Mỗi một mùa thực tập đến, các bạn sinh viên lại tất bật chuẩn bị CV, vội vàng nộp đơn, chuẩn bị đủ đường, lo lắng trăm ngả. UEHenter chúng mình hiểu được điều đó, và càng biết tầm quan trọng của ngày đi phỏng vấn này đối với các bạn sinh viên. Chính vì thế, bài viết này sẽ gửi gắm cho các bạn những tips hay ho cho buổi phỏng vấn, hy vọng có thể giúp các bạn tự tin hơn nhé.
Nghĩ mà xem, sẽ chẳng ai muốn tuyển một người mà ngay cả cái mình muốn và cần cũng chưa biết
Anh Hoàng Duy – người đang làm việc tại VNG Corporation cho biết điều mà một nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở các ứng viên chính là cái biết được bản thân muốn gì, mong muốn sự nghiệp của họ. Anh cho rằng, câu nói này tưởng chừng như mơ hồ và lạc lõng nhưng lại rất cần thiết. Nghĩ mà xem, sẽ chẳng ai muốn tuyển một người mà ngay cả cái mình muốn và cần cũng chưa biết. Đối với anh Duy, ít nhất hãy có một mong muốn cho công việc.
Ngoài ra, lời khuyên mà anh dành cho các bạn chính là nên đúng người, đúng thời điểm và đúng môi trường. Điều đó có nghĩa là công việc phải phù hợp với năng lực của các bạn ở chính thời điểm hiện tại.
Hãy tự tin, và hãy khiêm tốn. Đó chính xác là những lời khuyên mà anh Hoàng Duy gửi gắm cuối cùng. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được mong muốn, sự quyết đoán và khiêm tốn cùng lúc của chính các bạn. Cố lên!
Việc thể hiện sự chân thành sẽ tạo ra sự kết nối giữa nhà tuyển dụng và ứng viên.
Tuỳ vào mỗi ngành nghề, công ty, vị trí, mức đãi ngộ khác nhau thì yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là những lời khuyên của anh Võ Quân – một người từng là intern, từng tuyển intern ở một Agency truyền thông – quảng cáo.
Lời khuyên số 1, tìm hiểu trước công việc mà mình muốn apply càng kỹ càng tốt. Anh Quân cho biết, nhà tuyển dụng thường sẽ không chọn những bạn đến phỏng vấn với sự tìm hiểu hời hợt về công việc. Internship quan trọng nhất là thái độ và sự chủ động. Làm sao có thể tin tưởng được vào một người mà ngay cả việc tìm hiểu trước công việc của bản thân cũng không chủ động làm.
Lời khuyên số 2, đừng đợi được hỏi. Có thể thấy thời gian của nhà tuyển dụng thường không có nhiều, vậy nên hãy tận dụng mọi cơ hội để thể hiện những điểm tốt của bản thân. Hãy chủ động chia sẻ thêm những thứ mà chúng ta học được thông qua những điều có sẵn trên CV, việc này sẽ cho họ thấy mình là người luôn cầu tiến và học hỏi.
Và lời khuyên cuối cùng, hãy chân thành. Với anh Võ Quân, việc thể hiện sự chân thành sẽ tạo ra sự kết nối giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Nhiều bạn ứng viên đã không ngại để nói ra một vài kỹ năng chưa ổn của bản thân và bày tỏ mình muốn khắc phục hay nâng cao thông qua kỳ intern. Đây là điều tuyệt vời, khi mà chúng ta vừa đạt được kỳ vọng của nhà tuyển dụng một cách hợp lý, vừa thể hiện sự quyết tâm phát triển của bản thân!
Phải đẹp, phải chỉn chu, và phải làm người ta “Wow” lên trong ấn tượng đầu tiên.
Chị Như Ý là một người đã trải qua ba lần thực tập tại các công ty đa quốc gia trong khoảng thời gian còn là sinh viên, bắt đầu từ năm hai. Một lời khuyên chân thành chị muốn nhắn gửi đến các bạn thực tập đó chính là: Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu phỏng vấn xin việc hay tìm kiếm cơ hội thực tập. Đừng tự biến cái “sớm” hay “muộn” trở thành rào cản đối với bản thân mình. Theo chị mà nói, sớm thì nộp, không sớm thì… cũng nộp!
Trong quá trình phỏng vấn xin việc, chìa khóa vạn năng mà chị luôn coi trọng là cái đẹp. Phải đẹp, phải chỉn chu, và phải làm người ta “Wow” lên trong ấn tượng đầu tiên, đó là những gì mà chị Ý tâm đắc. Bởi lẽ thứ quyết định cảm xúc của nhà tuyển dụng chính là nét đẹp của bạn, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Chị Ý cũng gửi gắm thêm lời khuyên cho các bạn ứng viên rằng, hãy tìm hiểu, chuẩn bị thật kỹ mọi thứ. Những câu hỏi “Tại sao em muốn làm việc này?”, “Tại sao là công ty này mà không phải công ty khác?”, “Nhãn hàng, chiến dịch nào của công ty khiến em hứng thú nhất? Tại sao?” hay “Em đánh giá về nhãn hàng/chiến dịch đó như thế nào?”. Hãy cố gắng tìm hiểu vì theo quan điểm chị đưa ra, lời khuyên này chính là để chống “toang” đấy. Song, mỗi lời bản thân nói ra đều phải “nói có sách, mách có chứng” nhé!
