Là một quốc gia nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, Cyprus (Síp) đứng thứ 162 về diện tích (9.251 km2) và là nước có dân số 1,1 triệu người (xếp thứ 159) trên thế giới. Đây cũng là một trong 17 quốc gia nằm trong khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Trong thời gian gần đây, quốc gia này đã làm thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là khu vực Eurozone rúng động khi đứng trước nguy cơ vỡ nợ và lâm vào cảnh phá sản.
1. Thiên đường tài chính
Giành độc lập từ Anh năm 1960, Síp đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế to lớn, trong đó đáng chú ý là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chỗ phụ thuộc vào nông nghiệp sang công nghiệp nhẹ và dịch vụ. Năm 2001, Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đã xếp Síp vào danh sách các nền kinh tế tiên tiến, Ngân hàng thế giới (WB) cũng phân loại rằng đây là một trong những nền kinh tế có thu nhập cao, với mức thu nhập bình quân đầu người ước khoảng hơn 30.000 USD/năm.
Trong giai đoạn từ những năm 80 của thế kỉ trước, đặc biệt từ giữa năm 90 đà tăng trưởng của Síp bắt đầu chững lại do khả năng cạnh tranh của ngành du lịch bị giảm và sự trì trệ của ngành công nghiệp. Nếu trong giai đoạn bùng nổ kinh tế, tốc độ tăng trưởng của Síp bình quân 6,1%/ năm thì sau thời kì này đã giảm từ 9,7% (năm 1992) xuống còn 1,9% (năm 1996) và 2,3% (năm 1997). Mặc dù vậy nhưng cũng từ thách thức này, thế giới xuất hiện thêm một “Thiên đường tài chính”.
Chính phủ Síp đã tiến hành các cuộc cải cách cơ cấu để vực dậy nền kinh tế. Tiêu biểu trong đó là biến quốc gia này thành cửa ngõ cho các dòng vốn đầu tư từ Tây Âu vào khu vực Trung Âu, Đông Âu, Nga; ngược lại giới kinh doanh bên ngoài EU cũng sử dụng quốc đảo này như cửa ngõ để xâm nhập châu Âu. Chính yếu tố này cũng đã giải thích một phần lý do vì sao, mặc dù chỉ xếp thứ hạng 15/17 trong nền kinh tế khu vực eurozone (chiếm 0,2%) nhưng nguy cơ vỡ nợ của Síp lại có tính đe dọa lớn đến sự tồn tại của đồng Euro.
Điều kiện thứ hai khiến Síp thu hút được dòng vốn lớn chính là ở những quy định tài chính thoáng và thuế suất thuế công ty thấp. “Miếng mật” này có sức hấp dẫn rất lớn đối với giới kinh doanh của nhiều nước (đặc biệt là Nga, vì hệ thống ngân hàng của nước này chưa thật sự tốt), giúp Síp biến ước mơ “Thiên đường tài chính” thành sự thật. Ngành dịch vụ tài chính nhờ đó cũng nổi lên, trở thành ngành quan trọng nhất ở quốc đảo này, các ngân hàng của Síp nắm giữ lượng tài sản lớn gấp tám lần quy mô nền kinh tế nội địa.
Tỷ lệ đóng góp của các khu vực vào quy mô tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại thì ưu điểm trên lại chính là sợi dây thòng lọng siết cổ các ông lớn nắm giữ nền tài chính ở Síp, đặc biệt là sau khi chính phủ nhận được gói cứu trợ kèm theo những điều kiện của bộ ba ông chủ IMF, EU, ECB.
Cuộc chơi đã diễn ra như thế nào?
2. Quân cờ domino thứ 5
Tình hình bắt đầu nghiêm trọng vào năm 2010, khi khủng hoảng nợ công Châu Âu diễn ra với điểm bùng phát đầu tiên là Hy Lạp. Ngay sau đó, đât nước của các vị thần này đã cầu cứu EU và IMF thông qua gói cứu trợ 110 tỷ euro. Sự việc ngày càng tồi tệ khi lần lượt các quốc gia Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Và Síp là quân cờ domino thứ 5- nạn nhân thứ 5- phải xin cứu trợ khi đang ngấp nghé bên bờ vực phá sản.
Vào tháng 8/2011, Síp đã thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng nhằm ổn định nền kinh tế nhưng không đủ sức hạ thâm hụt ngân sách theo mục tiêu đã đề ra. Đến ngày 25/6/2012, Síp chính thức trở thành nước thứ 5 trong khu vực (Eurozone) phải xin cứu trợ từ Qũy Bình ổn tài chính châu Âu. Kế hoạch cứu trợ đã được đưa ra nhưng vấp phải một trở ngại, đó là chính quyền của Tổng thống Demetris Christofias từ chối thực hiện các biện pháp khắt khe của chủ nợ đặt ra, khiến vòng đàm phán rơi vào bế tắc.
