Tp.HCM, Ngày 1/8/2017
Để bắt đầu những dòng chữ này, mình đã ngồi thừ ra trong khoảng thời gian hơn nửa tiếng,.chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, khi mà nhắc đến ba chữ Mùa hè xanh, mọi cảm xúc trong mình cứ như mớ xi măng đất đá được trộn đều lên hết!
Có lẽ, kỉ niệm sẽ chẳng bao giờ được người ta nhắc đến nếu nó không được gửi kèm vào những nỗi nhớ. Mỗi một người chiến sĩ sau khi trở về từ chiến dịch, chắc chẳng ai mà chưa từng một lần thốt lên mấy chữ nhớ nhung ấy.
Nói nhớ cũng không hẳn là nhớ nhau, vì thực sự muốn gặp mặt mọi người chẳng phải chuyện khó gì, khi mà ở thời đại này, tụi mình chẳng cần phải viết thư tay, chẳng cần đi bộ hằng cây số ra bưu điện dán con tem giấy rồi chờ ngày thư hồi âm lại, chúng ta vẫn có thể thấy nhau qua zalo, facebook, vẫn có thể thấy đằng kia hôm nay thế nào, kiểu tóc mới ra sao. Thích thì bấm mấy con số rồi kể lể, thủ thỉ vài ba câu nói.
Mà nói nhớ, ấy là nhớ những ngày hè mà mình đã sống cùng nhau. Những ngày mà trên đầu là cái nắng chói chang của Bình Phước, thi thoảng lất phất vài giọt mưa bay, còn dưới chân là những mảng đất đỏ bám đầy vào quai dép, gấu quần. Những ngày mà chỉ cần liếc mắt qua bên phải, xoay đầu qua bên trái, quay lưng lại phía sau, thì những bóng áo xanh tình nguyện vẫn luôn xuất hiện trong tầm mắt của mình. Những ngày mà tưởng chừng chỉ cần tít mắt lại cười một cái, mắt chớp chớp hai cái, là nó đã qua đi.
Nhớ những ngày mới đến, đôi mắt mọi người lúc nào cũng đỏ hoe vì khói bếp cay nồng, vì những cành củi ướt chưa kịp hong khô sau những cơn mưa bất chợt. Mình còn nhớ bữa ăn tối đầu tiên, mắt mình cũng đỏ hoe, nhưng không phải vì khói, cũng không phải vì ăn trúng mấy trái ớt của Nội và của Út Xèo, mà vì đó là bữa cơm xa nhà đầu tiên của mình.
Nhớ những hôm đầu đi dân vận, con đường đất đỏ trơn trượt đầy sình lầy sau những cơn mưa đêm. Tía đi trước, nội, chị hai, chị ba rồi mấy đứa út đi sau, tay bám tay nhau. Chân thì đi vậy nhưng mắt thì hướng về những ngôi nhà khép chặt cánh cửa. Có những nhà đi lên rẫy, có những nhà vừa bước đến là cả dàn “bảo vệ” ra sủa ầm trời làm mấy chị em sợ toát cả mồ hôi, nhưng rồi cả đám vẫn kiên cường vào chào mọi người, vận động các em nhỏ tham gia lớp học hè. Có những nụ cười gượng gạo lắc đầu, có những ánh mắt nhìn xa lạ, ngại ngùng. Mình tin là những ngày đầu tụi mình đều sẽ có ít nhất đôi lần bối rối, chùn bước vì những cái nhìn ấy. Nhưng rồi đứa nào cũng cười toe toét, vì bên cạnh đó là những ánh mắt hiền hòa, những nụ cười chân chất của con người nơi đây, cả những cặp mắt tò mò và cái gật đầu “dạ có” đầy hứa hẹn của tụi nhỏ khi nghe tụi mình nói về lớp học hè, về những trận đá banh nảy lửa, về những sân chơi sinh hoạt, những câu hát điệu múa. Cái ánh mắt mong chờ đầy háo hức ấy lây lan ra cả cho tụi mình, khiến mình muốn mau mau tổ chức tất cả cho tụi nhỏ được tham gia một mùa hè thật ý nghĩa.
