Vô Phương Chạy Theo Deadline Liệu Có Ổn?

Chữ “bận” là đầu câu chuyện mở ra chuỗi ngày dài chạy trong vô vọng nhưng sự thật rằng ta chỉ đang phí hoài sức lực để lao đi mà không có kế hoạch cụ thể. Tại sao ta không dần dần giảm tốc độ, chuyển từ trạng thái “chạy” sang “đi” để “chill” cùng cuộc sống?

Tiếng chuông đồng hồ báo thức reo inh ỏi đã thành công trong việc đánh thức tui dậy sau một giấc mơ dài về “anh ấy”, người với sức quyến rũ khiến tui thao thức bao đêm. Anh len lỏi vào trong giấc ngủ của tui bằng những ký ức chập chờn như web đăng ký học phần, anh làm tui bất chợt bật dậy lúc giữa đêm, trong đầu chỉ văng vẳng mỗi tên anh – DEADLINE. Lê cơ thể mệt rã rời của mình ra khỏi chiếc giường êm ái, tui bắt đầu vật lộn với hàng tá công việc đang chờ đợi giải quyết ngoài kia.

Tui không nhớ hôm nay mình đã làm những gì, thứ duy nhất tồn tại trong tiềm thức chỉ là đi phượt qua 3 cơ sở, tối về lại ăn vội chén cơm để sau đó hò hẹn cùng deadline thâu đêm suốt sáng. Giấc ngủ nửa tỉnh nửa mơ xen lẫn với mớ suy nghĩ hỗn độn về ngày mai cứ mãi loanh quanh trong đầu.

Nếu cuộc đời là một cuộc đua, thì tui chính là vận động viên được lên dây cót để chạy và mặc định 10 giờ khuya mới xuất hiện ở nhà với chữ “bận” đầu môi. Tui bắt đầu nhận ra thời gian bên cạnh chiếc laptop còn nhiều hơn bên cạnh gia đình và bạn bè, mọi sợi dây kết nối như dãn ra và đứt quãng. Thời gian dành cho bản thân tỷ lệ thuận với thời gian ngủ, còn sức khỏe bắt đầu xuống dốc như đồ thị hình sin cho đến khi đồ thị chạm đến đáy của sự kiệt sức vì chạy.

Mỗi lần xem phim, tui luôn phì cười trước khoảnh khắc cậu bé Nobita khóc lóc, nước mắt giọt ngắn giọt dài vì muộn giờ học. Nhưng có ai dè, cười người hôm trước thì hôm sau mình cũng y chang, bà hàng xóm lại lắc đầu ngao ngán khi thấy tui ngậm nửa cái bánh mì, ôm chiếc balo chưa cài chạy ra khỏi nhà. Nhưng khác nhau ở chỗ: tui già đầu hơn Nobita và sự bừa bộn không chỉ bám từ sinh hoạt thường nhật, mà còn đến cả timeline. Trên những cuộc “chạy” trong vô định nhưng chưa bao giờ được lên kế hoạch cụ thể ấy làm tui cứ như con rối mỗi khi có việc ập đến, mang đầy mông lung, mơ hồ. Tui thấy mình giống hình ảnh cậu bé Nobita ấy khi vừa lỉnh kỉnh chuẩn bị đồ trong lúc chạy, vừa làm, vừa sửa chữa những sai sót cùng một lúc, rồi cuối cùng mọi thứ vẫn rối nùi trong khi tinh thần, thể lực đã cạn kiệt. Tui “chạy” vụt qua mọi thứ rất nhanh chóng và rồi dần hững hờ với mọi việc xảy ra xung quanh. Bao khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc đời bị vùi lấp dưới lớp bụi thời gian cứ dày lên theo từng ngày.

Thế rồi, tui bắt đầu thay đổi thói quen của mình bằng việc lên kế hoạch cho ngày tiếp theo trước khi đi ngủ và dậy sớm hơn mọi khi 30 phút. Tui thong thả đi bộ ra trạm xe buýt, nhận ra mỗi bước đi của mình nhẹ nhàng hơn vì áp lực thời gian đã không còn nữa. 15 phút dư dả ấy, bước đi trên con đường quen thuộc, tui cảm giác mọi vật xung quanh đều chuyển động theo quy luật của riêng nó và mang lại mục đích nhất định cho cuộc sống mà tui đã lướt qua trước đó:

Mặt Trời có 12 giờ chiếu sáng cho đến khi màn đêm buông xuống để con người sinh hoạt và nghỉ ngơi

Trái Đất có 24 giờ để hoàn thành vòng quay quanh trục để kết thúc 1 ngày và mở ra ngày tiếp theo

Một ngày có 86400 giây để ta sống trọn vẹn và hôm sau điều mới lại bắt đầu

Tự nhiên cũng có quy luật như cách cuộc sống vận hành, nhưng chúng đều chuyển động theo quy luật của riêng chúng và có mục đích cụ thể.. Vậy còn tui, tại sao tui cứ phải “chạy” theo vòng xoay cuộc sống, cố gắng để hòa cùng dòng người trong khi mỗi người là một cá thể riêng biệt và vận tốc chạy cũng khác nhau cơ chứ?

