Bạn có biết khi trên cơ thể còn vương lại những nhịp thở cuối cùng, con người ta sẽ hối tiếc và trăn trở về những điều gì nhất không?
Mỗi chúng ta, những nguyên bản, những trái tim trẻ đang dào dạt nhựa sống, tận sâu đáy tim, ai chẳng có những mong muốn, những ước mơ, những khát khao riêng: tôi muốn được trở thành ca sĩ, được yêu thương, mong muốn mình tự tin hơn, tiếng nói mình có giá trị hơn và ước mong mình sẽ hạnh phúc hơn… Hơn ai hết, chúng ta thấu hiểu trong tâm tư mình, ta muốn gì, ước mơ gì, khát khao gì. Thế rồi… chữ “nhưng” vang lên như dựng xây trong chính tâm trí chúng ta một rào cản lớn. Thay vì sống theo trái tim và lí trí mách bảo, ta chơi vơi giữa dòng dư luận xã hội để rồi nhắm mắt đi theo những định hướng mà số đông vạch ra sẵn. Ấy chẳng phải là ta đang cố làm hài lòng tất cả, nhưng đem về bất hạnh cho chính bản thân ta?
Thuở xưa, khi chúng ta vẫn còn là những đứa trẻ vô ưu vô lo, chúng ta cười khi vui và khóc lớn khi buồn, ta hành động theo những gì mình suy nghĩ. Càng lớn, ta càng tạo cho mình một vỏ bọc an toàn và hoàn hảo, thu mình vào đấy, giấu kín tâm tư, giấu kín những khát khao, đi theo cách thức mà người khác muốn. Ta sống theo những gì người khác mong đợi, chứ không sống theo những gì mình muốn. Đâu phải cứ nghe phát súng vang lên bên tai là chúng ta phải hối hả chạy theo người khác mà không hề biết mình chạy về đâu, để làm gì. Hệ lụy kéo theo, xã hội không biết, chỉ có chúng ta đau đớn thốt lên ba tiếng cay đắng: “Tôi không dám”, rồi bản thân nhấm chìm trong dòng cảm xúc tiêu cực.
Thấu hiểu thực trạng ấy, Nhóm Truyền thông Sinh viên S Communications dưới sự chỉ đạo của Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức chiến dịch “Tôi sống thật” nhằm đưa sinh viên ra khỏi “vùng an toàn”, thúc đẩy họ sống với những gì mình đam mê và theo đuổi. Là những người trẻ, chúng ta có quyền khao khát những giá trị phù hợp với bản thân và có quyền mạnh dạn theo đuổi những giá trị ấy. Đó có thể là ước mơ, là tình yêu, là những suy nghĩ mà từ lâu bạn vẫn luôn giấu kín vì sợ hãi. Chiến dịch giúp sinh viên hướng tới góc nhìn tích cực hơn để dám đánh đổi với những điều “rõ ràng” và quen thuộc, từ đó tìm ra quyết định phù hợp cho bản thân mỗi người.
Như một luồng gió mới thổi vào đời sống “rập khuôn” của đại đa số các bạn trẻ, chiến dịch sẽ là tiếng chuông đánh động tâm hồn, thức tỉnh những hoài bão. Con người chỉ có thể hạnh phúc khi được là chính mình, hơn ai hết, chúng tôi luôn mong muốn lan tỏa thông điệp sống tích cực, nhân rộng niềm vui và hạnh phúc. Đừng đợi đến lúc bản thân phải thốt lên những lời cay đắng “giá như”, “ước gì”. Thay vào đó, tại sao bạn không dũng cảm thay đổi suy nghĩ, tìm ra hướng đi riêng cho mình ngay từ giây phút này?
Những ngày qua, các bạn sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM nói riêng và các bạn sinh viên trên toàn quốc nói chung có lẽ đã được tiếp cận với bộ ảnh “Tôi muốn… nhưng tôi không dám chọn nó” được đăng tải trên Fanpage S Communications. Với 7 bức ảnh đại diện cho 7 câu chuyện thật, 7 bạn trẻ với 7 khát khao thầm kín, Scoms muốn đánh thức những ước muốn chân chính của sinh viên, chỉ vì áp lực và định kiến của xã hội mà họ chưa dám thực hiện.
