Thực sự khi nói đến 2 từ “Văn hóa” mọi người đều cảm thấy rất quen thuộc, rất dễ hiểu nhưng để mô tả một định nghĩa chính xác về nó thì không phải chuyện dễ dàng và ai cũng làm được, thậm chí bạn sẽ cảm thấy có chút mơ hồ khó giải thích cho rõ ràng rốt cuộc “Văn hóa” là gì. Vậy nên, chắc hẳn “Văn hóa UEH” cũng là một khái niệm tương tự, khá “tốn nơ-ron” để nghĩ phải không? Nhưng may mắn thay, bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó!
Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người, nên có rất nhiều nghĩa cũng như nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa. Mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, bài viết này tôi xin đứng trên góc độ cảm nhận của những giảng viên đang giảng dạy tại UEH để khái quát lên ý nghĩa của “Văn hóa UEH” nhé!
Nói một cách dễ hiểu, “văn hóa” là cách sống bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử, và cả tri thức được tiếp nhận,… Như vậy dễ hình dung hơn nhiều phải không? Văn hóa UEH được hình thành và vun đắp bởi nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh vai trò của nhà quản lý, các cán bộ viên chức trong nhà trường, người học (sinh viên UEH) cũng đóng góp một phần không nhỏ, quyết định đến sự tốt đẹp của “Văn hóa UEH”.
Về vấn đề trang phục trong một môi trường sư phạm như UEH, hiển nhiên mỗi sinh viên cần có ý thức ăn mặc sao cho chỉnh tề, lịch sự, phù hợp, đúng nội quy,… như thế mới được xem là có văn hóa. Theo cô Lê Thanh Trúc (giảng viên UEH), trang phục hiện nay của sinh viên trong trường không chỉ phù hợp mà còn rất thời trang và hợp thời.
“Đối với bản thân cô, “cái đẹp nhất có nghĩa là cái phù hợp nhất”, nên cô không nghĩ nữ sinh mặc váy trên đầu gối là không hợp với văn hoá, vì khi các bạn biết cách phối với những cái áo tạo thành các bộ trang phục vẫn phù hợp với môi trường giáo dục thì vẫn là đẹp. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khi các bạn phối áo với váy không khéo léo thì tự nhiên nó giống với trang phục một buổi đi chơi hoặc party của các bạn hơn là một buổi học, điều đó thì không phù hợp và không nên.”
Trang phục UEH đặc biệt còn có một phụ kiện nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất đặc biệt, chính là chiếc thẻ sinh viên. Đeo thẻ sinh viên không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa nơi giảng đường, mà trước hết sẽ mang lại cho sinh viên rất nhiều đặc quyền thú vị. Nó là nhân chứng khẳng định niềm tự hào, sự hãnh diện của bạn khi trải qua 12 năm đèn sách miệt mài, có khó khăn, có cố gắng nỗ lực mới được ngồi trên ghế giảng đường Đại học, từ đó trở thành động lực nhắc nhở bạn phải học tập, hành động tích cực hơn mỗi ngày để xứng đáng với những thành quả đã đạt được ở hiện tại và sẽ đạt được trong tương lai. Đồng thời, khi đeo thẻ sinh viên, bạn sẽ luôn có một “người bạn đồng hành” bên cạnh mình, chứng giám cho quá trình ngày một trưởng thành của bạn trong những năm tháng sinh viên.
Thế nhưng hiện nay, dường như nhiều bạn sinh viên UEH đã quên mất “người bạn” của mình mất rồi. “Thật ra việc huy động sinh viên đeo thẻ thì trường đã thực hiện rất là lâu rồi, cô thấy có sự tiến bộ hơn trong ý thức tự giác đeo thẻ của sinh viên, nhưng kỳ vọng 100% sinh viên đều chấp hành thì có lẽ phải mất một thời gian rất lâu nữa. Như ở những lớp cô giảng dạy, thấy cũng gần 50% các bạn có đeo thẻ, còn lại thì không. Về góc độ chuyên môn bên quản trị, cô nghĩ là có 2 khía cạnh: 1 là khuyến khích động viên khen thưởng, có nghĩa là “củ cà rốt”, thứ 2 là ra quy định và bắt buộc, gọi là “cây gậy trong quản trị”, có nghĩa là ép kèm theo những hình phạt. Ép ở đây nghe hơi quá nhưng ý là đưa ra các quy định bắt buộc đối với sinh viên, kiểm soát khắt khe từ sự hỗ trợ của nhà trường hơn là chỉ trong cậy vào nhận thức tự giác của sinh viên. Ví dụ như cô thấy, để tránh sự trà trộn vào trường với ý đồ xấu, gây ra những thiệt hại không đáng có, thì bảo vệ thấy các bạn không đeo thẻ sẽ không cho vào là điều đúng đắn nên làm.” – cô Thanh Trúc (giảng viên Khoa Quản trị) bày tỏ.
