Trong những năm gần đây, sinh viên khi nghe nhắc đến ngành ngân hàng đều mau chóng “tránh xa” bởi tư tưởng ngành ngân hàng đang thừa nhân lực trầm trọng, đi theo ngành ấy chỉ có nước thất nghiệp mà thôi. Nhưng liệu đó có phải toàn bộ sự thật?
Ngành ngân hàng trong những năm trước đây đã phát triển về chiều rộng khá nhanh, thể hiện qua việc tăng số lượng ngân hàng và hàng loạt chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch rộng khắp ra cả nước ra đời. Do đó, số lượng nhân viên ngân hàng phát triển đột biến. Đây được xem là ngành nghề có số lượng người tìm việc làm luôn luôn vượt so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong những năm trở lại đây.
Các chuyên gia dự báo rằng, hoạt động ngành ngân hàng 10 năm tới sẽ khác với 10 năm vừa qua. Trong tương lai gần, các chi nhánh hay phòng giao dịch có xu hướng được cắt giảm, nhân lực ngành ngân hàng có thể bị đào thải rất nhiều. Bộ mặt ngành ngân hàng Việt Nam sẽ thay đổi nhiều trong những năm tới, nhiều công việc sẽ được thay thế bằng máy móc hiện đại, làm giảm lượng nhân sự làm việc. Tuy nhiên, chính sự thay đổi theo tiến trình hiện đại hóa ấy cũng đòi hỏi một thế hệ nhân sự mới với những kiến thức được cập nhật nhanh nhạy, luôn có tinh thần trau dồi và tự học hỏi.
Vì vậy, nếu muốn vào chuyên ngành này, các bạn phải hiểu rõ trong hiện tại và tương lai, nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng sẽ thay đổi như thế nào. Nắm bắt thực tế của ngành nghề là điều thiết yếu để biết mức độ phù hợp của bản thân với ngành, lường trước được mức độ cạnh tranh lao động trong ngành đồng thời tránh khủng hoảng thừa nhân lực.
Một chị sinh viên K40 đang theo học ngành Ngân Hàng chia sẻ rằng: “Chị không cho rằng nhân sự ngành Ngân hàng đang dư thừa. Vì trong quá trình thực tập và tìm hiểu, chị nhận thấy nhân sự ngành vẫn chưa bão hòa, còn rất nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng Tư nhân vẫn đang tích cực tìm kiếm các ứng viên phù hợp.”
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM là một trong những trường đại học hàng đầu cả nước, trong đó, khoa Ngân hàng cũng là một trong các khoa được đánh giá cao về thành tích hoạt động và chất lượng giảng dạy. Đặc biệt hơn nữa, để có thể xây dựng môi trường thuận lợi cho sinh viên, Khoa đã luôn cố gắng gắn kết chặt chẽ với các ngân hàng, tạo cơ hội cho sinh viên kiến tập và thực tập tại các ngân hàng, tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tế quý giá cho tương lai làm nghề.
Giảng viên Khoa chia sẻ, hơn 80% sinh viên được ngân hàng nơi đã thực tập giữ lại tiếp tục làm việc, cống hiến cho đơn vị vì đã có thành tích, biểu hiện tốt trước đó.
Không chỉ có vậy, thầy còn cho biết thêm, các ngân hàng đã và đang “đặt hàng” sinh viên trường ĐH Kinh tế để có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm vững chuyên môn cho đơn vị mình.
Có một thực tế là lúc nào các ngân hàng cũng có nhu cầu tuyển dụng, bởi lẽ, sự cạnh tranh và thay đổi của ngành rất mạnh, mỗi năm số lượng đào thải vào khoảng 10%, chỉ những cá nhân thật sự nỗ lực và có khả năng, năng suất cao trong quá trình công tác mới đủ tự tin bước tiếp với nghề. Ngoài ra, nhu cầu mở rộng của ngành Ngân hàng cũng khá lớn, đòi hỏi phải tìm kiếm thêm nhiều ứng viên có thể “làm được việc”.
Một lợi thế mà sinh viên tốt nghiệp Khoa Ngân hàng – ĐH Kinh tế TP.HCM luôn tự hào, không phải bằng cấp và kĩ năng, mà đó là các ứng viên luôn chứng tỏ mình làm được các job (công việc) mà cấp trên đã giao xuống. Một yếu tố quan trọng được đánh giá cao là tốc độ học hỏi, tinh thần tự học trong môi trường làm việc, do vốn dĩ ngân hàng là một ngành dễ thay đổi, tốc độ cập nhật nhanh.
Qua đợt khảo sát nguyện vọng chuyên ngành vừa qua, cho thấy có rất nhiều bạn sinh viên K43 hứng thú với ngành Ngân hàng. Những anh chị sinh viên khoá trước cũng rất tự hào khi đã lựa chọn Khoa Ngân Hàng: “Nhân sự ngành ngân hàng có thể đang bão hòa vào thời điểm này, nhưng 4 năm sau thì chưa chắc đã bão hòa. Bạn cứ thử nghĩ mà xem, trong nền kinh tế này, Ngân hàng sẽ không bao giờ đóng cửa hết. Nếu bạn có đủ kiến thức và kĩ năng thì không sợ ra trường thất nghiệp đâu.”
Mặt khác, trong một ngân hàng, có rất nhiều vị trí công việc cho sinh viên thử sức. Một lời khuyên từ những anh chị có kinh nghiệm là các bạn nên luân chuyển và thay đổi ở nhiều vị trí để trải nghiệm nhiều hơn, vì điều đó rất có lợi cho sự thăng tiến trong sự nghiệp sau này.
Anh Nguyễn Khắc Nguyện, cựu sinh viên ĐH Kinh tế, hiện đang làm việc tại Ngân hàng ACB khẳng định: “Đời banker rất “chua”. Nhưng “chua” mới ngon, còn hơn nhạt nhẽo không vị”.
Đối với những anh chị cựu sinh viên đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm, Ngân hàng vẫn luôn là một lựa chọn đúng đắn. Mỗi ngành học đều sẽ trở nên thú vị hơn lúc nào hết, khi chúng ta thật sự yêu thích và muốn gắn bó dài lâu với nó.
Bài Viết: Minh Ánh
Hình ảnh: Ngọc Trinh
S Communications
UEHenter.com