"Tôi sợ làm mất lòng người khác. Sợ khiến người khác tổn thương. Sợ không biết lời góp ý có đúng lúc hay không?"
"Tôi sợ sự cấm cản của ba mẹ đối với niềm đam mê của bản thân. Sợ mình sẽ sai. Sợ dù có chứng minh rằng mình hạnh phúc nhường nào khi được sống với đam mê nhưng cuối cùng ba mẹ vẫn không thể nào thấu hiểu."
"Tôi sợ một khi tình cảm này đã trót nói ra, thì không chỉ cô ấy mà cả mọi người sẽ đối xử "đặc biệt" và dần xa lánh tôi. Sợ tình cảm này sẽ không được đáp trả nên chỉ biết cất giấu mọi xúc cảm vào lòng."
"Tôi sợ những lời phán xét. Sợ phải nghe những lời bông đùa tưởng chừng vô hại nhưng đằng sau là sự tổn thương không hề nhỏ. Sợ bản thân khác biệt với quy chuẩn mà nhiều người cho là đúng đắn."
"Tôi sợ khi lựa chọn làm lại từ đầu ở vị trí mới sẽ phải đánh đổi về thời gian, tiền bạc, những thứ bản thân đang có ở hiện tại, về công sức mà mình đã cố gắng bấy lâu nay. Sợ hướng đi mới liệu có tốt hay không? Hay dù có nhàm chán, thậm chí chẳng vui vẻ gì ở vị trí hiện tại, nhưng ít ra thì nó vẫn là giải pháp an toàn."
"Tôi sợ mình bị tổn thương. Sợ đặt niềm tin vào những điều đã từng đổ vỡ.
Sợ những ngày hạnh phúc lại một lần nữa trở nên đau buồn."
"Tôi sợ những người mình thương yêu sẽ tổn thương. Sợ phụ công mẹ cha đã vất vả gầy dựng cho con cái. Sợ nếu chọn theo lối đi riêng của bản thân sẽ thất bại, ngay từ đầu nghe theo cha mẹ có phải tốt hơn không?"
Giờ đây, hãy thử tưởng tượng bạn đang đứng giữa ngã ba đường, một bên là “TÔI MUỐN”, một bên là “NỖI SỢ”, bạn lựa chọn bước đi trên con đường nào? Mạnh dạn theo đuổi ước muốn, dẫu biết rằng sẽ gặp phải ít nhiều sự phản đối, hay lựa chọn chung sống với nỗi sợ hãi, dày vò và đeo bám bạn suốt cả cuộc đời? Bạn không thể thay đổi thế giới, nhưng hoàn toàn có thể lựa chọn con đường mà bạn sẽ đi. Khi bạn mạnh mẽ đi theo tiếng gọi của trái tim, của khát khao chân chính, cho dù kết quả có ra sao đi chăng nữa, bạn sẽ hài lòng vì ít nhất bạn đã đủ can đảm để tự bước đi trên đôi chân mình, thoát ra khỏi chiếc “vỏ ốc” mà bạn vẫn luôn tự tạo, hơn là sống hoài phí cả cuộc đời, không dám làm gì.
Bây giờ, bạn có trả lời được câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi đặt ra: khi trên cơ thể còn vương lại những nhịp thở cuối cùng, con người ta sẽ hối tiếc và trăn trở về những điều gì nhất không? Câu trả lời có lẽ xin để mỗi người tự suy ngẫm, chỉ xin trích dẫn một câu nói của Mark Twain mà tôi vẫn luôn thấm thía: “Hai mươi năm sau, bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn.”
Còn nếu chưa trả lời được, không sao cả, vì đã có chúng tôi. Chiến dịch sẽ có một sự kiện diễn ra vào ngày 9/11/2016 từ 8h30 đến 10h30 và 14h30 đến 16h cùng ngày tại hành lang B008 cơ sở B Đại học Kinh tế TP.HCM. Và tất nhiên sẽ chào đón tất cả các bạn sinh viên đại học Kinh tế TP.HCM cùng đến tham dự. Còn chần chừ gì nữa mà không nhanh tay hưởng ứng chiến dịch thật ý nghĩa như thế này!
Như Ý
S Communications
www.UEHenter.com