[CDTN SVKT 2017] Hôm Qua Bình Phước Là Nhà

Hạt nắng nghịch ngợm trèo qua thanh chắn cửa sổ, chui qua mấy vết rách trên tấm rèm che in hoa đã bạc màu, xồng xộc xông vào lớp. Hạt nắng nhón chân, đậu nhẹ lên mái tóc tơ xoăn tít của một bé gái người Xtiêng đang chăm chú viết bài. Và ngay dưới mái tóc ấy là một đôi mắt biếc xanh. Nhè nhẹ. Dịu êm. Trưa không còn oi bức. Mùa hè này tôi không chọn ánh đèn thành thị rực rỡ. Mùa hè này tôi chọn một màu xanh. Mùa hè xanh đầu tiên của tôi.

Bình Phước đón chúng tôi bằng một trận mưa thật lớn…

…Tổng Cui Lớn – Căn nhà số 63 – Nhà Tắm – Mùa hè xanh đầu tiên của tôi!

Len lỏi đâu đó là chút háo hức, mong chờ của những chàng trai cô gái trên chuyến xe tình nguyện về với miền đất đỏ Bình Phước. Căn nhà mà một tháng tới đây tôi sẽ ở nó như thế nào? Và chúng tôi sẽ làm được gì cho bà con suốt 25 ngày xanh ấy? Chiếc xe khách trĩu nặng đồ đạc và hành lí, mang theo tấm lòng của những đứa con Sài Gòn cứ mải miết lăn bánh. Và chẳng mấy chốc, Bình Phước ở ngay đây rồi.

Một cơn mưa rất lớn đã ập đến ngay giữa lúc chúng tôi dọn dẹp đồ để di chuyển về căn nhà số 63 – căn nhà cũ mà chú trưởng ấp đã cho chúng tôi mượn. Con đường đất đỏ ngoằn nghèo, nhỏ hẹp, giờ lại còn lầy lội, ngập màu nước đỏ trong mưa. Căn nhà bé nhỏ chìm trong màn mưa, khép nép giữa mấy bề cao su. Căn nhà này một tháng tới là của chúng tôi, và chính chúng tôi sẽ xây đắp, sẽ bảo vệ và yêu thương nó. Đấy, cùng với tiếng mưa rơi rả rích trên bạt ngàn cao su, 25 ngày xanh của chúng tôi đã bắt đầu bên nhau an nhiên như thế…

Người ta gọi nhà mùa hè xanh là một gia đình…

… một gia đình có nội, có tía, má, có hai, ba, năm, sáu, và hai đứa út.

Ngày nào cũng vậy, cứ 5h sáng, tám con người tại căn nhà số 63 sẽ bất ngờ tỉnh giấc khi nghe tiếng Má Chải gọi: “Mọi người ơi dậy đi! Dậy đi mọi người ơi!”. Buổi sớm ở Bình Phước thường se lạnh chứ chả bao giờ mưa. Làn khói tỏa ra từ bếp lửa sớm hòa vào sương, len lỏi cả vào tim. Trong lành tựa thủy tinh. Nhưng cũng ấm áp vô cùng. Hai người nấu đồ ăn sáng, hai người đi chợ, hai người dọn dẹp và ba người giặt đồ. Dây phơi mắc từ cửa sổ ra nhành cây, ngày nào cũng xanh xanh một màu. Chợ cách đó tầm nửa cây số. Gọi là chợ cho vui vậy thôi, chẳng qua là một cái hàng bán đồ nhỏ của một cô trong ấp. Chắc giờ cô cũng đã quen cứ 6h15, trễ hơn thì 6h30 sáng lại có hai đứa thanh niên áo xanh, đạp xe, chở nhau đến hàng cô mua đồ ăn. Vừa mua, cứ vừa nhẩm nhẩm tính tiền, mua cái này, không mua cái kia, sáng ăn gì, tối ăn gì. Cơ mà cô cũng thương, ngày nào cũng cho thêm đồ. Dọn dẹp nhà là nhẹ nhàng nhất. Dẹp cho gọn 9 cái gối, 9 cái mền, 3 cái mùng, xếp rồi cất 3 cái chiếu, 3 cái nệm được bà con cho mượn. Quét nhà, lau nhà, vậy là xong. Nhà có cái loa, cứ sáng sáng lại mở nhạc, kèm theo cái giọng í ới hát theo của cả nhà, lại càng rộn ràng hơn. Một ngày của nhà tôi bắt đầu như vậy đấy. 9 con người quây quần bên nhau. Mỗi người mỗi việc mà ấm cúng lạ kì.

