Bạn đã bỏ lỡ điều gì vì sự vô cảm của mình?

“Một thương nhân giàu có tổ chức một buổi tiệc mời mọi người trong làng đến và yêu cầu người giúp việc đếm xem có bao nhiêu người đến dự.

Anh giúp việc bèn mang một khúc gỗ để ở cửa và núp vào một bên để đếm. Lần lượt, rất nhiều người đi qua, có người vấp phải khúc gỗ té lăn ra, có người bước qua. Họ lẩm nhẩm thầm trách ai đã để khúc gỗ ở cửa. Đến cuối buổi, có một bà lão ăn xin vấp phải liền quay laị, cúi xuống bê khúc gỗ đi.

Buổi tiệc kết thúc, chủ nhà hỏi: “Hôm nay có bao nhiêu người đến dự?”

Người giúp việc đáp :
– Dạ có 1 người ạ.
– Mày điên à? Thế bao nhiêu người kia là gì?
– Là cừu cả ạ.
– Tại sao lại thế?
– Dạ tại con để khúc gỗ ngang cửa, lũ cừu đi qua vấp phải, quay lại nhìn rồi lại cúi mặt đi tiếp, chỉ có một bà lão ăn xin bê khúc gỗ đi. Dạ, thực là chỉ có một người.”

–         Truyện Ngụ ngôn của La Fontaine      –

Câu chuyện của những chú cừu …

Trong cuộc sống thường nhật, có thể chúng ta sẽ thường xuyên bắt gặp những “khúc gỗ” chướng tai gai mắt nhan nhản khắp nơi, nhưng có mấy ai chịu đứng ra dọn dẹp những “khúc gỗ” đó? Phần lớn mọi người chọn cách giải quyết của những chú cừu, nhảy qua và làm lơ nó. Trong tiềm thức của những chú cừu, giải quyết những “khúc gỗ” là công việc vừa làm mất thời gian, vừa tổn hao sức lực và quan trọng nhất: đó không-phải-là-việc-của-nó. Cũng có vài chú cừu nghĩ rằng: “Nếu mình không làm cũng sẽ có người khác làm”. Một số khác lại nghĩ: “Biết đâu khi mình đẩy khúc gỗ đó, mình sẽ bị thương thì sao?” “Mình không thể làm được gì!” Cho nên, đôi khi thái độ thờ ơ đó đến từ bản năng tự vệ tự nhiên.

… câu chuyện của chúng ta

Xã hội ngày càng phát triển cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chúng ta sớm được tiếp xúc với các loại hình giải trí dễ gây nghiện như games online hay thế giới ảo làm cho cảm xúc bị chai lỳ. Ngoài ra, việc đua đòi theo bạn bè, thần tượng mà không phân biệt được tốt xấu cũng góp phần tác động đến lối sống, nhân cách và thái độ của giới trẻ.

Chúng ta không lạ gì những câu chuyện con vô lễ với cha mẹ vì bảo vệ thần tượng của mình. Những bạn trẻ trong câu chuyện đó thường xuất phát từ những gia đình khá giả, có điều kiện, được cha mẹ chăm lo đầy đủ về vật chất nhưng thiếu sự quan tâm đúng cách của gia đình. Vì quá tập trung vào việc kiếm tiền và nâng cao vị thế xã hội, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rất đơn giản rằng cung cấp mọi thứ con mình yêu cầu là đủ. Chính vì suy nghĩ và hành động đó, vô hình chung họ đã dạy cho con mình cách làm ngơ trước cuộc sống bắt đầu bằng bài học từ sự vô tâm.

Cha mẹ vô tâm với con cái, con cái vô tâm với cha mẹ và vô cảm với xã hội. Mọi nguyên nhân thường bắt đầu từ gia đình. Nếu bạn may mắn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ gia đình mình thì đừng vô tâm quên đi điều đó. Chỉ một câu nói yêu thương, một lời hỏi thăm cũng rất rất đáng quí rồi. Hãy học cách quan tâm nhiều hơn, thể hiện yêu thương đến mọi người bắt đầu từ những người thân yêu nhất của mình nhé! Hãy quan tâm thật nhiều đến cha mẹ mình khi còn có thể, tương lai là thứ ta không thể thấy trước hay nắm bắt được. Đừng để ta thấy hối hận khi nói phải nói lời chia tay!

Cuộc thi về truyền thông Let’s On Air 2013 do Nhóm truyền thông sinh viên S Communications trường Đại học Kinh tế TP.HCM dành cho sinh viên với chủ đề vô cảm. Với mong muốn làm sống dậy trong con người những giá trị của lương tâm, tình yêu thương bản thân và đồng loại, sự hy sinh và trách nhiệm với xã hội. Cuộc thi mang đến một sân chơi cho những người trẻ thích truyền thông và muốn đóng góp sức mình cho sự tốt đẹp của xã hội.

Đơn vị tài trợ và đồng hành cùng chương trình

LOA - Let's On Air

 

Thanh Mai
uehenter.vn
S Communications