Nhớ những ngày đi chà nhám, sơn sửa đài tưởng niệm và nhà văn hóa, đứa nào cũng lấm lem cái màu vàng ngà ấy trên quần áo. Có đứa về giặt cho sạch để lấy áo mới đi dạy mấy đứa nhỏ cho đẹp, nhưng cũng có người để y nguyên vết sơn ấy làm kỉ niêm những ngày lao động “vất vả mà vui vẻ”. Nhớ có đứa vừa đẩy cây lăn vừa cười, sơn rải xuống như mưa lấm tấm hết cả mặt lẫn miệng, vậy mà nó vẫn nhe răng ra cười mãi không thôi.
Nhớ những ngày đi trồng đèn đường, mồ hôi ướt nhẹp cả mảng lưng của mọi người. Có những đôi bàn tay chưa từng chạm qua việc trộn xi măng, chưa từng cầm xà beng xúc đất, những đôi tay mà tưởng chừng chỉ có những ngày tháng cầm viết đến trường. Vậy mà tụi mình ai cũng hăng hái làm việc, cứ nghĩ đến những con đường đất khúc khuỷu, ngoằn ngoèo mà tối om sẽ được thắp sáng mỗi tối, giúp cho người dân không còn bị nguy hiểm khi đi về đêm, không còn chập chờn giấc ngủ vì lo trộm cướp, thì bên cạnh những khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, những ngón tay sưng tấy vì đào đất, cái cảm giác mệt mỏi khi ấy chỉ còn là một phần bé nhỏ còn lại giữa những niềm vui và tự hào.
Nhớ những bịch chôm chôm mà tụi mình nhận được từ bà con trên đường đi làm, đi dạy về. “Nè cầm lấy mà ăn đi, trời ơi mấy đứa ở đâu xuống mà làm cực quá à”.
Nhớ những hôm đi về tối, giữa ánh đèn pin lay lắt là tiếng hát rộn ràng của đám mình. Từ những bài mùa hè xanh của nội, cho đến những bản tình ca hát chệch tông của mấy tía con, hát hết bài này đến bài khác, cứ thế cho đến khi về đến con đường mòn quen thuộc dẫn vào nhà, giọng hát nghêu ngao một giai điệu nào đó, dù thi thoảng lệch nhịp và sai lời, vẫn vang lên trong màn đêm như vậy.
Rồi nhớ mãi những lần dạy học đến khan cả cổ họng, có những bài toán dạy hoài vẫn dang dở đáp số, chữ a bờ cờ còn vấp trên những vành môi tụi trẻ con Sóc Dầm, những cái nhăn nhó lắc đầu chán nản của tụi nhỏ. Thế là phải vừa học vừa chơi, vừa răn đe vừa dụ dỗ bằng những trận đá bóng sau giờ học, bằng những tiết mục văn nghệ kịch múa hát, bằng những ly chè đậu đen mát lạnh ngày hè, bằng những câu hứa “ráng đi rồi chiều nay qua nhà tụi chị chơiiii!”.Thế là lại bắt đầu tính toán, lại bắt đầu đọc lại những vần thơ.
Nhớ những ánh mắt tinh nghịch của tụi trẻ con, những tiếng ê a “chị Ú, chị Ú”, “tía ơi tía”, “thằng này nó dám đánh em nè” rồi bị phạt phải ôm nhau làm huề, những trò nghịch ngợm chọc phá bị mấy anh chị la, bị nhéo lỗ tai đến vừa cười vừa khóc xin lỗi, rồi những cái vòng cỏ được thắt thủ công “vô cùng tinh xảo” mà tụi mình nhận được từ đám con nít quỷ ấy. Những bịch chùm ruột chua chát mà Ốc tiêu đem qua biếu mình ăn với mắm ớt, những quả dừa tận tay tụi nhỏ hái trên cây đến trầy cả da chân, rồi những trái thanh long vừa chín tới, những trái bắp đem từ nhà qua. Mình biết đó là những gì chân thành, tình cảm nhất mà tụi nó dành tặng mấy anh chị. Dù nhiều lúc bị mấy anh chị mắng là nó lại liếc ngang dọc, giận dỗi “không thèm chơi với mấy anh chị nữa!”.
Nhớ “brom ư” là xinh gái, “ kà pư” là con trâu, “đang ưar” là yêu (dù chả biết mình nói đúng hay sai). “Muay, va, pei, puon, bram, brâu, po, pam, xênh, mận, chị đếm từ một đến mười chuẩn chưa??” Cứ ngồi hỏi rồi nghe tụi nó nói, nắn nót ghi lại những phiên âm mà mình chế ra. Ngày hôm đó mấy đứa nhỏ là thầy cô, còn mình là học trò, tụi nhỏ thích thú, cứ nhe hàm răng trắng tinh mà cười mãi thôi.
