Dưới gốc cây đa đã trụ vững giữa đất trời mấy trăm mùa xuân, có một cậu bé với đôi mắt long lanh chăm chú nghe câu chuyện bà kể…
“…Sau cùng, mụ dì ghẻ độc ác cùng Cám phải chịu sự trừng phạt thích đáng với những gì mà họ gây ra…” – Bà tôi gằn giọng, như rằng bà đang nén sự căm phẫn vào từng lời kể, rằng tội ác của mụ dì ghẻ và Cám là không thể thứ tha!
Dì ghẻ, Cám, độc ác, thứ tha… những âm thanh đó cứ vang vọng mãi trong đầu tôi khi mẹ đèo tôi về từ nhà bà. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ nhạt màu sơn xanh, lướt ngang cánh đồng một chiều sương giăng kín lối, tôi tựa vào lưng mẹ rồi ngủ say. Cậu bé ngây thơ khi ấy đã mơ về một giấc mơ kỳ lạ mà mãi tới tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in như mới ngày hôm qua.
“Dẫu có mang tiếng xấu muôn đời, mẹ vẫn mãi là mẹ của con”
Trong giấc mơ của buổi chiều năm đó, tôi mơ về bóng dáng mụ dì ghẻ ngồi bên bậc thềm dưới hiên nhà, tay cầm chiếc lược ngà chải tóc cho Cám. Dưới ánh nắng nhạt phai trên mái tóc đã hai thứ màu, ánh mắt, nụ cười của mụ bỗng dịu hiền đến lạ. “Kẻ xấu xa độc ác, luôn tìm mọi cách để hại Tấm mà bà đã kể cho mình nghe đây sao?” – tôi của ngày xưa ngây ngô thầm hỏi.
Suy cho cùng, mẹ cũng chỉ làm tất cả vì con. Dẫu cho có chống đối lại luân thường đạo lý, dẫu mang trên vai những căm phẫn chán ghét của nhân gian, dẫu có là kẻ đóng vai ác trong câu chuyện cổ tích muôn đời, mụ dì ghẻ cũng chỉ là một người mẹ mà thôi. Chỉ là, vì muốn con hạnh phúc mà mụ bất chấp tất cả, vì thương con gái nên đã chọn sai đường, để rồi gánh chịu cái kết thảm thương.
Bầu trời xanh trong có bóng dáng ai hao gầy
Nhớ khi xưa, những trận đòn roi của mẹ tôi còn khủng khiếp hơn lời kể của bà về mụ dì ghẻ nào đó mà tôi chưa bao giờ gặp mặt, roi mây thiết thực hơn nhiều. Cả những lần tôi bị điểm thấp hay nghịch phá, mẹ lại tặng tôi nguyên một “album những ca khúc bất hủ của tuổi thơ”. Những lần như thế, tôi như muốn quên sạch đi mấy bài tập làm văn trên lớp của mình, nào là mẹ tôi là người tuyệt vời nhất, nào là mẹ có nụ cười hiền hậu như cô tiên,… tiên nào mà đáng sợ như vậy chứ!
Bên ánh đèn dầu lờ mờ trong đêm, mẹ xoa dầu cho tôi sau trận đòn đau như trời giáng. Khều khều vạt áo sờn gai, tôi thì thào cất tiếng: “Sao mẹ đánh con đau thế, mẹ không thương con nữa sao?”. Khẽ nở nụ cười dưới ánh sáng mập mờ, mẹ đáp: “Mẹ đánh con là muốn tốt cho con thôi, mẹ chỉ muốn con nên người. Chứ mẹ ấy hả, mẹ thương con nhất đời này rồi! Con có thấy bầu trời không? Trời xanh á, nó luôn ngóng trông về biển cả. Bầu trời là mẹ, đại dương là con, dẫu con có thế nào thì bầu trời vẫn mãi ở đó, âm thầm và đầy yêu thương.”
Từ hôm ấy, mỗi khi nhớ mẹ, tôi lại ngẩng đầu nhìn trời cao. Giữa chốn Sài thành xô bồ và vội vã, bầu trời kia vẫn luôn ở đó, vẫn cứ mãi xanh trong và dịu hiền như cách mẹ âm thầm dõi theo con…
“Nếu mẹ là bầu trời cao xa, con sẽ là đại dương dài rộng”, tôi nắn nót từng nét chữ trên trang vở còn thơm mùi giấy mới. Viết xong tôi dán nó lên bàn học, ngày ngày ngắm nghía rồi cứ mãi mộng mơ. Tôi của ngày bé thơ đã luôn tin rằng mình chính là đại dương như lời mẹ kể hôm nào. Đại dương thì sao nhỉ, lúc thì dịu dịu êm êm rì rào như ru ngủ ấy, lúc thì dữ dội điên cuồng như Thủy Tinh vậy, còn những cơn sóng kia thì thật là tự do.