Thầy Hoàng Cửu Long (giảng viên Khoa Kinh doanh Quốc tế – Marketing) lại thành thực cho rằng lý do không đeo thẻ của sinh viên có thể vì thẻ chưa đáp ứng được tính mỹ thuật khiến bạn thích thú, nhưng dù sao đi nữa, thầy cũng cho rằng: “Sinh viên UEH nên đeo thẻ để thể hiện tâm thế tự hào vì là sinh viên UEH. Có thể bạn ra ngoài bạn không đeo cũng được nhưng vô trường thì nó thể hiện mình là một thành viên của trường. Trước đây, các thầy cô cũng rất là lười đeo thẻ, nhưng thầy hiệu trưởng chỉ cần nhắc một lần thôi, thì thầy cô ý thức tốt hơn, nên giờ các bạn thấy đấy, tất cả thầy cô khi lên lớp đều đeo thẻ.Thầy khuyến khích các bạn nên tập thói quen đeo thẻ.”
Theo đánh giá của giảng viên – những người thường xuyên gần gũi tiếp xúc với sinh viên, thì ở UEH văn hóa ứng xử, cách cư xử, giao tiếp hay thái độ của các bạn khá tốt. Đây là điểm tích cực nhất nhận được sự hài lòng của đại bộ phận các thầy cô. Cô Thanh Trúc dành cho những sinh viên UEH của mình nhiều sự yêu mến vì “các bạn rất là lễ phép, dù năm cuối rồi vẫn thế. Khi đóng tình huống trên lớp, các bạn ngồi dưới đất, không ngồi ngang cô, cũng không đứng để cô phải ngước lên mà các bạn ngồi dưới đất để nói chuyên với cô, có nghĩa là tình cảm, thân thiện mà rất là ngoan. Các bạn xin lỗi cô vì sử dụng những từ dân dã như vậy để đóng trong hoạt cảnh đó nhưng cô hiểu, để đạt được mục đích của bài thuyết trình, để mọi người tập trung hết sức vào bài thuyết trình, muốn tình huống y như thật thì các bạn phải sử dụng những từ đó. Cho đến thời điểm bây giờ về vấn đề lễ phép của sinh viên thì cô không phàn nàn gì hết, mà ngược lại cảm thấy vui vì các bạn rất lễ phép.”
Tuy nhiên vẫn còn một số mặt hạn chế khác thuộc về mặt thái độ, cách ứng xử mà theo các thầy cô sinh viên cần khắc phục, thực hiện tốt hơn để văn hóa UEH ngày càng đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Đó là những hành vi tiêu cực có thể bạn hiếm khi để tâm đến vì sự vô ý của mình hoặc cho rằng nó nhỏ nhặt, nhưng nếu không nghiêm túc thay đổi thì lâu dần sẽ trở thành thói quen khó bỏ. Chẳng hạn như, tình trạng đi học muộn, nói chuyện riêng hay sử dụng điện thoại trong giờ học,… “Vấn đề này, nếu đứng ở góc độ các bạn thử đổi ngược vai đứng từ trên nhìn xuống thì việc người ta nói mà mình không nghe, có vẻ là không có được tôn trọng người khác lắm, ít nhất là mình cũng nên ráng nghe. Đương nhiên có những khoảnh khắc mình cảm thấy chán lắm. Thầy chỉ mong các bạn cố gắng đừng để xảy ra những vấn đề này, tại vì cho dù cái lớp rộng đến mức nào đi nữa, thầy cô đứng ở trên đều nhìn thấy hết đó. Tóm lại là, những hành động không tốt như các vấn đề trên các bạn nên hạn chế tối đa. Có những lúc, ví dụ như việc dùng điện thoại, nếu có cuộc gọi và cần nhắn tin gấp thì ok, nhưng đừng nên quá lạm dụng nó, còn việc nói chuyện riêng trong lớp thì thầy cho là không nên.” – thầy Hoàng Cửu Long chia sẻ.
Ngoài ra, việc đem thức ăn thức uống vào phòng tự học, không có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh trong trường, hoặc có những phát ngôn thiếu đúng đắn trên mạng xã hội về trường, về giảng viên của UEH,… cũng là những hành vi không hề văn minh và nó thuộc về ý thức, trách nhiệm của mỗi sinh viên.
Bài viết: Ngọc Ánh
Thiết kế: Thùy Trinh
S Communications
UEHenter.com