẻ được hiểu biết văn hóa dân tộc nhiều hơn, mang các giá trị lịch sử tiếp cận tự nhiên và hiện đại nhất. Hòa Minzy với “Không thể cùng nhau suốt kiếp” khai thác câu chuyện của Hoàng hậu Nam Phương, Hoàng Thùy Linh với hàng loạt hình ảnh dân gian trong các MV đặc sắc. Người người xem sản phẩm, bao bình luận khen ngợi là “bảo chứng” cho sự thành công này.

Người trẻ tìm về – thế hệ trước ra sức bảo vệ

NSND Bạch Tuyết là một trong những nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật Việt Nam. Tuy đã thấm nhuần các bản sắc văn hóa nhưng với tư tưởng hiện đại, bên cạnh mong muốn đưa làn điệu cải lương ra thế giới, cô còn góp phần tạo làn gió mới để đưa cải lương đến gần gũi với giới trẻ. Sự kết hợp của cô cùng Hoàng Dũng qua bài hát “Về nghe mẹ ru” là minh chứng cụ thể cho khát khao đưa cải lương đến gần hơn với người trẻ của cô.

Thế hệ trẻ ngày nay cũng đang không ngừng cố gắng bảo vệ và phát huy bản sắc. Những ca khúc lồng ghép khéo léo chất liệu dân gian góp phần mở lối để giá trị văn hóa đến gần hơn với mọi người. Không chỉ dừng lại ở “Về nghe mẹ ru”, “Gieo quẻ” mà thị trường âm nhạc Việt còn rất nhiều tác phẩm với mong muốn duy trì và phát triển giá trị truyền thống.

Bảo tồn văn hóa trong âm nhạc

Giữa một nền âm nhạc đa dạng thì chúng ta càng phải nỗ lực không ngừng để bảo vệ truyền thống. Bằng tư duy, bằng tiếng nói và sự sáng tạo của mỗi người trẻ chúng ta, bản sắc văn hóa sẽ phát triển và một ngày nào đó sẽ rực rỡ với thế giới. Hội nhập chưa bao giờ là cách đánh mất chính mình, và văn hóa dân tộc là một trong số đó. Người Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu dài và nhạc Việt Nam cũng thế!

Bài viết: Đan Ngân
Hình ảnh: Vy Khanh
S Communications
UEHenter.vn