Nút thắt chỉ thực sự được tháo gỡ khi bàn cờ chính trị bắt đầu xoay chuyển tình thế, sau cuộc bầu cử Tổng thống mới Nicos Anastasiades diễn ra vào ngày 28/2/2013. Vòng đám phán đã được khởi động trở lại và diễn ra khá suôn sẻ.
Ngày 16/3/2013, các bộ trưởng bộ tài chính khu vực Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cung cấp cho Síp gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro, so với con số 17,5 tỷ như mong muốn của Síp. Và, điều kiện để giành được số tiền trên là: (1) Chính phủ phải tiến hành thu nhỏ các ngân hàng gặp khó khăn, tư hữu hóa một số tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, (2) tăng tỷ lệ thuế công ty trên danh nghĩa thêm 2,5% lên 12,5%, (3) áp thuế một lần duy nhất ở mức 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro và 6,75% đối với các khoản tiền gửi có giá trị thấp hơn tại các ngân hàng.
Và lần này, cuộc chiến thực sự đã xảy ra, khi Síp nhận được những phản ứng gay gắt từ chính những người dân trong nước.
3. Những điều kiện ngặt nghèo.
Không còn là thiên đường tài chính.
Mặc dù nhận được gói cứu trợ nhưng trong các cam kết thỏa thuận với bộ ba chủ nợ có thể khiến Síp mất đi vị thế của một “thiên đường tài chính”.
Theo đó, Chính phủ Síp sẽ phải tư hữu hóa các tài sản nhà nước, tái cơ cấu các khoản nợ công hoặc nợ ngân hàng hiện nay, tăng thuế suất thuế công ty từ mức 10% hiện nay lên 12,5% và thuế thu nhập đối với thu nhập về vốn lên 28% và đặc biệt là chấp nhận một cuộc kiểm tra độc lập liên quan tới các nỗ lực chống rửa tiền của các tổ chức tài chính trong nước.
Những cam kết này có thể sẽ khiến các dòng vốn nước ngoài, nhất là từ Nga, không còn mặn mà với Síp và chảy sang các “thiên đường tài chính” khác.
Bên cạnh đó, theo yêu cầu của EU, Síp phải “thu hẹp một cách thích đáng quy mô của ngành tài chính và hệ thống ngân hàng trong nước phải đạt chuẩn mực chung của EU vào năm 2018”. Cam kết này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành dịch vụ nói chung, vốn đang đóng góp gần 80% GDP và tạo việc làm cho hơn 70% số người trong lực lượng lao động ở Síp, và ngành dịch vụ tài chính nói riêng, và làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp ở nước này.
Đánh thuế trên tiền gửi tiết kiệm?
Nếu chúng ta để ý, cách đây hơn một tháng, người dân Việt Nam đã hết sức hoang mang khi có đề xuất nên đánh thuế vào lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng. Khi đó, người phát ngôn câu nói này đã nhận không ít “gạch đá” từ người dân cũng như hàng chục bài báo khen chê có đủ, mặc dù đó mới chỉ là đề xuất và cũng chỉ là đánh thuế trên lãi của tiền gửi tiết kiệm.
Cho nên bạn cũng đừng thắc mắc khi chứng kiến cảnh người dân Síp đổ xô đi rút tiền sau khi nghe thông tin có thể áp thuế một lần duy nhất ở mức 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro và 6,75% đối với các khoản tiền gửi có giá trị thấp hơn. Yêu cầu này liên quan trực tiếp tới quyền lợi của họ và nó dẫn đến hệ quả là có thể làm sụp đổ hệ thống tài chính ở Síp trong nay mai.
Người dân Síp xếp hàng dài chờ rút tiền ở Laiki Bank
Một nguy cơ nữa là quyết định đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không chỉ tạo nên làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng mà còn có thể làm bùng phát làn sóng rút tiền khắp châu Âu và thậm chí làm sụp đổ hàng loạt các ngân hàng.
Đồng thời, điều kiện này của bộ ba chủ nợ cũng làm các quốc gia khác trong khu vực Eurozone lo ngại, đặc biệt là Hy Lạp, Tây Ban Nha. Đây là lần đầu tiên Liên minh châu Âu đặt ra các điều khoản đánh thuế đối với những người gửi tiền trong một gói giải cứu. Điều này có thể sẽ trở thành tiền lệ xấu mà những nước đang gặp khó khăn tài chính sẽ gặp phải khi muốn xin cứu trợ từ các nhà cho vay quốc tế.
Đứng trước nguy cơ dòng vốn đang tháo chạy ra khỏi đất nước nên ngày 19/3, Chính phủ Síp đã bác bỏ kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Và tiến tới thương lượng “Kế hoạch B”.
