Rốt Cuộc Mọi Người Cũng Biết Rappers Đang Làm Gì

Đen Vâu từng nói tại WeChoice 2018: “Cuối cùng thì hàng xóm cũng biết tôi đang làm gì!”. Câu nói này đã được phát trực tiếp đến hàng triệu khán giả Việt, giúp họ hiểu về những đứa trẻ ăn mặc thùng thình, tụ tập, “la lối” trên vỉa hè đang thực sự làm gì. Trong gần 20 năm qua, cống hiến của những rapper Việt đang từng ngày thay đổi định kiến về thứ âm nhạc bị đánh giá là “tệ nạn” của xã hội.

Rap chưa bao giờ là “ồn” nếu biết cách lắng nghe nó

Dòng nhạc rap được sinh ra và phát triển ở Hoa Kỳ, nơi tập trung của những người nghèo, người da màu, nơi thường gắn liền với nhiều tệ nạn xã hội và băng đảng. Vì vậy, có thể coi nhạc rap là thứ âm nhạc giúp những người sống dưới đáy xã hội Mỹ tố cáo thực trạng bất công, phân biệt chủng tộc… của một quốc gia hơn 300 triệu dân có vị thế hàng đầu thời bấy giờ.

Ở Việt Nam, phần đông các học sinh, sinh viên có tiếp xúc nhiều với rap và các rapper cũng thường bắt đầu sự nghiệp ở lứa tuổi này. Lứa tuổi mà theo truyền thống thì chỉ cần phải phải học, hay nói đúng hơn là chỉ “được” học. Sự khắt khe này vô tình trở thành sợi dây vô hình trói buộc, thôi thúc những đứa trẻ tìm đến tự do, tìm đến một nơi có thể tiêu hao số năng lượng tuổi trẻ vào đúng điều mà chúng thật sự thích. 

Thật buồn (cười) khi dư âm tồn tại âm ỉ từ ánh nhìn định kiến bởi thế hệ đi trước soi xét “tương lai” thế kỷ 21, kỷ nguyên của hội nhập và phát triển. Thế hệ trẻ đang vận động không ngừng còn xã hội thì đang cố gắng “cất” chúng vào những chiếc hộp được đóng khung từ rất lâu trước đó. Rap Việt bị xem là vô bổ, là phong trào và là một “tệ nạn” của xã hội.

Chỉ những người có đủ đam mê và yêu thích với dòng nhạc rap mới thực sự hiểu giá trị nó đem lại. Ở thế giới của rap, họ chơi theo luật riêng của mình: phóng khoáng, tự do và có chút ngông cuồng. Nhưng hoàn toàn xứng đáng nếu gọi rapper là một nghệ sĩ. Họ sáng tạo, tinh tế trong cách dùng từ, cách gieo vần, ngắt nhịp. 

Chẳng hạn như Binz được người hâm mộ gọi là “Poet” hay “Xuân Diệu” để khen ngợi bởi cách anh chơi chữ như một nhà thơ tình. Mới đây nhất sau hit “OK” với phong cách mới lạ thì khán giả lại được thưởng thức tài dùng từ độc đáo của Binz qua “BIGCITYBOI” kết hợp cùng Touliver. Điển hình, anh tinh tế lồng ghép một số địa danh Việt Nam vào bài hát:

           “Không lòng vòng anh như Hải Phòng

             Không cần vội em như Hà Nội

             Cần thêm thời gian em mới trải lòng

             Cần em như anh Cần Thơ

             Thật ra anh chỉ muốn em gần hơn”

Qua mỗi sản phẩm, các rapper luôn cố gắng truyền tải một thông điệp. Đó có thể là tình cảm gia đình, tình yêu, tình bạn, tuổi trẻ, tuổi học trò,… hay thậm chí là cả những nội dung gai góc về xã hội như tệ nạn xã hội, vấn đề về thiên tai cũng được đưa vào rap. Họ làm những công việc mà một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất làm, mỗi tác phẩm của họ đều là thành quả của lao động trí óc và sáng tạo nghệ thuật. Vậy tại sao một bộ phận khán giả không công nhận rap như một thể loại âm nhạc thật sự? Rap không phù hợp hay có chăng chúng ta đã quá khắt khe?

