Gửi nhóc, chiến sĩ Mùa hè xanh của chị…

Cuối cùng thì Nhè cũng sắp trở thành một chiến sĩ mùa hè xanh rồi đấy nhé! Không biết N nghĩ gì về MHX, chứ với  Vân thì MHX đúng là 1 trải nghiệm đáng giá và đáng nhớ của thời sinh viên. Bởi, MHX với Vân là:
 
MHX là nơi Vân có những gia đình mới. Những con người không cùng huyết thống, không chung họ tộc nhưng yêu quí và đùm bọc nhau không thua những người thân trong gia đình. Vân nhìn bự con chứ yếu xìu, 2 MHX là 2 trận đau vật vã. Năm đầu tiên, ngã quỵ trước cái nắng, cái nóng của Lộc Ninh, năm thứ 2 lăn đùng ra ốm sốt vì những cơn mưa dầm của Phú Nghĩa. Lần nào, Vân cũng được quan tâm, chăm sóc thật nhiệt tình. Sống xa gia đình, ở nơi khỉ ho cò gáy, thân gái một mình, lúc ốm đau, có người nấu nước cho tắm, khi chìm đắm trong những uất ức của công việc, có đôi vai đồng đội dựa vào khóc ngon lành. Tình cảm chân thành nào dễ kiếm giữa những phù phiếm thấm đẫm bụi trần.
 
 
MHX đã dạy Vân những bài học chân thực từ cuộc sống, không màu mè, văn vẻ, cũng không ủy mị, bi ai. Bài học MHX – chân thực, gần gũi, mà lắm lúc cũng trần trụi đến tàn nhẫn. Mình vẫn thường nghe đâu đây trên tivi, trên báo hay trên Internet suốt ngày ra rả về việc trẻ em nghỉ học phụ giúp gia đình. Đến Lộc Ninh, Vân biết thêm, có những đứa nhỏ, không phải phụ giúp gia đình nhưng cũng không được đi học, vì học làm gì cho nhiều chữ. Về Phú Nghĩa, Vân biết thêm, có cô bé, nghỉ học ở nhà trông em cho mẹ bị bệnh quanh năm suốt tháng. Ở đây, cái đất Sài Gòn này, đôi khi, chị em mình tụ tập bạn bè, đi trà sữa café hay đơn giản là nhâm nhi ăn hàng cũng là điều đơn giản. Nhưng, về những vùng đất xa hơn, có những đứa trẻ, cả ngày gò lưng bên nia điều, bóc hạt, cạo vỏ cả ngày trời chưa chắc đã đủ 10 ngàn đồng. N thích ăn ngon, chỉ muốn ăn thịt, không thích ăn cá, ăn rau. Nhưng N có biết, có những đứa nhóc, mới 5 6 tuổi đầu, bát cơm lại chả thể có nỗi 1 miếng thịt mỡ. Tô cơm chan nước mắm, ăn với măng tre luộc bẻ trước nhà là bữa tối của một đứa con nít tuổi đời chỉ bằng một phần tư tuổi của Vân thôi đó. Vân còn nhớ, năm Vân đi Bù Cà Mau, có đứa học trò, đi học không vắng buổi nào, nhưng chỉ độc một bộ đồ gọi là tươm tất. Còn lại, về đến nhà là quần mòn, áo rách, “đầu đội trời, chân đạt đất” theo đúng nghĩa của nó… Còn nhiều, nhiều lắm những đứa trẻ như vậy. Những chuyến đi MHX này đã cho V biết, mình còn giàu có và sung sướng hơn rất rất nhiều người. Những thiếu thốn vật chất, tiền bạc bây giờ, có là gì so với người ta. Và Vân cũng nhận ra, tim mình không hẳn đã xù xì, chai sạn, vẫn có 1 chút gì đấy nghèn nghẹn khi nhìn đám trẻ con trong thôn chia nhau từng miếng bánh Trung Thu xoàng xĩnh giá có 5 nghìn đồng như một món ăn xa xỉ, ngon lành.
 
