Đạo Diễn “Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi”: “Làm Phim Cũng Cần Healthy Và Balanced”
Buổi sáng nắng chan hoà, không gì tuyệt hơn khi tâm trạng được lấp đầy bởi một bộ phim nhẹ nhàng như “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”. Trong lúc đợi bạn ở rạp, tôi vô tình “lọt thỏm” vào buổi giao lưu với đạo diễn Chung Chí Công cùng hai diễn viên chính (Hà Quốc Hoàng và Trần Lê Thuý Vy). Tại đây, không chỉ những chia sẻ xoay quanh cốt truyện, mà cả những tâm sự thầm kín nhất của người làm phim cũng được giải bày…
“Trời sáng rồi”, sao chúng ta lại “ngủ đi thôi”?
Có lẽ, tuổi đôi mươi là khoảng thời gian con người ta có những suy nghĩ và hành động “liều lĩnh” nhất. Anh đạo diễn cũng thế, cũng đã “thức thật khuya online yahoo chờ đợi ai đó sáng đèn, luyện những bộ phim dài tập đến nỗi sốt siêu vi, hay gấp rút hoàn thành bài vở khi deadline kề cận”.
Giữa thinh không vắng lặng, màn hình laptop hiển thị 2 giờ sáng, anh đối diện với những suy nghĩ quẩn quanh: “Tôi là ai? Tôi muốn làm điều gì? Ước mơ của tôi là gì?”. Một đêm dài trằn trọc cứ thế mà đến, mang bao nỗi sợ của những người trẻ chênh vênh giữa con đường tìm kiếm bản ngã của chính mình.
Với khao khát truyền tải mớ cảm xúc hỗn độn này vào sản phẩm điện ảnh đầu tay, anh Công đã chọn được tựa phim. “Trời sáng rồi” đấy, hãy đóng laptop, chấp nhận những suy nghĩ rối ren và cả va vấp của tuổi đời non nớt, rồi mau chóng “ngủ đi thôi”. Khi bình minh ló dạng, ngày mới bắt đầu, ta lại có một cơ hội khác để làm lại tất cả!
Khi “Sài Gòn xưa” ẩn mình trong “Sài Gòn nay”
“Anh quê ở Cà Mau, lên sống ở Sài Gòn được 15 năm, những biến cố, kinh nghiệm trong cuộc sống đều ở Sài Gòn và từ con người nơi đây cả!” – anh Công nhẹ nhàng thổ lộ về tình cảm sâu sắc dành cho mảnh đất này. Và cũng vì thế, những bộ phim xưa mang dáng dấp của một Sài Gòn cổ kính với những chuyến xe lam, với xích lô xuôi ngược, anh đều trân trọng và xem cả.
Từng con hẻm nhỏ rợp bóng cây xanh, từng quán ăn trưa lát gạch men màu đồng, và ngôi chùa được xây từ những năm chống Pháp, anh Công mang toàn bộ nét đẹp của xứ sở này thổi hồn vào phim. Sài Gòn trong mắt anh luôn là một cô gái Việt truyền thống, đẹp trong nét đằm thắm dịu dàng, lại hay cởi mở với những đứa con bỏ xứ tha phương. Cũng vì thế mà khi xem qua “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, tôi cứ có cảm giác như lạc vào Sài Gòn xưa qua những thước phim của vị đạo diễn Trần Anh Hùng một thời vang bóng.
Vậy nên, người ta thường bảo, đã trót thương một mảnh đất thì dẫu có thay đổi như nào, ta vẫn tìm ra được lý do để tiếp tục yêu thương nó.
Chọn Indie làm dòng nhạc chính cho phim – Nhằm bắt trend hay do sở thích?
Đối với Quốc Hoàng (thủ vai nhạc sĩ trẻ Vĩnh Tâm), khi còn ở Biên Hoà, bạn đã từng đi hát vi vu ở nhiều nơi cùng với một ban nhạc nhỏ. Vì thế, có lẽ cái chất Indie đã ăn sâu vào trong con người bạn. Kể cả khi hát chay tại rạp, tôi vẫn thấy hình ảnh nhân vật Tâm thấp thoáng đâu đó trong Hoàng – một Tâm hài hước, nhưng lắm khi cũng đa sầu đa cảm, vai vác đàn guitar và ngao du bốn phương.
