Đi Mùa hè xanh vào năm nhất, đi với tư cách là Chiến sĩ của Đội hình Chuyên Tuyên truyền, tất cả điều nằm ngoài dự tính của tôi. Nhưng âu cũng là một cái duyên, nếu hai tháng hè tôi dành hết cho bản thân – thật ra hay gọi là dành cho gia đình như một cách bào chữa cho sự lười nhác, tôi sẽ không có một mùa hè xanh như thế, tự hào như thế. Nếu là Chiến sĩ của Đội hình thường trực, tôi sẽ là chiến sĩ của xã Phú Nghĩa, thì chẳng bao giờ tôi được gặp em.
Mùa hè xanh của chúng tôi là những ngày bôn ba khắp nơi, tuổi thanh xuân chúng tôi đã có nhau trên mọi nẻo đường. Dưới cái nắng miền đất đỏ, chúng tôi cùng nhau đi hơn chục cây số, nhìn thấy từng giọt mồ hôi ướt đẫm gương mặt đỏ au vì nắng, hay vì màu đất đỏ tôi cũng không rõ. Đi bao xa cũng chẳng ai than nửa lời, đi thật xa, nói thật nhiều, chỉ mong mỏi một điều là sẽ nhiều người tham gia buổi báo cáo. Nhưng rồi chúng tôi cũng quen, quen với những buổi báo cáo không một bóng người dân, quen với ánh mắt thương cảm, thấu hiểu của những chiến sĩ thường trực. Chúng tôi nhìn nhau, hiểu nhau nghĩ gì, nhưng rồi cũng chỉ biết vỗ vai nhau, hít thật sâu, lấy lại tinh thần và đi tiếp.
Tình cảm đối với nhà thì kể làm sao cho hết? 9 con người ở chung với nhau một tháng, vượt qua đủ thứ chuyện, mâu thuẫn cứ phải nói là không ngày nào không có. Muốn kể cho hết chuyện, muốn trải hết lòng cho cái nhà này thì đến mai cũng chưa kể xong. Chỉ biết một điều là, những kí ức những kỉ niệm, là thứ kì diệu lắm, cất ở trong tim, khi mệt mỏi nhất, hãy nhắm mắt lại nó sẽ hiện ra như một thước phim quay chậm. Chẳng có ngôn từ nào đủ đẹp để diễn tả được, chỉ cần cảm nhận và hít một hơi thật sâu, tiếp tục cất nó lại trong tim. Ích kỷ như thế, để nó mãi trọn vẹn…
Nói về đội hình Chuyên một chút, căn bản là cứ ở ba ngày thì chúng tôi lại phải dọn đi, cứ vừa thích nghi được với chỗ mới, vừa quen được vài em nhỏ thì lại phải dọn đi, quen với cảnh phải dọn dẹp từng nơi mình đến, và quen nốt với cảnh chia ly. Đi đến đâu các chiến sĩ thường trực cũng bảo đội hình chuyên di chuyển suốt chắc cực lắm, không hề, cái mà chúng tôi tiếc nuối nhất chính là bản chất của đội hình chuyên là không thể thân với dân, với các em nhỏ. Cũng vì vậy mà tôi chẳng mang một chút hi vọng nào rằng mình sẽ được trở lại một nơi nào đó ở huyện Bù Gia Mập…
Nhưng rồi em đến, tôi thật sự không biết diễn tả bằng ngôn từ nào ngoài chữ “duyên”. Đến xã cuối cùng – Bình Thắng, cái hi vọng vốn đã không có của tôi càng bị vùi dập, chúng tôi không ở chung với thường trực, vào những ngày cuối cùng vẫn không được chơi “ké” với các em nhỏ. Buồn cả ngày trời, rồi tối hôm đó có một vài em nhỏ tới nhà, nghĩ là chắc cũng được một hôm như bao em nhỏ ở bao xã khác. Nhưng đặc biệt ấn tượng với em – một cậu nhóc lớp 7 gương mặt rất sáng, nhưng da thì đen mà ú na ú nần, giọng nói thì ngọt lịm, con trai gì mà kì khôi. Người em gặp đầu tiên không phải tôi, người em nói chuyện đầu tiên càng không phải tôi, nhưng chẳng hiểu sao em theo tôi.
Ngày nào em cũng đến nhà chúng tôi, đến từ rất sớm, chỉ để theo tôi nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Trưa trưa thì ở lại ăn cơm cùng, tôi còn đứng thì em không ngồi, tôi ngồi đâu em lại lon ton ngồi cạnh. Ăn cơm thì chỉ ăn một chén vì sợ anh chị không đủ cơm ăn, đồ ăn thì chỉ gắp mỗi rau, tôi gắp thịt phần tôi cho em thì em trả lại, em bảo em không ăn thịt đâu chị ăn đi, nhưng em không ăn không được với chị đâu em à, chị nhây lắm… Ăn xong lót tót đứng dậy theo tôi đi rửa chén, đàn ông đàn ang gì kì cục, tôi đuổi ra nhà trước, rồi cũng ra, xong mang vào chai nước pha C sủi, thiệt kì.
