[Hậu Hội Sách 2014] Xuất Hiện Một Thế Hệ Nhà Văn Trẻ

Đây là năm đầu tiên Hội sách TPHCM xuất hiện một thế hệ nhà văn trẻ đầy nội lực, họ khuấy động liên tục và thu hút hàng trăm ngàn lượt khách.

Văn hóa đọc đang dần quay trở lại

Những năm trước khi nhắc đến sách người ta sẽ nhớ ra ngay những cái tên Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… Đến năm nay, họ tiếp tục là “chiếu trên” với lượng độc giả đã có từ bấy lâu nhưng không còn là “độc tôn” bởi sự xuất hiện của rất nhiều những gương mặt mới.

Ngày đầu tiên Hội sách thu về 2.5 tỷ doanh thu, top 10 cuốn sách bán chạy nhất ngoài sách của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư và cuốn Hỏa ngục của Dan Brown ra, người ta bất ngờ bởi 4 cái tên trẻ: Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Jun Phạm.

Top 10 sách bán chạy nhất.
Top 10 sách bán chạy nhất.

TOP 10 sách bán chạy nhất Hội sách của Tiki.vn : Buồn Làm Sao Buông (Anh Khang); Người Yêu Cũ Có Người Yêu Mới ( Iris Cao); Yêu Đi Rồi Khóc (Kèm CD) Hamlet Trương; Đường Hai Ngả – Người Thương Thành Lạ (Anh Khang) ; Chúc Một Ngày Tốt Lành (Nguyễn Nhật Ánh); Hỏa Ngục (Dan Brown); Người yêu cũ có người yêu mới (Phiên bản đặc biệt) Iris Cao; Khóc Giữa Sài Gòn (Nguyễn Ngọc Thạch); Ngày Trôi Về Phía Cũ (Tái Bản Lần 5 – Kèm Audiobook) Anh Khang; Đảo (Nguyễn Ngọc Tư).

Tác phẩm của 4 cây bút trẻ có mặt trong Top 10 sách bán chạy tại Hội sách 2014.
Tác phẩm của 4 cây bút trẻ có mặt trong Top 10 sách bán chạy tại Hội sách 2014.

Nhắc đến Anh Khang, người gần đây được xem là “hiện tượng” khi nối gót nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tái bản sách trước khi phát hành. Số lượng sách bán ra của Anh Khang thuộc hàng đáng nể của làng sách (105.000 bản trong 2 năm), và cây bút trẻ này được sự săn đón của hầu hết những đơn vị phát hành.

Anh Khang xuất thân là học sinh giỏi cấp quốc gia, được đặc cách tuyển thẳng vào Đại Học và trở thành một phóng viên cho một tờ báo Kinh Tế lớn khi tuổi đời còn rất trẻ. Khả năng sử dụng từ ngữ phong phú, giàu cảm xúc đã giúp Anh Khang viết nên những tản văn lay động trái tim giới trẻ khi bất ngờ họ thấy mình trong đó.

Cuốn sách mới “Buồn làm sao buông” ra mắt đúng dịp Hội Sách 2014 ngay lần đầu “xuất xưởng” đã khuấy động giới trẻ với sự đầu tư lớn về nội dung lẫn hình thức, hằng ngàn bạn trẻ đã đến , đứng đợi để được tác giả kí tặng cho đến tối mịt suốt nhiều ngày liền đã chứng tỏ sức hút quá lớn của một Anh Khang ngọt ngào, sâu lắng.

Anh Khang với
Anh Khang với "Buồn làm sao buông"

Cô gái trẻ Iris Cao cũng gây ấn tượng mạnh với “Người yêu cũ có người yêu mới” khi 40.000 bản sách bán ra trong thời gian vỏn vẹn 2 tháng. Con số đáng nể này khiến nhiều cây bút khác phải “dè chừng” khi Iris Cao đối văn chương thật ra chỉ là “nghề tay trái”.

Cô chia sẻ rằng khoảng thời gian du học ở Singapore đã giúp cô có cảm hứng với viết lách. Cô viết blog vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trào dâng trong lòng hằng ngày. Dần dần thói quen viết lách đã giúp Iris Cao có được những tác phẩm đầu tiên.

Thế mạnh của Iris Cao chính là nét hiện đại, hợp thời hiếm ai có được. Iris Cao không mang một dáng vẻ từ tốn, chậm rãi thường được nhìn thấy ở một người viết văn mà trái lại cô gái năng động làm việc trong ngành giải trí này cực kì “nổi loạn”.

Sự “nổi loạn” đó cộng với óc quan sát tinh tế và một trái tim nhạy cảm, biết yêu thương đã giúp Iris Cao ghi điểm lớn khi chạm được vào những cảm xúc mà ai cũng từng trải qua nhưng ít người gọi được tên.

Iris Cao và Hamlet Trương
Iris Cao và Hamlet Trương

“Hiện tượng” tiếp theo của làng sách trong những năm gần đây chính là chàng ca sĩ, nhạc sĩ Hamlet Trương. Hamlet Trương ra sách từ năm 2011, trở thành nam ca-nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam có một tác phẩm văn học.

