Nhìn bức ảnh trên, ý nghĩ đầu tiên bạn nghĩ đến là gì? Một thanh niên đang hành hung mẹ? Hay là một thanh niên vì bênh vực bà ngoại mình mà xô xát với người khác?
Gần cuối năm, cư dân mạng chia sẻ với nhau bài báo về bức ảnh một cụ già ôm chầm lấy một thanh niên tay đầy vết xăm, đang giơ cây kéo to lên như muốn hành hung một người phụ nữ trung niên ngã sõng soài. Tác giả bài báo viết đại ý, thanh niên này vác kéo đâm mẹ. Nhiều báo mạng cũng chia sẻ link, có bài còn giận tít, nghịch tử hành hung mẹ. Dạo đấy, ban đầu người ta gõ bàn phím liên tục, không ngớt lời lên án anh thanh niên xăm mình thật đúng là bất hiếu, cả mẹ mình cũng đánh. Sau đó, người quen của thanh niên nhìn thấy bức ảnh trên, vội vàng đính chính trong một dòng bình luận, rằng anh thanh niên chỉ bực tức cầm kéo hù dọa khi người phụ nữ ngã trên đất dám xúc phạm đến người bà mà anh rất yêu quý. Và bản chất anh ấy, vốn rất hiền lành.
Một đám người ngớ ra. Một đám người giật mình.
Thực hư ra sao, chẳng có ai xác nhận. Lại sau đó, tôi đọc được những dòng bình luận ở một vài trang báo điện tử, thấy ý kiến của cư dân mạng chia thành ba nhóm. Một nhóm tiếp tục lên án thanh niên, này thì không biết tôn trọng người lớn tuổi, chuyện gì thì chuyện, vẫn không thể dùng vũ lực để giải quyết. Một nhóm lại bênh vực thanh niên, bảo rằng nói xấu bà của người ta thì người ta nổi điên lên là phải.
Mà một nhóm khác, thì đứng giữa hai nhóm trên, chẳng biết nên nghiêng về phía nào, bởi vì bên nào nói cũng thật hợp lý.
Rốt cuộc nhóm ở giữa lựa chọn cách phớt lờ, chuyện nhà ai nấy sáng, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình, dư dả thời gian đâu mà để ý.
Sau câu chuyện của anh thanh niên xăm mình kia, nhiều lần tôi thấy người ta chia năm xẻ bảy mà bình luận, đánh giá những chuyện được đưa lên phương tiện truyền thông đại chúng. Tỷ như người ta đồng tình có mà phản đối cũng có, với hành động cha vợ chém chết con rể sau đó đi tự thú, bởi vì ông con rể trời đánh nhiều lần hành hung bạo lực với con gái rượu của ông. Lại tỷ như có nhóm người cho rằng đã sai luật thì phải chịu phạt, nhóm người khác lại nghĩ muốn “đạt lý” trước hết phải “thấu tình”, đối với chuyện ông bác già chở tôn cứa đứt cổ bé trai ở Tân Mai dạo gần đây. Tất nhiên, giữa hai phía quan điểm đồng tình hay phản bác đó vẫn tồn tại một nhóm hoang mang cực độ trước những ý kiến trái chiều.
Tôi cũng từng thuộc nhóm-ở-giữa-và-phớt-lờ đó. Chuyện không xảy đến với mình, cũng chẳng phải vì mình mà ra, lại chẳng biết thực hư ra sao, thì quan tâm làm gì cho mệt não?
Cho đến khi một ngày tôi tự hỏi mình, nếu chuyện gì cũng có những ý kiến đánh giá trái ngược nhau như thế, chẳng lẽ tôi đều chọn cách phớt lờ? Chuyện gì cũng phớt lờ, có khi nào trở thành kẻ vô cảm? Người ta ngại những kẻ đa sự, chuyện gì cũng để ý, nhưng người ta còn sợ hơn những kẻ vô tâm, chuyện gì cũng một đường bỏ mặc. Như thế, xã hội này vốn đã phức tạp lại còn thiếu thốn tình người.
