Khải Đơn – Cái tên vừa lạ vừa quen với độc giả trẻ. Nhắc đến chị, người ta nhớ tới một nhà văn 8x với những tản văn, truyện ngắn vừa mang nét u buồn, vừa lạc quan, lại vừa dồn dập vừa dửng dưng, đôi lúc giản đơn nhưng lại có thể chạm sâu đến xúc cảm người đọc, mới đây nhất là cuốn sách “Đừng tháo xuống nụ cười”. Nói về Khải Đơn, người ta cũng không quên chị là một nhà báo quen thuộc trên nhiều mặt báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên,… với ngòi bút đanh gọn, sâu sắc, thẳng thắn, có những chính kiến rất riêng, chạm đến những vấn đề nóng bỏng cũng như những góc khuất của xã hội.
Chị Khải Đơn đã nói về mình rằng: “Tôi viết báo, kiếm sống bằng nghề viết. Thời gian rảnh tôi viết blog.” Chị muốn bắt đầu câu chuyện tình với chữ nghĩa của mình từ lúc chị còn là một học sinh học văn. “Khi học viết, tôi cảm thấy thỏa mãn với việc được hành động với chữ nghĩa, như một niềm vui tự thân và không có gì cản lại được.” Với một người có đam mê, thì ý nghĩ được kiếm sống bằng nghề viết thật tuyệt: Niềm vui được viết sẽ ở trong cuộc sống hằng ngày, diễn ra đều đặn, chị Khải Đơn chọn việc viết cũng vì thế.
Nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê viết lách trên cả mảnh đất báo chí và văn học. Cùng là một người, nhưng ở hai vai trò khác nhau Khải Đơn lại mang những nét tính cách riêng biệt. Với việc viết văn, chị coi bạn đọc là người trò chuyện, và muốn mình sáng tạo nhiều hơn với thế giới tưởng tượng hay cảm giác của mình. Nhưng với công việc báo chí, vai trò của một nhà báo là cung cấp thông tin cho người đọc cùng với tòa soạn. “Tôi tôn trọng công việc và cho rằng ứng xử của một phóng viên phải chuyên nghiệp, là thông tin, phỏng vấn, cũng như các tương tác với nhân vật mình gặp cũng như tòa soạn của mình.” Chính vì thế, việc viết báo hoàn toàn không giống viết văn, nó có những nguyên tắc và những đòi hỏi về thông tin một cách nghiêm ngặc.
Tuy nhiên, có một điểm chung mà một nhà văn, một nhà báo, hay bất cứ một người nào cũng luôn cần và luôn tìm kiếm: sự trải nghiệm. Khải Đơn tìm điều đó qua những chuyến đi. Chị tin rằng, đi là cách để nhìn thế giới rộng lượng và bớt cực đoan, cũng như tìm kiếm những tiếng nói mới. “Nếu ở nhà, ta chỉ nhìn mọi thứ bằng 1 lăng kính, thì đi nhiều là để có thêm lăng kính mới. Sự trưởng thành duy nhất mà tôi nghĩ mình đã tìm được qua các chuyến đi là sự bình tĩnh khi muốn so sánh một điều gì đó. Đi để tìm kiếm sự tử tế và cảm nhận những xung động chung mà con người, vượt qua những hằn học và ác cảm biên giới, sẽ đều hành động giống nhau.
“Con người chỉ nhìn những thứ họ muốn” – đó là một quan điểm rất cũ về thông tin mà phương Tây từng nói. Khải Đơn tin rằng điều đó là đúng, nhất là ở những nơi mà cảm tính lớn hơn tư duy và nhận thức tri thức. Ở nơi nào, số người hiểu thực sự về phương pháp đọc vị thông tin càng ít, thì việc họ bị dắt mũi bởi truyền thông càng dễ và càng vô lý.
Nói về phương pháp đọc vị thông tin, chị Khải Đơn chia sẻ: “Việc đọc phải dựa trên thông tin thuần tuý, thông tin được kiểm chứng và chịu trách nhiệm, thông tin có sự giám sát độc lập, thông tin có phối kiểm và giám sát phối kiểm. Tất cả những loại thông tin khác một số cách kể trên đều là thông tin tuyên truyền.
