5h chiều, khoảnh sân rộng trước mắt, và chúng tôi lặng nhìn nhau…
Tắm gội xong sau một ngày làm việc mỏi nhừ, tôi đặt nhẹ người xuống mái hiên trước nhà bà Năm Nang – ngôi nhà mới mang tên Nhà Cá của tám chiến sĩ chúng tôi. Rồi không biết từ bao giờ mà cây xoài, cây chuối, khóm rau hay bụi mướp đắng trước sân nhà bà đã quá đỗi thân quen. Nhớ mới ngày nào khi vừa đặt chân đến mảnh sân này, trong lòng tôi có thoáng chút hụt hẫng, cỏ dại um tùm, màu vàng úa của cỏ lá vẽ lên một màu ảm đạm cho căn nhà của người bà neo đơn. Vậy mà giờ đây, khi mảnh vườn được chúng tôi thay da đổi thịt, màu xanh cây cối hòa cùng sắc xanh trời chiều trông thơ mộng, yên bình đến lạ.
5h sáng, có tiến í ới gọi nhau “Nhà Cá ơi, dậy mau đi dạy, đi làm nè Nhà Cá ơiii!!!”…
Suốt những ngày đầu, tiếng gọi báo thức ấy khiến tôi phát cáu. Mặt trời còn chưa muốn thức mà tôi lại phải mở mắt dậy, bắt đầu một ngày mới của mình. Nhưng khi nhìn những gương mặt còn mơ màng đầy ngộ nghĩnh mà khó bắt gặp ở thành phố của anh Hai Heo, anh Ba Hán, chị Tư Chùi, chị Năm Mập, chị Sáu Nóc, em Tám Đuối và bé Út Chép, tôi lại thích thú vô cùng. Buổi sáng thanh bình, người thì đạp xe để kịp buổi chợ sớm, người thì giặt cả thau đồ to cho cả nhà, người thì nhặt củi nhóm bếp lửa nấu cơm sáng,… Quy định của chiến dịch là 7h phải ra khỏi nhà để làm công tác tình nguyện, nên lắm lúc chúng tôi ăn vội vài hạt cơm nguội cuối cùng vào trong miệng, vơ vội cái mũ, quấn nhanh cái khăn rằn lên người rồi cả đi nhanh ra khỏi cửa.
7h30 sáng, đàn trẻ nhỏ chạy ào ra ôm chầm lấy chúng tôi…
Đi bộ trên con đường đất đỏ dài gần hai cây số đến nhà văn hóa ấp, trên lưng còn thấm mồ hôi, thế nhưng ai trong chúng tôi cũng náo nức để được gặp bọn trẻ ấy. Cái đám nhóc ngày đầu còn rụt rè núp sau gốc cây cao su lén nhìn theo các anh chị, thế mà giờ đây chúng chạy ùa ra ôm chầm lấy chúng tôi: “Thầy cô ơi, hôm nay mình học múa nha, tụi con thích múa bài Chỉ thế thôi nhất”. Chúng tôi, mỗi người hai tay dắt hai đứa trẻ vào lớp. Những ngày đầu với thiên chức người gieo con chữ thật không hề đơn giản. Trẻ em nơi đây quen mùi mủ cao su hơn là mùi mực tím, nên rất lơ là việc học hành. Rất nhiều em hỏng kiến thức, việc trong thời gian một tháng với chỉ chưa đầy mười buổi dạy để lấp đầy lỗ hỏng ấy khiến chúng tôi trăn trở mãi. Từng ngày, chúng tôi cố gắng mang kiến thức đến cho các em một cách dễ hiểu nhất, theo em trong từng con chữ, dạy cho em từng phép toán. Thấy mỗi em đều hiểu bài, nét chữ ngày càng tròn trịa hơn, lòng người chiến sĩ cũng hạnh phúc vô cùng. Tình cảm chúng tôi dành cho bọn trẻ và tình cảm của bọn trẻ dành cho chúng tôi cứ thế lớn dần qua từng buổi học. Phải làm sao với những ngày tháng còn lại, khi số buổi dạy ngày càng ít dần. “Chị ơi khi nào anh chị về lại thành phố?” – “Còn lâu lắm em à!” – “Thôi chị đừng lừa em nữa, em biết rồi, còn tám ngày nữa thôi”.
13h, chúng tôi cõng nắng trên đôi vai mang màu áo xanh…
Tạm biệt giấc ngủ trưa nơi thành thị, giờ đây chúng tôi chọn hai mươi lăm buổi trưa hè đầy nắng nơi Bình Phước xa xôi. Mỗi buổi trưa là mỗi trải nghiệm mới tràn ngập nụ cười trẻ thơ với “Đường chạy nhí”, “Rung chuông vàng”, “Cánh diều tuổi thơ”,… và nhiều chương trình khác nữa mà chúng tôi tổ chức cho các em. Cũng có những buổi trưa khác vác cuốc trên vai phát hoang cây cỏ mà tiếng nhạc tình nguyện văng vẳng bên tai. Còn có những hôm sơn sửa nhà văn hóa mà bụi tường làm bạc phơ mái tóc xanh. Là do chính chúng tôi chọn, hay là do duyên mệnh sắp đặt chúng tôi gặp nhau trong mùa hè xanh này, để rồi cùng nhau mặc chung một màu áo, che chung dưới vành nón tai bèo, ở chung nhà, ăn chung mâm, nằm chung chiếu, để rồi từ đây gọi nhau là anh em.
Bảy Nục
Đội hình chuyên Thông tin