Hồi còn nhỏ, chúng tôi đã được đánh giá thông qua thước đo học lực. Rồi lúc lớn hơn một tí, chúng tôi được cho là phải có tấm vé vào một trường đại học danh tiếng, tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và phải thật thành đạt. Một bức tranh tuyệt đẹp được vẽ vời nên từ những áp đặt trong suy nghĩ nếu không muốn gọi là định kiến. Tôi mơ ước trở thành một vũ công và học lực giỏi chẳng thể làm cho những bước nhảy của tôi thêm điêu luyện ngoài những giờ “sống chết” trong phòng tập. Nếu ví cuộc đời của “con giáo viên” là một bức ảnh thì học lực hoàn toàn có thể bị “out nét” vì đơn giản chúng tôi không tập trung vào đó. Nhiều lúc tôi tự vấn: nếu mình học dở thì người khác nghĩ mình không phải con của ba mẹ ư? Nghĩ rồi tôi lại cười phì vì giá trị của mình đâu phải chỉ nằm ở mấy con số thập phân trong sổ học bạ. Rồi mình cũng sẽ làm ba mẹ tự hào ở một khía cạnh khác, một thời điểm khác.
Đã là con giáo viên thì luôn phải có một lối sống mẫu mực?! Con gái ra đường phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên, phải “yểu điệu thục nữ quân tử hảo cầu”. Nhiều lúc muốn chửi (thề) xé lên một tiếng cho đỡ tức cũng phải nhìn ngang nhìn dọc, sợ người ta biết rồi đánh giá ba mẹ mình. Nghe có vẻ cường điệu nhỉ, nhưng thực chất là như vậy. Đạo đức qua lăng kính của mỗi người sẽ cho ra một định nghĩa khác nhau, chúng ta đều là một bản thể nên xin đừng quy chụp lên nhau những suy nghĩ riêng mình.
Tôi và bạn, ai cũng có một thời áo trắng, một vài lần loạn nhịp và cả những mộng mơ cho gọi là thanh xuân đủ đầy. Thế sao lại dè bỉu nhau khi bản thân “con giáo viên” bọn tôi cũng yêu đương không thuận lợi như ai. Đồng nghiệp và học trò ba mẹ ở mọi nơi, họ thường dệt nên những câu chuyện “cổ tích thần tiên lãng mạn” trong khi thực tế thì nó vẫn chưa được bắt đầu. Vậy là một kết thúc buồn! Tuổi trẻ có những nông nổi và trầy xước, nếu yêu thương là dại khờ thì tôi cũng muốn một lần khờ dại… như mọi người.
Họ nói vậy khi tôi nhuộm tóc, xăm hình, về nhà sau 22h hoặc bất kì điều gì khác với hình tượng “con giáo viên” trong họ. Một đứa trẻ ngoan phải luôn sống theo chuẩn mực, khuôn phép nhưng điều ngược lại chưa hẳn đã đúng. Cuộc sống của mình thì không thể bị lắp đầy bởi những sự đồng ý của người khác, tôi nghĩ vậy. Trong những tháng ngày tuổi trẻ, được sống đúng với đam mê, được là chính mình là quãng thời gian đẹp đẽ nhất và là tôi tuyệt vời nhất.
Từ bao giờ “con giáo viên” trở thành một tính từ có sự phân biệt lớn đến thế? Chúng tôi cũng như những cô cậu học trò khác, có điều ba mẹ cũng là thầy cô của tôi. Ngoài những giờ trên bục giảng, mở cửa về đến nhà thì ba mẹ vẫn dạy dỗ tôi như bao ông bố bà mẹ khác. Duy chỉ có điểm khác biệt là mọi người đặt ra quá nhiều quy định dành cho ba từ “con giáo viên”.
Áp lực nhiều thật đấy, nhưng sau tất cả tôi-tự-hào vì điều đó. Nếu “con giáo viên” là một nghề bẩm sinh thì tôi hẳn là một kẻ “yêu nghề” rồi. Vì là con giáo viên nên ba mẹ sẽ luôn luôn thấu hiểu, luôn luôn sẻ chia cùng tôi; giải đáp cho tôi mọi lúc, mọi nơi, mọi thắc mắc và không áp đặt những nếp nghĩ cứng nhắc ngoài kia lên con mình. Vì là con giáo viên nên tôi biết được những vất vả của ba mẹ, vừa chăm lo cho đàn con trên lớp, vừa phải vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình. Và cũng vì là con giáo viên nên tôi thấu hiểu nỗi lòng người thầy hơn, hiểu con đường đến trường của họ và thương họ hơn.
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo
Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền
Cô và mẹ là hai cô giáo
Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”
Nếu hiểu theo lời bài hát thì ai cũng là “con giáo viên” nhỉ? Tôi tin rằng tuổi học trò đi qua mỗi người đều sẽ để lại một vài hình ảnh khó phai về những người thầy. 20/11 này tôi sẽ dành tặng hai “người thầy” của đời mình một điều bất ngờ, còn bạn?