Nhớ cả những câu hỏi thỏ thẻ “chị Bèo ơi, khi nào chị về..?” “chị Bèo ơi chủ nhật là chị đi rồi hả?”.
Nhớ những lá thư tay được viết nguệch ngoạc, lỗi chính tả sai lên xuống của tụi nhỏ, những con hạc xanh đỏ được tụi nó tỉ mỉ gấp bỏ vào trong bịch, những cái vòng tay mà tụi nhỏ dành dụm tiền quà vặt, góp lại mua từ hàng chợ để tặng “thầy”, “cô”.
Nhớ hôm bế giảng cả cô lẫn trò khóc tu tu như ai dành mất phần kẹo, mắt đứa nào cũng đỏ hoe, nước mắt nước mũi tèm lem hết vạt áo.
Nhớ đêm cuối nhà mình ngủ với nhau ở “nhà”, chỉ cần thắp một cây nến, một giờ sáng, bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu tâm tư, cứ vậy mà tuôn ra hết.
“Chị đi nha” “Cô đi nha mấy đứa”“Con đi nha mẹ” “Tụi con đi nha cô, chú”.
Tụi nhỏ vậy mà nghe lời lắm, nó nghe mình nói đừng khóc, khóc sẽ làm anh chị khóc theo, làm mọi người không vui, vậy là tụi nó không ra tiễn thật. Xe sắp lăn bánh nhưng cũng chỉ lác đác vài ba đứa ra tạm biệt. Nhìn lại con đường đất đỏ cạnh Ủy ban dẫn về “nhà mình”, tự dưng nước mắt cứ trào ra. Tụi nhỏ ra tiễn sẽ buồn, mà không ra tiễn lại càng buồn. Rồi lúc ngồi lên xe, ra khỏi cổng, mình ngoái lại thấy tụi nhỏ đứng nép bên đường vẫy tay tạm biệt.
Mãi sau về thành phố mình mới nhận được tin nhắn của mấy đứa nhỏ, tụi nó nhắn, bảo xin lỗi vì không ra tận nơi tiễn được, sợ rồi sẽ khóc lóc bù lu làm mấy anh chị không vui, chỉ dám đứng đó tiễn mọi người đi thôi.
Trời ơi, sao mà mấy đứa ngốc quá vậy!
Mùa hè xanh bắt đầu trong mỗi chiến sĩ tụi mình là một cái gì đó rất ghê gớm. Đi để trải nghiệm nè, để sống một cuộc sống có vẻ khó xơi nè, để làm những công việc cực nhọc đến thở hì hục nè. Nhưng bên cạnh những hình ảnh tươi đẹp, oai phong ấy của chiến dịch, còn là những giọt nước mắt tủi hờn, những suy nghĩ khác biệt về cách sống, những mâu thuẫn về tính cách của mỗi một con người trong ngôi nhà. Có những ngày mình thắc mắc sao mùa hè xanh không còn “linh thiêng” giống như mình nghĩ nữa ta, sao nó trở nên bình thường quá vậy?
Thế rồi, đến cuối chiến dịch mình cũng đã tự tìm được cho bản thân câu trả lời. Vì hai mươi lăm ngày ấy tụi mình sống với nhau, đã không còn là hai mươi lăm ngày đi làm tình nguyện, không còn là tám chiến sĩ trong một điểm ở, mà đó là hai mươi lăm ngày sống và sinh hoạt cùng nhau, là tám con người trong một gia đình, là những trái tim rất đỗi đời thường, từng nụ cười, từng ánh mắt, từng sự quan tâm nhỏ nhặt dành cho nhau cũng dần như người thân trong nhà.
Nhớ ngày nhận được tin mình đi hai mươi sáu ngày, mẹ mình đã tròn mắt ngạc nhiên, suýt chút nữa là mình phải ở nhà. Nhưng rồi cái ngọn lửa mùa hè xanh trong lòng mình khi ấy cũng thuyết phục được ba mẹ, để rồi xách ba lô lên và đến với Hớn Quản. Để rồi có thêm một gia đình gắn bó, có thêm một đàn em ríu rít, có thêm một làng quê thân thương.
để rồi, nhung nhớ khôn nguôi…
Út Bèo
Tp.HCM, Ngày 3/8/2017
Trương Khánh Linh
Giải Nhì Cuộc thi viết “Xanh ký ức – Xanh trưởng thành”