Hãy thể hiện được tinh thần học hỏi và tính chủ động trong công việc.
Chị Lê Duyên – Marketing Executive COTTON ON & TYPO chia sẻ, hãy thể hiện được tinh thần cầu tiến, mong muốn học hỏi và tính chủ động trong công việc. Chúng vốn được thể hiện qua năng lượng trong từng câu trả lời của các bạn.
Theo quan điểm của chị, nếu mọi người có thể để những kinh nghiệm trong quá khứ làm cái nền thể hiện nổi bật quan điểm của các bạn thời điểm này là rất tốt. Các bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy được từ những kinh nghiệm mà mình lĩnh hội, các bạn học được gì, xử lý như thế nào. Với tất cả những yếu tố đó, người phỏng vấn sẽ đánh giá được con người của bạn trong công việc và biết được rằng liệu cái ghế trống để làm việc cùng team này có phải của bạn hay không. Chốt hạ rằng, hãy là chính mình nhé!
Can do – Will do – Will fit
Về phía anh Đàm Đức – cựu thực tập sinh tại Isobar Vietnam, anh cho rằng sự phù hợp mà doanh nghiệp tìm kiếm trong ứng viên được chia thành 3 yếu tố.
Yếu tố thứ nhất – Can do. Anh Đức cho biết, lời khuyên mà anh nghĩ có giá trị cho mọi người là khả năng hoàn thành công việc được giao như thế nào, vừa đủ hay hơn thế. Hãy suy nghĩ về nó nhé.
Yếu tố thứ hai – Will do. Mọi người sẽ có động lực như thế nào để thực hiện công việc mà mình được phỏng vấn. Liệu nó chỉ là thứ ngắn hạn, hay dài hạn?
Yếu tố thứ ba – Will fit. Chính là con người bạn đấy. Theo như anh Đức chia sẻ, chính vì mỗi người có tính cách và sở thích khác nhau, điều quan trọng đối với một công ty tuyển dụng là biết bạn sẽ phù hợp với văn hóa làm việc như thế nào. Điều này đặc biệt quan trọng với các công ty đa quốc gia.
Và sau khi có cho mình 3 yếu tố này, hãy soạn ra những điểm mà mình và nhà tuyển dụng hợp với nhau, ghi nhớ và ở những câu hỏi hãy khéo léo truyền tải những quan điểm này.
Tìm hiểu kỹ về công ty, đặc biệt là văn hóa nơi mà bạn đăng ký ứng tuyển.
Theo lời chia sẻ từ chị Gia Khánh – cựu thực tập sinh Navigos Group, trước phỏng vấn, điều quan trọng chúng ta nên làm đó chính là tìm hiểu kỹ về công ty, đặc biệt là văn hóa nơi mà bạn đăng ký ứng tuyển. Bên cạnh đó, hãy chú trọng trong việc hiểu rõ về team làm việc và JDs mà bên tuyển dụng yêu cầu. Với những điều được liệt kê trên, bạn có thể tìm cách liên kết một cách tự nhiên giữa kinh nghiệm, kỹ năng có được với JDs và văn hóa công ty.
Thứ hai, hãy rà soát lại những nội dung có đề cập trong CV và trả lời các câu hỏi liên quan một cách thật chắc chắn, thẳng thắn, trực tiếp. Thứ ba, một trang phục hợp lý, đến trước buổi phỏng vấn từ 10 đến 15 phút cũng thể hiện lên tính chuyên nghiệp của bạn đấy nhé.
Và cuối cùng, các câu hỏi đặt sau buổi phỏng vấn có giá trị đáng kể trong việc nhà tuyển dụng ra quyết định nên các bạn hãy nghiên cứu kỹ về JDs, cơ hội phát triển của bản thân. Một điều cũng cần lưu ý, đừng quên hỏi người phỏng vấn về lý do chọn công ty vì chúng ta có thể đánh giá được nhiều điều về chính công ty và môi trường làm việc ở đó.
Sau bước chuẩn bị sẽ là thời gian bạn ở trong phòng tuyển dụng. Ở thời điểm này, hãy chân thành một cách khéo léo, có thể lựa chọn nói hoặc không nói, nhưng nếu đã nói, hãy chọn nói sự thật. Cũng đừng ngại nói ra những thất bại hoặc điểm yếu trong quá khứ, nhưng quan trọng hơn là nhận diện được sai lầm và nêu ngắn gọn về cách khắc phục.