Nội Xô, Tía Bô, Má Chải, Hai Vòi, Ba Gáo, Năm Cống, Sáu Thao, Út Cầu, Út Tiêu.

Nhà tôi có 9 người lận mà, nên lúc nào trong nhà cũng ồn ào như cái chợ ấy. Lúc nào cũng thấy đùa giỡn, thấy vui cười, thấy mọi người hát cùng nhau, thấy í ới gọi nhau. Nhà thì mỗi người một tính cách, người này bù đắp cho người kia. Anh Năm, chị Ba, Út Cầu, Má Chải nói nhiều, lại có Nội, Tía, Sáu, Hai với con cười nhiều. Vậy mà vui. Nhớ lắm mấy buổi tối khác xa cuộc sống trên thành phố. Cứ mỗi tối, sau khi cả nhà tắm xong lại quay ra ngồi vòng tròn, kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Chơi xong rồi họp nhà. Ngày nào cũng họp. Ngày nào cũng nghe Tía nêu công việc ngày mai cần làm cho bà con, nghe Má phân công nhân sự. Có Tía Má lo hết rồi, cứ yên tâm mà ngủ sớm mai có sức đi làm thôi hà.

Người Nội đứt đoạn, người Tía loạn ngôn, người Má sân si, con gái khẩu nghiệp, con gái mất dạy, con trai culi, con gái la sảng, út bủm, con gái đa sầu đa cảm. Hiểu nhau lắm, nên mới đặt tên như vậy đấy chứ.

Trẻ con Tổng Cui nghịch như quỷ…

… mấy con quỷ đáng yêu.

Về Tổng Cui, thanh niên đi làm hết nên chúng tôi chủ yếu hoạt động và chơi với thiếu nhi không à. Trẻ con đồng bào mà, chân thành lắm. Lũ nhóc còn hái bông tặng chúng tôi, rủ chúng tôi đi bắt cua, đi lên núi chơi đủ kiểu. Cơ mà quy định không cho mấy anh chị ra gần sông hồ suối, có đi được đâu. Nhìn cái mặt xìu đi của tụi nó, lại thấy thương. Có hôm thấy mấy anh chị đi bộ giữa trời nắng, mấy đứa nhóc cứ đòi chở về. Mỗi đứa một chiếc xe đạp, vậy mà trên con đường gần một cây số đến điểm trường chúng tôi dạy học, đứa thì đạp xe vòng vòng, đứa thì xuống dắt xe đi bộ, chỉ để đi cùng chúng tôi, nắm tay chúng tôi, nói chuyện với chúng tôi, hát cho chúng tôi nghe. Chúng tôi cũng chẳng dạy được gì nhiều cho các em trong cái lớp ôn tập hè ấy. Nhưng mà một ngày làm thầy, làm cô, mỗi buổi đến trường, lại được các em yêu thương, kính trọng nhiều hơn. Dạy các em nghe, bảo các em làm, cái này tốt, cái này không, cái gì nên làm, cái gì không được. Học trò của tôi là những chú nhóc da ngăm, mắt to, tóc xoăn, lông mi dài. Học trò của tôi là những đứa nhỏ gầy gầy, quậy phá, chạy nhảy đạp xe như những tay lái lụa, trèo cây leo tường, rượt cả bò nhà người ta chạy té khói. Học trò của tôi vậy mà lại đang ngồi học trước mặt tôi đây này. Tôi tự hào lắm. Chúng tôi cũng sẽ chẳng bao giờ quên những buổi sinh hoạt thiếu nhi sân nhà chú Ne lúc 6h30 tối 2,4,6. Quà bánh chúng tôi có không nhiều, cũng chẳng lớn. Vậy mà các em vẫn đến với chúng tôi, yêu chúng tôi như vậy đấy.

Bà Con Tổng Cui Lớn – gia đình lớn của chúng tôi…

…những người đã yêu thương, giúp đỡ chúng tôi với cả tấm lòng.

