“Có những ngày buồn, nắng cũng như mưa
Mồ hôi giữa nắng hay mưa giữa đời”
Tôi thường nghe bác Trọng hát vu vơ hai câu hát ấy vào những ngày vắng khách. Đôi khi, tôi không hiểu sao bác chỉ hát đúng hai câu nghe rất “trừu tượng” như vậy, lặp đi lặp lại tưởng chừng bác chẳng còn biết hát cái gì khác. Bác chỉ cười bảo hai câu hát khiến bác không còn buồn nữa, dù tôi thấy giai điệu và ca từ của nó thật sự rất não nề.
Hiếm khi, lũ học sinh chúng tôi thấy bác Trọng buồn lắm. Bác luôn ngồi bên vỉa hè với chiếc xe đạp cũ chở đống đồ nghề lỉnh kỉnh mà bác dùng để sửa xe cho lũ chúng tôi. Gần như cả trường tôi ai cũng biết bác, xung quanh không hiếm hàng sửa xe nhưng đứa nào cũng chỉ thích tìm đến người đàn ông “hiền nhất trái đất” là bác Trọng. Cái biệt danh “hiền nhất trái đất” xuất phát từ thằng Bình, bạn tôi, chúa nghịch ngợm. Có lần, nó muốn trêu bác, lừa lúc bác đang sang bên kia đường mua thêm cái ốc vít sửa một cái xe, nó lén lút mò tới định chọc thủng lốp xe bằng cái que nhọn hoắt. Nhưng bác đã nhìn thấy, vội kêu lên hỏi nó làm gì đấy. Thằng Bình hoảng quá lắp ba lắp bắp nói dối là nó muốn thử sửa xe hộ bác, không ngờ bác tin thật và còn cười phá lên khen nó giỏi. Từ đó, thằng Bình biết bác hiền càng bày trò trêu bác hơn. Bác biết chuyện, chẳng giận cái thằng quỷ đó mà còn nói với tụi tôi là Bình láu cá chắc rất thông minh.
Câu chuyện về bác Trọng và thằng Bình chỉ là một trong vô số lý do để học sinh luôn tìm đến hàng sửa xe của bác. Nào là bác tốt bụng không hề lấy tiền nếu ai không có tiền, bác nhìn đứa nào lốp bị non là gọi ra bơm hộ và tất nhiên là miễn phí, bác lọc cọc sửa xích mỏi nhừ cả tay nhưng vẫn chỉ lấy có năm nghìn đồng, xe nào sửa khó quá bác mới lấy đắt hơn,…Ở bác Trọng mọi thứ đều tuyệt vời, điều mà nhiều người không thích có lẽ là bác hơi tỉ mỉ nên hay làm chậm mà thôi. Nhưng tôi rất thích cái tính cẩn thận đó. Tôi vẫn nhớ, vào một trưa nắng oi ả sau tan học, tôi lấy xe ra về trong tình trạng buồn ngủ và mệt mỏi. Xui xẻo thay, vừa đạp đi thì xích tuột mạnh làm xe khựng lại, cái bàn đạp trở nên vô dụng hơn bao giờ hết! Tôi chỉ biết kêu trời, nhảy xuống xem xe thế nào thì cái đèn xe như muốn trêu ngươi tôi – nó “rụng” ra khỏi bánh xe rất thản nhiên cứ như cả cái xe chuẩn bị tan tành không còn mảnh nào. Bực này kéo theo bực khác, trời lại nóng, suýt chút nữa tôi đã cầm cái đèn xe quẳng đi nếu không có tiếng gọi:
- Cháu gái, đừng ném đi! Để bác sửa cho!
Tiếng bác Trọng. Bác chạy ra giúp tôi nhấc bổng cái xe vào vỉa hè, trông bác gầy gò mà khỏe thật đấy! Bác bảo tôi ngồi tạm ở quán trà đá cạnh đó tránh nắng. Cô bán trà đá cũng rất thân thiện, thấy tôi mệt thì pha luôn cho tôi một cốc nước chanh mát. Tôi ngồi đó đợi bác sửa xe, trời càng lúc càng nóng bức bối vô cùng! Tôi ngồi trong râm mát thế này còn thấy nóng, huống chi bác Trọng đang ở ngoài nắng to, lưng áo bác sũng mồ hôi và đôi tay bác ướt mồ hôi lẫn dầu đen của xích xe. Mắt bác nheo lại vì quá nắng, nhưng bác vẫn cố gắng lắp xích cho tôi, tôi thấy áy náy quá vội nói:
– Bác ơi, bác không cần sửa kĩ quá đâu!
