[CTXH 2017] Chúng Con Muốn Được Đi Học

Nếu có ông bụt hiện lên và cho em điều ước, em sẽ ước gì ? “ Em chỉ ước em có thể tiếp tục đi học”. Câu trả lời ngô nghê, đầy hồn nhiên là thế nhưng lại dấy lên trong tim mỗi người chúng ta một cảm xúc khó tả. Liệu rằng phép màu đó có xuất hiện, liệu rằng điều ước của các em có thể thành sự thật hay không?

Trường tiểu học Tân Hiệp thuộc xã Tân Hiệp, tỉnh Long An là ngôi trường đặc biệt nhất của tỉnh khi hầu hết học sinh đều có gia đình thuộc diện khó khăn. Mỗi bé đều có hoàn cảnh riêng đặc biệt mà càng tìm hiểu sâu, chúng tôi lại càng thấy xúc động. Khi được hỏi “Nếu bây giờ xuất hiện một ông bụt cho các em một điều ước, các em sẽ ước điều gì?”  thì tất cả các bé đều mong muốn được tiếp tục đi học. Có lẽ vì với nhiều em, con đường học tập của các em sẽ dừng lại sau năm học lớp Năm.

Về điều kiện vật chất của nhà trường, mặc dù trường đã được hỗ trợ kinh phí để xây mới lại trường nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn mà nhà trường phải đối mặt. Điểm đặc biệt nhất là trường Tiểu học Tân Hiệp được chia thành nhiều cụm nhỏ, mỗi cụm cách nhau khoảng vài km để thuận tiện hơn cho các em học sinh đến trường. Nhà em nào gần trường ở cụm nào thì sẽ đến đó học. Bên cạnh đó, trường vẫn phải duy trì hình thức “ lớp học ghép” vì không thể trang bị đủ số lớp học và giáo viên cần thiết. Cả lớp học được chia thành hai phần, một bên lớp Một, một bên lớp Hai. Điều này rất khó cho các em trong việc tiếp thu được bài giảng một cách tốt nhất.

Ngoài ra, trường còn phải đối diện với những khó khăn riêng như việc hoàn tất bếp ăn để phục vụ bữa ăn trưa cho các em, thiếu phòng đọc sách,… Mặc dù nhà trường và đội ngũ giáo viên cũng đã cố gắng hết sức nhưng với khả năng hiện có của họ, lo được cho các em không bỏ học giữa chừng thì đã là quá sức rồi.

Còn về các em học sinh, khó khăn lại càng nhân lên gấp bội. Thật khó có thể tưởng tượng hằng ngày các em phải vượt qua một đoạn đường khá xa để đến trường, có em phải đi bộ hơn 1,5 giờ đồng hồ trên những con đường đất đỏ, sình lầy, những cây cầu tạm bợ dường như có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, nguy hiểm nối tiếp nguy hiểm. Vì nhà khó khăn nên những lúc ở trường các em có khi phải nhịn ăn trưa hoặc chỉ ăn tạm bánh mì, uống nước rồi lại tiếp tục học buổi chiều. Tất cả sách vở, bút viết mà các em dùng đều là những món đồ mọi người hỗ trợ. Các em cố gắng sử dụng nó một cách tiết kiệm nhất vì nếu hết tập, hết bút, ba mẹ các em cũng không đủ điều kiện để mua cho các em. Khó khăn là thế nhưng em nào cũng rất chăm chỉ học tập. Nếu không thể đến trường thường xuyên thì các em tranh thủ làm bài ở nhà rồi lên nhờ thầy cô sửa bài. Mỗi bé đều rất trân trọng khoảng thời gian được đi học, khó khăn vất vả bao nhiêu cũng được, các em chỉ cần đến lớp với thầy cô, bạn bè là đã thấy vui rồi. Thật sự chúng tôi không dám nghĩ tiếp khi các em lên cấp hai, trường trung học cơ sở xa nhà đến 20km, học phí cũng cao hơn bậc tiểu học, liệu còn được bao nhiêu phụ huynh đồng ý cho con mình tiếp tục đến trường…

Những điều ước trong em

Có dịp gặp gỡ và tìm hiểu về hoàn cảnh của một số em học sinh ở đây, chúng tôi lại càng  thấy thương các em nhiều hơn.