Tôi cũng ngoan hiền, cũng vâng lời mẹ, và cũng có lúc nổi cáu như đại dương. Đã có lần, tôi lao vào đánh nhau với thằng bạn trong lớp vì nó dám trêu cái áo có nhiều chỗ vá của mẹ tôi, nó đâu có biết đó là áo của bà tôi tặng mẹ nên mẹ không nỡ vứt đi. Tôi cũng được tha hồ chạy nhảy tung tăng vui chơi khắp cùng làng ngõ xóm, được đi câu cá với lũ trẻ trong xóm, được đi học đàn guitar vì mẹ biết tôi thích đánh đàn… mẹ chẳng bao giờ cấm tôi làm những điều mình thích, chỉ là đừng có mà trái lời mẹ dặn, không là sẽ ăn no đòn!
Đến tận bây giờ, trang giấy với dòng chữ nguệch ngoạc của cậu bé năm nào vẫn còn dán trên bàn học ở nhà. Đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy mình thật giống với đại dương, nhưng chỉ có điều…
Tôi của hôm nay đã không còn là cậu bé năm nào hay nghịch ngợm quậy phá. Tôi bây giờ cũng đã không còn vô tư vô lo như những ngày đã qua. Vòng xoay của cuộc sống, vòng xoáy của học tập cứ liên hồi kéo tôi vào quỹ đạo của chúng. Ngày này qua tháng nọ, thức giấc lúc bình minh ló dạng đến khi đêm muộn tựa đầu lên gối, chẳng khi nào tôi dứt ra được khỏi vòng xoay ấy, ngay cả khi đã đắm chìm vào giấc ngủ say. Người trẻ chúng tôi thường hay gọi đó là con đường để đi tới tương lai, dẫu biết nhiều chông gai nhưng vẫn cố về đích.
Những ngày tháng nơi Sài thành không còn yên bình như quê nhà. Giờ đây đã chẳng còn cảnh mẹ tôi chong đèn là quần áo cho tôi lúc giữa đêm, đã không còn lời mẹ mắng mỗi khi tôi lười, những bữa cơm từ lâu đã nhạt mùi mẹ nấu. Đã qua rồi ngày tháng mở mắt dậy không cần đắn đo xem hôm nay ăn gì, không cần muộn phiền nghĩ về tương lai, không cần phải tất bật làm thêm để cùng mẹ gồng gánh tiền ăn học. Đại dương bây giờ đã khác xưa thật rồi, muộn phiền cứ theo bão giông liên hồi ghé thăm.
Càng chìm sâu vào những áp lực từ học tập và cuộc sống, tôi lại càng ít dành sự quan tâm cho những việc khác, và cũng chẳng còn quan tâm đến mẹ như trước kia nữa. Nhưng mẹ tôi thì khác, mẹ vẫn luôn dõi theo tôi, vẫn xem tôi như đứa trẻ con năm nào, khóc mếu máo mỗi lần bị mẹ la. “Con lớn rồi, con tự lo được, mẹ đừng chăm con như con nít nữa, đừng bắt con làm thế này thế nọ nữa!” – Tôi đã từng lớn tiếng với mẹ như thế, liệu rằng do tôi quá bồng bột và dại khờ, hay mẹ đã không còn hiểu tôi như trước nữa…
Sau bao năm, mẹ của tôi vẫn như ngày nào, vẫn là người chủ động hỏi tôi có còn tiền tiêu mỗi cuối tháng, cứ vài ngày là có một cuộc gọi hỏi thăm, mẹ luôn sẵn sàng mua vé xe lên thành phố chăm tôi mỗi lần bị bệnh, hay cứ mãi mong ngóng tôi về thăm nhà dẫu chỉ có một hai hôm…
Tôi còn nhớ như in những lần tôi về nhà, mẹ lặn lội đi chợ từ sáng sớm tinh mơ, rồi lại cất công xuống bếp nấu biết bao là món tôi thích. Mẹ cứ hay bảo rằng: “Dạo này gầy gò quá, ăn nhiều vào cho có sức mà học hành”. Có một chiều, đó là lần đầu tôi “khai” với mẹ là tôi đi làm thêm, hôm nào cũng làm cả đêm tới sáng. Mẹ nghe được đã mắng tôi rất nhiều, rằng làm như vậy thì sao mà học hành nổi, rằng mẹ lo được con không cần phải lao lực vậy đâu! Đến tối đó, tôi bắt gặp mẹ ngồi khóc sau hiên nhà, từng dòng nước mắt nối dài trên gò má sạm đen. Tôi chôn chân lặng nhìn mẹ từ phía sau, lệ cũng dần ướt đẫm bờ mi.