– Không kĩ thì lần sau lại tuột tiếp. Đợi bác một tí thôi!
Tôi thấy bác lật cả xe tôi lại, lạch cạch đưa tua vít vào trong bánh xe lôi cái xích ra. Tôi có nên gọi hành động đó bằng hai chữ “điêu luyện” không? Nghe hơi buồn cười nhưng tôi nghĩ cái từ đó cũng chẳng có gì không đúng. Chúng tôi đi học suốt, học từ dễ đến khó, nhưng để sửa cái xe đạp của chính mình xem chừng khó hơn cả học hành. Vậy mà bác Trọng rất thoải mái khi làm công việc “đen tay” này, tôi không thấy có một sự khó chịu hay sốt ruột nào trên mặt bác dù trời đang nóng như đổ lửa và cái xe mười năm của tôi thuộc dạng khá khó sửa bởi nó đã từng trục trặc quá nhiều. Nhưng cuối cùng, bác Trọng cũng sửa xong, bác cười rất tươi và hào hứng:
– Xong rồi nhé! Bác đảm bảo còn lâu nó mới tuột xích được, bác thay xích mới luôn cho đấy. Cứ đi xe đạp nhiều cho khỏe người con ạ!
– Cháu cảm ơn bác, tốt quá! – Tôi thấy bác vui mà cũng vui theo – Nhưng mà…
– Không có tiền hả con? Không sao, mai trả bác cũng được! Đi đi không nắng nóng lắm đấy, có cần không bác cho mượn cái mũ?
– Dạ cháu không cần đâu! Vậy mai cháu trả tiền cho bác nhé, cháu cảm ơn bác!
– À còn cái đèn của con, đưa đây bác lắp lại cho. Xe không có đèn sao được!
– Dạ thôi, cháu không cần cái đèn đó đâu. Bố bảo nó cũng cũ rồi, có lắp rồi lần sau nó lại rụng. Bác giúp cháu thế này là được rồi ạ!
Nghe tôi nói vậy, bác không sửa nữa. Tuy vậy có vẻ bác vẫn tiếc cái đèn của tôi, cứ nhìn nó mãi, bác cẩn thận quá nên muốn sửa là sửa cho chót chăng? Nhưng sau đó, bác chỉ nói:
– Hay…con cho bác cái đèn đó nhé? Mai không cần trả tiền bác nữa!
– Dạ? Được chứ bác! – Tôi lấy cái đèn đưa cho bác – Bác cứ lấy đi, nếu bác có thể dùng được thì cháu đỡ phải vứt.
– Cảm ơn con nhiều! Giờ con về đi, nắng đấy. Khi nào có gì lại qua bác nhé! – Bác vui mừng nhận cái đèn của tôi.
Từ vụ cái đèn “rụng” ấy, bác Trọng đã vui vẻ còn trở nên vui vẻ hơn. Sau thằng Bình, tôi trở thành đứa được bác nhớ nhất. Lần nào gặp tôi, bác cũng bấm cái chuông xe đạp “keng keng” để gọi. Tôi biết bác muốn khoe cái đèn xe của tôi đã được bác lắp vào xe của mình, bác nói cái đèn tiện ích lắm, đi vào buổi tối cũng không sợ tai nạn. Tôi cười, càng ngày tôi càng quý bác nhiều hơn. Bác cũng quý chúng tôi, chuyển hẳn “địa điểm” sửa xe sang trước cái quán trà sữa mà lũ tôi hay vào đó ăn uống tám chuyện. Sự xuất hiện của bác còn khiến quán vui vẻ hơn trước, chúng tôi chăm chỉ đi cùng nhau đến quán cũng chỉ để nói chuyện với bác Trọng. Bác rất thích kể về Hà Nội cổ xưa, bác bảo ngày ấy và ngày nay bác đều cực khổ nhưng bác lúc nào cũng lạc quan cả. Bác thích hát, thường hát cho chúng tôi nghe những ca khúc vượt thời gian mà có lẽ giờ chúng tôi rất ít nghe nữa.