Em Lê Như Ngà – học sinh lớp 2B – K61 trường Tiểu học Tân Hiệp. Nhà em Ngà thuộc dạng gia đình khó khăn, ba mẹ em làm nông là chủ yếu, ai kêu gì thì làm đó, thu nhập không ổn định. Ba mẹ em cũng chỉ có thể trồng cây, nuôi thêm gà, dê sau nhà để cải thiện thu nhập cho gia đình. Vì thu nhập khá khó khăn nên cả nhà thường rơi vào tình trạng thiếu gạo, thiếu đồ ăn phải nhịn đói cho qua bữa. Nhà em không có điện để sử dụng, chỉ dùng bình acquy cũ thay thế qua ngày.  Con đường đến trường của Ngà còn đặc biệt hơn các bạn khác. Cả gia đình có tài sản duy nhất là chiếc xe đạp của ba, hằng ngày ba đưa Ngà đến trường trên chiếc xe cũ ấy. Những ngày trời mưa, con đường vào nhà trở nên bùn lầy nên ba chở em vào nhà bằng ghe. Thế nhưng Ngà rất chăm học, không những vậy em còn biết nấu cơm, phụ giúp ba mẹ việc nhà. Khi được hỏi em mong muốn nhất điều gì hiện tại, em chỉ ước một điều đơn giản : “Em mong ba mẹ được khoẻ và em có thể tiếp tục đến trường”.

Một hoàn cảnh khó khăn khác là em Nguyễn Văn Minh – học sinh lớp 2CB của trường. Nhà Minh cũng đặc biệt rất khó khăn và thiếu thốn. Nhà em đang ở cũng là nhà người khác cho gia đình em ở nhờ, sống tạm bợ qua ngày. Ba mẹ Minh hằng ngày mặc dù làm việc vất vả suốt ngày tháng trong rừng tràm nhưng vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống. Thiếu điện, thiếu cái ăn với em là chuyện thường ngày, thậm chí là còn thiếu nước. Mùa mưa thì cả nhà múc nước sông để sinh hoạt và uống, xong lại phải gom góp nước để dành cho mùa khô dùng. Trên con đường từ nhà đến trường, Minh phải đi qua nhiều cây cầu tạm bợ. Em kể có những khi cầu gãy khi em đang đi, té xuống sông ướt hết quần áo, sách vở cũng là chuyện thường. Với Minh, gia đình chỉ có thể gắng gượng cho em học hết lớp Năm, không thể tiếp tục lên được cấp 2 phần vì nhà xa, phần gia đình còn cần hơn sức lao động của em để phụ giúp trang trải đời sống. Minh cũng chỉ mong sao em có thể được tiếp tục đến trường cùng bạn bè, thầy cô, sống đúng tuổi của mình, không phải lo lắng, gánh vác khi còn quá nhỏ.

Có lẽ Minh và Ngà còn may mắn hơn em Võ Thị Lê Hoài lớp 1 ĐK vì còn được sống chung cùng ba mẹ. Ba mẹ Hoài đi làm ăn xa tận Đức Hoà – Long An nên em ở với nhà ông bà. Chỉ có dịp lễ nào thật lớn thì ba mẹ mới về thăm em. Vì ông và bà cũng đã lớn tuổi, ông hơn 90 tuổi, còn bà thì một bên mắt bị mờ không thấy đường nên Hoài tự đến trường bằng xe đạp. Gia đình em thuộc diện Cách Mạng nên cũng có nhiều khó khăn. Nhưng Hoài vốn là một cô bé rất tự lập, em cố gắng tự lo cho mình để ông bà không phải chăm sóc em nhiều. Hoài cũng rất siêng năng trong việc học, luôn cố gắng làm hết bài cô giao. Với em, điều ước đơn giản nhất là ông bà em được khoẻ mạnh và em có thể tiếp tục được đi học.

Điều ước mang tên hi vọng

Với những khó khăn của trường và của riêng các em học sinh, trong đợt CTXH thăm các em lần này, Những việc chúng tôi có thể làm là bổ sung thêm sách cho phòng đọc ở trường của các em từ nhiều nguồn quyên góp khác nhau, bổ sung thêm dụng cụ nấu ăn cho bếp ăn của trường và trao những phần học bổng, phần quà Tết nho nhỏ gửi đến các em học sinh. Là sinh viên, việc mà chúng tôi có thể làm để giúp các em có lẽ phần nhiều là ở tinh thần, mang đến cho các em một ngày vui chơi thoải mái, để các em có thể trở về đúng với lứa tuổi của mình, hồn nhiên, vô tư vô lo.

Nếu có một điều ước dành riêng cho cả ba em Hoài, Minh và Ngà, chúng tôi cũng như tất cả mọi người mong sao các em có thể bước tiếp trên con đường học tập của mình, để đến với một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước. Không chỉ riêng ba em, còn đó rất nhiều, rất nhiều các em học sinh khác ở trường cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bỏ học, nghỉ học sau lớp Năm. Các em đã và đang rất cần sự quan tâm, động viên từ nhiều nhà hảo tâm để có thể hoàn thành ước mơ của mình. Với chúng ta, sự giúp đỡ đó có thể không lớn lao nhưng với các em là cả bầu trời hy vọng. Chúng tôi rất mong sẽ nhận được thêm nhiều sự giúp đỡ từ những nhà hảo tâm và chia sẻ phần nào nỗi lo dành cho các em.

Xuân Hà
S Communications
www.UEHenter.com