Với hai bàn tay trắng, họ mang theo một khát vọng tuyệt vời cùng giấc mơ khoác lên mình cà phê Việt một chiếc áo mới, một diện mạo mới, đủ sức khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế. Họ là ai? Đặng Lê Nguyên Vũ? Nguyễn Duy Biểu và cũng có thể đó là chính bạn trong tương lai.
Lớn lên trên một đất nước còn gặp nhiều khó khăn, trên một miền quê là thủ phủ của cà phê. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi. Tại sao đất nước ta lại cứ mãi khó khăn, không theo kịp bạn bè quốc tế? Diện tích chăng? Tài nguyên chăng? Dân số, tuổi đời lịch sử chăng? Không. Hãy nhìn lại Singapore, Hàn, Nhật. Mà câu trả lời thực sự ở đây chính là khát vọng: “khát vọng của chúng ta hình như khá khiêm tốn”.
Chứng kiến cảnh những người trồng cà phê cực lực, nhẫn nại mỗi ngày thiêu da dưới cái nắng trời Tây Nguyên trên nương rẫy nhưng cuộc sống cứ mãi bị cái nghèo theo đuổi.
“Cà phê rất có giá nhưng người trồng cà phê thì lại rất nghèo?”,
“Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi thế giới có nước không trồng được cà phê mà vẫn giàu vì cà phê?”.
Những câu hỏi đó, thắc mắc đó luôn được đặt ra trong đầu người thanh niên trẻ, nung nấu một quyết tâm trong lòng ông.
Từ bỏ giấc mơ bác sĩ, ông lặn lội cùng bạn bè tìm đến giấc mơ cà phê Việt ở tuổi 22. Khởi đầu từ một lò rang cà phê nhỏ, sau vài lần dời địa điểm và sự cản trở của chính quyền địa phương, năm 1996, tại cây số 3 thành phố Buôn Ma Thuột, “đại bản doanh” của hãng cà phê Trung Nguyên ra đời với logo hình một mũi tên chĩa thẳng lên trời một lần nữa khẳng định khát vọng của ông và bạn bè về cà phê Việt.
Việc kinh doanh gặp ngay thất bại trong việc tìm đối tác để mở lò rang xay, chế biến ở Long Xuyên. Nhưng với quyết tâm thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, một cuộc sống mà ông phải cuốc bộ 15 km hằng ngày để đến trường trong suốt 9 năm, không bỏ cuộc, ông và bạn bè chuyển hướng thăm dò thị trường Sài Gòn và chi nhánh Trung Nguyên đầu tiên ra đời tại Sài Gòn với hình thức uống miễn phí trong 10 ngày đã tạo nên một cú hích không chỉ với riêng Trung Nguyên mà còn là cả những người dân ghiền và tâm huyết với cà phê ở Sài Gòn: “Tui uống cà phê ở Sài Gòn đến từng này tuổi nhưng đây là lần đầu tiên được uống cà phê không phải trả tiền”. Giờ đây, Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành một thương hiệu cà phê hàng đầu của Việt Nam, tiềm năng vươn xa trên thế giới. Mỗi khi nhìn lại những ngày tháng gian khổ ông luôn nhớ đến những khoảnh khắc cảm động cùng với bạn bè ngồi dưới gốc cây, qua đêm tại công viên và biết bao nhiêu kỉ niệm khác.
Nhưng ông vẫn muốn giới trẻ ngày nay biết và hiểu một điều là nếu như ngày ấy khát vọng của ông không đủ lớn, tình yêu dành cho cà phê Việt không đủ mạnh, ý chí thoát khỏi cái nghèo không đủ vững thì ngày nay trên thị trường đã không có tên Trung Nguyên. Và đặc biệt một điều là khi khát vọng, tình yêu, ý chí đã đủ lớn thì còn lại là việc bạn có “dám” làm hay không và bạn sẽ làm như thế nào.
Ở một nơi khác, vào một thời gian khác, ngay giữa lòng thủ đô, chàng trai Nguyễn Duy Biểu, sinh viên ngành mỹ thuật, hàng ngày cặm cụi với chiếc xe đạp và thùng xốp lớn với biển hiệu “cà phê dạo” cùng với một ý tưởng độc đáo mang cà phê chất lượng tốt đến cho mọi người chứ không phải là mọi người tìm đến với cà phê: “Quan trọng hơn hết là tụi mình cùng nhau chia sẻ một giá trị cơ bản: đó là việc mang sản phẩm tốt đến với mọi người mà trong trường hợp này là cà phê”.
Với mong muốn đánh thức khẩu vị về cà phê của người dân Việt Nam đang bị những loại cà phê bẩn, bắp rang, pha hóa chất làm hỏng dần. Ý tưởng kinh doanh của anh đã gây được tiếng vang trong xã hội, lượng cà phê bán được tăng rất nhanh qua mỗi ngày, một ý tưởng độc đáo đã được người dân hưởng ứng nhiệt liệt. Điều đó chứng tỏ, trong lòng mỗi người dân Việt đều có một nơi để lưu giữ, tự hào về quê hương mình và với cà phê cũng không ngoại lệ.
Ôm ấp khát vọng, cứ thế người thanh niên hiền lành, chân chất đã tạo dựng một niềm tin về hình ảnh cà phê Arabica- cà phê sạch trong lòng mọi người. Nhanh chóng lau đi những giọt mồ hôi đang lăn xuống đôi gò má mình, anh lại tiếp tục với cuộc hành trình mang một giấc mơ có phần khó khăn trên vai, anh vẫn cười, vẫn làm và cho mọi người thấy được một điều là khát vọng anh đủ mạnh để có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Hãy luôn đặt ra cho mình những câu hỏi vì sao? Đó sẽ là nguồn động lực để bạn thực hiện ước mơ của mình. Cà phê Việt đã lặng im trong khó khăn bấy lâu nay, cà phê Việt đang chờ một ngày được vươn vai đứng dậy một cách tự hào thương hiệu: CÀ PHÊ VIỆT. Đã là Đặng Lê Nguyên Vũ, đang là Nguyễn Duy Biểu và đó cũng có thể là chính bạn_những thanh niên với lý tưởng cà phê từ hai bàn tay trắng.
Nguyễn Công Toại – Sifer
S Communications
uehenter.vn