Tết Ngũ Quan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có lẽ vì biết Tết sắp đến nên đất mẹ cũng dành cho nó một sự ưu ái riêng. Không còn cái nắng oi bức hay cơn mưa rào bất chợt, tiết trời mang theo chút gió thổi dìu dịu, trong lành khiến lòng người dễ chịu hơn bao giờ hết. Suốt một năm loay hoay với những bộn bề, sự bận rộn thường ngày khiến mọi thay đổi xung quanh ta cũng trở nên ít được quan tâm đến. Chỉ đến khi Tết bắt đầu xuất hiện trên phố với màu đỏ rực của câu đối, băng rôn và cả sắc vàng thắm nhẹ từ cành mai hay những xe chở hoa xuất hiện khắp nẻo đường thì người ta mới chợt ngạc nhiên thốt lên ồ Tết đến rồi.

Như cỗ máy thời gian, Tết kéo tôi quay về thời thơ ấu, nơi còn đó ký ức của những ngày cuối năm trong mắt một đứa trẻ. Ở mảng trời hoài niệm ấy, tôi nhảy chân sáo tưng bừng theo mẹ đi chợ, tiện vòi vĩnh đòi được sắm đồ. Ở nơi đó, chỉ cái chậu mai nhỏ ba mua về cũng đủ khiến cô nhóc như tôi vừa mải mê ngắm, lòng lại rạo rực chờ khoảnh khắc giao mùa. Tết trong tôi xưa nay vẫn vẹn nguyên và luôn là điều đặc biệt mà tôi dùng năm giác quan của mình để nhớ về.  

Gần Tết, ga tàu và bến xe luôn tấp nập người qua lại. Người đi mang theo giỏ bánh chưng, bánh tét, ít quà bánh cho con cháu, vài món đồ chơi nho nhỏ. Tất cả chúng tôi, những người có mặt trên hành trình “đoàn viên” ấy đều gói ghém bao hân hoan và mang theo về nhà niềm hạnh phúc cùng thứ tình cảm đặc biệt chỉ có ở gia đình.

Không còn những cuộc gọi video nhìn nhau qua chiếc màn hình, không còn câu nói “Con bận quá, chút con gọi lại sau”, Tết là khoảng thời gian tôi có thể ở bên cạnh gia đình mình cả ngày chỉ để được nhỏ lại trong vòng tay họ. Bên mâm cơm đoàn viên, khi cả nhà kể nhau nghe câu chuyện năm cũ, như thường lệ, tôi sẽ lặng lẽ nhìn ngắm từng đường nét nhỏ đang dần thay đổi trên những khuôn mặt thân thương ấy. 

Đoàn viên ngày Tết còn là khi tôi được gặp lại đám bạn thuở nhỏ, vui đùa bên bọn nó. Lúc trước, chúng tôi lúc nào cũng dính lấy nhau, có lúc còn cảm thấy chán khi cứ phải í ới gọi mấy cái tên quen thuộc. Nhưng càng lớn lên, chúng tôi lại tách rời nhau ra vì ai cũng có con đường riêng, các mối quan tâm khác mà chẳng dễ gì cho nhau một cuộc hẹn. 

Thời gian vẫn cứ luôn trôi hoài không dứt, mỗi người trong chúng ta sẽ dần trải qua những chông chênh cuộc sống rồi cứ ngỡ tâm hồn mình đã tẻ nhạt và khô cằn. Song có lẽ cảm giác bên cạnh người mà bản thân yêu thương lại là thứ khiến ta xốn xang nhất khi nghĩ về Tết. 

Nếu được hỏi sắc màu nào làm tôi nhớ đến Tết nhiều nhất, chắc chắn tôi sẽ chọn màu đỏ. Không phải sự ưa thích nhất thời hay một lựa chọn ngẫu nhiên mà bởi vì nó luôn hiện hữu muôn nơi mỗi độ Tết đến Xuân về. Đó là màu đỏ của những lá cờ tung bay phấp phới trên phố, những tấm băng rôn đỏ rực kèm theo lời chúc năm mới được giăng mọi nẻo đường và cả những món đồ trang trí bắt mắt được bày bán khắp nơi. Con đường ngỡ như thu bé lại vừa bằng sự kết hợp nhiệm màu của chúng khiến cho ai nhìn thấy cũng dễ dàng nhận ra Tết đang chạm ngõ. 