Khi đứng trước một câu chuyện có nhiều sự đánh giá, người ta thường chọn lựa cách đứng về số đông. Số đông sẽ bênh vực kẻ yếu thế, cứu vớt những cuộc đời bất hạnh, giành lại công lý trong cuộc chiến thiện – tà. Số đông mang những chuẩn mực chung được thừa nhận từ đời này qua đời khác. Một ông chồng đánh vợ, số đông liền lên án. Số đông ủng hộ những kẻ mà trong cơn hoạn nạn, biết chìa tay ra giúp đỡ người khác thoát qua.
Nhưng số đông không phải lúc nào cũng đúng.
Trong làng có phụ nữ ngoại tình, cả làng vây đến cạo đầu bôi vôi, lại nhốt lồng heo thả trôi sông như thả xuống ngọn rơm cọng rác. Bây giờ thì chẳng còn ai làm những chuyện thất đức như thế, nhưng đổi lại người ta sẽ nói ra nói vào, nói từ đầu trên xuống cuối xóm, chỉ chỉ trỏ trỏ – “Con đấy ngoại tình, lén chồng theo trai!". Chẳng hề ai thèm đoái hoài đến chuyện, tại vì sao “con đấy ngoại tình”!
Khi tôi không đứng về số đông, có đôi lúc tôi sẽ trở thành người cổ xúy cho cái xấu có cơ hội ngoi lên giữa cuộc sống vốn dĩ nhiều bẫy rập này. Chuyện tồi tệ vẫn còn tồn tại được, không phải vì nó mạnh, mà vì nó còn có người ủng hộ.
Nhưng nếu tôi chạy theo số đông, lại có khi tôi trở thành kẻ góp phần vùi dập những điều vốn dĩ đúng đắn, chỉ vì chúng đi ngược lại lợi ích chung, bất kể lợi ích đó xấu xa đến không thể chấp nhận được; hay vì chúng đi ngược lại những giá trị đã được ngầm định rằng nó luôn đúng đắn, dù trời đất có thiên biến vạn hóa như thế nào.
Rối rắm như thế, tôi nên chọn hướng nào?
Cuối cùng tôi nghĩ, nhìn nhận một sự việc, không phụ thuộc vào nó được nhiều người đồng tình hay phản bác, mà phụ thuộc vào bên trong nó chứa đựng cái gì, cùng những điều mà bản thân tôi cho là đúng hay là không đúng.
Ngày trước, tôi không mấy quan tâm đến câu chuyện đồng tính. Những ngày còn ở quê học hết cấp I, cấp II, cấp III, thỉnh thoảng thấy vài người rõ ràng là ngoại hình đàn ông nhưng ăn mặc và trang điểm như phụ nữ đi qua trước mặt, cũng chỉ trố mắt ra nhìn rồi đi. Nhưng vài người xung quanh tôi thì chỉ trỏ vào người nọ, mắt nhướng lên như thể đang nhìn thấy thứ gì kì lạ, sau đó cười nói bỡn cợt, có khi là nhếch mép phun ra một câu, nhìn thằng bê đê đó thấy tởm.
Tôi không thích câu đó. Tôi cũng không thích người thốt lên những lời kia.
Mẹ tôi dạy, con thích cái gì, hay không thích cái gì, con được quyền nói ra. Nhưng con không được quyền đánh giá cái gì là tốt hay xấu, cũng không được phép chà đạp hay công kích những điều/vật/người mà con không thích, dù những điều / vật / con ấy không động chạm, ảnh hưởng gì đến con hay đối tượng mà con quan tâm.
Đúng hay sai, kì thực tùy thuộc vào nhân – sinh – quan mà loài người chấp nhận qua hàng triệu năm sống trên Trái đất. Nếu ngay từ đầu nó được công nhận là đúng, thì nó nhất định sẽ tồn tại như một lẽ đương nhiên. Hồi trước đọc ở đâu đó có câu, ở thế giới này, nếu 100 người có 1 người không mặc quần áo, kẻ đó bị coi là lập dị, nhưng nếu có 99 ngườ̀i không mặc quần áo, người còn lại mặc quần áo lại chính là kẻ khác người. Người ta sống quen có áo quần trên người rồi, nên ai không có quần áo, là khác loài, là đáng bị tẩy chay, nếu đổi lại ngay từ đầu ai cũng trần truồng qua lại, những kẻ quần áo chỉnh tề mới đáng bị lên án.
