Thuốc Rầy

15

Căn nhà nhỏ hắt hiu trong ngọn đèn dầu. Út khóc oe oe – con bé mới mười tháng tuổi. Bà Thi vẫn đang bận bịu dưới bếp – mấy con lợn đói rã kêu inh ỏi. Cũng chẳng hiểu sao tối hôm ấy cúp điện. Xóm nghèo chìm trong bóng tối. Bé Na, bé Tú với thèn Nhân vẫn còn lăng xăng ngoài sân với hai sân bắp từ chiều hốt mãi vẫn chưa xong – năm nay được mùa. Ông Văn – vẫn vậy, loạng choạng đầu ngõ – ông lại xỉn.

Ông Văn ở rể – 15 năm ở quê vợ. Hồi cưới nhau, ông chăm làm lắm. Bà Thi buôn bán hàng nông sản với mẹ từ bé, lanh lợi, giỏi kinh doanh. Ông Văn cũng chịu khó, chăm chỉ – xóm làng ai cũng quý mến hai vợ chồng. Ông Văn thương vợ lắm, ông quần quật cả ngày làm đủ việc – từ chuyện đồng áng, đến chuyện nhà – kể cả giặt đồ, nấu cơm giúp vợ ông cũng chẳng nề hà. Con đông, hai vợ chồng vất vả lắm mới trang trải đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình.

Rồi ông Văn theo mấy ông trong xóm đi làm xa. Mấy công trình ông nhận làm ở tận thành phố – mỗi tháng ông Văn chỉ về nhà một lần. Cũng từ đấy – ông đổi tính hẳn. Thợ xây – cuối chiều lại nhậu. Những câu chuyện chẳng đến đâu để rồi phá hoại gia đình nhỏ – mấy ông bạn nhậu xỉn vào lại cười cợt: “Thà ở chuồng heo – chớ theo quê vợ”. Nhiều lần, ông cáu tiết choảng nhau ngoài quán cũng chỉ vì câu nói ấy. Mấy lần xỉn, ông về nhà càm ràm vợ con. Có hôm hai vợ chồng gây nhau đến tận sáng. Càng ngày ông Văn càng đổ đốn. Lần nào về nhà cũng nồng nặc mùi rượu. Mẹ vợ xót con, xót cháu, thỉnh thoảng cũng chửi bới: “Đất của tao, chúng mày có ở được thì ở, không thì bứng nhà dọn đi, đừng có suốt ngày quê vợ với quê chồng, không cho hàng xóm ngủ…” – Mâu thuẫn lại thêm mâu thuẫn – ông Văn với mẹ bà Thi lời qua tiếng lại mãi, không ai nhịn ai. Mẹ bà Thi giận dỗi, đòi đất, đòi nhà… có hôm còn định đuổi cả gia đình ông Văn đi. Bà Thi – bên mẹ – bên chồng ngậm ngùi xót xa, chỉ biết nhìn lũ con làm động lực sống qua ngày. Ông Thi ngày càng mặc cảm, tự ti. Hễ nghe ở đâu người ta nhắc đến mấy từ: “ở rể, quê vợ…” – ông cáu kỉnh hẳn lên. Cứ thế, từ một gã đàn ông chăm chỉ, thương vợ con – ông Văn ngày thêm nát rượu, hay chửi. Ông cũng chẳng thèm phụ vợ làm lụng nữa. Đồng áng, nhà cửa cứ để mặc bà Thi lo toan. Mấy đứa nhỏ thấy ba, sợ tít, không dám lại gần, sợ ông quát mắng. Rồi …

  • Tao phải chết, tao phải chết, phải chết mới hết nhục. – Ông Văn tay cầm chai thuốc diệt cỏ, tay cầm cái mác quơ liên tục – tao ở cái chuồng heo này bao nhiêu năm nay, tao ăn bám vợ, nhục nhã quá mà, tao phải chết, phải chết mới hết nhục – tiếng ông hét lớn.

Xóm nhỏ yên bình bỗng chốc ồn ào lên hẳn. Người ta tụ tập đông đúc trước nhà ông Văn, mấy con chó sủa vang. Bé Út lại khóc ầm ĩ. Cái Na, cái Tú, cu Nhân đứng ngơ người một hồi giữa sân bắp – mấy đứa nhỏ nhìn ba nó – rồi bất chợt nước mắt giàn giụa. Bà Thi từ dưới bếp chạy lên hốt hoảng. Mọi người vây lấy ông Văn – “Chú ơi chú bỏ mác xuống đi chú, còn con còn vợ ai nuôi mà chú làm vậy”…”Bỏ mác xuống chú Văn ơi”… – Người hét, người la, tiếng con khóc, tiếng vợ gào – “Tôi làm gì ra nông nổi này, tôi làm gì ông mà ông nỡ đối xử với tôi như này ông Văn ơi…” – nhưng ông Văn vẫn quơ mác lia lịa – người ông nồng nặc mùi thuốc diệt cỏ.

