Đứa Trẻ Nào Cũng Xứng Đáng Được Yêu Thương

“Trẻ con sẽ không nhớ đến bạn bởi những vật chất bạn cho chúng nhưng sẽ nhớ đến bạn vì những tình cảm mà bạn trao đi” – Richard L. Evans. Có lẽ đúng thật, lời nói gió bay, hiện vật phai mờ theo thời gian, chỉ còn kỷ niệm và cảm xúc là mãi ở lại. Trên hành trình trưởng thành của những đứa trẻ, chúng nhìn nhận thế giới cùng nuôi dưỡng ước mơ của mình bằng sự quan sát và cảm nhận nhiều hơn. Mấy ngày nay, nhiều deadline và áp lực, bỗng nhiên muốn trở về tuổi thơ, về lại cái thời mà công nghệ chưa phổ biến và tân tiến như bây giờ. Tôi của hồi ấy đi học về liền ùa ra ngoài hẻm chơi đuổi bắt, cá sấu lên bờ,… cùng lũ bạn. Được một tí thì nghe thấy tiếng leng keng từ cái chuông cầm tay của chú bán kẹo bông gòn, cả đám con nít trong xóm ùa ra đầu hẻm rồi lại chạy theo chú vào cuối hẻm. Vài đứa tản ra về nhà vòi mẹ, đứa thì xị mặt trông theo chiếc xe chở đầy kẹo mãi.

Trẻ con ấy mà, vui thì cười, buồn thì khóc, thích chạy nhảy đó đây nghịch ngợm, chỉ biết chăm chăm theo đuổi thứ mình thích cho bằng được. Nhiều khi chính vì điều đó lại khiến người lớn đau đầu, bực dọc, không chịu được mà la rầy tụi nó. Trẻ con chỉ muốn nói về những điều làm chúng vui, khiến chúng thấy hạnh phúc. Thành ra nhiều khi cứ thấy bọn trẻ hihi haha, người lớn lại nghĩ trẻ con nhanh quên ý mà, tụi nhỏ chẳng bao giờ để bụng chuyện gì đâu. Vì vậy mà nhiều khi họ thật sự không nhớ rằng trẻ con cũng như người lớn, ôm trong mình cả bầu trời cảm xúc.Trong một cuộc thí nghiệm kỳ lạ về sức mạnh ngôn từ của hãng nội thất danh tiếng IKEA, họ kêu gọi học sinh của một ngôi trường đến khen ngợi, bày tỏ yêu thương với một chậu cây, trong khi đó lại chê bai, mắng nhiếc chậu cây còn lại. Hai chậu cây đều được đặt trong lồng kính và được chăm sóc trong điều kiện hoàn toàn giống nhau. Dẫu vậy, sau ba mươi ngày, thí nghiệm đã cho một kết quả vô cùng bất ngờ – chậu cây bị bắt nạt trở nên héo úa trong khi chậu cây được yêu thương vẫn phát triển xanh tốt. 

Trẻ con cũng vậy. Chúng không phải là công cụ trút giận của người lớn khi họ gặp khó khăn. Những lời nói nặng nề vô tình sẽ để lại ít nhiều vết thương trong lòng tụi nhỏ. Nếu may thay cả hai có cơ hội ngồi lại trò chuyện và bù đắp về sau thì có lẽ những tổn thương ấy sẽ lành lại. Nhưng nếu không thì sao? Phải chăng vết thương ấy vẫn sẽ đau âm ỉ?

Trẻ con mong manh dễ vỡ và chân thành với cảm xúc – thương là thương, ghét là ghét. Nó chẳng bao giờ hiểu được mỗi ngày người lớn đang trải qua những gì nên cũng không hiểu tại sao người lớn lại hay nổi cáu với nó. Trong suy nghĩ non nớt của những đứa trẻ, mỗi lời la mắng đều là biểu hiện của sự ghét bỏ. Lâu lâu nó sẽ lại lon ton theo sau người nó thương mà ngờ nghệch hỏi: “Ba có thương con hông?”, “Bà có yêu con hông?”… Nó sợ, sợ bản thân đã không còn là “số 1” đối với những người quan trọng trong lòng nó nữa. Ai trong chúng ta cũng từng là trẻ con rồi mới thành người lớn, tại sao phải chọn cách yêu thương tiêu cực để trao cho các em?

Là người lớn của ngày hôm nay, chúng ta cũng từng là trẻ nhỏ. Chính chúng ta biết rõ nhất chúng ta từng muốn gì, từng vui vẻ ra sao khi được người thân yêu thương, nâng niu và cũng chính chúng ta, hiểu rõ nhất bản thân mình sợ điều gì. Yêu thương các bé không khó, phụ thuộc vào bản thân ta muốn yêu thương theo cách nào.

Bạn thử nhớ lại xem, điều gì đã từng khiến bạn vui nhiều đến thế và mang lại cảm giác lâng lâng, tựa như mình ngay lúc này đây là người sung sướng nhất. Tỷ như một câu cố lên cùng cái đập tay từ bố mẹ ngay trước lúc bạn vào phòng thi thay vì “ráng mà làm bài cho tốt, không thì đừng trách”, hay một câu nói để ông “bảo kê” khi bị bố mẹ la rầy,… dù là những việc nhỏ nhặt nhưng đong đầy sự quan tâm yêu thương. Khi từ từ nhớ về những khoảnh khắc ấy, trong lòng bạn cũng đang có một dòng nước ấm chầm chậm chảy qua chăng? 