Chuyện này việc nọ sự kia chẳng có cái nào giống nhau, chỉ trừ một điểm cái nào cũng có nhiều mặt khách quan cùng tồn tại bên trong nó. Một tảng băng trôi thấy được ba phần nổi nhưng kì thực còn đến bảy phần chìm. Có thật nhiều bài học đã đúc kết lại rằng, đừng nhìn nhận vấn đề bằng lăng kính chủ quan, mình nghĩ không phải lúc nào cũng đúng, cho nên đừng vội vàng đánh giá, nhất là khi căn cứ chưa đủ đầy. Hẳn bạn từng nghe câu chuyện thầy giáo, hai cậu học trò và một cái bóng đèn: thầy giáo cho hai cậu bé đứng đối diện nhau, cùng nhìn vào cái bóng đèn tròn. Cậu bé thứ nhất cố chấp bảo bóng đèn màu đen, cậu bé thứ hai khăng khăng nói bóng đèn màu trắng, rồi cãi vã, rồi đánh nhau. Nếu đặt mình ở vị trí đối phương, nhất định sẽ nhận ra rõ ràng là bóng đèn nửa đen nửa trắng. Tôi nghĩ, người ta chia năm xẻ bảy để xem xét một sự việc thì giúp nhau nhìn nhận được nó sâu sắc hơn, nhưng nếu ai cũng một mực bảo rằng mình đúng, lại dự vào đa số mà áp đảo thiểu số, dần dần chẳng ai còn đủ hứng thú và dũng khí để bênh vực cho điều đúng chuyện hay trên đời này nữa. Số đông không thể phán xét là sai hay đúng, bởi vì câu chuyện nào cũng cần suy ra đến tận căn cơ để hiểu bản chất, chứ mắt thấy tai nghe đôi khi cũng chẳng phải là sự thật. Dư luận có thể thỏa mãn được suy nghĩ của những người tham gia trong đó, nhưng hệ quả mà nó mang lại hoặc là khiến sự việc trở nên tốt đẹp, hoặc là đẩy nó đi theo chiều hướng tiêu cực không cách nào cứu vãn. Dư luận là những lời nói đồng tình với nhau, một khi những lời nói đó mang tính công kích, lực sát thương còn mạnh mẽ hơn bom nguyên tử loài người lỡ phát minh ra. Đâu phải chưa từng xảy ra chuyện những người đồng tính bị số đông kì thị phỉ nhổ mà phải tự vẫn. Đã thế, trăm năm bia đá đã mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Nếu dư luận mang tính công kích ung dung tồn tại một đoạn thời gian dài, tôi nghĩ, những điều tốt đẹp sớm chẳng còn dư lại mấy mẩu.
Nếu có một ngày số đông đồng tình một sự việc là sai, trong khi bản thân tin là nó đúng, tôi nghĩ mình sẽ không ngần ngại đứng về phía đối diện với họ. Bởi chỉ vì sợ hãi số đông mà chọn một hướng đi trái với lương tâm của bản thân, tôi nghĩ cuộc sống mình đang hít thở đeo mang không còn của tôi nữa, đã trở thành cuộc sống của số đông luôn rồi. Tôi không sợ mình là kẻ lập dị, tôi chỉ sợ mình là một kẻ bình thường, thế nhưng cái nhìn của bản thân phải dựa dẫm hoàn toàn vào ý nghĩ của nhiều nhiều người khác thì so với lập dị còn đáng thương hơn.
Cho nên, hãy nói thật – nghe đủ – nghĩ sâu – chọn đúng và nghe theo chính mình.
Nguyễn Huỳnh Song Thi
S Communications
www.UEHenter.com