Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết đến quyển tiểu thuyết một thời – “Số Đỏ” – của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Cả quyển tiểu thuyết đọc từ đầu đến cuối không khi nào không ngoác mồm cười, tiện luôn vỗ đùi khen: “Hay! Sao mà thâm thúy đến vậy”. Đó là một xã hội lố lăng Tây không ra Tây mà Ta cũng chẳng ra Ta. Ở đó Ta – Tàu – Tây, hợp lại mang phong cách 3T qua ngòi bút của ông đã thu về toàn bộ xã hội Việt Nam đương thời. Nhưng "Số Đỏ" mà ông ấy viết cách đây đã hơn nửa thế kỉ, khi mà hiện thực xã hội Việt Nam một nửa đang giương cao ngọn cờ độc lập đấu tranh – một nửa sống trong xã hội Tây hóa. Ngày ấy, có cả cách sống phô trương, thể hiện cái vẻ ngoài đối lập hoàn toàn cái óc nghĩ. Mặc kệ dư luận bàn tán, những nhân vật đều nổi bật, ai cũng khác biệt và không ai lẫn vào ai. Nhưng giữa những ý kiến trái chiều khác nhau, họ khác biệt hay lố lăng? Dừng lại việc phân tích quyển tiểu thuyết ấy, ngày ấy và bây giờ, một khoảng thời gian đi qua rất nhanh. Chúng ta cũng từng thừa nhận – “Số Đỏ là phút đánh đàn lỡ nhịp” trong truyền thống vốn dĩ tốt đẹp của người Việt Nam, và chẳng ai mong rằng cái thời kì số đỏ ấy quay trở về. Nhưng trên thực tế, nhìn lại cách sống hiện nay của chúng ta xem nào!
Vẫn còn đó những con người thích sống thể hiện. ngây thơ, biện minh, nói và làm hoàn toàn trái nhau. Họ không là ai khác mà trở thành những dư luận viên bất đắc dĩ. Một bộ phận vẫn sống hùa theo đám đông không phân biệt đúng sai. Xem tang ma của ca sĩ, diễn viên là “ sân khấu” để họ tìm đến chen lấn và trục lợi. Chẳng khác nào đám tang nhộn nhịp đầy âm sắc của cụ cố Hồng trong tiểu thuyết. Họ đào bới sự thêu dệt sự nổi tiếng của những đứa trẻ vừa đăng quang từ những cuộc thi tài năng. Và còn cả việc ủng hộ mấy tên trẻ trâu đăng những lời thách thức câu like uống nước mắm, nhảy cầu… Đó không phải là khác biệt mà là lập dị.
Hơn nửa thế kỉ đi qua, hàng ngàn người đã đọc – hiểu – suy nghĩ về “Số Đỏ” của ông nhưng trên thực tế chúng ta vẫn mãi sống trong "kiếp Đỏ" mà Vũ Trọng Phụng viết trên trang giấy, và chưa bao giờ thoát li được. Hoàn cảnh có thay đổi, đời sống có nâng cao, tri thức cũng tăng lên nhưng lại lệch lạc đi vào hẻm đen nào đấy.
Cũng may vào ngày 25/02/2016, tạp chí Forbes đã công bố chính thức danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi tiêu biểu toàn châu Á, thuộc nhiều lĩnh vực như doanh nhân, quản lý, nhà phát minh,… ở các ngành nghề khác nhau…Trong đó, có đến 7 người Việt góp mặt trong danh sách ấy. Danh sách 7 gương mặt đại diện đến từ Việt Nam bao gồm: JVevermind, 24 tuổi trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo; Lê Hoàng Uyên Vy, 28 tuổi, CEO VinEcom; Lâm Thị Thúy Hà, 29 tuổi, CEO Triip.me; Lương Duy Hoài, 27 tuổi, CEO giaohangnhanh; Đinh Nhật Nam, 26 tuổi, nhà sáng lập Urban Station; Lê Hùng Việt Bảo, 29 tuổi, nhà nghiên cứu, Đại học Chicago; Tạ Minh Tuấn, 27 tuổi, CEO Help International.Trên thực tế, vẫn rất nhiều người trẻ thành công khác nữa. Họ cũng khác biệt theo cách độc lập và không lẫn vào ai. Họ cũng nhưng giữ vững lập trường giữa những dòng ý kiến dư luận. Họ là rapper Suboi, ca sĩ Tóc Tiên, cầu thủ Công Phượng, họa sĩ Tamypu, tác giả Huyền Chip…Họ đang tạo nên xu hướng mới và góp phần tạo nên thành công ở mỗi lĩnh vực mà họ đại diện. Tất cả những người trẻ đó mới đáng để ta quan tâm về sự khác biệt của họ. Tôi chợt nhớ đến câu nói: “ Because the people who are crazy enough to think they can change the world, are the ones who do.” ― Rob Siltanen, là đúng đắn.
Dư luận không bao giờ chấm dứt rõ ràng và biết chính xác nó bắt nguồn từ đâu. Nó luôn tồn tại xung quanh bạn bất kể việc chúng ta có đúng hay sai. Bởi đó là ý kiến cá nhân của những người khác và nó lan truyền theo cảm xúc.
Còn bạn đã chuẩn bị gì cho mình đi ngược lại xu hướng của đám đông để khác biệt?
Chính vì vậy, nếu bạn dám tự tạo nên sự khác biệt bằng chính đam mê của mình thì phải chấp nhận những ánh mắt thiếu thiện cảm từ những người xung quanh. Nếu bạn không muốn mình trở nên khác biệt thì cũng đừng trở thành những dư luận viên bất đắc dĩ. Hãy im lặng trước những chuyện bạn không biết rõ về nó trước khi nói với ai đó. Hãy nhớ rằng: “Im lặng không phải là sự vắng mặt hoàn toàn của âm thanh, mà là sự thức tỉnh và lắng nghe được âm thanh bên trong của chính mình. Nhưng nếu bạn lên tiếng, hãy lên tiếng một cách thông minh.”. Dĩ nhiên, khác biệt hay không là quyền lựa chọn riêng của mỗi người. Nhưng nếu bạn muốn khác biệt, hãy biết thế nào là lập dị.
Xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều xu hướng mới và những thay đổi trong tương lai. Ngày nào báo chí còn, ngày đó còn có những chiêu trò và cách sống đen tối được phơi ra. Nhưng ai trong chúng ta dám bắt nhịp Vũ Trọng Phụng để viết tiếp Số Đỏ với những hiện thực đáng khóc – đáng cười ngày hôm nay? Ai sẽ là người khác biệt vượt qua dư luận để mở lối dắt mọi người thoát khỏi kiếp Đỏ này, nếu không là bạn thì là ai?
Nguyễn Thị Mỹ Duyên
S Communications
www.UEHenter.com