Dòng chảy ngầm tự vươn mình từ những cơn sóng

Thời gian đầu khi mới được mang về Việt Nam, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận nên rap chỉ hoạt động với quy mô nhỏ. Các rapper hoạt động ngầm và tổ chức các trận battle rap (là một nét đặc trưng của thể loại này). Những màn đấu khẩu bằng rap, trong đó, hai hay nhiều người thi với nhau theo lượt xem ai có khả năng rap ngẫu hứng và sáng tạo hơn. 

Trước mỗi trận battle, các rapper bắt tay nhau và kết thúc trận bằng một cái ôm, thể hiện tinh thần như một đấu sĩ văn minh. Nhưng họ còn sử dụng những ca từ mang tính phóng đại, thể hiện cái tôi hoặc đâm chọc, xúc phạm người khác. Vì những đặc điểm không phù hợp với văn hóa Việt Nam, rap không thể phát triển hơn dù xuất hiện những cái tài năng như L.K, Lil Shady, Young Uno,…

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi lần đầu tiên một ca sĩ V-Pop là Đăng Khôi hợp tác với rapper Underground là LK qua bài hát Chiếc Lá Tình Yêu Remix. Sự kết hợp này đánh dấu một nấc thang quan trọng cho Rap Việt, nó đã bắt đầu vượt ra khỏi tầm của Underground và được khán giả, giới chuyên môn nhòm ngó và để ý. Văn hóa hiphop trở nên quen thuộc trong giới trẻ với sức lan tỏa lớn, nhạc rap bây giờ không chỉ chú trọng flow như thời kỳ trước đó mà còn đề cao về kỹ năng vần câu (skill lyrical) hơn.

Theo sự phát triển của thời gian, rap Việt đã vươn mình trở thành một phần quan trọng trong nền văn hóa và giải trí. Tiếng nói của rap đã có trọng lực hơn: “Trước đây nhiều người chỉ coi Underground là một trào lưu, tôi đi đâu làm gì cũng tự lực cánh sinh một mình, chẳng có được sự hậu thuẫn nào. Nhưng tôi nghĩ cũng phải có những hy sinh, những sự kiên trì ấy mới có được sự công nhận của khán giả với Underground như hiện tại”, Justatee chia sẻ. 

Mười năm trước, trong mắt mọi người họ là những đứa trẻ hư hỏng, đua đòi dưới ánh nhìn khắt khe của xã hội. Hôm nay, cô bé, cậu bé ấy đứng trước sự ngưỡng mộ của hàng triệu khán giả, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, và cả… hàng xóm để nói về thành công của mình, về hành trình vượt qua định kiến. Âm nhạc và cách sống của những đứa trẻ ngày ấy đang truyền cảm hứng cho người trẻ đi sau.

Học được gì từ thế hệ rapper trẻ – làn sóng mới sinh ra từ cảm hứng của những người đi trước truyền lại

Không thể phủ nhận cống hiến của những rapper kì cựu đã định hình dòng nhạc rap tại Việt Nam, truyền cảm hứng và thôi thúc thế hệ rapper trẻ kiên trì theo đuổi giấc mơ dẫu có những ánh nhìn định kiến gắt gao còn tồn tại. Chính họ đã tạo ra những cái tên như Suboi, Đen Vâu, Justatee, Kimmese,… thành công và đang tiếp tục hành trình thay đổi nhận thức về rap và truyền cảm hứng đến người trẻ.

Con đường theo đuổi nghệ thuật thật nhiều chông gai và thử thách lại càng khó đi hơn đối với nghệ sĩ Underground. Đam mê và sống với đam mê là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Tiền, nếu muốn sống, nhất định phải cần tiền. Thật khó để sống với đam mê nếu bạn 20 tuổi và mỗi ngày phải lựa chọn nên ăn sáng hay để dành tiền mua một đôi giày mới. 

Phần lớn những người theo đuổi dòng nhạc rap đã phải buông bỏ giấc mơ vì bài toán kinh tế và chỉ có số ít có thể đi đến thành công. Cái tên BigDaddy hay Justatee đều đi lên từ Rap, đều phải chật vật với nghề trong nhiều năm trước khi trở thành sao hạng A nhờ tài năng và quyết tâm bám trụ đến cùng với đam mê.

