Phá bỏ giới hạn của bản thân đồng nghĩa với việc cho phép mình tạo nên những bước đột phá, nhưng phá bỏ giới hạn với người khác lại là cách để chấm dứt mối quan hệ. Ranh giới vô hình này, bạn đã bao lần để người khác vượt qua và quyết định mọi thứ. Có bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi: Mình đang bị thao túng tâm lý chăng?
Trong xã hội mà cái tôi lên ngôi, thật nhiều người thể hiện bản thân rõ rệt và muốn thống lĩnh người khác. Và cũng thật nhiều người chọn cách nép mình sau những thể hiện hoặc để sự thể hiện ấy thống lĩnh chính mình. Nhìn lại một chút, trái tim ta đã bao lần bị thương tổn, nhiều lần dè dặt bản thân trước những cá-tính-nổi-trội ngoài kia, cũng đã nhiều lần hoài nghi hay để người khác sai khiến mà không thể làm gì khác. Ô hay, tuổi 20 của ta, cũng đã thật nhiều lần bị thao túng tâm lý!
Thao túng tâm lý là hành vi lợi dụng những điểm yếu trong tâm lý của người khác để điều khiển họ làm theo ý muốn của kẻ thao túng nhằm đạt được những mục đích cá nhân. Những dạng thao túng tâm lý ta thường thấy như cố gắng hạ thấp đối phương (downplaying), chỉ trích cá nhân (personalizing criticism) hay đổ lỗi (scapegoating)…
Sẽ thật khó để những người như chúng ta nhận ra mình đang bị thao túng tâm lý cho đến khi sự tổn thương được lặp lại nhiều lần đến mức rõ ràng và ta trở nên mất kiểm soát. Thao túng tâm lý không rõ ràng, không dễ nhìn thấy, mà nó từ từ, âm thầm bào mòn sức khỏe và tinh thần của người bị thao túng. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều người vẫn nghĩ thao túng tâm lý là một thứ gì đó khá xa vời. Nhưng không, nó ở rất gần! Thậm chí diễn ra mỗi ngày. Và đáng buồn hơn, hành vi này lại thường đến từ những người mà ta tin tưởng nhất.
Cứ ngỡ rằng trao đi niềm tin sẽ nhận lại sự chân thành như quy luật của cuộc sống. Nhưng nếu chỉ đơn giản như vậy thì thao túng tâm lý đã làm gì tồn tại và gây ra biết bao nỗi đau. Nếu ví cuộc đời mỗi người như một con tàu, liệu bạn có sẵn sàng nhường tay lái cho người khác? Khi không còn giữ tay lái thì cũng là lúc bạn mất quyền kiểm soát và trao cho người khác cái quyền quyết định cuộc đời thay bạn. Mập mờ và mất phương hướng, đó là những gì diễn tả chính xác cảm xúc bất an lúc đó.
Trái ngược với cảm giác mãn nguyện của kẻ thao túng sau khi đạt được mục đích, nạn nhân của hành vi tồi tệ ấy lại phải trải qua những cảm xúc kinh khủng. Chúng ta đánh mất niềm tin vào trực giác của chính mình, chúng ta gánh chịu nhưng cơn trầm cảm kéo dài và thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế.
Ngày tôi còn bé, thơ ngây và nhiều thương tổn. Tôi bị một người bạn dè bỉu khi không thể hiện tốt trong một cuộc thi. Tôi nghĩ về những lời cay đắng và đặt hoài nghi về chính bản thân mình. Phải chăng là mình không đủ khả năng? Phải chăng mình sinh ra không phải để làm việc này? Mình nên tập trung vào một điều khác mà mình giỏi hơn? Chừng ấy câu hỏi vang lên liên tục trong đầu, vậy là từ đó tôi né tránh việc thuyết trình hay nói chuyện trước đám đông vì sợ bị chỉ trích thêm lần nữa. Như một con ốc cuộn mình trong chiếc vỏ trước những điều hiểm nguy, người bị thao túng tâm lý cũng thu mình như thế để chịu cảnh cô đơn, tối tăm và mãi không di chuyển được đến mục tiêu của cuộc đời mình.
Thời điểm chúng ta xem nhẹ những dấu hiệu thao túng đến từ người khác, cũng là lúc những tổn thương bắt đầu được hình thành. Cũng có lúc ta hoài nghi, nhưng rồi nhìn xung quanh, thấy hầu hết mọi người đều làm như vậy và ta mặc nhiên nghĩ đó là chuẩn mực. Ta chấp nhận những hành vi đó và đôi khi ta cũng làm điều tương tự với người khác như một lẽ hiển nhiên. Theo thời gian, những nỗi đau và sự mệt mỏi trong tâm trí của nạn nhân ngày một lớn lên và không biết được khi nào sẽ nổ tung như ngọn núi lửa đang chực chờ được phun trào.
Tuổi trẻ của ta, nhiều thành tựu và cũng lắm kẻ dòm ngó. Những gì bạn có được đều là thứ nhỏ nhặt và may mắn trong mắt họ. Họ cố ý hạ thấp bạn xuống để cảm thấy bản thân họ có giá trị. Sau cùng, những lời lẽ đó, kẻ thao túng có thể quên đi, nhưng người đang chịu sự đè nén luôn cảm thấy ám ảnh và áp lực tột cùng. Khi bạn nghi ngờ về giá trị của bản thân và không muốn cố gắng làm thêm gì nữa thì khi đó họ đã đạt được mục đích.