Ngày nhỏ, khi còn đi học mẫu giáo, giờ tan làm của ba lúc nào cũng trễ hơn giờ tôi tan học nên lúc nào cũng dặn ba hôm nào nghỉ làm nhớ đến trường đón tôi. Chỉ cần ba đồng ý một tiếng, cả ngày hôm đó tôi liền rất háo hức. Háo hức đến trường, háo hức học tập, háo hức được đón về. Hay khi nào ba không thể hứa trước mà bất ngờ đến đón tôi tan học, tôi đều rất hạnh phúc. Sau này khi nghĩ lại, tôi không khỏi cảm thán, chỉ một việc nhỏ vậy cũng khiến bản thân cảm thấy rất vui sao? Cảm xúc luôn là điều không thể lý giải được, mà có lẽ trẻ con lúc nào cũng đơn giản như vậy!Có khoảng hai mươi tư triệu đứa trẻ trên khắp Việt Nam, tương đương với hai mươi tư triệu hoàn cảnh sống khác nhau, mỗi đứa trẻ đều có cho riêng mình một câu chuyện để kể. Câu chuyện của tôi thì tràn ngập màu hồng của tình yêu thương từ gia đình. Đôi khi tôi muốn sự thương yêu đó hóa thành vật thể để tôi có thể san sẻ cho những bạn nhỏ nào cần, nhưng tiếc rằng ta không thể, chúng ta chỉ có thể lan tỏa tình yêu thương đó mà thôi. 

Và đó cũng chính là sứ mệnh của Chương trình Công tác Xã hội, được thực hiện bởi Nhóm Truyền thông Sinh viên – S Communications. Trải qua hơn mười lần tổ chức kể từ năm 2013, với mong muốn đem lại niềm vui, giá trị cho các đối tượng có hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống và phần nào hỗ trợ thiết thực về vật chất cho địa điểm diễn ra sự kiện. Điểm đến của Chương trình luôn là các trường học nơi rìa thành phố để có thể lan tỏa sự tích cực và tình yêu thương đến với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. 

Cuộc sống là một quá trình không ngừng cho đi và nhận lại, không chỉ có các em nhận được tình yêu thương mà những người gửi trao yêu thương cũng nhận lại được nhiều điều quý giá. Đó là sự hồ hởi, phấn khởi cùng những trải nghiệm mới mẻ khi từng bước thực hiện chương trình.Trẻ em như trang giấy trắng tinh khôi sẵn sàng viết nên câu chuyện của riêng mình bằng những trải nghiệm trên hành trình phía trước. Nhưng bản chất cuộc đời luôn đầy rẫy sự bất công và thử thách, có những đứa trẻ sinh ra đã ở ngay “vạch đích”, không cần lo nghĩ về miếng ăn cái mặc. Nhưng có nhiều đứa trẻ lại thiếu thốn đủ điều… Nếu ví những khu phố sầm uất trong trung tâm thành phố là hồ nước ngọt nuôi dưỡng nên bao nhiêu vườn hoa tươi tốt thì càng tiến ra xa, hồ nước ấy dần trở nên khô cằn đi để rồi thành sa mạc. Tại nơi đây, những đóa hoa đẹp đẽ ấy phải nỗ lực nhiều hơn, ngược nắng gió để vươn mình rực rỡ.

Hôm theo anh Bí thư xã đến thăm nhà một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, là học sinh của trường nơi chúng tôi đến thiện nguyện. Nghe các em chia sẻ ước mơ của bản thân, có em nhỏ dẫu cho hoàn cảnh sống khó khăn, ăn mặc thiếu thốn nhưng vẫn đều đặn đến trường mỗi ngày cùng giấc mơ được trở thành bác sĩ. Khi được hỏi vì sao, em cười rồi nói: “Vì em thấy trong bệnh viện các cô chú chữa trị bệnh, cứu người, em thấy tội nghiệp cho các bệnh nhân nên cũng muốn làm bác sĩ”. Còn có cậu bé phải sống xa bố mẹ, nhưng em không cảm thấy buồn lắm vì đã có ông bà và đứa em nhỏ bên cạnh em rồi. 

Có chăng khi nhìn thấy các em đa phần chúng ta sẽ cảm thấy thương cảm, xót xa nhưng đối với các em như vậy là bình thường, vì các em chưa từng trải qua cuộc sống mà ta đang sống. Cha mẹ hay điều kiện sống là cái không thể thay đổi vì mỗi người một số phận, họ phải chấp nhận. Nhưng mỗi đứa bé ấy là những đứa trẻ nhạy cảm và đầy tinh thần cố gắng, lắng nghe và giúp đỡ là việc chúng ta nên làm để những giấc mơ đẹp đẽ kia có ngày rực sáng.Hàng trăm giấc mơ được đến trường, hàng trăm mong ước được đổi đời,… vẫn đang được nung nấu hàng ngày nhưng ai sẽ là người trao cho các em “bếp than hồng” để các em tiếp tục nung nấu đến ngày những giấc mơ ấy chín muồi và thành hiện thực. Ngoài kia, không chỉ Công tác Xã hội mà còn có rất nhiều những chương trình thiện nguyện ra đời với mục đích tốt đẹp như thế này. Tuy nhiên, các chương trình sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự giúp đỡ và lan tỏa từ mọi người. Vì vậy, chúng ta đừng ngần ngại mà bày tỏ tình yêu thương đối với trẻ em, bất kỳ đứa trẻ nào cũng xứng đáng được yêu thương và đối xử công bằng.