Bác chỉ dừng hát khi một ngày, bác ngồi bên vỉa hè mà không còn cái xe đạp bác vẫn hay đi. Chúng tôi hỏi xe của bác đâu, bác cười bảo cho con trai bác dùng đi học rồi. Nhưng nụ cười của bác không còn tươi như trước nữa, tôi thấy một nỗi buồn phủ đầy đôi mắt già nua. Bác vẫn ở đó sửa xe, vẫn nói chuyện với chúng tôi, nhưng bác kiệm lời dần dần. Chúng tôi chỉ còn thấy bác kì quặc khi trời rất nóng cũng mặc áo sơ mi cài đến cái khuy cao nhất, hay ngồi yên một chỗ với tờ báo cũ và lẩm nhẩm hai câu hát lạ. Không còn xe đạp, bác phải đi bộ nên đến chỗ chúng tôi cũng muộn hơn, ít khi được gặp bác trên đường đi học. Không còn xe đạp, đồ đạc của bác chẳng được để ngay ngắn vào một chỗ, cứ tung ra mất cái này cái nọ khiến bác rất cuống không được cẩn thận như trước. Nhiều bạn học sinh bắt đầu chuyển sang các hàng sửa xe khác, chỉ còn chúng tôi luôn cố gắng ở lại. Tôi biết, bác Trọng vẫn rất nhiệt tình với công việc của mình.
Nhưng thời gian đổi thay, chỉ qua một năm thôi mà mọi thứ dường như đã khác. Học sinh dùng xe đạp điện nhiều hơn xe đạp thường, bạn bè tôi lên lớp 12 là sắm cả xe máy. Chiếc xe quá cũ của tôi cũng đến ngày không đi được nữa, bố mẹ đã mua cho tôi xe đạp điện. Có xe điện, chúng tôi tha hồ đèo nhau đi vi vu khắp mọi nơi, không còn thích quán trà sữa nhỏ hay ngồi trò chuyện cùng bác Trọng hôm nào. Lớp 12 cũng bận học nên chúng tôi càng ngày càng ít gặp bác Trọng hơn, chỉ có những lần vội vã rời khỏi trường chuẩn bị đi học thêm vẫn thấy bác ngồi một mình nơi cũ. Khách hàng của bác giờ thưa thớt bóng học sinh mà là người qua đường – những người chỉ nhanh chóng trả tiền rồi vội vã đạp xe đi không ở lại trò chuyện cùng bác vui vẻ.
“Có những ngày buồn, nắng cũng như mưa
Mồ hôi giữa nắng hay mưa giữa đời”
Bác vẫn hát hai câu hát ấy, đều đặn. Tôi biết điều đó vào một ngày đi cùng thằng Bình. Do xe hết điện mà ngủ quên không sạc, nó đành phải lọc cọc cái xe đạp cũ. Đen đủi cho nó, lúc tan học mệt gần chết mà xe nó bị đứa nào chơi xỏ chọc thủng lốp. Thương thằng bạn, tôi đi sửa xe cùng nó, dù tôi cũng rất mệt và chỉ muốn phóng ngay về nhà. Chúng tôi đi đến chỗ bác Trọng, bác đang ngồi dựa vào tường, mắt lim dim ngủ gật nhưng miệng vẫn nhẩm hát những câu hát quen thuộc. Chúng tôi đành phải lay bác:
– Bác Trọng ơi!
Bác giật mình tỉnh dậy. Nhận ra chúng tôi, bác vẫn niềm nở:
– Ôi các cháu đấy à? Xe Bình làm sao thế kia?
– Xe nó bị thủng lốp bác ạ… – Tôi bảo hộ thằng Bình.
– Không sao, ngồi đi, để bác vá cho! 10 phút là xong ấy mà!
Tôi và thằng Bình ngồi đó đợi bác sửa xe. Bác kì cạch bơm căng lốp, rồi tháo cái săm ra khỏi lốp, đem nhúng vào chậu nước để tìm lỗ thủng. Rồi bác lật đật đi tìm một đôi dép cũ đánh lên vết săm thủng, lấy keo, miếng vá lốp, cẩn thận vá lại. Tôi thấy bác còn dùng tay xoa một vòng cái lốp xem còn vết gì bất thường ở lốp không rồi mới lắp lại lốp vào đúng chỗ cũ. Tay bác lại đen, móng tay bác đã bám đầy vết bẩn tưởng như đã cứng cả không rửa được. Mồ hôi vã ra vì nóng nực, bác đưa tay cởi mấy cái khuy áo cho đỡ nóng. Thấp thoáng tôi thấy một vết sẹo dài từ cổ bác xuống người…Thằng Bình buột miệng:
– Sao bác không làm việc khác ạ? Việc này vất vả, lại không phải lúc nào cũng có khách…
– Bác gắn bó với nó nhiều năm rồi, bác yêu nghề lắm con! – Bác nở nụ cười trên gương mặt đen sạm.
