Sài Gòn ngày nắng oi ả, sáng hôm nay chẳng buồn ngủ nướng mà phóng vội ra bến xe miền Đông. Vừa thấy ba, tôi đã đưa tay quắc quắc: Chào anh bạn, lên xe để nhỏ con gái đưa anh đi dạo vài vòng Sài Gòn!
Thuở bé, không giống như những đứa trẻ khác lúc nào cũng theo sau mẹ. Tôi lại là đứa thích quấn quýt và dính lấy ba, làm gì đi đâu cũng đều có ba. Vì lẽ đó mà cũng không lấy gì làm lạ khi ba là người tài xế tuyệt vời nhất của tôi trong suốt những ngày dài tháng rộng cắp sách đến trường.
Lúc nhỏ tôi tinh nghịch lắm. Người ta bảo: Đẻ con gái cho thùy mị, nết na. Chắc câu đó không dành cho gia đình tôi! Chẳng hiểu sao, đứa nhỏ nào cũng hiếu động, riêng tôi phải thuộc dạng “siêu quậy” ấy chứ. Có lần, giỡn với mấy đứa bạn, không ngờ vấp phải một hòn đá, nom cũng to như cơm nắm mẹ làm. Thế là hôm đó tôi ra về với 1 quả trứng cút nằm ngay trên trán. Lê thê tôi bước ra cổng trường với gương mặt bí xị như sắp khóc tới nơi: “Chết rồi, thể nào cũng bị la cho coi!”. Không nằm ngoài dự đoán, suốt cả quãng đường, ngồi phía sau và nắm chặt hai gấu áo, tôi được nghe tràng dài những tiếng than thở và biệt danh ngộ nghĩnh mà ba dành cho tôi.
Lên cấp 1, tính tôi dịu dàng lại, cũng biết điệu đà lắm. Mấy chiếc răng cửa cứ thi đua mọc như cố tình lãng đi sự xấu hổ của con gái. Bạn bè ghẹo qua ghẹo lại mà tôi chẳng dám nói tiếng nào, vì chỉ cần hó hé một tí thôi cũng là cơ hội để lũ bạn nhìn thấy hình hài của mấy chiếc răng nhỏ xíu. Thế là buổi nào đi học về, tôi cũng ấm ức, làm một mảng ướt đẫm trên áo ba. Ở đằng trước, ba rối lắm, nhưng rồi cũng khen con gái dễ thương, thay răng sớm hơn các bạn là trở thành “người lớn” rồi.
Phía sau lưng ba, luôn có một cô gái bé nhỏ mặt ngậm ngùi, nhưng trong lòng đang dấy lên từng đợt sóng ấm áp, nó len lỏi vào từng ngóc ngách, từng tế bào, rồi tưới lên đó một niềm hạnh phúc mát mẻ không gì sánh bằng.
Sau này, tôi học một trường cấp 2 xa nhà hơn tẹo, ba cũng nhiều công việc cần phải sắp xếp nên đã sắm cho tôi một chiếc xe đạp điện. Một chút hồi hộp, nhiều chút háo hức, tôi có thể làm những gì mà mình muốn, đến những nơi muốn đi, ăn những món mình thích và ít bị quản lý hơn.
Ở tuổi thứ 14, cái tuổi đặc biệt đến nỗi người ta còn gán cho nó một danh xưng – dậy thì. Là cái tuổi tập tành làm những chuyện ngỗ nghịch như cúp học, đi chơi, về khuya… Cái tuổi dậy thì này tôi cũng đã trải qua một cách vụng về nhưng thật may, nó không đáng sợ như những gì người ta thường hay nói.