Cứ thế đều đặn mỗi năm một tác phẩm, người ta bắt đầu quen dần và cảm thấy thích thú trước một người nghệ sĩ vừa thuộc về sân khấu lại vừa đam mê con chữ. Hamlet Trương là kẻ dạo chơi giữa các ranh giới và khái niệm.

Cậu có những khả năng trời phú và xuất sắc trong việc kết hợp chúng lại với nhau. Hamlet Trương từng chia sẻ, cậu có thể không hát hay nhất, không sáng tác hay nhất, không viết văn hay nhất, nhưng cậu có thể cùng phối hợp nhuần nhuyễn 3 lĩnh vực này với nhau để cùng tạo hiệu ứng.

Người có lối chơi độc đáo thú vị như thế tạm thời showbiz Việt chỉ có một Hamlet Trương. Tác phẩm Hamlet Trương không chỉ được ủng hộ bởi giới trẻ, mà các bậc phụ huynh cũng rất “tin dùng” vì những cuốn sách này chủ tâm hướng người đọc vào một cuộc sống nhân hậu, biết quan tâm và yêu thương những giá trị nền tảng của đời người như gia đình, bạn bè, tình yêu.

Lần đầu tiên tại Hội sách, các bạn trẻ yêu sách xếp hàng ký tặng sách đông như vậy mỗi khi xuất hiện 4 tác giả trẻ này.
Lần đầu tiên tại Hội sách, các bạn trẻ yêu sách xếp hàng ký tặng sách đông như vậy mỗi khi xuất hiện 4 tác giả trẻ này.

Truyền thông cho sách, nên hay không nên?

Các tác phẩm mới của những nhà văn trẻ này khi thắng lớn đã mang về doanh thu khổng lồ tính bằng tiền tỷ cho nhà sản xuất, vực dậy bộ máy ì ạch, đổi mới nhiều mặt của những hoạt động ngành sách. Người ta không còn “ngáp lên ngáp xuống” khi ghé qua những buổi trò chuyện giáo điều, mà giới trẻ háo hức ghé đến những buổi họp mặt để nhận chữ kí tác giả, nghe hát, xem video hoặc thậm chí chỉ cần… xem mặt thần tượng.

Trong quan niệm của nhiều người, những gì thuộc về con chữ đều phải lặng lẽ, không nên quá ồn ào. Nhưng đó cũng chỉ là một quan niệm mang tính cá nhân, chứ không thể xem là yêu cầu bắt buộc mang tính truyền thống hay đạo lý.

Một tác phẩm không bán được sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trước tiên là sự ì ạch của nhà sản xuất, sau đó là nỗi chán nản của tác giả khi đứa con tinh thần không đến được với nhiều người. Nổi lên trong làng sách là công ty Minh Châu Books với các tác phẩm của Iris Cao, Hamlet Trương, Nguyễn Phong Việt… cùng cách thức “quảng bá rầm rộ”, tổ chức các buổi giao lưu thân mật, không nhàm chán… cho các sản phẩm của mình.

Rất nhiều bạn đọc hào hứng đến với “Buổi ra mắt phiên bản đặc biệt Người yêu cũ có người yêu mới”, hay “Đêm nhạc ký tặng sách Hamlet Trương” do Minh Châu Books tổ chức ngay trong Hội sách 2014… Và, vô tình hay hữu ý của truyền thông mà Hamlet Trương, Iris Cao cũng đều có mặt trong TOP 5 sách bán chạy nhất Hội sách 2014.

Đêm nhạc ký tặng sách của Hamlet Trương.
Đêm nhạc ký tặng sách của Hamlet Trương.

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ công khai trên FB cá nhân: “Sáng nay, tôi tham dự buổi “Giao lưu và giới thiệu 14 tác phẩm thuộc tủ sách Văn học 8X” của nhà xuất bản V.. Trong bài phát biểu của mình, cũng như bài nói chuyện của một số nhà văn có sách ra mắt, có một ý luôn được họ nhấn mạnh: Nhà xuất bản V. đã giới thiệu đến với mọi người những tác giả trẻ thuộc dòng văn chương đích thực. Độc giả trẻ bây giờ rất hoang mang khi bị lẫn lộn bởi những thứ gần giống như văn chương. Như ngay trong Hội sách này đây, có rất nhiều cuốn sách không có nhiều tính văn chương nhưng vẫn được chào đón trong khi những tác phẩm văn chương đích thực lại khó đến tay người đọc…

Như đã nói rất nhiều lần trước đây, tôi ít khi nào dám nhận bản thân là nhà văn. Chỉ đơn thuần là một người kể chuyện, khá khẩm lắm thì được gọi là tác giả. Vì vậy, những thứ tôi viết ra, có thể được đánh giá không phải là văn chương cũng chẳng sao, vì đam mê, tôi sẽ vẫn viết. Nhưng nghe lời nói của những bậc đi trước như vậy, tôi không khỏi chạnh lòng.