Chúng tôi, 9 con người thôi, và cũng chỉ 25 ngày ngắn ngủi, chưa làm được gì nhiều cho ấp, cho dân. Vậy mà mọi người yêu thương chúng tôi không kể xiết. Là những buổi phát quang có thanh niên theo phụ, những lần đào mương có các bác các cô chỉ bày, những chai nước mát kèm theo những câu hỏi thăm. Tôi nhớ nụ cười phúc hậu của cụ bà với những đứa trẻ xa lạ từ thành phố xuống. Nhớ cả cái xe ba gác của chú Phúc, chúng tôi cần là tới, chở chúng tôi và cả lũ nhóc ra xã, ra trường tiểu học Phước An A, ra cả xã Thanh Bình xa tít. Tôi còn nhớ cả bữa cơm nấu tại nhà cụ bà trong ấp ấm tình người. Bà cho chúng tôi mượn tấm vải thổ cẩm của bà, bắt từng đứa mặc lên người thành cái váy, bắt từng đứa chụp hình làm kỉ niệm. Nhớ lắm 3 cái nệm chú Quốc, chú Ne cho mượn ngủ để tối về đỡ lạnh. Nhớ những củ măng vừa hái về còn rỉ nhựa của chú Ne, chú Tho, những trái dưa hấu nhỏ xíu mà ngọt lịm của mẹ thằng Huy, thằng Tín, buồng chuối của chú Tho, chú Phúc, những bó rau muống to vật của bà con. Rồi đến cả những con gà, con vịt, rổ cua, ốc của mọi người vừa bắt được dưới ruộng, của chú Phúc mua sang. Là những món ăn của vợ chú Ne nấu sẵn, hộp bánh chuối của mẹ Huy, cả những bữa cơm lam, thịt quay, cháo vịt ngon vô cùng của mọi người. Bà con thương chúng tôi nhiều lắm, bà con nhận những li chè, những gói đông sương chúng tôi làm, cảm ơn rồi ăn thật ngon lành. Quà chẳng nhiều đâu, mà tình cảm thắm đượm.

24 ngày trôi qua như một cơn gió…

… thoáng nhanh, thoáng lạnh run người.

Chúng tôi sắp phải về rồi đấy, sắp phải xa mảnh đất này rồi. Tôi đã nhận ra điều đó ngay từ lúc nghe bọn nhỏ hỏi khi nào các anh chị về, nghe bà con hỏi thăm ngày nào mấy đứa đi. Ngày tháng trôi qua nhanh thật. 24 ngày rồi đấy. Đêm lửa trại chia tay, bà con đến đông kín cả sân bóng chuyền. Các cô các bác còn tặng cho mỗi người chúng tôi một chiếc áo thổ cẩm thật đẹp. Chú Phúc kể, chả phải do cấp trên chỉ đạo hay gì đâu, mà là do những cô, những bà, hằng ngày đi cạo mủ, đi chăn bò, nhìn chúng tôi, thương chúng tôi mà bàn với nhau để làm. Đã có những đứa nhóc khóc vì phải xa chúng tôi.. Tôi sẽ nhớ mãi thằng Huy, khóc nức nở ướt cả áo, xin đến nhà chúng tôi ngủ đêm cuối cùng, nhớ những thanh niên bận việc, gần 10h đêm ghé qua chỉ để giữ lời hứa tiễn chúng tôi ngày về. Nhớ cả căn nhà số 63 giờ đây không còn ai bày bữa lộn xộn. Nhớ rừng cao su bạt ngàn. Nhớ con đường đất đỏ đến đường lấm tấm bánh bò. Nhớ bọn nhỏ. Nhớ mấy chú, mấy anh, mấy cô, mấy bà. Nhớ Tổng Cui Lớn. Ngày về. Tất cả cảnh vật, con người nơi đây, như một thước phim đẹp vô cùng mà tôi muốn cất giữ mãi vào tim. “Ước gì anh chị mùa hè sau lại về”. Tôi cũng ước gì sớm được trở về lại nơi đây, cái nơi tôi đã coi là nhà, là quê của mình. Chuyến xe lăn bánh. Mưa lại rơi nhỏ giọt. Chúng con đi rồi mọi người có nhớ không? Chúng con nhớ mọi người lắm. Mùa hè của tôi kết thúc tại mảnh đất Bình Phước này. Chúng tôi gửi lại nơi đây một phần tuổi trẻ, một phần trái tim.

Lê Thị Minh Hạnh
Giải Nhất Cuộc thi viết “Xanh ký ức – Xanh trưởng thành”