Mỗi lần đến nhà, chưa thấy bóng người đâu đã nghe tiếng văng vẳng, “chị Úttt Xà Lách ơiii”, nhà tôi không ai thèm chỉ, cho đi kiếm chơi, chữ Út cứ kéo cho thiệt là dài rồi Xà Lách cứ nuốt đâu mất cứ nghe mỗi Xách Xách. Tối nào nhà tôi cũng ám ảnh với câu hỏi của “ẻm”: “Út Xà Lách tắm chưa”, à không, tôi ám ảnh còn cả nhà tôi thì thắc mắc bộ chị Út hôi lắm sao mà em cứ hỏi miết thế. Tôi rặn hỏi mãi mới biết là “tắm tối lạnh, bệnh”, rồi cứ canh hễ ai ra khỏi nhà tắm là kêu nhỏ nhỏ “Út Xà Lách tắm đi, đi tắm đi”…
Nhớ có hôm đó, tôi đợi em ngủ trưa tôi lén xuống bếp nhóm bếp nấu lẩu cho cả nhà ăn tối. Loay hoay gần nửa tiếng lửa cứ cháy rồi tắt cháy rồi tắt, nào giờ toàn mấy anh chị nhóm cho chứ chưa tự nhóm lần nào, chắc bẩm lần này tan tành kế hoạch bất ngờ rồi. Và rồi em xuất hiện như một vị thần, trên tay cầm bó củi, khỏi phải nói cũng biết tôi bất ngờ đến mức độ nào. Chưa định thần để mở miệng thì em nói củi này củi su mau cháy lắm chị, em lấy ở nhà chú em gần đây hà em có đội nón chị đừng la nha. La chứ sao không la, ai đời lại bỏ ngủ trưa, nắng chang chang mà đi lấy củi. Rồi hai chị em ngồi nhìn nhau cười, chị cười sắp ra nước mắt, nhưng trộn với mồ hôi em không thấy đâu, à không nước mắt do khói cay thôi… Tôi chỉ tiếc sao em lại thân với tôi, tốt với tôi như vậy, tôi có ở được bao lâu đâu…
Thật lòng mà nói, tôi nghĩ trẻ em ở đây ngoan cũng có, nghịch cũng có, nhưng chung quy là suy nghĩ đơn giản, chơi là chính. Nhưng em làm tôi bất ngờ, em lễ phép, em biết suy nghĩ cho những người xung quanh. Có lẽ cái nắng vùng đất đỏ, cái cực khổ hằn trên gương mặt mẹ cha, cái đói cái nghèo cứ quanh đi quẩn lại, đã làm em lớn hơn nhiều so với cái tuổi mười hai mười ba của em, cái tuổi mà trẻ con chỉ phải học, chẳng phải lo nghĩ bất cứ gì, nhưng nhờ vậy em tôi sau này sẽ khỏi phải tốn một khoản thời gian gọi là thích nghi với cuộc sống tự lập như tôi đã từng và không cần tốn chi phí học những lớp kĩ năng sống cơ bản. Cuộc sống nếu nhìn theo hướng tích cực thì cũng công bằng mà, không lấy hết của ai cái gì, tôi tin em sẽ làm nên chuyện.
Và rồi cái gì đến cũng đến, cái ngày tôi không mong chờ nhất cũng đến, em cũng ghé nhà như mọi hôm, nhưng em không như mọi hôm. Em ngồi ở góc đó chờ tôi và cả nhà dọn dẹp, đóng thùng, tôi biết em nhìn tôi nhưng tôi chỉ có thể nhìn em cười, tôi biết em buồn nhưng tôi cũng không thể bỏ việc để qua an ủi em. Em đòi theo tiễn, nhưng tôi không cho, tôi sợ em phải về một mình trong tâm trạng đó, tôi không muốn tâm hồn đẹp của em bị tôi quệt một mảng màu xám… Tôi sợ, tôi sợ nhiều thứ. Nhưng tôi biết tôi đã sai ngay khi em vừa quay lung đi và không quay lại nhìn tôi lấy một cái. Em khóc, tôi biết. Đôi khi có những chuyện khiến người ta day dứt, hối hận suốt một khoảng thời gian dài…
Tôi nhìn qua cửa kính xe không rời phút giây nào, chỉ mong mỏi duy nhất một điều là một lần em đừng nghe lời tôi, em hãy đứng đó để tôi lao xuống ôm em và khóc, khóc vì những ngày ngắn ngủi vừa qua của tôi có em, khóc vì những gì em đã làm cho tôi, dặn dò rồi còn hứa hẹn sẽ quay lại nữa. Sao lúc đó em lại nghe lời chị như thế chứ…
Và hiện thực thì có rất nhiều em nhỏ đứng khóc tiễn chúng tôi, không có em, nhưng tôi vẫn khóc và hứa với lòng rằng sẽ về thăm em, một ngày không xa.
Những dòng trên, không phải viết chỉ để dự thi, mà viết ra để lưu lại, viết ra để trải lòng, viết ra để một ngày nào đó, tôi sẽ cho em đọc. Văn tôi không hay, vì tôi không viết bằng lý trí mà tôi viết bằng tình cảm chân thực của tôi đối với em, bằng tất cả sự trân trọng và yêu thương. Cảm ơn Chiến dịch Tình nguyện Sinh viên Kinh tế 2016 đã cho tôi một mùa hè đẹp như vậy, đã cho tôi được gặp em và đã khiến tôi vỡ ra nhiều điều. Và, cảm ơn em, cảm ơn vì đã xuất hiện, cảm ơn vì đã biến dấu chấm thành dấu ba chấm, mùa hè xanh của tôi chưa kết thúc, hẹn gặp lại em. Thương em !
Hà Bảo Như
S Communications
UEHenter