Tiêu Chuẩn Kép – Sự lấn lướt của những quy luật mập mờ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có đôi lúc, bạn sẽ muốn xin một tấm vé để trở về tuổi thơ, nơi mà trong tiềm thức được lấp đầy bởi những ký ức vô tư, vô lo nhất. Bởi theo dòng thời gian, thế giới sẽ nêm cho bạn một chút va vấp để trưởng thành, cũng sẽ rót thêm vài phần trăn trở để bạn tự hoài nghi về cuộc đời. Đã khi nào bạn tự hỏi “Tại sao họ lại đối xử với mình như vậy” hay chưa? Nếu câu trả lời là có, tôi đoán rằng bạn đã có lúc cảm thấy thất vọng vì cuộc đời thật không công bằng. Người ta nói, ngày đầu tiên bạn cảm nhận thế giới này lắm bất công, rất có thể là ngày đầu bạn phải học cách đương đầu với sóng gió.

 

Một dạo gần đây, khi đang vô thức lướt nhanh qua những dòng tin ngập tràn trên newsfeed, tôi đã khựng lại tại một trang Confession dành cho sinh viên, với một tiêu đề to tướng, đại loại như: “Vào Sài Gòn học là một sự lựa chọn đầy hối hận.” Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được những dòng văn trào chực nỗi ấm ức của một cậu sinh viên khi bị đả kích vì những sự khác biệt vùng miền.

Tôi biết, vấn đề vùng miền dường như đã trở thành một điều gì đó quá đỗi bình thường, để mỗi con người ta cùng đồng tình với nhau rằng kỳ thị vùng miền là một hành động sai trái. Nhưng thực tâm, cá nhân tôi nhận thấy trong xã hội ngày nay, khi mà nhân loại được bảo vệ bởi công lý và pháp luật, thì đâu đó vẫn tồn tại tại nhiều lý do để khiến chúng ta tự dè bỉu, kỳ thị hay làm tổn thương nhau. 

Theo định nghĩa của Wikipedia, “tiêu chuẩn kép” là cách gọi của việc nhìn nhận theo hai hướng khác nhau cho cùng một sự việc của một người, một nhóm hay một cộng đồng. Nói cách khác, tiêu chuẩn kép là khi hai người có cùng một hành động, nhưng một người được chấp nhận, còn người kia thì không. Nó được xem như một loại thành kiến không công bằng, hai mặt, mập mờ, vô nguyên tắc của một hành động nào đó.

Chắn hẳn trong cuộc sống, đã không dưới một lần bạn được nghe câu nói: “Đàn ông là trụ cột trong gia đình.” Mỗi lần như vậy, tôi bất giác giật mình bởi cái thứ gông cùm mà đàn ông đang mang vác trên vai cũng trĩu nặng đâu kém gì “công – dung – ngôn – hạnh” mà người phụ nữ phải chịu. Những tưởng là chuyện hiển nhiên, thế nhưng cái tiêu chuẩn làm đàn ông mà con người ta đã rủ rỉ với nhau hàng thế kỷ qua, lại vô hình trung trở thành thứ xiềng xích kéo ghì cuộc đời của những người được xem là phái mạnh. 

Theo thống kê năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 793.000 vụ tự sát trên toàn cầu và đa số là nam giới. Đối diện với quá nhiều áp lực, họ đôi khi sẵn sàng lao đầu xuống bờ vực nếu chẳng may có một lần lầm lỡ. Thì ra đàn ông không mạnh mẽ như chúng ta vẫn nghĩ. Và suốt bấy lâu nay, dù đàn ông hay phụ nữ, tất cả đều chịu chung một nỗi thống khổ mang tên “tiêu chuẩn kép”. 

Cũng như bao người, nghệ sĩ có những cung bậc cảm xúc riêng. Chúng ta cũng là nạn nhân của “tiêu chuẩn kép”, ấy vậy mà lại trở thành hung thủ ngộ sát cuộc đời của một ai đó lúc nào không hay.

Lựa chọn theo đuổi con đường nghệ thuật, họ có một tâm hồn nhạy cảm hơn bất kì ai khác. Những tưởng sự nổi tiếng sẽ mang đến cho Jonghyun, Sulli hay Hara ánh hào quang rực rỡ. Nhưng ai biết được, chính những đòi hỏi khắc nghiệt của dư luận đã dồn những người nổi tiếng vào chân tường, khiến họ phải thu mình lại để chống đỡ những đòn roi từ miệng lưỡi thế gian. Trong tình cảnh ấy, nếu có một từ có thể diễn tả được cảm xúc của họ, đó phải chăng là “hoảng loạn”?

Sự kỳ vọng của công chúng luôn là động lực lớn lao cho những người nổi tiếng. Nhưng đôi khi, chính điều ấy lại biến thành thứ áp lực siết chặt những tâm hồn đáng thương đang thét gào trong vô vọng… Họ đổ gục vì kiệt sức. Thật là may, khi có những người nghệ sĩ đã vượt qua vô số tháng ngày khó khăn nhất. 

