Có được một cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng là điều vô cùng quan trọng. Phỏng vấn cho những vị trí cao trong tổ chức lại càng quan trọng hơn. Vì vậy bạn phải chuẩn bị thật kỹ như hiểu thật rõ về tổ chức, tập phỏng vấn trước…
Hiểu rõ về tổ chức
Khi nắm giữ vị trí quan trọng trong tổ chức, bạn cần phải hiểu thật rõ về tổ chức: công việc, cơ cấu hoạt động, tình hình nguồn lực… Bạn cần thu thập các thông tin liên quan. Đây là một trong các yếu tố quan trọng để có một cuộc phỏng vấn thành công.
Hãy chuẩn bị để trả lời câu hỏi “Bạn hiểu rõ như thế nào về tổ chức?" và "Vì sao bạn muốn làm việc ở vị trí đó?". Nắm được càng nhiều thông tin như tình hình hoạt động, kế hoạch, định hướng hoạt động của công ty sẽ giúp bạn tương tác nhiều hơn với nhà tuyển dụng…
Để làm được điều này, bạn có thể truy cập vào trang web của tổ chức, tìm hiểu qua những thành viên có kinh nghiệm để nắm rõ tiêu chí và các thông tin về vị trí ứng tuyển.
Thực hành trước
Tự thực hành trước nếu muốn cuộc phỏng vấn của bạn hoàn hảo. Bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, ghi âm hoặc ghi hình cuộc phỏng vấn thử để xem mình làm được những gì. Trên cơ sở đó, bạn phân tích được điểm mạnh, điểm yếu và có những thay đổi hợp lý.
Các biểu hiện trong cuộc phỏng vấn
Nhà tuyển dụng ngày càng chú ý nhiều hơn đến các biểu hiện của bạn trong cuộc phỏng vấn. Đó là cơ sở có thể đoán biết được rằng ứng viên đã làm được gì trong quá khứ và tương lai. Thay vì các câu hỏi phỏng vấn chỉ xoay quanh bạn có những kinh nghiệm gì, họ sẽ đưa ra các câu hỏi cụ thể xem bạn tích lũy được gì từ những việc đã làm.
Cách tốt nhất là suy nghĩ về các trường hợp bạn đã sử dụng thành công các kỹ năng đã có. Dành thời gian để liệt kê các câu hỏi dạng này và các kỹ năng, giá trị, ích lợi cũng như điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Nhấn mạnh những gì bạn có thể mang đến cho công ty chứ không phải thể hiện bạn đang mong muốn hay quan tâm điều gì.
Hãy nhớ rằng cuộc phỏng vấn không đơn giản chỉ là để bạn cố gắng có được công việc mà nó là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá xem tổ chức và vị trí này có hợp với bạn hay không.
Chuẩn bị thời gian cho cuộc phỏng vấn
Điều quan trọng là thời gian phỏng vấn. Thế là nào đến đúng giờ? Đúng giờ có nghĩa bạn nên đến sớm 10-15 phút. Cần phải biết tên người phỏng vấn để xưng hô và giao tiếp cho lịch sự. Bạn nhớ mang theo các thông tin cần thiết khác nếu bạn thấy có ích cho buổi phỏng vấn của mình.
Nói vừa đủ. Trả lời lan man, không tập trung vào vấn đề nhà tuyển dụng muốn biết sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá không tốt về kỹ năng giao tiếp của bạn. Để “nói đúng và nói đủ”, bạn cần nắm rõ phần mô tả công việc, yêu cầu công việc là gì, những điểm mạnh của bạn phù hợp với yêu cầu đó ra sao. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu trước về công ty và những câu hỏi phỏng vấn cơ bản để không bất ngờ hay nói lạc đề khi trả lời.
Biết mình, biết ta. Thái độ ứng xử trong buổi phỏng vấn là yếu tố quan trọng dẫn bạn đến cánh cửa thành công. Bạn cần cân bằng giữa sự tự tin, tài năng và lòng khiêm tốn. Đừng để tính tự mãn “lấn át” ngay cả khi bạn đang nhấn mạnh thành tích của mình.
Trả lời cụ thể. Nhà tuyển dụng thường đặt các câu hỏi để tìm hiểu hành vi trong quá khứ của ứng viên, họ tin rằng đây là cơ sở đáng tin cậy để dự đoán cách ứng viên xử lý công việc trong tương lai. Ví dụ nếu bạn viết trong hồ sơ “Khả năng giải quyết vấn đề tốt”, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn đưa ra một trường hợp cụ thể trong quá khứ chứng minh khả năng này của bạn. Khi gặp câu hỏi dạng này, bạn cần trả lời thật cụ thể bằng cách áp dụng C.A.R:
– Case – Tình huống: Bạn phải đối mặt với vấn đề gì? Tình huống lúc đó thế nào?
– Action – Hành động: Cụ thể bạn đã làm gì? Bạn đóng vai trò nào trong việc giải quyết vấn đề?
– Result – Kết quả: Kết quả ra sao? Bạn rút ra được kinh nghiệm gì?
Giữ bình tĩnh
Trong cuộc phỏng vấn, cố gắng luôn giữ bình tĩnh. Nếu có câu hỏi nào chưa rõ, bạn có thể yêu cầu nhà tuyển dụng nhắc hoặc giải thích lại. Nên dành một vài giây suy nghĩ trước khi trả lời từ tốn và rõ ràng để đi đúng vào trọng tâm câu hỏi.
Kết thúc cuộc phỏng vấn, hãy gửi lời cảm ơn vì tổ chức đã cho bạn cơ hội được tham gia phỏng vấn. Và không quên nhắc lại bạn đang thật sự quan tâm đến công việc này. Ngoài ra, khi về nhà, bạn có thể gửi một lá thư cảm ơn và hy vọng vào kết quả tốt đẹp của buổi phỏng vấn
– Sưu tầm và tổng hợp –