Trước khi là chiến sĩ, Vân đã nghĩ, MHX là một cái gì đó ghê gớm, là một điều gì đó đẹp đẽ và hào nhoáng. Nhưng rồi, đi đến nơi, làm từng việc, Vân mới biết, sức người có hạn, ta chả thể làm gì nhiều cho nơi mà ta đang ở. Sức sinh viên, cầm bút nhiều hơn cầm cuốc, đi xe nhiều hơn đi bộ thì làm sao có thể bì được so với những người dân quanh năm quen với mưa rừng gió núi, tay chân sạm một màu mưa nắng, ngón tay ngắn còn dính đất trong từng kẻ móng. Những gì Vân trông ngóng, đã vỡ tan tành trong MHX đầu tiên. Nhưng rồi, Vân lại nhận ra, dù sức ta chả làm được nhiều, nhưng ít nhất, tụi Vân đã cố gắng hết sức. Cố gắng hết khả năng của mình để làm theo những gì mà mình tin tưởng – tin tưởng vào những điều nhỏ bé, tin tưởng vào yêu thương và tin tưởng vào trái tim mình, còn đủ nóng để trao đi những yêu thương – chân thành, không vụ lợi. Vân sống người hơn, khi đi MHX đó nhóc à.
 
 N còn nhớ, hồi ở nhà, mẹ hay nói Vân vụng về, không biết chăm sóc ai. Nhưng, qua hai MHX, Vân lại là “phu nhân”, là “mama” của 2 gia đình. Không hiểu sao, Vân cứ lo, khi ai đó ăn chưa nó, cứ nghĩ khi 1 nhóc trong nhà có chuyện chẳng vui. Hình như, sống chung với những người cùng trang lứa, thiếu thốn đủ bề người ta đâm ra thương nhau hơn, quan tâm nhau hơn, như 1 thứ bản năng tự vệ của bầy đàn. Đừng nghĩ, đi MHX chỉ có công việc, có kỷ luật, vẫn có những phút giây thảnh thơi, tự tại, vẫn có những khi  bất ngờ, thấy mình lãng mạn hơn cả 1 thi sĩ. Sống chung với nhau chỉ hơn 20 ngày, nhưng, kỉ niệm thì nhiều vô kể. Đó có thể là những đêm vòng tròn tâm sự, chia sẻ nhau những điều thầm kín chưa chắc đã dám nói cùng ai. Có những đêm trăng sáng cả một vùng núi non, đom đóm lập lòe, một lũ trẻ ranh ngồi nói bâng quơ đủ thứ chuyện trên đời, dưới đất, kể nhau nghe những dự định khi sắp phải ra trường, rồi nằm ngủ bên nhau lúc nào không biết. Có những ngày mưa dầm rả rích, không thể đi đâu, cả nhà lại quay quần diễn kịch, tập hát râm rang cả một góc nhà. Rồi những đêm đi sinh hoạt thiếu nhi về, trời tối như bưng, 2 đứa chia nhau cái đèn pin, hôm nào trời mưa thì cả một nhà, san sẻ nhau 3 tấm áo mưa, chân đi, mà bụng lo thon thót, sợ trượt chân, vồ ếch, mà miệng thì cứ hát vang “mùa hè xanh, mùa hè xanh” cho đỡ sợ những bóng trắng chờn vờn trong tưởng tượng. Vui lắm, yêu lắm N à. Nhưng, nụ cười nào, cũng có những giọt nước mắt lặng lẽ âm thầm lăn trên má. Giọt nước mắt khi đống lửa trại chuẩn bị cả ngày cuối cùng lại dở dang vì 1 cơn mưa bất chợt đã nhỏ xuống trên gương mặt đứa con trai lầm lì, mạnh mẽ trong nhà; giọt nước mắt lại rơi khi một thành viên nào đấy trong gia đình phạm lỗi, mới đây thôi còn ma, con, anh chị, mà giờ, phải kỉ luật, kiểm điểm lẫn nhau. Rồi, có cả những giọt nước mắt khi nhìn lũ học trò mình chăm bẵm từng tí thua đau trong 1 trận cầu, hay giọt nước mắt của lũ học trò tiễn cô đi ngày cuối chiến dịch. Dáng người nhỏ xíu chạy theo xe, dúi vào tay “cô giáo nhỏ” lá thư viết còn đầy lỗi chính tả, đóa hoa rừng hái từ tối hôm qua để riêng tặng “thầy giáo trẻ”. Cứ thế, cứ thế, nụ cười và giọt nước mắt, nối đuôi nhau trong những ngày hè xanh…
 
Kể chuyện MHX, có lẽ phải mấy đêm dài kể cũng không hết. Nên, cứ đi và cảm nhận nhé nhóc. Đi để lớn hơn và đi để thấy đời thật hơn sách vở. Và đi, để nghe tim mềm và máu vẫn chảy trong ta.