Còn nói về phần Thuý Vy (thủ vai nữ tài xế Giang Thanh), cô gái nhỏ người e thẹn thổ lộ rằng: “Trước đây, vì từng có một mối tình với anh thầy dạy nhạc, mình đã tập Ukulele – nhạc cụ gắn liền với những cảm xúc ngẫu hứng, khá là Indie. Mình cố gắng vừa chơi vừa hát để có được điểm chung với crush. Mặc dù chuyện của cả hai không thành nhưng từ đó, mình cảm thấy bản thân hợp với những bài hát của dòng nhạc này.”
Đối với góc nhìn của một đạo diễn, anh Công bộc bạch: “Vì ban đầu định hướng của tụi mình là làm phim Indie (phim độc lập). Vì vậy mình chọn nhạc Indie cho phim Indie”. Tựa như hai yếu tố sinh ra để dành cho nhau, anh cảm thấy mình có trách nhiệm để “tác hợp” chúng, tạo ra một sản phẩm điện ảnh âm nhạc Indie mà chưa từng có trong tiền lệ.
Quả thật, 93 phút ở rạp tựa một buổi nhạc kịch trực tiếp mà tại đó, người người cất lên những ca khúc Indie thay cho những cuộc hội thoại thường ngày. Lắm lúc có những bản nhạc thật buồn như khi Thanh và Tâm tại bảo tàng tranh, đôi khi không khí lại tinh nghịch như khúc ca trên xe buýt. Thế mới thấy, có những sự liên kết chẳng phải vì không phù hợp, mà vì chưa ai từng nghĩ đến mà thôi!
Lượng người xem ít ỏi ngày đầu công chiếu và lời thổ lộ: “Người làm phim cũng cần phải sống!”
Được hỏi về vấn đề này, đạo diễn thừa nhận: “Rất có thể do trailer đã làm cho lượng khán giả biết đến phim bị giảm đi. Ban đầu, mình chọn bài Rap đưa vào trailer vì nghĩ nó phù hợp với cốt truyện của phim, tuy nhiên số lượng người nghe Rap và chuyển đổi thành người đi xem phim rất ít”.
Đây không được gọi là “sai lầm” vì mỗi cá nhân sở hữu một nguồn cảm hứng âm nhạc khác nhau. Chẳng thước đo nào có thể đong đếm rằng dòng nhạc này là sai, thể loại kia là đúng. Dẫu vậy, “đôi khi mình chọn cái đúng với câu chuyện của phim, nhưng nó chưa hẳn là cái đưa khán giả ra rạp”.
Sau khi nhận ra được điều này, anh Công đã kết luận bằng một vài lời đọng lại trong tôi suốt nhiều hôm: “Người làm phim cũng cần phải sống”. Những đạo diễn chọn con đường tương tự anh, muốn đưa phim của mình đến với khán giả, khơi dậy những sự đồng cảm trong họ, có lẽ cũng phải đồng tình với anh. Về cơ bản, anh vẫn đáp ứng được những nhu cầu của khán giả tại rạp được vui, được giải trí, được gắn kết với câu chuyện của nhân vật. Song, anh vẫn chọn làm mới chính mình, tạo ra những thứ người xem chưa từng được trải nghiệm và thử sức với những loại hình khác nhau để thoả mãn “cái tôi” của người làm nghệ thuật. Vì vậy, anh chia sẻ: “Phải dung hoà được hai điều ấy thì phim mới làm cho khán giả cảm thấy “healthy”, còn mình thì “balanced” trước những điều giữa mình và khán giả”.
Buổi trò chuyện kết thúc sau 45 phút trao đổi không ngừng. Tôi rời rạp với một góc nhìn mới về khía cạnh điện ảnh: “Thì ra, để hoàn thiện một bộ phim là cả quá trình dài nỗ lực, thì ra nỗi niềm của người làm nghệ thuật lại to lớn đến vậy”.
Có lẽ, sau ngần ấy công sức đã bỏ ra, đạo diễn Chung Chí Công cũng chỉ mong rằng: “Những anh em làm phim khác nhìn vào sẽ thấy mình chọn con đường làm dòng phim đó và vẫn sống được. Lúc mình sống được, anh em sống được, ngành phim sẽ sống được”.
Bài viết: Lea Nguyen
S Communications
UEHenter.com