Chỉ cần một chiếc smartphone, wifi ổn định, một tài khoản facebook (hay một trang báo mạng) và những cú lướt tay trên màn hình, việc tin tức khắp năm châu bốn bể từ chính trị, xã hội đến đời sống văn hoá, giải trí… được tiếp cận đến mỗi người là điều hẳn nhiên. Nhưng thử hỏi năm phút sau đó, chúng ta còn đọng lại gì trong trí nhớ?
Hàng ngày với sự đổ bộ của hàng nghìn, hàng triệu những thông tin từ khắp nơi, chúng ta có nhiều cơ hội hơn để theo dõi những tin tức mới mẻ, được cập nhật thường xuyên. Nhưng “nhiều” liệu đã đủ cho mỗi người? Chưa rõ! Tôi tin rằng luôn tồn tại một con dao hai lưỡi cho vấn đề này. “Hấp thụ” một khối lượng lớn thông tin là điều tốt, nhưng sẽ ra sao nếu ta chỉ tiếp cận những mặt nổi ai-cũng-biết của một vấn đề nào đấy?
Tôi sẽ gợi mở bằng hình ảnh để dễ hình dung nhé! Một tảng băng trôi ở Bắc Cực chẳng hạn. Khi nhìn vào tảng băng ấy, chúng ta dễ dàng nhận ra một mảng băng nhỏ trôi lềnh bềnh trên mặt nước, nhưng dưới lớp nước sâu kia, liệu phần chìm của tảng băng ấy được phô bày rõ nét trước mắt ta?
Việc tiếp nhận một tin tức bất kì cũng mang tính chất như thế. Nhan nhản trên các mặt báo mỗi ngày là những tin tức “mì ăn liền” rất dễ đọc, dễ hiểu, dễ thấm nhưng mau quên, vậy thì ta sẽ chọn cách tiếp nhận nó như một sự thật hiển nhiên, hay tìm cách kiểm chứng và chắt lọc cho thông tin vừa nhận được? Ví như những câu chuyện lùm xùm liên quan đến bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đang “làm mưa làm gió” trên các phương tiện truyền thông, chúng ta chấp nhận lớp vỏ bên ngoài “CGV sẽ không công chiếu phim ‘Tấm Cám: Chuyện chưa kể’ của Ngô Thanh Vân”, hay cố gắng đào sâu đến ngọn ngành gốc rễ từ những bài báo liên quan để tìm ra nguyên nhân xác đáng cho việc “Tại sao ‘Tấm Cám: Chuyện chưa kể’ không được chiếu tại cụm rạp CGV?”
Tiếp nhận nhiều thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau là việc nên làm, bởi nó thể hiện sự quan tâm hướng đến các vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay, nhưng sẽ khác như thế nào nếu ta cố gắng khai thác sâu nhất những quan điểm, những cái nhìn từ nhiều góc cạnh để vẽ nên một bức tranh đa màu sắc thật nổi bật? Giữa biển người chỉ đang mải mê ngắm nhìn những “phần nổi” của tảng băng trôi, bạn sẽ là một người thợ lặn khác biệt, can trường lặn hụp xuống lớp nước sâu để chiêm ngưỡng trọn vẹn sự to lớn và kì vĩ của khối băng chìm kia.
Tôi sẽ không gọi người đào sâu tin tức là “người chiến thắng”, hay gán mác “kẻ thua cuộc” dành cho những người nhìn nhận thông tin chưa sâu. Họ khác biệt theo cách riêng của mình, bởi những sự quan tâm dành cho các vấn đề xã hội đều đáng quý cả. Và giá trị ấy sẽ được trân trọng hơn nữa nếu họ có sự mài giũa, chắt lọc để tìm ra một bức tranh bao quát dành cho một luồng thông tin nào đó. Đừng dừng lại ở việc nhìn nhận nó như một sự thật hiển nhiên, hãy truy vấn đặt ra hàng loạt các câu hỏi tại sao trong tâm trí để thôi thúc bản thân tìm ra câu trả lời xác đáng và sâu sắc nhất cho mình. Câu trả lời ấy sẽ là một minh chứng hữu hình cho sự khác biệt của mỗi người chúng ta trong xã hội.
_________
Chương trình được thực hiện bởi Nhóm Truyền thông Sinh viên (S Communications) – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và được đồng hành bởi nhãn hàng Snack Khoai Tây Poca – Công Ty TNHH Thực Phẩm PepsiCo Việt Nam.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ CHIẾN LƯỢC:
Nhãn hàng Snack Khoai Tây Poca – Công Ty TNHH Thực Phẩm PepsiCo Việt Nam.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ HỌC BỔNG:
Trường Đào tạo Mỹ Thuật Đa Phương tiện FPT-Arena Multimedia.
Viện Ngôn Ngữ – Quốc Tế Học (ILACS).
ĐƠN VỊ BẢO TRỢ TRUYỀN THÔNG:
Kenh14.vn, RGB.vn, Designs.vn, Barcode Magazine, YBOX.vn, FTUNEWS, KKC Channel.
ĐƠN VỊ HỖ TRỢ TRUYỀN THÔNG:
Brands Vietnam, STDT Communications, CLB Phóng viên trẻ – trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM), FTU Zone, Margroup, BK Media.
Gya Rados
S Communications
www.UEHenter.com