 

Tui tự đặt câu hỏi cho mình: “Ta chạy thì mất sức, nhưng nếu đi bộ trong cuộc sống hối hả như thế này, liệu có bị tụt lại ở phía sau người khác hay không?” Đi hay chạy – kiểu nào cũng tiến về phía trước chứ chưa bao giờ lùi về sau, nhưng giữa cuộc sống mà ai cũng đang chạy đua, mình có dám chọn đi bộ, chậm mà chắc trong cuộc sống mà ai cũng đang chạy đua hay không? Đi bộ hay chạy cũng là các hình thức di chuyển mà thôi, chúng ta nên dựa vào mục tiêu của mình mà chọn tốc độ cho phù hợp. Dần dần, tui bắt đầu chọn cách đi bộ trong nhịp sống của mình.

Chiều chiều, tui thích đi bộ ngoài công viên thay vì ngồi trên chiếc xe “Vision” với “tầm nhìn” 50 km/h. Chầm chậm bước trên lối đi dọc công viên, ánh mắt tui đã va vào những điều nhỏ bé nhưng sao mà “dễ thương” đến lạ kỳ. Bé sóc nâu thoăn thoắt chuyền cành, mắt láo liên xung quanh rồi lại vụt mất. Những đứa trẻ cười ríu rít bu quanh chiếc xe kem với tiếng chuông leng keng quen thuộc. Bầu trời vẫn cao xanh vời vợi, từng cơn gió vẫn thổi qua như cách địa cầu đang ôm ấp và vỗ về chúng ta vậy đó.

Chân vẫn đang di chuyển về phía trước, tui đi chậm lại như cách để sạc pin cho năng lượng, rồi tiếp tục cuộc sống ngoài kia chứ chưa bao giờ dừng lại. Đời đôi lúc có chặng đi, chặng chạy đan xen nhau. Đi bộ chắc chắn để chuẩn bị hành trang và định hình rõ ràng hướng đi, rồi dần dần tăng tốc độ tùy vào mục tiêu trên mỗi chặng. Nếu đôi lúc mệt mỏi quá, tại sao mình không dừng lại để nghỉ ngơi một chút, rồi lại tiến về phía trước bằng những bước đi vững chãi?

Ngồi xem chiếc video về vận động viên điền kinh người Campuchia Bou Samnang, tui rưng rưng nước mắt khi thấy cô vừa chạy, vừa khóc dưới mưa nhưng không hề có ý định bỏ cuộc. Cô chia sẻ: “Tôi đã cố gắng về đích vì tôi muốn cho mọi người thấy rằng trong cuộc sống, dù đi chậm hay nhanh một chút, chúng ta sẽ đến đích như nhau”. Đích đến của đời người chính là mục tiêu mà ta đặt ra và sẽ không bao giờ bị giới hạn bởi bất cứ ai. Cuộc sống là một con đường hữu hạn như thế đó, nhưng cũng muôn hình vạn trạng. Trên chặng đường chúng ta đi, chạy cũng là một cách thức di chuyển, nhưng đi bộ thoải mái tiến đến đích cũng thật sự cần thiết. Tui yêu phong cách ăn mặc, sinh hoạt của người Việt mình, như là “ăn chắc mặc bền” hay “nhai kỹ no lâu”, phong cách văn hóa cũng đã phần nào nhắn nhủ chúng ta đôi khi cũng cần dừng lại để định hình con đường trước khi di chuyển đến mục tiêu, di chuyển chậm hơi để đánh giá lại hành trình đã đi qua để lấy làm hành trang cho những dự định tiếp theo trong tương lai.

Vào một hôm tan học chiều tháng 6, mưa thì tầm tã và kèm theo gió to, chiếc áo mưa liên tục bị phất lên do gió nên tui ướt mèm. Tui di chuyển xe chầm chầm thay vì vội vã chạy ùa thật nhanh về nhà để tránh cơn mưa đáng ghét như trước kia. Khi chạy xe thật chậm, tui chợt nhận ra, mưa cũng đáng yêu đó chứ. Khi đi trong mưa với những tốc độ khác nhau, mưa sẽ tặng cho mình những “physical touch” khác nhau. Trong đời sống hành trình cũng vậy, hành trình tìm “đích đến” nếu đi với tốc độ khác nhau sẽ cảm nhận khác nhau. Trong cơn mưa tầm tã ấy, tui vẫn chọn cách chầm chậm chạy xe về nhà chứ không dừng lại. Nhưng nhờ đi chậm, tui điều khiển xe cẩn thận hơn và còn có thời gian nhìn ngắm vẻ đẹp cảnh vật hai bên đường khi được mưa gột rửa bao khói bụi, cảm nhận cảm giác lạnh lạnh trên lớp da khi từng giọt mưa lần lượt chạm vào.

Đời cũng dịu dàng như mưa đó thôi. Trước kia, tui đã từng mù quáng chạy theo mọi thứ trong vô định và mạo hiểm như cách chạy về nhà để tránh mưa bằng vận tốc 50 km/h. Hiện tại, tui lại chọn những bước đi vững chãi ngay từ phút giây đầu cho đến khi hoạch định rõ tương lai, có thể đôi lúc chậm hơn mọi người, nhưng nếu chạy một cách mù quáng mà không định hình rõ bản thân thật sự mong muốn điều gì, rồi tui sẽ lạc lối giữa những ngã rẽ cuộc đời. 

Có phải ai đi rồi cũng sẽ đến đích không?

Không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này. Nhưng nếu ta không đi thì sẽ chẳng bao giờ đến nơi.

Đi bộ và chạy, cùng đều nhắm đến đích, nhưng khác nhau ở hành trình trải nghiệm. Nếu tui là vận động viên Marathon, việc chinh phục đích đến khiến hành trình đẹp hơn bởi dấu ấn thành tựu, nhưng những khoảnh khắc mà tui trải nghiệm mới khiến hành trình đó trọn vẹn.