Với bọn trẻ con chúng tôi hồi đó, ngày Tết thích nhất là được mừng tuổi để khoe với nhau. Đứa nào đứa nấy cũng mong ngóng tiền lì xì để có cơ hội mua món đồ mình ao ước cả một năm qua. Xuân nào tôi cũng chắc mẩm sẽ có thêm chút đỉnh để dành “chăm bẵm” con heo đất cho đến khi ba mẹ thỏ thẻ bảo giữ hộ tiền lì xì. Cứ thế, lời hứa ấy trôi qua theo năm tháng, cuốn theo luôn cả tiền tiết kiệm của tôi để đến tận bây giờ, tung tích của chúng vẫn còn là một ẩn số.

Từng mảnh kí ức về lì xì ngày Tết dần hiện lên khiến tôi tự hỏi tại sao nó lại là một nét văn hóa đẹp khiến người ta lưu luyến cả một đời. Và khi thử một lần lục lại khoảng trời tuổi thơ ấy, hình ảnh những phong bao đỏ ngày Tết dường như đã chiếm chật chỗ, để rồi nhìn đám trẻ con ríu rít mừng tuổi ông bà, tôi lại bồi hồi khi bắt gặp hình ảnh chính mình trong đó.

Ai trong chúng ta có lẽ đã hơn một lần từng sống trong những cảm xúc đặc thù nhất được cấu tạo bởi âm thanh. Sức mạnh kỳ diệu không tưởng ấy lại đến từ sự an yên ngày ta còn thơ bé qua khúc hát ru của mẹ, lòng tự hào ngày ta được dạy bài hát “Tiến quân ca” và niềm hứng khởi khi ta nghe nhạc xuân mỗi mùa Tết. 

Tôi của năm 7 tuổi là đứa bé sẽ ấm ức khi ba không chịu mở “Tết Tết Tết Tết đến rồi”. Năm 10 tuổi, cả ngày tôi nghêu ngao: Cánh én nơi nơi, khắp phố phường người đi hái lộc, đẹp xinh nhất trời, màu áo trắng tung bay cùng muôn ngàn hoa”. Nếu như mùa xuân lần thứ 13 chiếm trọn trí nhớ tôi bằng giai điệu rộn ràng của “Con bướm xuân” thì năm 17 tuổi, nhạc xuân lại là âm vang quen thuộc “Xuân xuân ơi xuân đã về”.

Song dù ta vẫn đang dần trôi vội theo những hoài bão tuổi trẻ rồi có khi dễ dàng chán chường, vội buông hồi ức về thanh âm xưa cũ nhưng có phần quen thuộc ấy thì nhạc xuân vẫn luôn làm đúng “nhiệm vụ” của nó. Những bản nhạc “nghe là thấy Tết” cứ vang vọng từ nhà ra phố như thách thức “chỉ số cảm xúc” của con người. 

Mọi ngưng đọng tinh túy và đẹp đẽ nhất trong tâm khảm trước thềm năm mới đã được người nhạc sĩ chắt chiu thành từng nốt nhạc và gửi vào tác phẩm của mình. Để rồi những gì xuất phát từ trái tim cũng vẫn dễ dàng chạm đến trái tim, nhựa sống của nhạc xuân vẫn len lỏi vào mạch sống và hòa cùng dòng máu nóng mải miết chảy hoài không dứt trong trái tim mỗi người. 

Trong vòng đời mỗi người, chẳng ai thuộc lòng hết những mốc thời gian chính xác xảy ra xung quanh cuộc sống. Mặc dù vậy, bản thân họ sẽ luôn nhận thức kĩ càng về mọi khoảnh khắc đặc biệt đi kèm từng cách thức riêng để ghi nhớ nó. Và hơn hết, tôi đã từng hoài nghi khi biết rằng vì một mùi hương thân quen, người ta có thể nhớ nhung ai đó cả cuộc đời. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao cái mùi khói lại khiến tôi chẳng dứt ra được và cũng chính là thứ mà tôi chọn để “highlight” Tết của riêng mình.