Văn của các anh chị ở tủ sách 8X, thật sự rất hay, rất đẹp, nhưng nó cần một độ sâu nhất định của trải nghiệm, và lứa tuổi độc giả.  Làm sao có thể bắt những bạn trẻ 17 đến 20 đọc một cuốn sách nặng về tình cảm gia đình, về hi sinh cho con, về vung vén cho chồng… trong khi cuộc sống xung quanh các bạn hiện tại là những tình yêu vụng dại, là facebook, là những trăn trở về đam mê, về sự nghiệp trước mắt?

Làm sao có thể bắt những bạn trẻ chưa từng đặt chân ra nước ngoài, lại tưởng tượng rằng mình đang sống ở đất Mỹ xa xôi, ngồi nhớ về từng mảnh đất quê hương, từng món ăn dân dã, từng điệu lý câu hò?

Làm sao các bạn có thể bắt những bạn trẻ phải ngồi hồi tưởng, nhớ về chiến tranh, mất mát để đau đớn cho nhân vật khi các bạn ấy lớn lên trong thời bình? Và vì vậy, các bạn trẻ ấy chọn thứ gần gũi với mình hơn, nơi mà họ có thể nhìn thấy bản thân mình trong từng câu chữ, từng hơi thở của nhịp sống xung quanh họ, và vì nó dung dị, nó không hoa mỹ, nên nó được gọi là “gần giống văn chương”.”

Sách văn học suy cho cùng cũng là một sản phẩm, mà để sản phẩm đến được tay người dùng thì bắt buộc phải có truyền thông. Chúng ta không thể nhập nhằng khi mang nội dung và doanh thu trộn lẫn vào nhau rồi phán xét, hay dùng khái niệm “văn chương đích thực” để mang ra làm “bình phong” cho ý muốn cạnh tranh không lành mạnh.

Bởi như đã chia sẻ ở đầu bài viết, những giá trị “Nguyễn Nhật Ánh” hay “Nguyễn Ngọc Tư” cho đến tận hôm nay vẫn luôn bán rất chạy. Như vậy, độc giả không đứng về phía một tác giả, là lỗi của ai?

Hamlet Trương và Iris Cao ký giao lưu, ký tặng tại Hội sách.
Hamlet Trương và Iris Cao giao lưu, ký tặng tại Hội sách.

“Gia đình văn hóa” dễ thương của làng sách

Trong một buổi họp báo cuốn sách “Nếu như không thể nói nếu như” của ca sĩ trẻ Jun Phạm (Nhóm 365), nhà văn Anh Khang đã chia sẻ vui về khái niệm “gia đình văn hóa” gồm anh, Iris Cao, Hamlet Trương và Jun Phạm.

Họ đều trẻ, được đông đảo bạn trẻ biết đến và hết lòng hỗ trợ cho nhau trong từng dự án sách mới. Khi một người ra tác phẩm, những nhân vật còn lại sẽ tổng lực quảng bá và trong buổi kí tặng của ai thì những người còn lại đều có thể kí tặng sách riêng vì độc giả luôn biết rằng họ sẽ cùng có mặt.

Khái niệm vui rất dễ thương này cho thấy sự thông minh của những cây bút trẻ khi thay vì bài xích, đố kị nhau, họ đã chọn con đường cùng tiến. Một chú chim hay, có thể từ chối không hót giữa một bầy chim, nhưng một bầu trời thì chưa bao giờ chỉ-có-một-vì-sao.

"Gia đình văn hóa" gồm 4 nhà văn: Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao và Jun Phạm (nhóm 365).

“Gia đình văn hóa” gây náo loạn Hội sách 2014 đã để lại nhiều dấu ấn. Lần đầu tiên người ta thấy nhà văn mà “chạy show” từ gian hàng này qua gian hàng khác, được đón nhận không khác gì “ngôi sao thần tượng”, lần đầu tiên thấy nhà văn Hamlet Trương sẵn sàng mướt mồ hôi đứng lên bàn hát tặng cho độc giả của mình, lần đầu tiên thấy buổi kí tặng nào cũng diễn ra đông đúc và kết thúc thật trễ, và một câu nói của một nhà văn trẻ thôi cũng có thể cứu lấy một tâm hồn trẻ đang cô đơn hay chỉ một câu chúc có thể khiến một người quyết tâm thi đỗ Đại Học…

Cũng có thể người ta sẽ thấy những nhân vật này sao mà “thảo mai” quá, chỉn chu quá. Nhưng chí ít họ cũng không mang những thông điệp tiêu cực vào đời sống giới trẻ, hình ảnh cá nhân lẫn các phát biểu đều văn minh, chọn lọc. Một thế hệ nhà văn dễ thương như vậy, chúng ta còn mong đợi gì hơn nữa?

Hamlet Trương mướt mồ hôi leo lên bàn hát tặng khán giả.
Hamlet Trương mướt mồ hôi đứng lên bàn hát tặng độc giả.

Theo baodatviet.vn

www.UEHenter.com
S Comunications