Hậu Covid Đáng Sợ Như Thế Nào?

Vậy là chúng ta đã trải qua bốn đợt sóng dữ mang tên Covid, cuộc sống mỗi người cũng phần nào chao đảo theo cơn sóng ấy. Nhưng mọi thứ không thể bị xáo trộn quá lâu và chúng ta buộc phải đưa cuộc sống về lại quỹ đạo cũ. Covid không còn là điều khiến ta lo lắng nhiều nữa nhưng bạn có biết hậu Covid đáng sợ như thế nào không?   

Trở lại với quỹ đạo cũ

Tính đến hiện tại, chúng ta đã tham gia hình thức học trực tiếp được 3 tuần. Hầu hết sinh viên rất háo hức vì được trở lại trường sau khoảng thời gian dài làm việc qua màn hình máy tính. Với các K47, đây còn là lần đầu tiên được gặp gỡ trường lớp và bạn bè. Nhưng điều đó không có nghĩa là tâm lý tất cả mọi người đã sẵn sàng và có những biện pháp phòng vệ tốt nhất dành cho bản thân. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Bên cạnh sự chờ đợi được gặp gỡ thì cảm giác e dè cho sức khỏe bản thân là điều không thể tránh khỏi. Lớp học càng thưa thớt dần, không khí cũng bớt nhộn nhịp hơn trước. Vài người vì lo lắng trước những rủi ro nên vẫn chưa thay đổi thói quen học online và tạm rời xa quê hương để bước vào thành phố. Sợ bị nhiễm Covid là tâm lý chung của đa số chúng ta nhưng mọi thứ đã đứng lại quá lâu và không thể trì hoãn thêm được nữa. 

Chúng ta đã phòng tránh đủ tốt?

So với những ngày đầu thì nỗi lo về dịch bệnh phần nào đã được giảm đi, Covid không còn là vấn đề quá to tát khi hầu hết cả nước đều đã được phủ vaccine đầy đủ 2 mũi thậm chí là mũi 3 tăng cường, nhằm tăng khả năng miễn dịch.

Nhưng có lẽ vì vậy mà mọi người trở nên ít cẩn thận hơn khi nghĩ “mình tiêm mũi 2, mũi 3 thì khả năng phơi nhiễm chắc chắn sẽ thấp hơn” hay thậm chí có người cho rằng “Covid bây giờ cũng xoàng thôi, cũng chỉ như cảm cúm”. Đối với những người từng nhiễm Covid thì họ lại càng chủ quan khi nói “Đã bị covid một lần thì sẽ không có lần sau” và đa số mọi người quá phụ thuộc vào y khoa vì họ nghĩ đã có các pháp đồ điều trị căn bệnh này. 

Sau những lần bùng dịch thì cho rằng mình đã đủ kinh nghiệm, biết làm gì để đối phó với nó để rồi ta chỉ xem nó như bệnh cảm cúm. Đó chính là những suy nghĩ rất sai lầm vì thực tế nguy cơ nhiễm bệnh vẫn luôn tiềm ẩn ở xung quanh, bất kỳ ai cũng hoàn toàn có rủi ro mắc bệnh dù đã phòng ngừa tốt đến thế nào.

Hậu Covid – có lẽ bạn chưa nghĩ đến

Dù bạn có phòng bệnh tốt đến mấy thì rủi ro mắc bệnh vẫn tiềm ẩn xung quanh, chỉ cần một phút bất cẩn thì sẽ nhiễm bệnh. Đặc biệt khi mọi thứ đang dần trở lại với cuộc sống nhộn nhịp vốn có, Sài Gòn những ngày đầu tháng 3 lấy lại dáng vẻ bận rộn tấp nập với dòng người thì việc bạn nhiễm bệnh có thể là điều không quá bất ngờ. Nhưng đừng vì thế mà xem nhẹ nó, đơn giản chỉ vì Covid không phải là những cơn bệnh cảm cúm thông thường.

Sau những ngày dài tự cách ly điều trị Covid thì bạn nghĩ rằng mọi thứ sẽ quay về như trước? Có lẽ đó chỉ là suy nghĩ khi mà mình chưa thực sự hiểu hết về nó. Bởi vì hậu covid để lại rất nhiều di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe mà có thể bạn chưa biết được.

Hôm trước nói chuyện với đứa bạn từng bị F0, nó bảo khi mới mắc bệnh thì chỉ xuất hiện vài cơn sốt nhẹ, mất vị giác vài ngày rồi khỏi bệnh nhưng về sau thì nó bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lạ như rụng tóc, cứ lừ đừ mệt mỏi. Nói chuyện vài câu thì lại khô họng và cần được uống nước. Có lẽ, lá phổi của cậu chàng đã yếu đi phần nào.

Thế mới thấy, di chứng Covid để lại đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Đó không những là cơn mệt mỏi kéo dài hay rối loạn giấc ngủ mà đó còn là câu chuyện suy yếu của lá phổi, giọng nói thay đổi, rụng tóc và còn nguy hiểm hơn nữa khi triệu chứng mau quên bắt đầu xuất hiện. Bạn có thể an tâm phần nào khi bản thân tiêm được 2 mũi đầy đủ và có lộ trình điều trị hiệu quả, nhưng đừng vì thế mà lờ đi những tác động tiêu cực do Covid để lại mà bản thân lại không hay.

Một cuộc sống bình thường mới

Làm quen với cuộc sống bình thường mới trong trạng thái “thích nghi an toàn”, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả là điều cần nên làm và buộc phải làm nếu chúng ta muốn mọi thứ tiến triển. Dẫu vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc buông thả bản thân và lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh.

Chúng ta không may mắc bệnh, cũng chẳng sao! Chúng ta có phác đồ điều trị phù hợp để không ảnh hưởng đến mạng sống, nên an tâm về điều đó. Nhưng sẽ tốt đẹp hơn nếu ta không nhiễm bệnh. Thích ứng và phòng vệ bản thân tốt nhất, đừng chủ quan trước sức khỏe, bạn nhé!

Bài viết: Đan Ngân
Hình ảnh: Hoàng Dương
S Communications
UEHenter.vn