Cứ độ hai mươi tháng Giêng, tôi lại bị hút vào cái mùi khói dội lên nồng đượm từ nồi bánh chưng, bánh tét trên bếp lửa. Chúng khiến kí ức của tôi được dệt nên bằng những cuộc trò chuyện khi cùng mọi người thức canh nồi. Quanh bếp lửa đỏ rực, ông bà, ba mẹ thường kể cho lũ trẻ con chúng tôi câu chuyện về những ngày xưa cũ. Đó là những năm tháng chiến đấu oanh liệt của ông, một thời tuổi thơ khó khăn của ba và cô chú hay câu chuyện cổ tích xa xưa. 

Từng mẩu chuyện nhỏ được kể lại trong ngày cuối cùng của năm, ẩn chứa bao bài học, kỉ niệm ghi dấu một thời đã qua. Và cũng đêm giao thừa, tôi thường trốn ba mẹ đi cùng bọn trong xóm đốt bánh pháo. Từ khi cấm đốt pháo, ai cũng nghĩ mùi khói pháo mất rồi và pháo hoa xuất hiện như làm vơi bớt nỗi khắc khoải nhớ nhung trong lòng người. 

Bám chặt vào quần áo tôi xuyên suốt dịp Tết lại là cái mùi khói nhang trầm được đốt lên dịp tảo mộ đầu năm, ở mâm cúng, ở bàn thờ tổ tiên và cả ở chùa. Hương nhang nhẹ nhàng, trầm lặng khiến lòng người ấm áp vương vấn chút hoài thương nhớ cố nhân. Năm tháng trôi qua, tôi vẫn gọi đó là “khói nam châm” bởi đối với tôi, chúng mang trên mình sứ mệnh “hít” hết những phiền muộn, lo toan và trả lại cho con người ta sự thảnh thơi, an nhiên để bắt đầu một năm mới. 

Thực đơn của ngày Tết có khi là sự lặp lại của những món ăn quen thuộc: thịt kho trứng, bánh chưng, bánh tét, củ kiệu dưa hành,…Năm nào cũng vậy, chúng quen thuộc, gần gũi với mọi gia đình nhưng nếu Tết mà không được ăn các món ăn đó tôi lại thấy lòng mình nôn nao buồn.

Người ta nói một món ăn ngon không chỉ nằm ở nguyên liệu, kỹ thuật nấu tốt mà còn phải thêm thứ gia vị trong sự tỉ mỉ, tấm lòng của người nấu. Mà món ăn của mẹ chẳng bao giờ thiếu sót điều này bởi dù đơn giản hay cầu kỳ, mẹ luôn bỏ hết tình thương của mình vào đó. Cuộc sống xa nhà tạo nên nhiều yếu tố tác động đến lý do chọn đồ ăn bên ngoài của tôi và vì biết điều đó nên mẹ tôi xót. 

Chắc có lẽ vì thế mà như bao cái Tết khác, mỗi lần tôi bước xuống ga tàu đã thấy mẹ đang mong ngóng và câu đầu tiên mẹ hỏi vẫn là “Con đói bụng chưa?”. Lúc nào cũng vậy, bữa cơm đầu tiên sau khoảng thời gian đi học xa nhà về, mẹ đều nấu nhiều món ngon. Ngày thường nghe mẹ trách không chịu giữ sức khỏe nên ốm yếu, tôi lại khó chịu. Ấy vậy mà xa mẹ rồi tôi mới nhận ra các bữa cơm mẹ nấu chứa đựng bao yêu thương. 

Đã khám phá nhiều nơi, ăn nhiều món khác nhau, nhưng những món mẹ nấu vẫn là “phần quà” tôi trân trọng, yêu quý nhiều nhất mỗi dịp Tết về. Không phải thứ hương vị quá đặc sắc, món ăn Tết lại đặc biệt bởi một từ đơn giản mà tôi luôn khắc khoải chờ mong, đó chính là “cơm nhà”.