Buổi tối nọ, vào đợt ôn thi cuối kì, đáng ra tôi phải miệt mài cùng các công thức số và hình, nhưng lại quyết định cúp học một bữa, trốn theo nhỏ bạn thân đi thử đồ uống ở quán trà sữa mới khai trương. Khi nghe lời mời của nó, tôi cũng đắn đo mãi, rồi quyết định chọn cho mình cái cớ “ăn ngọt giảm stress” như là lời biện minh hoàn hảo cho hành động này. Cứ tưởng mọi sự thành công “trót lọt”, nhưng xui sao lúc về chiếc xe lại tắt máy giữa đường làm tôi phải gắng đẩy bộ một khoảng khá xa… Mãi đến khi người đi đường bắt đầu thưa dần, rồi lâu lâu có mấy tiếng xe chạy đua với gió sượt qua, phía trước là đoạn đường đen như mực, tôi chần chừ, rồi lấy toàn bộ can đảm còn sót lại mà gọi điện ba mẹ cứu viện.
Mở điện thoại lên với rất nhiều cuộc gọi nhỡ và tin nhắn từ mẹ hỏi mãi sao tôi chưa về, tôi mếu máo gọi mẹ đến đón. Chờ được mấy hồi, bỗng phía xa tôi thấp thoáng nghe được tiếng xe máy quen thuộc, đó chính là ba! Tôi thầm mừng như trẻ được quà. Ba đến, làm thinh không nói tiếng nào, chỉ lẳng lặng dắt người bạn chiến mã của tôi thêm khoảng trăm mét để gửi nhờ nhà dân rồi chở tôi về nhà. Trên đường về, tuy cái yên xe nhỏ nhưng tôi cũng ráng xích ra xa một khoảng, xấu hổ mà chẳng dám cất lời xin lỗi nào. Nhìn tấm lưng của ba im lìm phẳng lì, tôi chỉ biết rón rén trút hơi thở dài.
Sau này, trong lúc nào đó bất chợt mà không nhớ rõ, tôi mới biết: Tối đó, ngay từ khi tiếng thuê bao từ điện thoại mẹ vang lên, ba đã chạy xe cuống cuồng tìm con gái. Phía sau lưng ba, luôn có những cái tôi tuổi 14 nổi loạn, thiếu chín chắn và nhiều lời muốn xin lỗi như thế!
Cuối cùng cũng lên Mười Hai, là lúc mà tôi và các bạn đồng trang lứa đưa ra quyết định về ngành học của mình. Kể từ khi tôi xác định được lĩnh vực muốn theo đuổi, phía sau lưng ba luôn là những câu chuyện tôi đi tình nguyện như thế nào, trường học mơ ước của tôi ra sao. Và lâu lâu còn có những giây phút tôi “thao thao bất tuyệt” về lý thuyết mà tôi đọc được ở trên mạng. Nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nhưng tôi cảm giác ba có thể hiểu hết, hoặc chí ít, ba rất ủng hộ niềm đam mê đang cháy bỏng của cô con gái nhỏ. Ngồi phía sau lưng ba, tôi thấy lòng mình êm như cỏ.
Cuối cùng, kỳ thi đại học đã tới và kéo theo nỗi niềm lo lắng cho cả thế hệ Mười Hai, tôi cũng không ngoại lệ. Sáng hôm ấy, ba cũng đưa tôi đi thi. Ngồi đằng sau, tim tôi đập loạn xạ, miệng thì nhẩm đi nhẩm lại mấy mươi công thức vật lý dù não bộ vang lên từng đợt sóng liên hồi “Đừng căng thẳng nữa, cô bé ơi!”.
Sau hơn 3 tiếng căng thẳng trong phòng thi, tôi nhẹ nhàng gấp tờ đề cuối cùng, cảm ơn bản thân đã không ngừng nỗ lực suốt 12 năm. Trước đó, tôi còn hứa với lòng rằng sẽ không dò đáp án, tuy nhiên lời hứa đó chẳng tồn tại được là bao. Thế là trên đường về, phía sau lưng ba là một cô bé đang chăm chú nhớ lại vài câu trắc nghiệm đã bỏ lỡ mà tiếc nuối. Ba biết tôi còn lo lắng về bài thi nên cũng không hỏi han gì mà chỉ nhẹ giọng an ủi “Thi xong rồi nghỉ ngơi thôi con”.
