“Một cậu bé khoảng 8 tuổi, bị thiểu năng, bán vé số. Bước từng bước khó nhọc trên hè phố với xấp vé số trên tay. Ánh mắt ngây dại. Một người khách nước ngoài tốt bụng mua giúp em vài tấm vé và tặng em món đồ chơi nhỏ. Em vui sướng cầm món quà quí giá vừa nhận được đến khoe với những người đi đường. Gương mặt thơ dại, ánh mắt dậy lên một niềm vui khôn xiết. Em chạy nhảy tung tăng trên hè phố. Những bước chân khập khiễng nhưng mang đầy niềm vui, hạnh phúc. Rồi……. Em vấp ngã. Cuộc đời thật bất công với em, cuộc sống của em không được như bạn bè đồng trang lứa. Bệnh tật đã lấy đi những bản năng tự nhiên của con người. Em cố gượng dậy…. Thế nhưng, đôi tay ấy, đôi chân ấy, không cho em làm được điều ấy. Em vẫn ngồi đấy, cố gắng gượng dậy bằng cả sức lực của mình. Hai dòng nước mắt lăn dài trên má em. Gương mặt em, mệt mỏi, đau đớn và sợ hãi…. Dòng người vẫn tấp nập qua lại, trao cho em một ánh nhìn thương hại. Và…..họ bước đi, bỏ mặc em.”
Virus mang tên “vô cảm”!
Không thể phủ nhận rằng, căn bệnh vô cảm đang lây lan nhanh trong xã hội hiện nay, đặc biệt là trong giới trẻ. Nó như một loại virus gặm nhấm, hủy hoại từng tế bào xúc cảm của con người; họ chỉ trơ mắt trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ với những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Và hầu như họ trở nên vô tình, dửng dưng, sống theo chủ nghĩa “thân ai nấy lo, mạnh ai nấy sống”.
Ngày nay, khi đời sống vật chất của con người tăng thì xét theo mặt tiêu cực nào đó tính xã hội ngược lại càng ngày càng giảm đi. Sự gắn kết xã hội lỏng lẻo khiến con người trở nên thiếu trách nhiệm. Từ đó, con người mất dần niềm tin vào người khác, sống co lại, chỉ tập trung lo cho bản thân.
Có một sự thật không thể chối bỏ là, những câu chuyện về sự vô cảm của xã hội xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài, các trang điện tử. Bệnh vô cảm tự nhiên một cách đáng sợ len lỏi vào chốn học đường, nơi vốn được xem là môi trường trong lành nhất, nơi rèn đức luyện tài cho những chủ nhân của xã hội, với phương châm giáo dục: “Lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Dư luận đề cập ngày càng nhiều việc đánh nhau trong học đường, gây chấn động rất lớn cho xã hội. Điều không ai ngờ tới, không chỉ nam giới mà ngay cả nữ giới cũng kết bè kéo cánh đánh tập thể, đánh hội đồng với những hành động thiếu văn hóa và thô tục. Trong lúc đó những học sinh khác, và có khi một số giáo viên, người lớn cứ đứng xem. Đặc biệt, một số học sinh nam và cả nữ giới thấy thế vỗ tay, reo cười cổ vũ, rồi quay lại clip để tung lên mạng.
Mặt kia của đồng tiền
Người ta cho rằng căn bệnh vô cảm đang ngày càng lây lan rộng trong cộng đồng, xã hội mà trong đó, giới trẻ chính là đối tượng chủ yếu của căn bệnh. Tuy nhiên, “mỗi đồng tiền đều có hai mặt”, bên cạnh những hành động đáng chê trách đó, thì vẫn còn có những nghĩa cử cao đẹp được xã hội nói chung và thế hệ các bạn sinh viên nói riêng thực hiện, kế thừa và phát huy. Không nói đâu xa, đó chính là các chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, là những lần đi các mái ấm, nhà mở hay đơn giản chỉ là một hành động nhỏ như hiến máu nhân đạo, giúp một em nhỏ qua đường, nhường chỗ ngồi cho một bà cụ trên xe bus,…. Hay cứ đến mùa mưa bão, khi một khu vực nào đó bị lũ lụt, thiên tai, đã có hàng ngàn, hàng vạn người sẵn sàng đóng góp từ số tiền lương ít ỏi của mình để chia sẻ nỗi đau chung. Và rồi “miền Trung”, nơi đón nhiều trận bão nhất của Tổ quốc lại làm hàng triệu trái tim xót xa, lo lắng. Người ta có thể dễ dàng đọc được những dòng comment, những tình cảm thân thiết được gửi gắm đến miền Trung ruột thịt…. Cũng không thể không kể đến các hoạt động như “góp đá xây Trường Sa” được đông đảo người dân và các bạn sinh viên ủng hộ và thực hiện tích cực.
Mặc dù hành vi “vô cảm” bị truy tố pháp luật, có khung hình phạt hẳn hoi nhưng vấn đề ở đây không phải là muốn buộc tội nặng nhẹ, mà quan trọng hơn hết là làm sao để cứu mỹ cảm của thế hệ người Việt trẻ. Không ai khác đó là sự nỗ lực từ phía gia đình và nhà trường.
Cha mẹ hãy chia sẻ cùng con cái cảm xúc về những cuốn sách hay, những bức tranh đẹp,… Đó là lúc họ đã trao cho con cái mình chiếc chìa khoá để chúng tự mở ra cánh cửa thoát khỏi sự cô đơn trong cảm xúc thế hệ; thầy cô hãy dạy cho trẻ những bài học đạo đức ý nghĩa, những câu chuyện mang lại cảm xúc, giá trị nhân văn thay vì chỉ nhồi nhét những kiến thức khô cứng, những điểm số để ghi danh thành tích.
Sân chơi Let’s on air 2013
Và để tạo sân chơi cho các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thể hiện những suy nghĩ, góc nhìn nhận của mình về vấn đề thời sự đáng báo động này, nhóm truyền thông Sinh viên Scommunications trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức một chuỗi chương trình và cuộc thi mang tên Let’s on air 2013 liên quan đến truyền thông và căn bệnh vô cảm. Chương trình sẽ kéo dài trong gần một tháng hy vọng sẽ là chiếc cầu nối những trái tim trẻ, những trái tim khao khát đồng điệu và tràn đầy nhựa sống của những chủ nhân tương lai của đất nước.
“Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương” (Nhà văn Nga Mắcxim Goócki). Lựa chọn yêu thương và được yêu thương hay phớt lờ tất cả, co cụm cảm xúc với chính mình? Đã đến lúc mỗi người trẻ chúng ta suy nghĩ kĩ càng về câu hỏi này trước khi chính chúng ta cũng không biết tình thương của mình bay biến đi đâu mất rồi!
Tuyết Mai
uehenter.vn
S Communications