4. Gói cứu trợ và cái giá phải trả
Sáng ngày 25/3, Cộng hòa Síp đã đạt được thỏa thuận với bộ ba chủ nợ IMF, EU, ECB về gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro. Gói này khá khiêm tốn so với những thỏa thuận trước đó giành cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Tổng 2 gói cứu trợ mà Hy Lạp nhận được có giá trị 246 tỷ euro – tương đương 110% GDP. Tuy nhiên, điều đặc biệt là khoản dành cho Síp là gói cứu trợ đầu tiên ảnh hưởng đến các khoản tiền gửi tiết kiệm có giá trị trên 100.000 euro tại các ngân hàng.
Biểu đồ tóm tắt 5 gói cứu trợ được Eurozone tung ra
Theo yêu cầu do các chủ nợ đặt ra thì tất cả các khoản tiền gửi có trị giá dưới 100.000 euro sẽ được bảo đảm và bảo lãnh của Nhà nước Síp. Các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại Laiki, vốn không được đảm bảo theo luật pháp của EU, sẽ bị phong toả và sử dụng để giải quyết nợ của Laiki và tái cơ cấu BoC thông qua cơ chế chuyển đổi tiền gửi thành cổ phần.
Tổng giá trị của các khoản tiền gửi bị phong tỏa ước tính lên tới 4,2 tỷ euro. Chủ sở hữu của các khoản tiền gửi này sẽ bị thiệt hại từ 30% đến 40%, cao hơn rất nhiều so với mức thuế 9,9% mà Síp dự định đánh vào các khoản tiền gửi này.
Đồng thời, ngân hàng lớn thứ nhì của Cyprus là Laiki Bank, sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Ngân hàng lớn nhất nước này là Bank of Cyprus (BoC) sẽ tiếp quản 9 tỷ euro thanh khoản khẩn cấp do ECB cung cấp cùng với các tài sản lành mạnh từ Laiki, bao gồm cả các khoản tiền gửi có trị giá dưới 100.000 euro, để trở thành “ngân hàng tốt”. Các tài sản chưa được xử lý của Laiki sẽ được chuyển thành “ngân hàng xấu” để xử lý.
Hai người Síp giả chết, biểu tình phản đối gói cứu trợ. Họ mang tấm biển “Các người đang giết chúng tôi“.
Laiki bị đóng cửa, đồng nghĩa với việc hàng nghìn người sẽ mất việc, và đã có khoảng 200 nhân viên ngân hàng đã tụ tập biểu tình phản đối yêu cầu này. “Bộ ba chủ nợ hãy biến khỏi Síp”, “Các người đang giết chết chúng tôi“…là những khẩu hiệu phổ biến của người biểu tình phản đối gói cứu trợ.
Đồng thời, một trong những điều kiện của gói thỏa thuận mà IMF yêu cầu là không cần Quốc hội Síp thông qua. Đây được cho là động thái của các chủ nợ nhằm ép tổng thống mới Anastasiades phải nhường bước khi quyết liệt bảo vệ mô hình kinh tế của đất nước như một trung tâm tài chính riêng biệt, thu hút những khoản tiền gửi lớn từ nhiều người Nga và người Anh giàu có. Ông cũng từng dọa sẽ từ chức vì bị các tổ chức cho vay này ép buộc.
Sáng ngày 25/3, thị trường chứng khoán châu Âu tăng điểm sau thông báo về kế hoạch cứu trợ cho Cộng hòa Síp. Tuy nhiên sau đó, các chỉ số lại đồng loạt sụt giảm khi Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu Jeroen Dijsselbloem cho rằng, trong tương lai, “mô hình hỗ trợ” Cộng hòa Síp có thể được áp dụng ra các nền kinh tế đang gặp khó khăn khác ở khu vực đồng Euro. Cũng theo ông Dijsselbloem, Liên minh châu Âu có thể sẽ không cứu các ngân hàng gặp khó khăn quá lớn.
Ngày 27/3, giám đốc ngân hàng trung ương của Síp đã bị sa thải theo lệnh của Thống đốc ngân hàng trung ương – một phần trong thỏa thuận cứu trợ quốc tế của bộ ba chủ nợ. Trước đó một ngày 26/3, Antreas Artemis – Chủ tịch ngân hàng Bank of Cyprus (ngân hàng lớn nhất của Cộng hòa Síp) cũng tuyên bố từ chức. Những sự kiện này cho thấy châu Âu quyết tâm can thiệp mạnh tay vào quốc đảo này, cả về kinh tế lẫn bộ máy chính trị.
Mặc dù hiện nay cuộc khủng hoảng nợ ở Síp đã dần lắng xuống sau khi đạt được gói cứu trợ 10 tỷ euro, đẩy lùi đươc nguy cơ rời khỏi Eurozone nhưng cái giá mà quốc gia này phải trả không hề rẻ. Thất nghiệp gia tăng, bất ổn chính trị, tâm lý hoang mang của người dân, sự xâm nhập mạnh mẽ của những ông lớn trong khu vực,….chắc chắn sẽ khiến quốc đảo này cần một thời gian khá dài để có thể ổn định và lấy lại danh hiệu “Thiên đường tài chính” như trước.
Vân Thảo
uehenter.vn
S Comunications