Ngày ấy, vội vã dò đáp án mà quên mất, đó là lần cuối cùng người đàn ông ấy chở tôi đi học! Mười hai năm tôi đèn sách cũng là khoảng thời gian người đàn ông ấy lo lắng không thôi, trằn trọc cho những số điểm và học thêm, đưa tôi đi học và họp phụ huynh. Ngay cả 3 ngày tôi thi THPT Quốc gia, bận bịu lắm, người đàn ông ấy cũng xin nghỉ để chở con gái đến điểm thi mà không tủi thân với bạn bè. Trên đường đi không một lời nói vì sẽ khiến tôi áp lực hơn, chỉ biết luôn có mặt trước cổng trường rất sớm để trông thấy tôi và đưa tay vẫy vẫy rằng: Ba đang ở đây nè!
Tình yêu của ba hiếm khi là những cuộc trò chuyện tâm tình, hiếm khi là những câu từ văn vở, mà chỉ đơn giản là một lời động viên, một lời cổ vũ, một món quà hay hành động nhỏ thôi cũng khiến cả ngày hôm đó nở thành một chòm hạnh phúc.
Hơn một tháng sau đó, tôi nhận được thông báo trúng tuyển vào trường Đại học mơ ước. Thật nhẹ nhõm, lúc này thích lắm, tôi muốn gì cũng được chiều. Vài ngày vội vã tận thưởng, sau đó mới bắt tay vào công cuộc tìm trọ, chuẩn bị cho ngày lên Sài Gòn. Tôi cứ đinh ninh rằng mình đã sẵn sàng cho cuộc sống ở thành phố lớn, nhưng thật sự vẫn muốn ngồi sau xe ba.
Trong một buổi chiều tháng 8, khi cánh cổng Đại học đông đúc hơn ngày thường, tôi đã lên Thành phố nhập học. Đặt bút ký tên cho trang giấy cuối cùng thế là tôi đã trở thành sinh viên của ngôi trường mơ ước, ba hạnh phúc thấy rõ khi con gái đạt được mục tiêu.
Một tuần ở trên Thành phố, ba đã chở cô con gái đi khắp Sài Gòn cho quen phố xá, đi mua đồ đạc, đi sắm sửa cho căn trọ chật chội gấp mấy lần mảnh vườn dưới quê. Dù chưa thật sự rành nhưng tôi nghĩ đã an tâm phần nào, ba cũng nhờ vả các kiểu trước khi lên xe về quê. Kể từ đó, chiếc xe của ba, ở yên sau không còn là tôi nữa!
Thấm thoát cũng đã mấy năm ở Thành phố. Ngày nào tôi cũng dành thời gian gọi điện về nhà hỏi thăm, luyên thuyên kể về những người hàng xóm, những người bạn mới, những trải nghiệm thú vị khi đi thực tập. Tuần trước má nói: Sắp tới ba sẽ vô thăm bây đó!
Sáng hôm nay, dậy thật sớm, quét dọn nhà cửa rồi đi chợ nấu vài món. Đồng hồ điểm 9 giờ, vội phóng ra bến xe miền Đông. Một lát sau thì ba cũng tới, đảo mắt tìm kiếm rồi vẫy tay liên tục. Mấy đợt mình về quê, ba cũng làm thế. Chắc mình mừng hoặc mong đợi nhau quá nên bất cứ ai cũng vô tình làm thế!
Một túi xách nhỏ đặt trên xe và mình nói: Lần này, để con chở ba nghen!
Nắng Sài Gòn ba mươi mấy độ C, chiếc xe băng băng trên mọi nẻo đường bất kể giá xăng có thể đến mức 35 ngàn đồng một lít. Từng chặng đường tôi trưởng thành đều lưu lại ti tỉ yêu thương và chở che từ ba. Chặng đường sắp tới của tôi vẫn sẽ lưu lại và đền đáp sự yêu thương đó. Cảm ơn ba, vì đã gieo trong con hạt giống tốt đẹp của tình thương, để giờ đây hạt mầm ấy đâm chồi, nở ra cả một chòm hạnh phúc…