Trong nhiều trường hợp, đứng trước những sự tổn thương về thể chất và tinh thần, nạn nhân của những hành vi thao túng tâm lý thay vì được thông cảm và bảo vệ, lại bị cho là kẻ châm ngòi cho mọi vấn đề. Trong những cuộc tranh cãi ai đúng ai sai, không thiếu những lời lẽ xát muối vào tim kẻ yếu như “mây tầng nào gặp mây tầng ấy”, “không có lửa làm sao có khói”… Người ta cho rằng không phải tự nhiên mà những hành vi thao túng tâm lý được hình thành, mà đó chính là kết quả cho những hành động không đúng trước đó của người bị thao túng và họ xứng đáng bị như vậy. Lúc này, thay vì bị lên án như một hình phạt thích đáng thì kẻ thao túng lại được cảm thông và hóa phép trở thành nạn nhân trong câu chuyện.
Chính Victim Blaming – hành động đổ lỗi cho nạn nhân khi tội ác diễn ra là lý do mà nhiều nạn nhân của hành vi thao túng tâm lý lựa chọn im lặng. Bởi nói ra làm chi để rồi nhận lại những sự lên án và tinh thần lại càng nặng nề hơn? Sự im lặng đó là điều kiện để hành vi tồi tệ tiếp diễn, và những kẻ thao túng tâm lý có thể “bẫy” thêm được nhiều “con mồi” khác.
Thay vì tìm cách giảm nhẹ tội cho những kẻ đã gieo rắc nỗi đau, tại sao chúng ta không lên án để hành vi này sớm được chấm dứt? Ánh nhìn đồng cảm và thái độ bao dung của chúng ta chính là liều thuốc hữu hiệu nhất có thể xoa dịu được nỗi đau mà nạn nhân của hành vi thao túng tâm lý gánh phải, để họ có đủ dũng khí đứng lên vạch trần tội ác.
Nhưng nghĩ lại một chút, đôi khi chỉ vì không hiểu rõ được bản chất và hậu quả mang lại mà nhiều người – có cả chúng ta, vô tình trở thành kẻ ác. Chỉ vì cái sĩ diện mà cố gắng chứng minh bản thân hay bắt người khác làm theo ý muốn bằng những lời lẽ hoặc hành động khống chế để cái tôi được thỏa mãn. Ta hả hê với điều mình vừa làm được, ta nghĩ mình có ưu thế trong mối quan hệ và ta có đủ khả năng để xoay chuyển người khác. Nhưng chính thời điểm đó, tâm trí của người kia đã bị nhuốm một vệt đen, và thêm một nếp gấp được hiện lên trong mối quan hệ giữa ta với họ. Khi những vệt đen đủ lớn, khi những nếp gấp đủ nhiều, tâm trí của người kia không còn chỗ cho những suy nghĩ cho riêng họ nữa, mối quan hệ đó cũng bị nhàu nát và đáng bị vứt đi.
Chúng ta là những người trẻ nhạy cảm và mong muốn tự do. Chúng ta cần tự do và muốn tự mình làm nên tất cả. Chúng ta cần khẳng định bản thân trước những hành động và quyết định có tính bước ngoặt trong cuộc đời. Quan trọng hơn hết, chúng ta có lý tưởng và tương lai tươi đẹp phía trước. Vậy nên, chẳng có lý do nào để bất cứ ai dập tắt điều đó. Cũng chẳng có lý do nào để bạn thao túng người khác hay để người khác thao túng chính mình. Dũng cảm nhìn nhận và lên tiếng để lý tưởng mỗi người được thực hiện và quyền tự quyết của mỗi cá nhân trong cuộc đời.
Bản chất từ “thao túng” đã mang nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, thao túng tâm lý người khác với mục đích tốt và không ai bị tổn thương lại là một nghệ thuật. Đã hơn một lần bạn tận dụng những điểm yếu trong tâm lý của đối phương để thuyết phục họ tin vào một điều gì đó đúng đắn và vực dậy tinh thần đang tuyệt vọng của họ sau những vấp ngã. Bạn đưa ra lời khuyên và gợi mở ra những điều thú vị phía trước để họ tiếp tục cống hiến hết mình cho bản thân và cho cuộc đời.
Mỗi đứa trẻ sinh ra – cả tôi và cả bạn, đều là đại diện cho tình yêu và sự kỳ vọng của cha mẹ. Trên cương vị là người đi trước đã có nhiều trải nghiệm, những đấng sinh thành có thể tạo sức ảnh hưởng lên con mình và giúp chúng ta không đi sai hướng. Lắm lúc, sự kỳ vọng này khiến bạn mệt mỏi và không như mong muốn. Cũng lắm lúc bạn thấy mất quyền quyết định trong cuộc đời mang tên mình. Nhưng nhìn lại xem, bạn đang tốt đẹp lên và cạm bẫy ngoài kia không thể làm bạn gục ngã. Bạn không đi một mình và con thuyền của bạn rõ ràng đích đến. Sự thao túng này chẳng phải đang định hướng lối sống cho bạn hay sao?
Lời cuối…
Dù tốt dù xấu, bạn là người làm chủ cuộc đời mang tên bạn. Đừng để ai quyết định quá nhiều lần và thao túng tâm lý khiến bạn tiêu cực. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi ngày hữu hạn, và tuổi trẻ cũng chỉ là một đoạn rất nhỏ trong chuỗi thời gian không dài đó. Cớ sao ta lại trao cho người khác tay lái con thuyền của mình và phí hoài một khoảng thời gian trong cuộc đời mà mình hoàn toàn có thể khiến nó trở nên thú vị?