  • Tao phải chết, phải chết cho bọn bây vừa lòng, đứa nào lại gần tao chém chết, tao chém hết, tao sống nhục quá thì tao phải chết thôi… Na – con nhớ chăm em giùm ba – ba sống nhục quá, ba không nuôi nấng tụi con được, con với em phải ráng sống cho đàng hoàng nghe Na. – Ông Văn bắt đầu khàn giọng, tay vẫn múa mác liên tục – không ai dám lại gần.

Bà Thi gào lên thảm thiết, Na, Tú với thèn Nhân cũng ôm nhau khóc. Nó không hiểu lý do vì sao ba nó lại như thế – vảy bắp còn dính trên tay, mồ hôi ngứa – giàn giụa trong nước mắt. Mọi người bất lực nhìn dáng ông Văn liêu xiêu dần. Người ta xì xầm to, nhỏ. Bà Thi đưa bé Út cho ngoại bồng, xông vào giật lấy cái mác trên tay ông.

  • Ông giỏi chém tôi đi, chém tôi xem coi…- Bà gào lên – mấy anh thanh niên cũng nhảy vào đè ông Văn xuống – nhưng ổng giãy nảy, bật ra.
  • Mày đừng tưởng tao không dám, mày biến ra không tao chém mày bây giờ, bao nhiêu năm nay mày có xem tao ra gì đâu. Đấy nhà của mày, đất của mày, con cũng của mày, tao chỉ là thèn ăn bám, thèn ở rể, thèn bu váy vợ – đúng không, đúng không…? – Tay ông lại múa – ngọn mác sắc lịm, sáng loáng.
  • Ông không được đụng tới mẹ tôi – ông muốn chết tôi chết chung với ông này – bé Na nói lớn. Em mở nắp chai thuốc rầy – đưa lên miệng.

Rồi một cái tát trời giáng – từ anh hàng xóm – “Mày ngu quá Na ơi, Na ơi” – chai thuốc chảy loan khắp người Na – nồng nặc.

  • Con tôi, con tôi đâu – Na ơi  Na – ông Văn quăng mác – chạy lại phía Na – cảnh tượng xé lòng, đau đớn. Đám đông thất thanh, hoảng hồn – cái Na nó uống thuốc rầy cùng cha.

Đêm hôm ấy, tiếng xe cứu thương hú còi inh ỏi đưa hai cha con vào viện – súc ruột. Từ lúc bị ăn cái tát, Na khóc – “Em không có uống, em chỉ hù ba thôi, em không có uống, đừng bắt em vào viện, em không có uống”. Nhưng không ai thèm bận tâm tiếng Na – ngươi ta thấy ông Văn xìu hẳn trên xe cứu thương, miệng ông sủi bọt mép – hẳn là sốc thuốc. Bác sĩ bảo với bà Thi:

  • Chồng chị cần súc ruột gấp, cháu bé cũng vậy – có thể thuốc chưa ngấm nên bé còn tỉnh táo, tuy nhiên phải súc ruột mới mong qua khỏi – thuốc diệt mầm độc tố khó lường…

Ông Văn được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt vì gần như ông không còn phản ứng nữa, sủi bọt liên tục, cả thân hình giãy nảy. Còn Na – em vẫn gào với mẹ:

  • Con không uống mẹ ơi, mẹ ơi! Là anh Họp tát con thuốc đổ xuống áo – con không uống thật mà, mẹ ơi đừng súc ruột con, mẹ ơi ….

Nhưng không ai nghe em cả. Người ta bắt Na uống nước – phải uống thật nhiều để ói ra hết thuốc. Na không biết là em phải uống bao nhiêu nước và ói bao nhiêu lần. Em chỉ biết lúc em ói ra mật xanh, mấy cô y tá cứ khẳng định: “Uống thuốc vàng cả bao tử ói ra thế này mà còn bảo không…” – Na như muốn xỉu vì ói. Rồi bác sĩ bắt Na vào phòng – bắt ống thông từ mũi xuống bụng – cái ông thật to, xuyên qua mũi, xuống cổ họng, rồi ngọ ngậy tận bao tử. Bác sĩ đổ nước theo đường ống – súc ruột – mỗi lần như thế Na ói tràn ra miệng, mũi – em chẳng biết ói nhiều như nào – em ngất lịm – đau đớn – Không ai tin Na không uống thuốc cả.