Tránh trả lời vòng vo, thiếu trọng tâm hay dẫn vào quá nhiều câu chuyện không liên quan. Bạn hãy thêm dẫn chứng hoặc/và ví dụ cho các câu trả lời, đừng chỉ trả lời có/không. Hãy nhìn thẳng vào người đặt câu hỏi khi trả lời, nếu cuộc phỏng vấn có nhiều người, hãy chú ý cả những người còn lại nhé.
Và hơn hết, hãy hạn chế đề cập đến vấn đề trợ cấp vì thứ nhất có lẽ hầu hết các công ty đều công khai con số này. Thứ hai là, hãy mang tâm thế đến đó để học, vừa được học, vừa được “học bổng”!
Và cuối cùng là thời gian sau phỏng vấn, hãy chú ý email và điện thoại. Hơn hết, hãy ghi nhớ rằng dù có thất bại thì đó cũng là một kinh nghiệm đáng quý cho các bạn nhé!
Sinh viên mới ra trường ai cũng “fresh” như nhau, chính vì thế ai có thái độ tốt sẽ nổi bật hơn hẳn.
Đối với chị Ý Nhi – cựu thực tập sinh Tập đoàn BOSCH, một dấu cộng mà các ứng viên có thể tự đặt thêm vào cho bản thân mình chính là việc chuẩn bị một CV thật chỉn chu. Theo chị, trước khi đến phỏng vấn chúng ta nên tìm hiểu về công ty và vị trí mình ứng tuyển.
Khi trả lời câu hỏi, lời khuyên dành cho mọi người là luôn giữ một thái độ tích cực và truyền tải câu trả lời ngắn gọn, khéo léo. Vì theo chị Ý Nhi, thái độ là rất quan trọng. Bởi lẽ, hầu hết các bạn sinh viên mới ra trường ai cũng “fresh” như nhau, chính vì thế ai có thái độ tốt sẽ nổi bật hơn hẳn.
Bên cạnh những lời khuyên trên, chị Ý Nhi còn cho biết các bạn nên lắng nghe nhà tuyển dụng một cách tập trung và thể hiện ánh mắt. Vì khi được đặt câu hỏi, chính những người phỏng vấn đang muốn kiểm tra sự hứng thú mà các bạn dành cho công việc này.
Song, các bạn cũng nên đào sâu vào JDs, hãy hỏi họ cảm thấy như thế nào về công việc của họ, điều gì giữ chân họ ở vị trí này và hơn hết, có được sự trải lòng chia sẻ và hai bên gần gũi nhau hơn.
Cuối cùng mà nói, lời khuyên mà chị dành cho các bạn đọc chính là luôn có kế hoạch dự trù khi một kết quả không tốt xảy ra để còn có thể “chiến” tiếp!
Hạn chế đưa ra quan điểm cá nhân quá nhiều cũng như đừng gửi gắm những câu trả lời không có giá trị “vừa có vừa không”.
Còn anh Minh Kha, một người học chuyên ngành Marketing và làm cho công ty Quảng cáo Dentsu Vietnam. Anh chia sẻ, trước khi phỏng vấn, các bạn sinh viên nên biết được công ty họ làm gì, họ có sản phẩm gì.
Đặc biệt, nếu là agency thì lời khuyên là nắm được các project họ đã thực hiện. Hãy in sẵn CV ít nhất 3 bộ và soạn script thật kỹ lưỡng cho câu hỏi “Em giới thiệu một chút về bản thân mình nha” của nhà tuyển dụng cũng là những lời khuyên hữu ích mà anh Minh Kha bày cho đấy.
Trong quá trình phỏng vấn, anh Minh Kha cho biết chúng ta nên giao tiếp ánh mắt với người phỏng vấn, hạn chế đưa ra quan điểm cá nhân quá nhiều cũng như đừng gửi gắm những câu trả lời không có giá trị “vừa có vừa không”. Theo lời anh Kha, luôn có câu hỏi cho câu hỏi “Em có muốn hỏi gì không?” của nhà tuyển dụng.
Và bên cạnh đó, một tips hay ho cho các bạn là hãy chịu khó nhớ tên người phỏng vấn chúng ta nếu được, và nhắc lại tên khi cảm ơn ra về, đó cũng là một cách thu hút sự chú ý đấy! Sau buổi phỏng vấn, chúng ta cần về nhà và viết email cảm ơn nhà tuyển dụng ngay. Hơn cả, hãy mở nhạc phật, ăn chay, và đi chùa tạo phước nha mấy bạn!!!
Vậy là kết thúc chuỗi tips hay ho dành cho kỳ internship. Có thể bạn đang là người chuẩn bị cho ngày phỏng vấn sắp tới. Hay có thể bạn đang là người chờ đợi kết quả. Dù có như thế nào, uehenter vẫn xin gửi bạn bộ tips hữu ích này, chúc các bạn thành công trên chặng đường sắp tới!
Bài viết: Sĩ Nghiệp
Hình ảnh: Hy An
S Communications
UEHenter.com