Hành trình về miền sông nước

Sau gần 2 tuần căng thẳng với kỳ thi cuối kỳ, ngày 27 và 28/5 vừa qua, chúng tôi đã có chuyến đi chơi khó quên tại Đồng Tháp, một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Xe lăn bánh lúc 7 giờ tại cổng chính cơ sở B. Trời lúc này đang mưa rả rích. Cái õng ẹo của thời tiết Sài Gòn không ngăn được những gương mặt háo hức đang mong chờ một chuyến đi chơi thú vị. Bỏ lại sau lưng Sài Gòn phồn hoa, náo nhiệt, chiếc xe 35 chỗ ngồi đưa chúng tôi qua những vùng đất bình dị của tỉnh Long An và Tiền Giang. Điểm dừng chân đầu tiên là một vườn trái cây ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Sắc xanh thanh bình

Cả đoàn 30 người chúng tôi hoàn toàn bị màu xanh mướt mát của cây trái mê hoặc, nào bưởi, nào mít, sầu riêng, măng cụt, xoài,…, rồi những đám lục bình lững lờ trôi trên mặt nước, những cánh sen còn đẫm sương. Trong lúc tham quan vườn, chúng tôi phải đi qua những cây cầu bằng thân cây bắt ngang qua những dòng nước nhỏ. Có đứa hào hứng chạy lăng xăng, cũng có đứa nhút nhát rụt rè không dám qua. Nhưng hễ qua được cầu thì chắc chắn phải chụp cho bằng được một tấm hình “để đời”. Thật là một cảm giác lạ lẫm và thích thú! Tất cả mang đến cho chúng một cảm giác thật tươi mát và bình yên đến lạ, cái cảm giác mà ở nơi quanh năm khói bụi không bao giờ chúng tôi có thể cảm nhận được.

Theo dấu “Người tình”

Khoảng 11 giờ, chúng tôi rời Tiền Giang đi về thị xã Sa Đéc thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp. Điểm đến tiếp theo là Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, địa danh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đó là một căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp Á – Âu, với diện tích khoảng hơn 200 mét vuông. Nhà chia làm 3 gian, kiến trúc truyền thống của Pháp với gạch bông, kính màu nhập từ Pháp, bên trong trang trí theo kiểu người Hoa, với những nét chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng và cẩn xà cừ, tạo nên một không gian nội thất sinh động. Gian chính là phòng thờ tự với hình thờ Quan Công rất lớn đặt giữa nhà, phía sau là 2 gian phòng ngủ với nhiều vật dụng nội thất như gương, tủ rượu, bộ đi-văng.

527725_308222839261296_100002207484792_61693207_1604447841_n

Hình: Sinh viên NT1 tham quan Lăng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê không chỉ lôi cuốn chúng tôi bởi lối kiến trúc độc đáo, mà nó còn thu hút sự tò mò bởi đây là nhà của nhân tình đầu tiên của nữ thi hào người Pháp, bà Marguerite Duras, người sau này đã cho ra đời tác phẩm “Người tình” viết về mối tình của bà với ông Huỳnh Thủy Lê, được đạo diễn người Pháp Jean-Jaques Annaud chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 1992.

Rời nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chúng tôi tham quan chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách, do gia đình ông Huỳnh Thủy Lê công đức xây dựng. Đây cũng là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia của tỉnh Đồng Tháp. Chùa được xây dựng đậm nét kiến trúc Trung Hoa, với những bức tường họa đầy hình ảnh trong “Tây Du Ký”, “Tam Quốc Diễn Nghĩa”,… Sau khi nghe anh hướng dẫn giới thiệu về ngôi chùa, chúng tôi đốt nhang khoanh cầu an cho những người thân yêu của mình.

Sống lại lịch sử hào hùng

Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại điểm tham quan tiếp theo, khu di tích lịch sử – sinh thái rừng tràm Xẻo Quýt thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nơi ngày xưa đã được tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

Đến đây, trên những chiếc xuồng ba lá, các cô du kích đưa chúng tôi luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào khu di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông, hai bên là những hàng cây cao vút, xanh rì, được bao phủ bởi những dây bòng bong mềm mại. Tiếng mái chèo khua nước róc rách cộng với tiếng chim hót ríu rít trên cao trong một bầu không gian tĩnh lặng tạo nên cảm giác thư thái đến lạ kỳ. Xuồng đưa chúng tôi lướt qua hội trường, những nơi hội họp, sinh hoạt của cán bộ, bộ đội trong thời kỳ chiến đấu ác liệt.

Sau khi tham quan và ăn chiều tại Xẻo Quýt, chúng tôi trở về thành phố Cao Lãnh, nghỉ ngơi và vui chơi tập thể. Những chuyến đi chơi thế này khiến chúng tôi gắn kết nhau đến lạ. Chúng tôi thức thâu đêm để trò chuyện, chơi đùa, cười giỡn cùng nhau như thể sợ rằng nếu ngủ 1 giấc thức dậy sẽ không được gặp nhau nữa.

Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy lúc 8 giờ, sau vài tiếng đồng hồ ít ỏi chợp mắt. Sau khi ăn sáng, chúng tôi đi bộ ra điểm tham quan cuối cùng trong hành trình, nằm sát bên nhà nghỉ mà chúng tôi đang ở.

Điểm dừng chân cuối cùng của thân sinh Hồ Chủ tịch

Đó là lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Toàn bộ khu di tích gồm: mộ cụ Phó bảng, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Khu vực lăng mộ được thiết kế độc đáo, với vòm mộ hình hoa sen cách điệu, phía trên là 9 đầu rồng hướng ra ngoài, tượng trưng cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, ôm ấp chở che cho mộ cụ Phó bảng. Tại đây, chúng tôi được chị hướng dẫn giới thiệu về cuộc đời và hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Toàn bộ khung cảnh toát lên vẻ uy nghi mà giản dị, như chính lối sống và con người cụ.

Sau chuyến tham quan lăng cụ Phó bảng, chúng tôi trở về nhà nghỉ, dọn dẹp đồ đạc và lên xe ra về. 2 ngày 1 đêm đối với chúng tôi dường như quá ngắn ngủi. Trên xe, chúng tôi bắt đầu ca hát. Miền Tây sông nước mất hút dần sau từng vòng lăn của bánh xe. Có lẽ, đây sẽ một kỷ niệm khó quên trong ký ức mỗi chúng tôi. Qua hành trình này, chúng tôi biết thêm nhiều kiến thức mới, thấy yêu hơn quê hương đất nước mình. Nhưng trên hết, nó là thắt chặt tình đoàn kết thân ái của cả tập thể. Trong thâm tâm tôi chỉ muốn hét lên rằng: “Tôi yêu tất cả các bạn, Ngoại thương 1 – K36!”

Hân Trần (Sinh viên lớp NT1)

S Communications

uehenter.vn