– Nhưng mà bây giờ… – Thằng Bình định nói về chuyện học sinh đã không còn hay tìm đến bác sửa xe, nhưng lại thôi vì sợ bác buồn.
Ừ bác hiểu! Để sống thôi con. Bác không được may mắn ăn học đầy đủ như các con, bác phải sống theo cách của mình. Cũng hơi buồn nhưng bác vẫn có mấy tờ báo, có cô bán trà đá nếu cần vẫn hay trò chuyện với bác. – Nói rồi bác “chẹp” một tiếng – Làm nghề gì cũng khổ cả! Chắc bác cũng sắp chẳng được trò chuyện với cô trà đá được nữa rồi.
– Bác đi đâu sao? – Chúng tôi ngạc nhiên.
– Các cháu nói đúng, bác nên tìm việc nào đó đỡ vất hơn cái việc này nhỉ? Bác cũng phải đi chỗ khác, ở đây không còn ai cần bác sửa xe nữa rồi. – Bác nói rồi cười – Đùa thôi! Bác phải chuyển về gần bệnh viện B.Đ, con bác đang ở đó.
– Con bác làm ở bệnh viện sao lại để bác đi sửa xe suốt thế ạ? – Thằng Bình tò mò.
Không phải nó làm ở bệnh viện đâu…
Tôi giật mình nhìn vào vết sẹo dài trên cổ bác.
– Sau khi vợ bác mất, thằng con bác cũng chểnh mảng học hành, rồi nó đi theo cái nhóm nghiện hút, cờ bạc. Năm ngoái bác đi làm về, thấy con bác bị mấy thằng đâm chém ở trước cửa nhà, nó nợ tiền người ta. Bác mà không đỡ cho nó một quả thì nó chết rồi, nhưng rốt cuộc nó đã tàn phế. Bác bị thương, nhưng chẳng dám nằm viện lâu, kệ nó thế, cố dậy mà đi kiếm tiền cho con, mình còn con thì mình sống dai lắm. May mấy thằng kia bỏ qua vụ nợ nần rồi, nhưng tiền viện phí vẫn cao. Bác bán cái xe đạp rồi mà chẳng ăn thua gì. Giờ còn làm cái nghề này nữa thì chẳng biết bao giờ con mình được ra viện.
– Bác…khi nào bác đi?
– Chắc độ một tuần nữa. Chắc chắn được việc mới đã rồi bác mới quyết định đi.
Chúng tôi chẳng biết nói gì nữa, lặng lẽ đi khi đằng sau vẫn văng vẳng tiếng hát buồn của bác Trọng. Bác kể vợ bác ngày xưa cũng mê hát, bà nghĩ ra một bài hát mà bác rất thích nhưng bác chỉ nhớ được có hai câu. Giờ bác chăm con, bác buồn nhớ vợ nhiều hơn, chỉ biết hát để lòng thôi đau xót. Bác chẳng đau vì vết sẹo, bởi có một vết sẹo lớn hơn trong tim bác rất nhiều. Phố mỗi lúc một đông, cuộc sống mỗi lúc một hiện đại và đủ đầy, nhưng đâu phải tất cả ai cũng được may mắn như thế? Những tháng ngày đi qua trong buồn bã, vắng lặng, ngồi một mình chờ đợi thời gian đi qua mà sao tẻ nhạt…Rồi cuộc đời sẽ đi về đâu? Cuộc đời bác sẽ về đâu? Những giọt mồ hôi đổ khắp cuộc đời, nhận lại gì ngoài nước mắt và nhọc nhằn gian khó? Lòng tôi day dứt những câu hỏi đó suốt đường về. Chúng tôi đã mải mê với tuổi xuân của mình, để rồi quên mất ai đó đã từng cùng chúng tôi vui vẻ rất nhiều trong tuổi xuân ấy.