Na tỉnh dậy – sau ba ngày hôn mê – ông Văn vẫn nằm bên cạnh – ông còn sống – Na cũng còn sống. Chỉ là người em mệt nhoài – Na nhớ lại từng giây phút bác sĩ súc ruột – đau đớn còn hơn cả chết. Na rùng mình – nước mắt giàn giụa.

Ngày hai cha con ra viện – người ta bảo – nhờ Na – ông Văn sống. Na cứ nghĩ cứu được cha là một điều thật tuyệt cô bé đã làm – nhưng không – đau khổ cứ mãi bám lấy gia đình Na. Cái xóm nhỏ lại xì xầm đủ điều tai tiếng. Hai vợ chồng ông Văn bà Thi lại lục đục, gây gỗ nhau mãi. Ông Văn vẫn vậy – ông vẫn sợ hãi dư luận, sợ hãi những lời đàm tiếu. Ông thấy mình nhục nhã, bất lực và rồi ông Văn bỏ nhà đi – không lời từ biệt. Căn nhà nhỏ bỗng nhiên hiu quạnh. Một mình bà Thi phải lo toan bốn mụn con thơ.

Về phần cái Na, sau lần đó, sức khỏe em yếu hẳn ra. Bà Văn thuốc thang liên miên nhưng Na vẫn xanh xao, gầy gò trông thấy. Mấy hôm đầu đi học, Na toàn ngất xỉu, phải nhờ bạn bè chở về hộ. Rồi người ta xì xào về Na – “Nhỏ Na uống thuốc rầy” – “Hai cha con nhà nó uống thuốc rầy” – “Con bé uống thuốc rầy đó hả” – Người ta không còn nhắc đến tên Na – học giỏi, chăm ngoan nữa. Mà đâu đó, dường như ở mọi ngóc ngách – đều gắn cái tên – “Bé Na – thuốc rầy”. Có đôi lần, Na ước – giá mà lúc ấy Na chết đi có lẽ sẽ tốt hơn. Em không tài nào tập trung học được – khi xung quanh những lời bàn tán ác ý về em, về ba, về gia đình cứ dai dẳng. Sức khỏe em yếu ớt. Nhiều đêm Na khóc vì chẳng thể nào cầm được cây bút trên tay – tay Na run bần bật. Có những ngày mặc áo dài lên trường Na không tài nào thở được. Ba bỏ đi, nhìn mẹ chạy vạy từng đồng thuốc than cho mình, nhìn ba đứa em nhỏ đáng thương, Na quặn lòng. Là chị hai, Na thấy mình bất lực vì chẳng làm được gì cho gia đình cả. Và mỗi đêm – trong cả những giấc mơ – Na vẫn còn ám ảnh từng ống thông, từng cơn ói, từng cái đau quặn thắt – súc ruột. Na không uống thuốc rầy nhưng dần già – em quen với cái biệt danh – “bé Na thuốc rầy”. Na thất bại, quỵ lụy, em mệt nhoài đau đớn – chưa bao giờ em cảm nhận nỗi bất hạnh khi phải sinh ra trong một gia đình nhiều biến cố như bây giờ… Và trong khoảnh khắc ấy, Na nhớ ba thật nhiều – 15 năm qua ba Na hẳn cũng từng đã sống như thế – ngập chìm trong dư luận, đàm tiếu, ba hoa, nhiều chuyện – nơi xóm nghèo và ông đã chọn cách từ bỏ…

22/06/2016

Xin chúc mừng tân cử nhân – Nguyễn Thị Na – đã hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Thẩm định giá trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Tiếng vỗ tay chúc mừng, tiếng hò reo dưới khán đài, phía dưới ánh mắt mẹ Na – bà Văn dõi theo con đầy tự hào. Cô gái bé nhỏ ngày nào giờ đây đã trở thành một tân cử nhân xinh xắn, trưởng thành – bé Na thuốc rầy… Và xa xa, Na thấy bóng ông Thi – dáng ông gầy gầy – phía cuối giảng đường. Ba…

Ngô Thị Nhật Tuyết
S Communications
www.UEHenter.com