Để chúng ta, tôi và bạn hạnh phúc khi biết rằng ngày mai họ vẫn sẽ được hát, được nhảy, được cháy hết mình vì đam mê, được đứng trên sân khấu và vẫn sẽ nở nụ cười thật tươi trước khán giả cũng như công chúng. Dù có những người mà tôi chẳng còn cơ hội để thấy ánh mắt đầy yêu thương của họ lúc nhìn người hâm mộ nữa. Nhưng tôi biết rằng sự trân trọng mà tôi dành cho họ, thì không bao giờ mất.

Một thời gian dài, Sulli đã vùng vẫy trong vũng lầy của nỗi cô đơn, khi mà dư luận hoàn toàn quay lưng lại với cô. Có một Sulli ở tuổi 25 đã vươn cánh tay của mình cầu xin lấy sự khoan dung từ công chúng. Cũng ở tuổi 25 ấy, tâm hồn cô bị vắt cạn những hy vọng mong manh cuối cùng. Để rồi, ở cái ngưỡng cửa cuộc đời mà người ta vẫn còn lắm mơ mộng, nữ thần tượng xinh đẹp ngày nào đã bị bức ép đến mức phải bỏ lại tất cả. 

Mỗi tiêu chuẩn được sinh ra đều có những lý do riêng của nó. “Tiêu chuẩn kép” đôi khi trở thành khuôn thước giúp con người ta không vượt quá một số giới hạn nhất định, đôi khi lại là bức tường giam hãm bản ngã thật của chính mình. Tôi tự hỏi, sự phản kháng có ích gì không nếu quyền định đoạt chẳng nằm trong tầm tay tôi. Bấy lâu tôi bất mãn với sự đời, cũng là bấy lâu tôi tuyệt vọng chấp nhận luật chơi của nó, chấp nhận những “tiêu chuẩn kép” mà xã hội đã áp lên mình.

Sự ra đi của những nghệ sĩ trẻ phải chăng đã có lúc nào đó trấn áp được cơn cuồng nộ đang ngự trị trong thân tâm của những người đã từng tổn thương họ. Nhưng rồi liệu sẽ được bao lâu, khi cảm xúc giận dữ trong mỗi con người luôn chờ chực bộc trào, sẵn sàng trút hết lên một ai đó để thỏa đáp sự hả hê. Mỗi chúng ta đều biết, xã hội mà ta đang sống có cách vận hành riêng của nó. Dù bạn là ai, bạn làm gì, hay đến từ nơi đâu. Bằng một cách nào đó, từng giây, từng phút mà tôi và bạn đang tồn tại trên thế giới này, chúng ta vẫn đang chịu sự kìm kẹp bởi những quy luật bất thành văn.

Thời gian rồi sẽ dần khiến mọi thứ chìm vào quên lãng. Sự đau thương, bàng hoàng một thời mà mọi người dành cho những thần tượng sẽ tan vào guồng xoáy cuộn trào của cuộc sống. Rồi ở đâu đó ngoài kia, lại bắt đầu xuất hiện những kỳ vọng áp đặt lên nhau, những bất công đối xử tệ bạc, và cả những lời cay nghiệt đay nghiến dành cho nhau. Thế giới có lẽ đã có sự dàn xếp của riêng nó.

Những con người kia, cứ để họ làm những gì họ muốn. Họ thích áp đặt suy nghĩ của họ lên người khác. Họ thích dùng những tiêu chuẩn của riêng họ để phán xét cuộc đời của một ai đó. Nhưng nếu người chịu phán xét chính là bạn, đừng để bản thân mình đau đến hai lần. Tôi tổn thương bởi kỳ vọng mà họ đè nén lên tôi. Nhưng rồi tôi lại kỳ vọng vào họ sẽ không làm mình tổn thương nữa. Nếu kỳ vọng của tôi không thành hiện thực, tổng cộng tôi có hai lần tổn thương.

Chính vì mong muốn có thể kiểm soát được suy nghĩ của nhau, người ta mới tổn thương nhau nhiều đến thế. Cũng chính vì chủ quan cho rằng hệ giá trị của bản thân mình là chân lý, người ta mới không tiếc lời phán xét nhau. Cho đến cuối cùng, khao khát có thể thay đổi được một ai đó chỉ là nỗ lực trong vô vọng. Nếu như kiểm soát bản thân mình là điều khó khăn nhất. Thì tham vọng thao túng kẻ khác chính là điều bất khả.

Cuộc sống vốn chẳng phải là câu chuyện cổ tích với những kết thúc trong mơ. Nhưng nếu chăm chăm nhìn nó với sự hằn học, lồng ngực bạn sẽ rạn vỡ trước khi thế giới kịp thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn. Sự cách biệt của thực tại và tuổi thơ hóa ra cũng chỉ được ngăn lại bởi lằn ranh của nỗi vô ưu. Vậy nên chẳng cần phải tìm mua một vé để trở về tuổi thơ nữa, nếu như bạn có thể tự vượt biên bằng chính những suy nghĩ lạc quan và vô tư của mình.

(Hình ảnh và nhân vật trong bài viết chỉ mang tính chất minh hoạ)