Hãy lấy một ví dụ, bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình lại xem nhiều feed video như vậy của Facebook mỗi ngày? Kì thực, bạn đang được “cho ăn” bởi 1 thứ mà Facebook muốn chứ không phải thông tin quan trọng với bạn. Và nhắc lại, truyền thông và báo chí sẽ luôn dắt mũi bạn nếu bạn là người không tự mình phối kiểm thông tin.
Nói về cách sàng lọc và tiếp nhận thông tin của giới trẻ hiện nay, chị cho rằng giới trẻ đang bước vào giai đoạn phản biện mọi thứ, nhưng lại thiếu công cụ và phương pháp để phản biện. “Thời của tôi, đứa nào phản biện thì đứa đó là kẻ quá mức dị biệt. Bây giờ mọi người đã suy nghĩ và tìm cách phản biện. Đó là dấu hiệu cực kỳ tốt của một thế hệ có đòi hỏi thông tin trình độ cao hơn và khả năng cải thiện thông tin trên các kênh tố hơn.” Chị Khải Đơn tin rằng phản biện là cách để mọi người hiểu hơn về vấn đề, để dư luận chia sẻ sự hiểu biết vấn đề cũng như tìm kiếm cách giải quyết, hay cải thiện tư duy xã hội về vấn đề đó.
Tuy nhiên, điểm yếu ở đây là phương pháp tư duy và phương pháp phản biện. Phản biện chưa hoàn chỉnh dẫn đến chuyện sinh ra tranh cãi vô giá trị, bắt nạt bằng lời nói, mạt sát cá nhân, sỉ nhục và làm tổn thương cá nhân, nhiều hơn là giúp cải thiện tư duy và hành động xã hội, dẫn đến phản biện vô tác dụng.
Trở lại chủ đề của Let’s On Air 2016: “Giữa dòng dư luận – Bạn dám khác biệt?”, BGK Khải Đơn chia sẻ: “Sự khác biệt duy nhất mà tôi tin là quan trọng với một người phản biện hay yêu thích việc dùng mạng xã hội để bày tỏ ý kiến, đó là: những ý kiến họ nói ra là phản biện cẩn trọng, cần thiết, là thông tin hữu ích dành cho độc giả và cộng đồng, chứ không phải là tận dụng khả năng để lôi kéo người đọc theo mình.” Khải Đơn với cương vị một BGK có đôi lời nhắn nhủ tới các bạn: “Tôi mong muốn các bạn coi việc đọc vị thông tin, tìm kiếm phương pháp tranh luận đúng là mục đích của việc viết và đọc mỗi ngày” Thông tin chuẩn mực, tử tế là cách chúng ta có thể giúp được bạn bè, cộng đồng cũng như nhân vật của mình. Đừng dùng khả năng đó vào việc lôi kéo đám đông theo ý của bạn, dù bạn không tin vào sự thật mình đang viết ra đó.
_________
Chương trình được thực hiện bởi Nhóm Truyền thông Sinh viên (S Communications) – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và được đồng hành bởi nhãn hàng Snack Khoai Tây Poca – Công Ty TNHH Thực Phẩm PepsiCo Việt Nam.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ CHIẾN LƯỢC:
Nhãn hàng Snack Khoai Tây Poca – Công Ty TNHH Thực Phẩm PepsiCo Việt Nam.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ HỌC BỔNG:
Trường Đào tạo Mỹ Thuật Đa Phương tiện FPT-Arena Multimedia.
Viện Ngôn Ngữ – Quốc Tế Học (ILACS).
ĐƠN VỊ BẢO TRỢ TRUYỀN THÔNG:
Kenh14.vn, RGB.vn, Designs.vn, Barcode Magazine, YBOX.vn, FTUNEWS, KKC Channel.
ĐƠN VỊ HỖ TRỢ TRUYỀN THÔNG:
Brands Vietnam, STDT Communications, CLB Phóng viên trẻ – trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM), FTU Zone, Margroup, BK Media.
Anh Thi
S Communications
www.UEHenter.com