Tôi và thằng Bình quyết định phải giúp bác Trọng. Chúng tôi kể chuyện này với lớp, mọi người nhất trí đồng tình. Chúng tôi đăng lên Facebook, lên trang web của trường, hợp tác với CLB tình nguyện trường, mong muốn được sự giúp đỡ dù là nhỏ nhất tới bác Trọng. Chúng tôi cùng nhau kể lại những kỷ niệm ngắn ngủn mà đầy ý nghĩa với bác Trọng, kể những gì bác đã giúp đỡ chúng tôi, kể về cuộc sống khó khăn của người đàn ông tốt bụng hy sinh mọi thứ vì con ấy. Chúng tôi chỉ là học sinh, chưa trải qua nhiều khó khăn của cuộc đời, nên chúng tôi chỉ biết san sẻ những gì tốt nhất có thể với bác. Con số ủng hộ tăng lên đầy tích cực. Dần dà, sau một tuần, những đồng tiền lẻ của các bạn học sinh và sự giúp đỡ của thầy cô đã góp thành một số tiền đủ lớn. Khi nhận số tiền đó, bác Trọng đã khóc giàn giụa:
– Các con không cần phải làm vậy đâu! Bác áy náy lắm! Không cần đâu…
– Bác nhận đi ạ! Cái này dùng để chữa cho con trai bác. Anh ấy khỏe rồi nhất định sẽ tu chí làm ăn để cả hai bố con đều sống tốt hơn.
– Bác cảm ơn các con, cảm ơn các con nhiều lắm! – Bác đưa tay lên lau nước mắt.
– Bác đã tìm được việc mới chưa ạ? – Thằng Bình hỏi.
– Bác tìm được rồi. Hiện tại thì tạm thời là trông xe cho một cửa hàng. Và chắc bác sẽ tìm thêm nhiều việc nữa.
– Vậy bác không sửa xe nữa rồi… – Tôi buồn bã.
Bác cúi xuống lấy từ cái hộp ra một vật gì đó, rồi đặt vào tay tôi:
– Bác vẫn sửa nếu ai cần, nghề của bác mà!
Tôi ngạc nhiên nhìn cái đèn cũ mà tôi đã từng cho bác. Bán chiếc xe rồi, nhưng bác vẫn giữ lại món quà của tôi, và cũng để nhắc tôi nhớ về kỷ niệm đẹp ngày trước. Tôi nhìn bác đang cười thật tươi trên gương mặt đã có những nếp nhăn của thời gian, lòng bỗng nghẹn ngào. Đâu đó, có những cuộc đời giống bác, đổ mồ hôi vất vả nhưng mấy ai nhớ tới mỗi khi đi qua? Chúng tôi chẳng thể giúp được tất cả những con người đó, ngoài mong rằng nếu cuộc sống đã tốt đẹp hơn, thì ai cũng có thể được hưởng chứ không tách biệt ra một vài thân phận.
– Con giữ cái đèn này hộ bác! Khi nào có cái xe đạp khác, bác sẽ xin lại nó đấy. Con đừng vứt đi, những thứ nhỏ nhặt đôi khi rất có ích. – Bác bảo tôi.
– Bác cứ yên tâm ạ! Cháu sẽ giữ nó để nhớ tới bác.
– Bác cũng nhớ mấy đứa lắm! Học hành ngoan ngoãn, phấn đấu hết mình nhé! Bác yêu các con nhiều!
Lúc đó, chúng tôi biết rằng bác đã trở thành một phần không thể thiếu trong những năm tháng học trò của mình. Dù bác chỉ là một người sửa xe, nhưng những gì bác để lại cho chúng tôi là món quà vô giá chúng tôi cần nâng niu trên suốt quãng đường còn lại. Có những vẻ đẹp không thể nào đánh mất, mọi thứ vẫn tồn tại nơi đây, trong kỷ niệm nhớ thương, trong ký ức dấu yêu luôn luôn là nguyên vẹn.
Nắng không còn nóng như đổ lửa, mà nhẹ nhàng rơi trên nền chiều xế bóng. Bác Trọng đã đi xa sau nắng, tiếng hát vẫn văng vẳng cất lên:
“Có những ngày buồn, nắng cũng như mưa
Mồ hôi giữa nắng hay mưa giữa đời?”
Bùi Trà Mi
S Communications
www.UEHenter.com