Mẹ là vậy, vẫn luôn không muốn con mình phải khổ sở, luôn gánh gồng hết cả phần của con. Tình yêu của mẹ là vô bờ, tôi cũng chưa bao giờ thôi thương mẹ. Nhưng dẫu vậy, càng lớn lên thì tôi và mẹ lại càng cách xa, như bầu trời và biển cả, hai mặt phẳng tưởng chừng song song, biết tìm đâu cho ra giao điểm…
Mẹ cũng đã từng là đại dương giống như tôi, từng là con nít, từng trải qua cái tuổi thích thể hiện mình, trải qua cả những sóng gió của cuộc đời, để rồi giọt nước hóa mây hòa vào nền trời xanh thẳm. Mẹ luôn muốn tôi sống tốt, luôn muốn tôi không lầm đường lạc lối. Và vì thế, mẹ muốn dùng tất cả những gì mình biết, những gì mình đã trải qua để dựng nên những “hàng rào” trên lối tôi đi. Thế nhưng, đại dương của tôi bây giờ đã khác với đại dương của mẹ khi xưa. Và lắm lúc, “hàng rào” của mẹ lại làm tôi thấy tù túng. Đã biết bao lần, giữa những bộn bề của cuộc sống, giữa vô vàn những áp lực trên lưng chừng hành trình tập làm người lớn, “hàng rào” của mẹ khiến tôi mệt mỏi, khiến tôi muốn quên đi cả, khiến tôi khát khao một lần được tự quyết định, khiến cả khoảng cách giữa mẹ và tôi thêm nối dài.
Nếu ví những thứ làm mẹ con tôi xa cách là những cơn bão, thì có lẽ khi tôi càng lớn, chúng lại càng tích cực ghé thăm. Nhưng, sau cơn giông lại có cầu vồng, lắm lúc chẳng cần mưa cầu vồng cũng xuất hiện! Từ đại dương, chạm đến bầu trời, cầu vồng ấy như cầu nối giữa mẹ và con. Cầu vồng của ngày thơ bé thật sáng và đậm màu, đó là những lần mẹ xoa dầu sau trận đòn roi, là những cái ôm âu yếm sau bao lời mắng phạt làm tôi khóc ầm. Cả những đêm mẹ tăng ca kiếm thêm ít tiền mua món đồ chơi tôi thích, hay những ngày đội mưa lội gió đón tôi nơi cổng trường với chiếc xe đạp cũ tróc sơn…
Nhưng, cầu vồng của hôm nay đã dần nhạt màu, tôi và mẹ không còn thân thiết như trước kia nữa. Tôi biết rõ điều đó, và từ lần thấy mẹ khóc, tôi đã cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa mẹ và tôi, cố gắng thắp sáng lại cầu vồng kia như chính nó của ngày xưa.
Giờ đây, tôi đã thường gọi về mẹ hơn lúc trước, đã biết tự chăm sóc bản thân tốt hơn để mẹ khỏi lo. Tôi đã thôi những cuộc vui thâu đêm suốt sáng cùng lũ bạn, thôi luôn cả những ngày cúp học để rong chơi. Tôi dần nhận ra những ngày qua đã quá vô tâm với mẹ, rằng tôi quá thờ ơ để mặc mẹ tôi cứ hoài mong nhớ. Dặn lòng mình phải quan tâm mẹ nhiều hơn, thời gian đang dần lấy đi tuổi xuân của mẹ, trán mẹ đã thêm nhiều nếp nhăn, bờ vai mẹ đã thêm phần hao gầy, cớ sao tôi còn quá vô tình?
Ngồi trên chiếc ghế tựa sau một chiều lang thang khắp thành phố, tôi dần đắm chìm vào ánh hoàng hôn đang dần tắt qua ô cửa sổ cùng với mớ hỗn độn những suy nghĩ về kỳ thi sắp tới. Bỗng tiếng chuông điện thoại cắt ngang, xóa tan luôn cả cái vẻ đăm chiêu trên khuôn mặt đã chai sạm vì nắng Sài Gòn. Phía bên kia đầu dây, một giọng nói ấm áp cất lên:
“Sao không về nhà chơi lễ hả con?…”. Cớ sao cách đây đúng một tuần tôi còn dõng dạc tuyên bố rằng lễ này nghỉ có bao nhiêu đâu nên về làm chi, vậy mà giờ đây câu nói của mẹ làm tôi như thắt từng đoạn ruột, nước mắt cứ muốn tuôn trào dẫu tôi cố giữ nó nơi hàng mi. Ép nước mắt chảy ngược vào trong, tôi mếu máo như cậu bé năm nào, nghẹn ngào đáp lời mẹ: “Hè con sẽ về mẹ ạ, con nhớ mẹ, nhớ nhà mình lắm,…”
Lại một lễ nữa tôi không về, lại một lần nữa tôi để mẹ và gia đình nhớ mong. Nếu hôm nay tôi ở nhà, chắc sẽ có một bữa tiệc gia đình. Dẫu cho đó có thể chỉ là một con gà, nồi cháo với vài đĩa rau, nhưng với tôi nó chất chứa cả tỷ yêu thương vô bờ. Chỉ tiếc là, bữa tiệc ấy, tôi lại vắng mặt…