Nhưng tài năng không dẫn đến thành công nếu không biết cách kìm hãm và sử dụng đúng chỗ. Bray là một rapper trẻ tài năng, cảm nhạc tốt và sở hữu những bản rap cá tính khá bắt tai, in đậm sắc thái riêng khó có thể hòa lẫn. Anh bắt đầu được khán giả quan tâm nhiều từ “Con Trai Cưng” (Bray x Masew) nhờ tiết chế trong ngôn từ và nội dung mới mẻ. 

Với tài năng có sẵn, anh liên tục là cái tên hot từ Ex’s Hate Me (Bray x Masew ft AMEE) đến Anh Nhà Ở Đâu Thế (AMEE ft Bray),… Tuy nhiên, vì những phát ngôn chủ quan, cách xử lý thiếu tinh tế trước các bình luận đả kích nên hiện tại Bray có khá nhiều anti fan và thường xuyên bị chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng, các sản phẩm gần đây của anh cũng ít được đón nhận hơn trước.

Theo đuổi rap và bắt đầu sự nghiệp khi ở Việt Nam khái niệm về rap còn chưa rõ ràng. Suboi hiện tại là cảm hứng cho người trẻ không chỉ âm nhạc mà cả cách sống của cô. Luôn mong muốn nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng, cô chia sẻ: “Đừng bao giờ nghĩ mình là người Việt Nam thì không bằng người nước ngoài. Tất cả lòng quyết tâm, sự can đảm thì mọi người đều có như nhau”.

Thời gian gần đây, rapper Đen Vâu đang là cái tên liên tục xuất hiện tại các lễ trao giải cuối năm. Nhận nhiều giải thưởng cống hiến cho âm nhạc, Đen luôn tranh thủ những phút ngắn ngủi trên sân khấu chia sẻ lối sống tích cực đến người hâm mộ. Âm nhạc của Đen giản dị và mộc mạc giống như cách sống anh lựa chọn, là lời tâm sự, bộc bạch chân thành của một chàng trai. Dễ nghe, dễ hiểu song anh luôn cố gắng truyền tải một thông điệp sâu sắc vào mỗi bài hát của mình. 

Không áp đặt, không khẳng định, Đen luôn biết cách dẫn dắt người nghe vào thế giới của anh, đôi khi chỉ đơn giản là “mình về quê, nuôi cá và trồng thêm rau”. Đó là những giá trị sống Đen Vâu chiêm nghiệm được mà có lẽ giữa thời đại công nghệ số, máy móc hóa ta vô tình bỏ qua. 

Anh muốn người trẻ tìm đến rap cũng có những phút nhẹ nhàng, không quá ồn ào, để có thể kịp cảm nhận ý nghĩa của bài hát, rộng hơn là ý nghĩa của cuộc sống. Những câu chuyện tình Đen Vâu kể sẽ còn khơi dậy khao khát yêu và được yêu trong mỗi người, theo cách chân thành nhất, bình yên nhất. Vì tình yêu sẽ là liều thuốc chữa lành mọi vết thương.

Và cuối cùng…

Nhìn vào hành trình rap Việt phát triển, cũng giống như một người trẻ, đứng giữa ngã ba đường, đối mặt với những lựa chọn. Ở đó sẽ có những sai lầm và những tiếc nuối, nhưng không có lựa chọn nào là dễ dàng. Con đường bạn chọn, hãy cứ bước đi, vì thực ra chẳng có con đường nào dẫn đến đích, chỉ có cách mà bạn bước đi trên con đường đó mới quyết định tương lai của bạn. 

Điều mà rap tạo dựng được ở Việt Nam, là một văn hóa: văn hóa rap Việt. Nơi mà không có chuẩn mực nào định nghĩa được những đam mê. Thoát khỏi những xiềng xích ngoài xã hội, những người trẻ đang tự mình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “chúng ta thực sự tồn tại để làm gì trên thế giới này?”.

Underground có nghĩa là dòng chảy ngầm, tuy lặng lẽ nhưng dòng chảy tức là luôn chuyển động. Chính vì vậy mà rap đã dần định hình phong cách của riêng mình, không bị pha trộn cũng không thể hòa lẫn. Dù bạn có hay không thích rap, hãy thử chọn lọc và lắng nghe, bạn sẽ tìm thấy bản ngã cuộc đời mình.

Bài viết: Thái Nghĩa
Hình ảnh: Lupin Phạm
S Communications
UEHenter.com